Trên 80% bệnh nhân ung thư đường tiêu hoá bị suy dinh dưỡng
Đây là tỷ lệ bệnh nhân ung thư đường tiêu hóa bị suy dinh dưỡng ghi nhận tại Bệnh viện Bình Dân. Trước vấn đề đó, tại CISE 2025, BS.CK1 Đinh Ngọc Diệp đã đưa ra những công cụ đánh giá tình trạng dinh dưỡng, các khuyến cáo cho bệnh nhân trước và sau phẫu thuật đường tiêu hóa về can thiệp dinh dưỡng.

BS.CK1 Đinh Ngọc Diệp - Trưởng khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Bình Dân thông tin, bệnh nhân phẫu thuật ung thư đường tiêu hóa có nhiều chuyển biến và tăng tiết một số chuyển hóa, gây ra hormon stress và các chất trung gian gây viêm, tăng nguy cơ suy dinh dưỡng và các biến chứng sau phẫu thuật. Suy dinh dưỡng làm gia tăng các nguy cơ như nhiễm trùng, chậm lành vết thương, kéo dài thời gian nằm viện, tăng chi phí y tế và nguy cơ tử vong.
Theo thống kê, tỷ lệ suy dinh dưỡng ở bệnh nhân ung thư đường tiêu hóa tại Bệnh viện Bình Dân lên tới 80,7%, tỷ lệ này ở bệnh nhân ung thư dạ dày tại Bệnh viện Ung Bướu TPHCM là 83,3% (tác giả Trần Thị Anh Tường). Điều này cho thấy việc sàng lọc và đánh giá dinh dưỡng là bước không thể thiếu trước phẫu thuật.
Hiện nay, Bệnh viện Bình Dân đang sàng lọc và đánh giá tình trạng dinh dưỡng theo công cụ NRS 2002 cải tiến của trung tâm dinh dưỡng. BS.CK1 Đinh Ngọc Diệp cho rằng, đối với bệnh nhân ung thư cần một công cụ đánh giá toàn diện về nhân chắc học, khẩu phần ăn, khám lâm sàng và cận lâm sàng.
PG-SGA là công cụ được Hiệp hội Dinh dưỡng Tiết chế Hoa Kỳ khuyến cáo sử dụng để đánh giá tình trạng dinh dưỡng cho người ung thư.
BS.CK1 Đinh Ngọc Diệp cho biết, PG-SGA đánh giá toàn diện dựa trên thể trạng, khẩu phần ăn, triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng, phân loại tình trạng dinh dưỡng theo 3 mức độ:
PG-SGA-A: tình trạng dinh dưỡng tốt
PG-SGA-B: suy dinh dưỡng mức độ nhẹ, trung bình
PG-SGA-C: suy dinh dưỡng mức độ nặng, cần can thiệp dinh dưỡng trước phẫu thuật từ 7-14 ngày.
Về can thiệp dinh dưỡng trước mổ tại Bệnh viện Bình Dân, đang thực hiện theo quy định ngưng ăn trước mổ: bữa ăn chính muộn nhất lúc 22 giờ, ăn nhẹ đến 0 giờ và ngưng uống nước 5 giờ trước ca mổ.
Lưu đồ can thiệp dinh dưỡng trước phẫu thuật được bác sĩ chia sẻ, đối với bệnh nhân không suy dinh dưỡng, chế độ ăn trước mổ được bổ sung 1-2 bữa phụ bằng ONS (thực phẩm bổ sung dinh dưỡng đường uống), đáp ứng ít nhất 1ml/ kcal và ít nhất 4g đạm/100ml.
Đối với bệnh nhân suy dinh dưỡng trì hoãn phẫu thuật 7-14 ngày, ưu tiên hàng đầu vẫn là đường miệng. Trong trường hợp đường miệng ăn kém từ 3-5 ngày, có thể sử dụng nuôi ăn qua sonde. Đây là giai đoạn cần theo dõi sát tình trạng điện giải để phòng ngừa hội chứng nuôi ăn lại.
Sau phẫu thuật, BS Diệp nhấn mạnh: “Nếu có thể, nên bắt đầu cho ăn đường miệng sớm trong vòng 24 giờ sau mổ. Nếu bệnh nhân không thể ăn bằng miệng trong 7 ngày, nên nuôi ăn qua ống thông, và cũng nuôi trong 24 giờ. Nếu ăn qua đường miệng không cung cấp đủ 60% nhu cầu trong 10 ngày, cũng nên nuôi ăn qua ống thông”.
Ngoài ra, nếu dinh dưỡng đường tiêu hóa dưới 50% nhu cầu trong 3-5 ngày sau phẫu đối với bệnh nhân suy dinh dưỡng hoặc 5-7 ngày đối với bệnh nhân không suy dinh dưỡng, cần phối hợp thêm dinh dưỡng tĩnh mạch.
BS.CK1 Đinh Ngọc Diệp nhận định, quá trình hồi phục bệnh nhân phẫu thuật ung thư đường tiêu hóa cần tăng dần năng lượng: ngày 1 cung cấp <10 kcal/ngày, đạm khoảng 0,6g/kg/ngày. Từ ngày 2, ngày 3 tăng năng lượng từ 10-15 kcal/kg/ngày cho đến ngày 4 thì tăng từ 20-25 kcal/kg/ngày. Đồng thời bổ sung thêm vitamin B1 đường tĩnh mạch hoặc dạng uống; bổ sung vi chất đầy đủ. Bên cạnh đó, nên theo dõi sát các chỉ số phosphor, kali, magie để phòng tránh hội chứng nuôi ăn lại.

>>> Bệnh viện Bình Dân: “Ngọn hải đăng về sự xuất sắc trong đổi mới phẫu thuật tại Đông Nam Á”
>>> Cắt u phổi bằng robot - Điều trị ung thư phổi xâm lấn tối thiểu tại Bệnh viện Bình Dân
>>> Giảm thiểu biến chứng trong tán sỏi thận qua da
>>> Nội soi niệu quản bằng ống mềm: Tối ưu hóa kỹ thuật, nâng cao hiệu quả điều trị
>>> TURBT - Phẫu thuật “khó nhằn” trong tiết niệu: Khi kinh nghiệm quyết định chất lượng ca mổ
>>> Nguyên tắc quản lý thời gian hiệu quả cho nhân viên y tế
>>> Đánh giá toàn diện bệnh nhân mắc hội chứng bàng quang tăng hoạt để điều trị hiệu quả
>>> TOT hay TVT - Đâu là phương pháp tối ưu để điều trị tiểu không kiểm soát ở phụ nữ?
>>> Ung thư gan có tỷ lệ tử vong gia tăng nhanh nhất trong tất cả các loại ung thư
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình