Hotline 24/7
08983-08983

Ho ra máu do những nguyên nhân nào?

BS Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch thường trực LCH Truyền nhiễm TPHCM cho biết, virus không thể gây ho ra máu. Các nguyên nhân dẫn đến ho ra máu là bệnh lý ác tính ở phổi, bệnh lao và giãn phế quản.

1. Virus lạ gây ho ra máu chỉ là tin đồn

Mới đây truyền thông đưa tin Nga phát hiện virus lạ gây triệu chứng ho ra máu ở người, sau đó họ cũng đã lên tiếng bác bỏ thông tin này. Tuy nhiên người dân rất muốn nghe ý kiến của BS Khanh về loại “virus lạ” này, nó đáng sợ mức nào, có thể lây lan rộng hay không?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Ho ra máu có 2 tình huống là máu xuất hiện từ họng hoặc máu xuất hiện từ phổi và ho ra ngoài.

Virus không thể gây ho ra máu, mà phải có sang thương đến mức độ trầy xước hoặc tổn thương rách mạch máu trong phổi.

Virus thương tấn công và diễn tiến rất nhanh, chỉ cần vài ngày đã có triệu chứng ho sốt thì không thể ho lâu đến mức rách họng, tổn thương mạch máu trong phổi.

Bên cạnh đó, nếu là virus mới thì mọi người sẽ không có miễn dịch và cả vùng (80 - 90% người có tiếp xúc) sẽ mắc bệnh, không phải 1 - 2 ca, nên đây chỉ là tin đồn.

2. Bệnh gì có thể dẫn đến ho ra máu?

Thực tế tại Việt Nam, xin BS cho biết những bệnh gì có thể dẫn tới tình trạng ho ra máu?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Nếu cảm thấy đau cổ họng, ho kéo dài đến mức ho ra máu là tình trạng viêm họng xuất tiết.

Tuy nhiên, nếu ho kéo dài và ho ra máu phải nghĩ ngay đến bệnh lao.

Ngoài ra, còn có một số nguyên nhân khác như: khởi đầu của ung thư phổi hoặc bệnh giãn phế quản kéo dài (do phổi tắc nghẽn kéo dài hoặc một bệnh lý nào đó).

3. Các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh nào sẽ xác định được nguyên nhân ho ra máu?

Bệnh nhân bị ho ra máu khi tới bệnh viện sẽ được làm những xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh gì để tìm ra nguyên nhân chính xác?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Khi ho ra máu đầu tiên sẽ khám họng để biết có phải bị trầy xước do ho không. Sau đó, chụp X-quang phổi để tìm sang thương lao.

Nếu không thấy sang thương gây ho ra máu sẽ thực hiện chụp CT để tìm tổn thương phổi kín đáo hay khu trú. Một số trường hợp phải nội soi phế quản để xem có phải do giãn phế quản gây ho kéo dài.

Một người ho ra máu trong thời gian ngắn và tự giới hạn sẽ loại trừ bệnh lao. Những trường hợp ho ra máu tái đi tái lại mà không tìm được nguyên nhân qua các xét nghiệm thông thường như X-quang phổi sẽ can thiệp sâu hơn.

4. Ho ra máu do nhóm bệnh nào là nguy hiểm nhất?

Giữa ho ra máu do bệnh lý ở phổi với các bệnh ở tai mũi họng, răng hàm mặt, tiêu hóa… thì ho ra máu do nhóm bệnh nào là nguy hiểm nhất, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Nguy hiểm nhất là ho ra máu do bệnh lý ác tính ở phổi, sau đó là bệnh lao và cuối cùng là giãn phế quản.

5. Ho ra máu dai dẳng không phải là tình huống cấp cứu

Khi bệnh nhân ho ra máu thì có cách nào sơ cứu tại nhà không? Có phải hễ ho ra máu là phải nhập viện gấp không ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Gần như không có tình trạng ho ra máu đến mức tắc nghẽn đường thở. Thông thường người bệnh chỉ ho, khạc ra máu dai dẳng, không phải là tình trạng cấp cứu.

Chỉ khi ho ra máu do vỡ mạch máu rất lớn, làm tắc nghẽn đường thở dẫn đến không thở được thì mới nhập viện khẩn cấp.

6. Nguyên nhân nào dẫn đến khạc ra máu vào buổi sáng sớm lúc mới ngủ dậy?

Trường hợp không phải ho ra máu mà là khạc ra máu vào buổi sáng sớm lúc mới ngủ dậy thì có thể do nguyên nhân gì, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Có thể do chảy máu cam ít hoặc viêm họng đến mức bị trầy nhẹ thì máu sẽ tích tụ lại và khạc ra máu vào buổi sáng.

Tuy nhiên, nếu thường xuyên khạc ra máu nên đi chụp hình phổi vì có thể tìm ẩn một vấn đề nào đó. Vì không phải lúc nào ho ra máu do bệnh lý ở phổi cũng có biểu hiện rõ ràng.

7. Nếu chỉ khạc ra máu một vài lần thì nên đi khám hay theo dõi thế nào?

Nếu khạc ra máu chỉ một vài lần rồi không lặp lại thì bệnh nhân có cần đi khám bệnh, hay sẽ theo dõi sức khỏe như thế nào ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Nếu bệnh nhân khạc ra máu chỉ vài lần, đồng thời nuốt nước bọt và bị đau họng thì chỉ cần súc miệng bằng nước muối và theo dõi đến khi hết đau họng, khạc ra máu. Nếu tình trạng này kéo dài phải thăm khám để tìm hiểu nguyên nhân và điều trị kịp thời.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X