Cắt u phổi bằng robot - Điều trị ung thư phổi xâm lấn tối thiểu tại Bệnh viện Bình Dân
Bệnh viện Bình Dân là một trong những cơ sở y tế tiên phong tại Việt Nam ứng dụng công nghệ phẫu thuật robot để điều trị bệnh lý lồng ngực, từ năm 2016. BS.CK2 Nguyễn Văn Việt Thành cùng cộng sự đã tiến hành nghiên cứu đánh giá kết quả sớm của phẫu thuật robot trong điều trị u phổi, nhằm xác định tính an toàn và hiệu quả của phương pháp này so với các phương pháp truyền thống.

Nghiên cứu được thực hiện trên 26 bệnh nhân tại khoa Ngoại Lồng ngực - Bướu cổ, Bệnh viện Bình Dân từ tháng 11/2023 đến tháng 12/2024. Phương pháp nghiên cứu là mô tả hàng loạt ca, với tiêu chí đánh giá bao gồm đặc điểm bệnh lý, thời gian phẫu thuật, biến chứng hậu phẫu, thời gian nằm viện và mức độ đau sau mổ.
Trong số bệnh nhân tham gia nghiên cứu, tỷ lệ nam/nữ là 1,6:1, với độ tuổi trung bình là 61,69 tuổi. Đáng chú ý, 50% bệnh nhân có tiền sử hút thuốc, với mức trung bình 23,08 gói/năm. Khoảng 26,9% bệnh nhân có tiền căn ung thư đại trực tràng, và 42,9% bệnh nhân được chẩn đoán ung thư phổi thứ phát.
Về phân loại bệnh lý: Ung thư phổi không tế bào nhỏ chiếm 61,5%, trong khi u lành tính chiếm 15,4%. Các trường hợp ung thư phổi thứ phát và lao phổi cùng chiếm tỷ lệ 11,5%.
ThS.BS.CK2 Nguyễn Văn Việt Thành - Trường khoa Lồng ngực - Bướu cổ, Bệnh viện Bình Dân cho biết, vị trí được phẫu thuật nhiều nhất là thùy trên phổi phải (30,8%). Trung bình một ca phẫu thuật robot kéo dài 165 phút, với lượng máu mất trung bình là 105 ml. Con số này thấp hơn đáng kể so với phẫu thuật nội soi thông thường.
Báo cáo đặc biệt nhấn mạnh, tỷ lệ biến chứng thấp ở phẫu thuật robot khá thấp, với chỉ 7,7% bệnh nhân bị viêm phổi sau mổ. Đáng chú ý, không có trường hợp xì dò khí phế quản hay biến chứng nặng.
Mỗi bệnh nhân nằm viện 7,04 ngày, với thời gian lưu dẫn lưu màng phổi là 3,38 ngày. Đây là những con số khả quan, cho thấy thời gian hồi phục nhanh hơn so với phẫu thuật nội soi. Bên cạnh đó, chỉ số đau hậu phẫu giảm từ 3,62 điểm vào ngày đầu tiên xuống còn 0,86 điểm khi xuất viện, chứng tỏ phương pháp này giúp bệnh nhân ít đau hơn đáng kể.
So sánh phẫu thuật robot điều trị u phổi với phương pháp truyền thống
Trước đây, phẫu thuật mở ngực là tiêu chuẩn xử lý hầu hết các tổn thương trong lồng ngực, nhưng phương pháp này gây đau đớn, nguy cơ biến chứng cao và thời gian hồi phục kéo dài.
Chuyên gia thông tin, phẫu thuật nội soi ra đời giúp giảm đau và rút ngắn thời gian nằm viện, tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế như góc nhìn hai chiều và khả năng thao tác bị giới hạn.
Phẫu thuật robot da Vinci đã khắc phục được các nhược điểm này, nhờ vào hình ảnh 3D sắc nét và cánh tay robot có thể xoay linh hoạt, giúp phẫu thuật viên thực hiện các thao tác phức tạp một cách chính xác hơn.
Quy trình phẫu thuật robot
Phẫu thuật robot cắt u phổi được thực hiện với bệnh nhân nằm nghiêng 90 độ về phía bên phổi lành. Tư thế này giúp mở rộng khoang gian sườn để phẫu thuật thuận lợi. Bệnh nhân được cố định chắc chắn để tránh di lệch khi mổ.
1. Đặt trocar (dụng cụ tạo đường vào)
- Trocar đầu tiên (12mm) được đặt ở liên sườn 7 hoặc 8 để đặt camera.
- Trocar assistant (12mm) đặt ở liên sườn 9.
- Hai trocar Robot (7mm) đặt ở liên sườn 5 và 6 để thao tác.
- Các cánh tay Robot được kết nối và định vị vào vùng phẫu thuật.
2. Cắt thùy phổi theo giải phẫu:
- Dây chằng phổi được cắt trước.
- Mở màng phổi trung thất để bóc tách các mạch máu và phế quản.
- Các cấu trúc này được cắt riêng bằng dụng cụ Stapler phù hợp.
3. Cắt phổi không điển hình hoặc hình chêm: Sau khi cắt dây chằng và rãnh liên thùy, phần tổn thương được cắt bỏ bằng Stapler tùy theo độ dày mô phổi.
4. Nạo hạch (đối với trường hợp ung thư phổi): Hạch N1 được nạo hoàn toàn, hạch N2 được sinh thiết nếu nghi ngờ, với các nhóm hạch từ 2, 4, 7, 8, 9 ở phổi phải và 5, 6, 7, 8, 9 ở phổi trái. Hạch được lấy ra ngoài qua lỗ trocar bằng túi đựng bệnh phẩm.
5. Kiểm tra cầm máu, xì dò khí và nở phổi, sau đó đặt dẫn lưu màng phổi. Cuối cùng đóng ngực. Robot được tách rời khỏi bệnh nhân, sau đó khâu cân cơ và da để hoàn tất phẫu thuật.

Triển vọng và ứng dụng
Nghiên cứu tại Bệnh viện Bình Dân đã chứng minh rằng phẫu thuật robot điều trị u phổi là phương pháp an toàn và hiệu quả. Kỹ thuật này giúp giảm mất máu, hạn chế biến chứng hậu phẫu, rút ngắn thời gian nằm viện và đặc biệt là giảm đau đáng kể cho bệnh nhân.
Với sự phát triển không ngừng của công nghệ, phẫu thuật robot có thể sẽ tiếp tục được cải tiến, mang lại lợi ích tối đa cho bệnh nhân và nâng cao chất lượng điều trị tại các cơ sở y tế hàng đầu như Bệnh viện Bình Dân.
>>> Bệnh viện Bình Dân: “Ngọn hải đăng về sự xuất sắc trong đổi mới phẫu thuật tại Đông Nam Á”
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình