Hotline 24/7
08983-08983

Thuốc giả tràn lan: Cảnh báo và hướng dẫn phân biệt

Sau khi lực lượng chức năng triệt phá đường dây sản xuất thuốc giả với gần 10 tấn tang vật, thu lợi bất chính hơn 200 tỷ đồng, vấn nạn thuốc giả - thuốc kém chất lượng một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh đối với người dân. Làm sao để phân biệt thuốc thật, thuốc giả, thuốc kém chất lượng? Người bệnh nên làm gì để bảo vệ chính mình và cộng đồng?

>>> Triệt phá đường dây sản xuất thuốc giả quy mô lớn: Gần 10 tấn tang vật, thu lời bất chính hơn 200 tỉ đồng

Thuốc kém chất lượng, thuốc giả có gì khác nhau? 

Về định nghĩa, thuốc giả là sản phẩm bị làm nhái một cách có chủ đích, gian dối về thành phần hoặc nguồn gốc. Có thể thuốc đó chứa đúng, sai hoặc không có hoạt chất; có bao bì, nhãn hiệu giả mạo.

Trong khi đó, thuốc kém chất lượng là thuốc thật, được cấp phép lưu hành nhưng không đạt chuẩn chất lượng do sai sót trong quy trình sản xuất, bảo quản, vận chuyển, hoặc vì đã quá hạn sử dụng. Dù không bị làm giả, thuốc kém chất lượng vẫn gây hại cho sức khỏe như: không phát huy tác dụng điều trị, gây tác dụng phụ, thậm chí có thể dẫn đến tử vong nếu chứa tạp chất, độc chất nguy hiểm.

Dấu hiệu nhận diện thuốc giả - thuốc kém chất lượng

Hiện nay, với công nghệ làm giả ngày càng tinh vi, thuốc giả có thể giống thuốc thật đến mức khó phân biệt bằng mắt thường. Tuy nhiên, một số dấu hiệu sau có thể giúp người dân nhận biết:

Dấu hiệu bên ngoài bao bì:

- Tem niêm phong giả, băng keo niêm phong có dấu hiệu bị tháo/lột.

- Phông chữ in khác thường, sai lỗi chính tả, màu sắc in mờ hoặc không đều.

- Hạn sử dụng trên hộp và vỉ không trùng khớp, số lô bị làm mờ hoặc khó đọc.

Dấu hiệu của viên thuốc:

- Viên thuốc bị vỡ, có nhiều bột vụn trong vỉ, màu sắc loang lổ, không đồng nhất.

- Kích thước viên thuốc không đều, hình dáng bất thường, mùi vị lạ. Nếu có sự khác biệt rõ rệt về hình thức, mùi vị của các loại thuốc quen dùng, người dân cần cảnh giác.

Kiểm tra mã xác minh: Nhiều nhà sản xuất uy tín hiện đã dán mã xác minh gồm 15 ký tự lên bao bì. Người dùng có thể truy cập trang web của nhà sản xuất để kiểm tra nguồn gốc thuốc.

Thuốc giả đe dọa sức khỏe cộng đồng

Dùng phải thuốc giả, thuốc kém chất lượng có thể khiến bệnh không thuyên giảm, kéo dài thời gian điều trị, phát sinh biến chứng. Đặc biệt, với nhóm thuốc kháng sinh - việc dùng thuốc không đủ hoạt chất có thể khiến vi khuẩn “nhờn thuốc”, gây kháng kháng sinh lan rộng. Đây là một trong những mối đe dọa y tế toàn cầu, khiến các bệnh nhiễm trùng đơn giản trở nên khó điều trị và nguy hiểm hơn.

Chưa kể, các thành phần không tinh khiết, chứa tạp chất trong thuốc giả còn có thể gây dị ứng, sốc thuốc, thậm chí tử vong. Tại một số nước châu Phi, nhiều trẻ em đã thiệt mạng do dùng thuốc chứa tá dược lẫn độc chất propylene glycol.

Làm gì để tránh mua phải thuốc giả?

1. Chỉ mua thuốc tại nhà thuốc đạt chuẩn GPP (Thực hành tốt nhà thuốc) - nơi có dược sĩ tư vấn, quản lý chặt chẽ và nhập thuốc từ nguồn đáng tin cậy.

2. Tuyệt đối không mua thuốc trôi nổi trên mạng xã hội, sàn thương mại điện tử không rõ nguồn gốc.

3.  Quan sát kỹ bao bì, tem chống hàng giả, hạn sử dụng. Với thuốc quen dùng,  hãy so sánh bao bì, màu sắc, mùi vị với lần dùng trước.

4. Nếu nghi ngờ, không nên dùng tiếp. Đưa thuốc đến nhà thuốc hoặc dược sĩ để được kiểm tra, tư vấn.

5. Sử dụng ứng dụng tra cứu mã vạch hoặc website của nhà sản xuất để kiểm tra số lô, mã xác minh.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X