Khám sức khỏe tiền hôn nhân kiểm tra các vấn đề gì, những ai nên khám?
BS Bùi Lê Nhật Tiên - Phòng khám Bernard khẳng định, khám sức khỏe tiền hôn nhân giúp phát hiện sớm những vấn đề tiềm ẩn, phòng tránh rủi ro và chuẩn bị một nền tảng vững chắc cho tương lai. Vậy ai nên khám, khám những gì, khi nào là thời điểm tốt nhất… mời bạn đọc cùng tìm hiểu.
1. Cương dương tốt, kinh nguyệt đều không đồng nghĩa với sức khỏe sinh sản bình thường
Rất nhiều các bạn trẻ, các cặp đôi dự định tiến đến hôn nhân vẫn còn mơ hồ về khái niệm khám tiền hôn nhân. Nhiều bạn tự tin rằng nam cương dương và xuất tinh bình thường, nữ kinh nguyệt đều nghĩa là sức khỏe sinh sản bình thường. Như vậy thì tại sao phải khám sức khỏe tiền hôn nhân, nhờ BS giải đáp?
BS Bùi Lê Nhật Tiên - Chuyên khoa Y học dự phòng - Nội Tổng quát, Phòng khám Bernard trả lời: Kết hôn là một sự kiện trọng đại của cuộc đời. Xây dựng một nền tảng gia đình ổn định, bền vững là điều mà các cặp đôi đều mong muốn. Về sau, khi có con, hẳn chúng ta cũng mong muốn em bé được khỏe mạnh.
Nhà nước và các cơ quan y tế chuyên môn đã có những hoạt động tuyên truyền, khuyến khích người dân nên kiểm tra sức khỏe định kỳ nói chung và kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân. Việc thăm khám sẽ tập trung vào 4 nhóm mục tiêu phổ biến:
Một là tầm soát các bệnh lý tiềm ẩn, đặc biệt là các bệnh lý di truyền, có tính chất gia đình.
Hai là tầm soát các bệnh lý liên quan đến sức khỏe sinh sản, có thể gây hiếm muộn, vô sinh...
Ba là tầm soát các bệnh lý lây truyền qua đường tình dục, nhằm hạn chế nguy cơ.
Cuối cùng là chuẩn bị cho một thai kỳ khỏe mạnh. Cặp đôi có thể được tư vấn tiêm ngừa hoặc cung cấp thêm kiến thức để xây dựng gia đình hạnh phúc, bảo vệ sức khỏe cho nhau.
Nhiều cặp đôi trẻ thường cho rằng việc nam giới có khả năng cương dương và xuất tinh bình thường; nữ giới có kinh nguyệt đều đặn đồng nghĩa với sức khỏe sinh sản bình thường. Tuy nhiên, dấu hiệu này không đủ để đánh giá toàn diện về sức khỏe tổng quát và khả năng sinh sản.
Việc khám tiền hôn nhân mang lại nhiều lợi ích quan trọng, giúp các cặp đôi chuẩn bị tốt hơn cho cuộc sống hôn nhân và kế hoạch sinh con trong tương lai.
2. Năm nhóm cần ưu tiên khám tiền hôn nhân
Những người nào cần ưu tiên vấn đề khám tiền hôn nhân để phát hiện những yếu tố nguy cơ, chuẩn bị tốt hơn cho cuộc sống hôn nhân sau này?
BS Bùi Lê Nhật Tiên trả lời: Tất cả mọi người đều được khuyến nghị khám sức khỏe tiền hôn nhân. Đó là việc mà những cặp đôi yêu thương nhau, có tư tưởng tiến bộ sẽ thực hiện. Một số nhóm đặc biệt mà chúng tôi thường khuyên nên khám tiền hôn nhân để phát hiện những yếu tố nguy cơ, gồm:
- Người chưa từng khám sức khỏe toàn diện: Không nên chủ quan ngay cả khi không có dấu hiệu bất thường. Việc khám sức khỏe tổng quá sẽ giúp phát hiện sớm các vấn đề tiềm ẩn, đảm bảo cuộc sống hôn nhân và khả năng sinh sản khỏe mạnh.
- Người có tiền sử bệnh lý cá nhân hoặc gia đình: Nếu một trong hai người có tiền sử bệnh lý mãn tính như tiểu đường, huyết áp, tim mạch hoặc các bệnh di truyền, việc khám sức khỏe tiền hôn nhân giúp đánh giá nguy cơ và đưa ra biện pháp phòng ngừa phù hợp.
- Người từng mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục, máu và từ mẹ sang con: Việc phát hiện và điều trị kịp thời các bệnh như viêm gan B, HIV, giang mai, lậu... là cần thiết, để tránh lây nhiễm cho bạn đời và ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản.
- Người có lối sống hoặc công việc tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản: Những người làm việc trong môi trường độc hại, tiếp xúc với hóa chất, bức xạ hoặc có thói quen sinh hoạt không lành mạnh như hút thuốc, uống rượu bia nhiều... rất cần được tư vấn và kiểm tra kỹ lưỡng.
- Cặp đôi có kế hoạch sinh con ngay sau khi kết hôn có thể kết hợp cả khám tiền sản và khám tiền hôn nhân trong một lần thăm khám. Điều này giúp đảm bảo cả hai đều có sức khỏe tốt, chuẩn bị kỹ lưỡng cho quá trình mang thai và sinh con an toàn, đồng thời giảm nguy cơ biến chứng thai kỳ.
3. Bốn mục đích chính của gói khám tiền hôn nhân
Khám sức khỏe tiền hôn nhân mang lại những lợi ích gì, tránh những bất lợi nào cho bản thân và cho con cái sau này cũng như có thể phát hiện những bệnh lý nào thông qua lần khám này, thưa BS?
- Nhờ BS có thể đưa ra một vài trường hợp điển hình đã gặp qua quá trình thăm khám sức khỏe tiền hôn nhân tại Phòng khám Bernard để thấy được vai trò của kiểm tra này ạ?
BS Bùi Lê Nhật Tiên trả lời: Tùy vào các nhóm nguy cơ của mỗi người, bác sĩ sẽ tư vấn cho các bệnh nhân thực hiện các gói khám khác nhau. Nhìn chung, các gói khám tập trung vào 4 mục đích:
- Tầm soát các bệnh lý mang tính di truyền. Việt Nam là vùng dịch tễ của Thalassemia, ngoài ra còn có các bệnh lý liên quan đến rối loạn chuỗi hemoglobin, do đó các cặp đôi nên khám tiền hôn nhân để tầm soát vấn đề này.
- Khám và tư vấn các bệnh lý mạn tính hiện mắc như tăng huyết áp, đái tháo đường, béo phì... Ngoài ra còn có bệnh lý viêm gan B, viêm gan C...
Trong quá trình công tác, có một trường hợp khiến tôi nhớ mãi. Một bạn trẻ bị béo phì đã tự ý mua thuốc giảm cân về uống, chỉ để có thể mặc áo cưới đẹp hơn. Sử dụng thuốc được vài ngày, bệnh nhân bị xuất huyết, suy gan và cuối cùng không qua khỏi.
Tôi tự đặt câu hỏi, giả sử bạn đi khám sức khỏe tổng quát hoặc khám tiền hôn nhân, được bác sĩ tư vấn kỹ hơn, có lẽ tình huống đáng tiếc như vậy đã không xảy ra.
- Tầm soát các bệnh lý lây truyền qua đường tình dục, máu và mẹ sang con, để giúp ngăn ngừa lây nhiễm cho bạn đời và con cái, đảm bảo sức khỏe cho cả gia đình.
- Cặp đôi sẽ được tư vấn và hỗ trợ nếu phát hiện các bệnh lý liên quan đến sức khỏe sinh sản, ảnh hưởng khả năng có con. Đặc biệt là ở nhóm phụ nữ có tiền căn, bị buồng trứng đa nang hoặc nam giới gặp những bệnh lý khác đi kèm.

4. Các hạng mục quan trọng trong gói khám tiền hôn nhân
Trong gói khám sức khỏe tiền hôn nhân, người nam và người nữ sẽ được thực hiện những xét nghiệm và cận lâm sàng nào? Hạng mục là bắt buộc và hạng mục nào là khuyến khích nên làm để có một sự chuẩn bị đầy đủ nhất?
BS Bùi Lê Nhật Tiên trả lời: Gói khám tiền hôn nhân tập trung vào mục tiêu đã đề ra ban đầu. Các bước cơ bản thường là gặp bác sĩ để khám lâm sàng và tư vấn; thực hiện các cận lâm sàng cơ bản (công thức máu, chức năng gan - thận, đường huyết, mỡ máu, xét nghiệm nước tiểu, siêu âm, X-quang phổi, điện tim...); tầm soát các bệnh lý lây truyền qua đường tình dục (HIV, giang mai, viêm gan B, viêm gan C...).
Sâu hơn nữa, nam giới sẽ được khám sức khỏe sinh sản, khám và tư vấn nam khoa. Bạn nam sẽ khám và siêu âm tinh hoàn để phát hiện các bất thường như u, nang; xét nghiệm tinh dịch đồ để đánh giá chất lượng và số lượng tinh trùng...
Nữ giới cần khám nhiều hơn, trong đó có khám phụ khoa để đánh giá tình trạng cơ quan sinh dục; khám vú để phát hiện các bất thường như u, nang; siêu âm tử cung và phần phụ nhằm phát hiện u xơ tử cung, u nang buồng trứng.
Bạn nữ cũng cần xét nghiệm các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Bên cạnh đó là xét nghiệm soi tươi dịch âm đạo để phát hiện nhiễm trùng, nấm; xét nghiệm Pap-smear để tầm soát ung thư cổ tử cung và xét nghiệm Rubella IgM để đánh giá nguy cơ nhiễm Rubella, ảnh hưởng đến thai nhi.
Trường hợp bệnh nhân đã biết những bệnh lý đang mắc có thể được khuyến nghị thực hiện xét nghiệm chuyên sâu hơn. Khách hàng có điều kiện có thể cân nhắc xét nghiệm gen để giải mã gen, tầm soát các bệnh liên quan.
5. Chuẩn bị gì để đi khám tiền hôn nhân?
Cần lưu ý gì trước khi đi khám tiền hôn nhân, thưa BS? Kiêng cữ những gì để tránh làm ảnh hưởng kết quả ạ?
BS Bùi Lê Nhật Tiên trả lời: Khám sức khỏe tiền hôn nhân cũng gần giống với khám sức khỏe tổng quát định kỳ. Các bạn nên sắp xếp một khoảng thời gian thư thả để thăm khám, không để lịch trình quá gấp rút.
Hai bạn nên cùng đi khám, mang theo các loại giấy tờ tùy thân để đăng ký thủ tục. Ngoài ra, nếu có tiền sử bệnh lý hoặc đang điều trị bệnh nên mang theo hồ sơ y tế, kết quả xét nghiệm và các loại thuốc đang sử dụng để bác sĩ nắm được thông tin đầy đủ.
Đặc biệt nếu bạn làm trong các môi trường đặc biệt, thường xuyên tiếp xúc với các loại hóa chất, nên chú ý thông tin cho bác sĩ.
Để đảm bảo độ chính xác của các xét nghiệm máu như đường huyết, mỡ máu, chức năng gan thận, các bạn nên nhịn ăn ít nhất 8 - 12 giờ trước khi lấy mẫu. Trong thời gian này, chỉ nên uống nước lọc và tránh sử dụng các loại đồ uống có đường hoặc có chứa caffein.
Nam giới nên kiêng quan hệ tình dục và không xuất tinh trong khoảng 2 - 5 ngày trước khi xét nghiệm tinh dịch đồ để bảo đảm kết quả chính xác về chất lượng và số lượng tinh trùng.
Nữ giới nên tránh khám phụ khoa trong thời gian hành kinh. Thời điểm tốt nhất để khám là sau khi sạch kinh từ 3 - 5 ngày. Trước ngày đi khám, không nên thụt rửa quá sâu ở bộ phận sinh dục, tránh làm rối loạn hệ vi sinh, dẫn đến kết quả không chính xác.
Các bạn cần giữ tâm lý thoải mái khi đi khám. Việc khám sức khỏe tiền hôn nhân là bước quan trọng để đảm bảo sức khỏe cho cả hai và con cái trong tương lai. Hãy cởi mở chia sẻ với bác sĩ về các vấn đề sức khỏe và thắc mắc.
Nên mặc trang phục thoải mái, thuận lợi cho việc thăm khám, đặc biệt khi cần thực hiện các xét nghiệm, tiêm vắc xin hoặc siêu âm.
6. Khám tiền hôn nhân thời điểm nào tốt nhất?
Vì sao khám tiền hôn nhân tốt nhất nên đi cả hai người, thưa BS? Theo bác sĩ, thời điểm nào là tốt nhất để cặp đôi đi khám tiền hôn nhân? Nên khám sát ngày cưới hay phải có kế hoạch khám sớm trước vài tháng để đảm bảo kết quả chính xác hơn?
BS Bùi Lê Nhật Tiên trả lời: Thời điểm tốt nhất để khám tiền hôn nhân là 3 - 6 tháng trước khi kết hôn. Đó là thời gian đủ cho cả hai thực hiện các xét nghiệm cần thiết và hiệu quả. Nếu phát hiện các bấn đề sức khỏe, hai bạn cũng có thời gian để chuẩn bị tâm lý và điều trị.
Đối với phụ nữ có kế hoạch mang thai ngay sau khí kết hôn, khoảng thời gian này đủ để tiêm phòng các vắc xin cần thiết.
Lý do hai bạn nên cùng đi khám tiền hôn nhân là để hiểu rõ tình trạng sức khỏe của bản thân và đối phương, bao gồm các bệnh lý di truyền, bệnh truyền nhiễm và các vấn đề sức khỏe sinh sản. Điều này giúp cả hai có sự chuẩn bị tốt nhát cho cuộc sống hôn nhân và kế hoạch sinh con.
Quá trình khám tiền hôn nhân cũng là cơ hội để cả hai chia sẻ những lo lắng, thắc mắc về sức khỏe sinh sản, từ đó tăng cường sự thấu hiểu, gắn kết.
Khám tiền hôn nhân còn giúp phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn, từ đó có phương án điều trị kịp thời và hiệu quả. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các bệnh lý di truyền và bệnh truyền nhiễm, giúp giảm thiêu nguy cơ lây truyền cho đối phương và con cái.
Cuối cùng, bác sĩ sẽ tư vấn cho cả hai về kế hoạch sinh sản, các biện pháp tránh thai và các vấn đề liên quan đến sức khỏe sinh sản, giúp hai bạn chuẩn bị tốt việc có con và nuôi dạy con cái.
>>> Phần 2: Từ khám tiền hôn nhân đến tiền sản: Khi nào cần kiểm tra lại sức khỏe?
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình