Từ khám tiền hôn nhân đến tiền sản: Khi nào cần kiểm tra lại sức khỏe?
Khám sức khỏe tiền hôn nhân giúp các cặp đôi tầm soát bệnh lý, đảm bảo sức khỏe sinh sản và có kế hoạch phù hợp cho tương lai. Vậy khám tiền hôn nhân gồm những gì? Chi phí ra sao? Và nếu đã khám trước hôn nhân, có cần khám lại trước khi mang thai? Mời bạn đọc tham khảo quy trình khám tiền hôn nhân tại Phòng khám Bernard.
1. Đã khám sức khỏe tiền hôn nhân, có cần khám tiền sản?
Những cặp đôi khám tiền hôn nhân sớm, sau đó kết hôn nhưng chưa có kế hoạch sinh con ngay. Vậy 2, 3 năm sau, khi muốn có em bé, họ có cần kiểm tra sức khỏe lại một lần nữa? Và xét nghiệm cần thiết nhất làm trong thời điểm này là gì?
BS Bùi Lê Nhật Tiên - Chuyên khoa Y học dự phòng - Nội Tổng quát, Phòng khám Bernard trả lời: Theo xu hướng của cuộc sống hiện đại và bận rộn, việc có con có thể trì hoãn khoảng vài năm sau khi kết hôn. Câu hỏi này đề cập đến vấn đề tiền sản. Giữa khám tiền hôn nhân và khám tiền sản có những điểm giống nhau lẫn khác nhau.
Khi đã sàng lọc các bệnh lý di truyền từ khám tiền hôn nhân, hai bạn không cần kiểm tra lại ở khám tiền sản.
Tuy nhiên trong 2 - 3 năm, tình trạng sức khỏe của cả hai bạn có thể thay đổi do nhiều yếu tố như lối sống, môi trường, bệnh lý... Việc kiểm tra lại ở khám tiền sản sẽ giúp đảm bảo cả hai đều đang trong tình trạng sức khỏe tốt nhất, sẵn sàng cho việc mang thai.
Một số bệnh truyền nhiễm có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản và sức khỏe của thai nhi. Việc kiểm tra lại giúp phát hiện và điều trị kịp thời, tránh lây nhiễm cho thai nhi. Trong thời gian từ lúc khám tiền hôn nhân đến khi dự định mang thai, có thể hiệu giá của một số loại vắc xin đã hết, cần tiêm nhắc lại.
Một vấn đề khác, khả năng sinh sản ở cả nam và nữ có thể thay đổi theo thời gian. Theo nghiên cứu, có đến 5% các cặp vợ chồng rơi vào tình huống khó có con. Kiểm tra lại, đánh giá lại chức năng sinh sản là cần thiết để phát hiện sớm các vấn đề nếu có.
Lời khuyên là nên thực hiện khám tiền sản trong khoảng 3 - 6 tháng trước thời điểm dự định mang thai, giúp bạn có đủ thời gian để điều trị các vấn đề sức khỏe nếu phát hiện ra.
2. Chi phí khám tiền hôn nhân
Chi phí khám sức khỏe tiền hôn nhân hiện nay có cao không, thưa BS? Làm sao để cặp đôi có thể chọn được nơi khám uy tín và đáng tin cậy?
BS Bùi Lê Nhật Tiên trả lời: Chi phí khám sức khỏe tiền hôn nhân phụ thuộc vào 3 yếu tố chính: cơ sở y tế, gói khám/danh mục khám và tình trạng bệnh lý, nguy cơ sức khỏe của khách hàng.
Thông thường, các gói khám tiền hôn nhân dao động từ 2 - 5 triệu đồng/người. Trường hợp cần thực hiện thêm các xét nghiệm, cận lâm sàng sâu hơn, chi phí có thể đến 10 triệu đồng trở lên.
Những khách hàng có điều kiện lựa chọn xét nghiệm gen sẽ mất thêm nhiều thời gian và chi phí hơn nữa.
3. Quy trình khám tiền hôn nhân tại Phòng khám Bernard
Tại Phòng khám Bernard, quy trình khám tiền hôn nhân sẽ diễn ra như thế nào, thưa BS?
BS Bùi Lê Nhật Tiên trả lời: Phòng khám Bernard có cung cấp dịch vụ khám sức khỏe tiền hôn nhân. Mỗi gói gồm các hạng mục khác nhau, từ đó mức giá và quy trình khám cũng khác nhau.
Nhưng nhìn chung, mỗi cặp đôi đến khám tiền hôn nhân sẽ trả qua 5 bước cơ bản.
Bước 1: Đăng ký khám và được tư vấn các gói khám tiền hôn nhân phù hợp với nhu cầu và điều kiện kinh tế của cặp đôi.
Bước 2: Khám lâm sàng và tư vấn ban đầu. Bác sĩ sẽ khai thác yếu tố nguy cơ, thông tin bệnh sử. Khách hàng được khám tổng quát như đo huyết áp, cân nặng, chiều cao; khám tim mạch, hô hấp, tiêu hóa...
Sau đó, hai bạn được khám chuyên khoa. Với nữ là các hạng mục khám phụ khoa, khám vú, tầm soát ung thư cổ tử cung. Bạn nam cần khám nam khoa khi có chỉ định; xét nghiệm tinh dịch đồ.
Đối với khám tiền hôn nhân, hai bạn còn cần tầm soát các bệnh lý lây truyền qua đường tình dục, đường máu... Một số trường hợp phát sinh thêm vấn đề cần tiêm ngừa.
Nếu trong quá trình khám vô tình phát hiện các bệnh lý ác tính cần can thiệp ngoại khoa, phẫu thuật sẽ cần hẹn lịch với bác sĩ chuyên khoa sâu để được hội chẩn, tư vấn, lên kế hoạch điều trị.
Bước 3: Chẩn đoán hình ảnh và thăm dò chức năng.
Bước 4: Tư vấn kết quả và lên kế hoạch sinh sản. Tại bước này, bác sĩ sẽ tư vấn chi tiết về kết quả khám, giải đáp thắc mắc và đưa ra lời khuyên về sức khỏe cho hai bạn. Đồng thời tư vấn kế hoạch sinh sản, các biện pháp tránh thai và các vấn đề liên quan đến sức khỏe sinh sản.
4. Từng sảy thai, cần làm gì để thai kỳ tiếp theo an toàn?
Câu hỏi khán giả: Tôi từng bị sảy thai một lần trước đây, giờ sắp kết hôn và rất lo lắng. Liệu tôi cần làm xét nghiệm gì để đảm bảo khả năng sinh con an toàn?
BS Bùi Lê Nhật Tiên trả lời: Đầu tiên, xin chia buồn với bạn về tình huống không mong muốn đã xảy ra. Để tránh tái diễn, bạn cần lưu ý một số vấn đề sau:
Thứ nhất, bạn cần xem lại hồ sơ sức khỏe, đến gặp bác sĩ để tìm ra nguyên nhân sảy thai. Theo thống kê, có 20 - 25% các trường hợp sảy thai vô căn, lần mang thai sau có thể suôn sẻ. Tuy nhiên, vẫn có nhiều trường hợp sảy thai do bệnh lý, do tác động cơ học... Chúng ta cần xác định rõ các nguyên nhân này.
Thứ hai, khi tìm ra nguyên nhân, chúng ta sẽ tập trung vào vấn đề này, đồng thời loại trừ các nguyên nhân khác. Đặc biệt, giữa bố và mẹ có thể tồn tại các gen tiềm ẩn dẫn đến kết quả rất đau lòng.
Tiếp theo, bạn cần sàng lọc những bệnh lý xuất phát từ lối sống, bệnh lý mới phát sinh hoặc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, máu, từ mẹ sang con...
Cuối cùng, nên chú ý đến việc cần được tư vấn về sức khỏe và tâm lý ổn định trước khi mang thai; có kế hoạch mang thai cụ thể để chuẩn bị tốt nhất cho sự chào đời của con.
5. Cả bố và mẹ đều mang gen lặn Thalassemia, có cách nào để sinh con khỏe mạnh?
Câu hỏi khán giả: Gia đình bên nội chồng sắp cưới của tôi có người bị bệnh tan máu bẩm sinh. Nếu khám tiền hôn nhân phát hiện cả hai cùng mang gen lặn thì có cách nào sinh con khỏe mạnh không?
BS Bùi Lê Nhật Tiên trả lời: Việt Nam nằm trong vùng dịch tễ của bệnh tan máu bẩm sinh, còn gọi là Thalassemia. Khi cả hai người cùng mang gen lặn của bệnh này, mỗi lần mang thaii sẽ có 25% nguy cơ con sinh ra mắc bệnh Thalassemia thể nặng; 50% nguy cơ con mang gen lặn (như bố mẹ) và 25% khả năng con hoàn toàn khỏe mạnh.
Nếu người vợ không mang gen lặn tan máu bẩm sinh, em bé có khả năng an toàn cao hơn nữa.
Với sự tiến bộ của y học hiện nay, chúng ta có những phương pháp giúp sinh con khỏe mạnh. Ở bước tư vấn di truyền, cả hai nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa di truyền để được tư vấn chi tiết về nguy cơ và các biện pháp can thiệp. Bác sĩ sẽ giải thích rõ ràng về các lựa chọn, giúp hai bạn đưa ra quyết định phù hợp.
Tiếp đến là chẩn đoán trước sinh. Trong quá trình mang thai, bạn có thể thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán trước sinh như chọc ối hoặc sinh thiết gai nhau để kiểm tra xem thai nhi có mắc bệnh hay không.
Nếu thai nhi được chẩn đoán mắc bệnh thể nặng, bạn có thể được tư vấn về các quyết định tiếp theo.
Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) kết hợp với chẩn đoán di truyền tiền làm tổ (PGD) là phương pháp tiên tiến, cho phép kiểm tra phôi thai trước khi chuyển vào tử cung người mẹ. Chỉ những phôi thai khỏe mạnh, không mang gen bệnh mới được lựa chọn để chuyển vào tử cung, giúp đảm bảo sinh con khỏe mạnh.
6. Có thai trước ngày cưới, có cần khám tiền hôn nhân?
Câu hỏi khán giả: Trường hợp có thai trước ngày cưới, gia đình chồng vui mừng “được cả trâu lẫn nghé” thì có cần khám tiền hôn nhân không ạ?
BS Bùi Lê Nhật Tiên trả lời: Do thai kỳ này chưa có sự chuẩn bị chu đáo nhất, hai bạn cần đi khám sớm để đảm bảo mẹ khỏe, bé an toàn. Đợt khám này không còn gọi là khám tiền hôn nhận, mục đích tập trung vào mẹ và em bé nhiều hơn.
Tuy nhiên, sau khi trải qua lần sinh này, trước khi có em bé thứ hai, hai vợ chồng hãy sắp xếp kiểm tra tiền sản. Một điều lưu ý khác, dù đã có tin vui, hai bạn vẫn cần kiểm tra sức khỏe định kỳ, không nên chủ quan.
>>> Phần 1: Khám sức khỏe tiền hôn nhân kiểm tra các vấn đề gì, những ai nên khám?
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình