Hotline 24/7
08983-08983

Ranh giới sống còn trong cấp cứu đột quỵ

Đột quỵ được ví như một cơn bão não - diễn tiến nhanh, hậu quả nặng nề và để lại những di chứng lâu dài nếu không được điều trị kịp thời. Trong cuộc chiến sinh - tử này, thời gian chính là yếu tố then chốt để quyết định giữa hồi phục và tàn phế.

"Giờ vàng" mở ra hy vọng cho người bệnh đột quỵ

"Não bộ có khoảng 100 tỷ tế bào thần kinh và mỗi phút trôi qua khi mạch máu não bị tắc, gần 1,9 triệu tế bào có thể tổn thương" - TS.BS Nguyễn Tuấn, Giám đốc Y khoa, Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ chia sẻ tại hội thảo “Phòng chống đột quỵ: Từ lý thuyết đến thực tế hành động” do Báo Tiền Phong phối hợp cùng các đơn vị chuyên môn tổ chức diễn ra ngày 20/4 tại TPHCM.

TS.BS Nguyễn Tuấn - Giám đốc Y khoa, Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ báo cáo tham luận trong buổi hội thảo ngày 20/4 (Ảnh: Hoàn Mỹ)

Theo thống kê, mỗi năm Việt Nam ghi nhận hơn 200.000 ca đột quỵ mới và trung bình mỗi 3 giây trên toàn cầu lại có một người bị đột quỵ. Tuy nhiên, nếu được điều trị trong 4,5 giờ đầu tiên kể từ khi khởi phát triệu chứng - được gọi là “giờ vàng” thì khả năng phục hồi của người bệnh là rất cao.

Một minh chứng sống động cho khả năng phục hồi khi được cấp cứu kịp thời trong “giờ vàng” là bệnh nhân H.T.N (69 tuổi, Trà Vinh), được đưa đến Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long sau khi có biểu hiện méo miệng, yếu nửa người và nói khó. Chỉ sau 30 phút nhập viện, bệnh nhân đã được tiêm thuốc tiêu sợi huyết nhờ quy trình Code Stroke được kích hoạt tức thì. Kết quả chỉ sau 5 ngày, bà có thể đi lại và giao tiếp bình thường.

Theo BS.CKI Mai Thị Hương Lan - Trưởng khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn, khi có các dấu hiệu nghi ngờ đột quỵ như méo miệng, yếu hoặc tê nửa người, nói khó, chóng mặt đột ngột... người bệnh cần nhanh chóng được đưa đến cơ sở y tế có khả năng can thiệp và điều trị đột quỵ để được xử lý kịp thời.

Thêm trung tâm đột quỵ, thêm cơ hội cứu sống bệnh nhân

Từ năm 2017, tại Hoàn Mỹ, quy trình Code Stroke đã được đưa vào vận hành trong cấp cứu đột quỵ theo tiêu chuẩn của Hội Đột quỵ thế giới, giúp giảm thời gian từ khi bệnh nhân nhập viện đến lúc can thiệp xuống còn 30-45 phút. Điều này đặc biệt quan trọng vì "thời gian là tế bào não" - bất kỳ sự chậm trễ nào cũng đồng nghĩa với việc mất đi hàng triệu tế bào thần kinh, làm tăng nguy cơ liệt, mất nhận thức hoặc tử vong.

Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ hiện có 14 bệnh viện tại 9 tỉnh thành từ Vinh đến Cà Mau, với hai trung tâm điều trị đột quỵ trọng điểm tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn và Hoàn Mỹ Cửu Long được trang bị hệ thống máy DSA 2 bình diện, MRI 3.0 Tesla, MSCT đa lát cắt..., cho phép can thiệp mạch máu não chính xác và an toàn.

“Trợ thủ” đắc lực của các bác sĩ trong cấp cứu điều trị đột quỵ là trang thiết thiết bị hiện đại, tiên tiến (Ảnh: Hoàn Mỹ)

Hoàn Mỹ cũng thực hiện đào tạo liên tục cho các bác sĩ về quy trình Code Stroke, tái đào tạo mỗi 6 tháng nhằm đảm bảo chất lượng chuyên môn, các y bác sĩ có thể thực hiện được cả những kỹ thuật can thiệp mạch phức tạp.

Trong tương lai, Hoàn Mỹ dự kiến triển khai Code Stroke thêm tại 5 bệnh viện thành viên của hệ thống Hoàn Mỹ trên cả nước. Việc mở rộng này được kỳ vọng sẽ hỗ trợ thêm bệnh nhân tại địa phương được cấp cứu đột quỵ kịp thời và được điều trị bằng phương pháp tiên tiến; từ đó, góp phần giảm thiểu gánh nặng bệnh tật và nguy cơ tử vong do đột quỵ.

Ngọc

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X