Nội soi niệu quản bằng ống mềm: Tối ưu hóa kỹ thuật, nâng cao hiệu quả điều trị
Tại CISE2025, GS.BS Ralph V. Clayman (Đại học California - Irvine, Hoa Kỳ) đã mang đến những cập nhật quan trọng về kỹ thuật nội soi niệu quản bằng ống mềm - phương pháp ít xâm lấn đang ngày càng được ưa chuộng trong điều trị sỏi tiết niệu. Bài báo cáo đã chỉ ra nhiều yếu tố then chốt giúp nâng cao tỷ lệ sạch sỏi và tối ưu hóa hiệu quả điều trị.

Nội soi niệu quản bằng ống mềm (fURS) là kỹ thuật can thiệp tiên tiến, đặc biệt hữu hiệu trong điều trị sỏi niệu quản và sỏi thận. Theo GS.BS Ralph V. Clayman, để đạt hiệu quả tối ưu trong fURS, cần đồng bộ nhiều yếu tố từ tư thế bệnh nhân, thiết bị hỗ trợ cho đến lựa chọn công nghệ laser phù hợp.
Việc đặt bệnh nhân ở đúng tư thế có thể hỗ trợ đắc lực cho thao tác phẫu thuật. Khi tán sỏi niệu quản, nên đặt bệnh nhân ở tư thế Trendelenburg ngược (đầu cao, chân thấp) 40 độ để hạn chế sỏi “chạy”. Ngược lại, với sỏi thận, tư thế Trendelenburg (đầu thấp, chân cao) 20 độ giúp tiếp cận tốt đài dưới và hỗ trợ gom mảnh sỏi về đài bể thận - thuận lợi cho việc lấy sỏi bằng rọ.
Thiết bị hiện đại - Chìa khóa tiếp cận sỏi khó
GS.BS Clayman đặc biệt khuyến nghị sử dụng Kumpe Catheter 5.5F để xử lý những viên sỏi khảm hoặc có vị trí phức tạp. Ngoài ra, access sheath được cho là giúp giảm tỷ lệ thủng niệu quản, rút ngắn thời gian mổ và kéo dài tuổi thọ ống soi. Tuy nhiên, chuyên gia cảnh báo: nếu gặp khó khi đưa sheath vào, tuyệt đối không cố dùng lực vì niệu quản rất mỏng manh, dễ tổn thương.
Theo GS.BS Clayman, chỉ cần 8 Newtons là đủ xuyên thủng niệu quản. Nếu áp lực dưới 4 Newtons, có thể không cần đặt lại stent.

Về công nghệ tán sỏi, Thulium Fiber Laser đang chứng minh lợi thế vượt trội: dây tán nhỏ (150 micron), công suất cao (500 watt), giúp tán sỏi thành bụi. Dù vậy, laser này cũng tạo nhiệt lớn, nhất là trong lòng niệu quản, nên cần thao tác cẩn trọng.
GS Clayman phân tích hai hướng tán sỏi phổ biến:
- Tán mảnh: chia sỏi thành từng phần lớn, gắp ra ngoài.
- Tán bụi: dùng laser mạnh tán sỏi thành mảnh nhỏ. Tuy nhanh và dễ, nhưng rủi ro còn sót sỏi cao. Theo nghiên cứu, 20% bệnh nhân có sỏi <2mm vẫn cần mổ lại sau 4,2 năm.
Đáng chú ý, các loại access sheath mới như ClearPetra, Elephant-II, Innovex giúp cải thiện tỷ lệ sạch sỏi lên tới 95% và giảm tỷ lệ nhiễm khuẩn huyết từ 10% xuống còn 3 - 4,7%.
GS Clayman khuyến cáo sử dụng three-way stopcock để tiêm thuốc cản quang trong lúc soi, kết hợp quan sát bọt khí trong bể thận nhằm xác định chính xác vị trí tán sỏi. Ngoài ra, công nghệ CMOS + LED cho hình ảnh rõ nét hơn so với các máy fiber optic đời cũ, mở rộng khả năng chẩn đoán và xử trí các tổn thương phức tạp.
Cuối cùng, GS.BS Clayman kết luận: “Điều trị sạch sỏi mới được xem là đã khỏi hoàn toàn. Nếu không, bệnh nhân phải quay lại điều trị bất cứ lúc nào”. Sau tán sỏi 3 tháng, bệnh nhân nên thực hiện CT-scan để đánh giá hiệu quả điều trị một cách chính xác nhất.
>>> Bệnh viện Bình Dân: “Ngọn hải đăng về sự xuất sắc trong đổi mới phẫu thuật tại Đông Nam Á”
>>> Cắt u phổi bằng robot - Điều trị ung thư phổi xâm lấn tối thiểu tại Bệnh viện Bình Dân
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình