Hotline 24/7
08983-08983

"Tảng băng chìm" bệnh thận mạn - Cần sự chung tay hành động vì sức khỏe thận

Gần 850 triệu người đang chịu gánh nặng của bệnh thận mạn tính (CKD) trên toàn cầu, chiếm hơn 10% dân số thế giới. Tại Việt Nam, hiện trạng này còn có phần nặng nề hơn khi ước tính có tới 8,7 triệu người trưởng thành đang phải sống chung với căn bệnh này, tương đương gần 12,8% dân số trưởng thành. Điều đáng lo ngại là, trong số hàng triệu người bệnh đó, có đến hơn 90% hoàn toàn không nhận thức được tình trạng sức khỏe của mình cho đến khi bệnh đã tiến triển sang giai đoạn muộn, gây ra những gánh nặng cho bản thân người bệnh, gia đình và xã hội.

Căn bệnh phổ biến nhưng dễ bỏ sót

Thận đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì điều kiện tối ưu cho các hệ cơ quan của cơ thể bằng cách loại bỏ chất thải, cân bằng chất lỏng và khoáng chất, điều chỉnh quá trình chuyển hóa canxi, vitamin D và hoóc-môn. Bệnh thân mạn là tình trạng thận bị tổn thương và suy giảm chức năng để giúp duy trì sức khỏe cơ thể như bình thường. Bệnh thận mạn tính thường được ví như một “kẻ giết người thầm lặng” bởi diễn tiến âm thầm với triệu chứng không rõ ràng ở giai đoạn đầu. Theo dự báo của các chuyên gia y tế hàng đầu thế giới, CKD sẽ sớm trở thành nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 5 trên toàn cầu vào năm 2040 nếu chúng ta không có những biện pháp can thiệp kịp thời và hiệu quả.

Tại Việt Nam, gánh nặng do CKD gây ra càng rõ nét hơn với 12,8% dân số trưởng thành mắc bệnh thận mạn, một tỷ lệ tương đương với nhiều quốc gia phát triển trên thế giới. Đáng chú ý, chi phí trung bình điều trị CKD tại Việt Nam năm 2019 còn vượt quá thu nhập bình quân đầu người, cho thấy gánh nặng tài chính khổng lồ mà căn bệnh này đặt lên vai người bệnh và gia đình.

Trong số hàng triệu bệnh nhân CKD, có khoảng 800.000 người đã tiến triển đến giai đoạn cuối (ESKD), giai đoạn mà chức năng thận suy giảm nghiêm trọng và cần phải điều trị thay thế thận như lọc máu hoặc ghép thận để duy trì sự sống. Chi phí cho mỗi bệnh nhân lọc máu tại Việt Nam lên tới 9.500 USD mỗi năm, một con số khổng lồ gấp 3 lần so với chi phí điều trị cho bệnh nhân suy thận chưa đến giai đoạn cuối cần lọc máu. Đáng lưu ý, Việt Nam hiện có hơn 400 đơn vị chạy thận nhân tạo và cung cấp dịch vụ lọc máu cho khoảng 30.000 bệnh nhân mắc bệnh thận giai đoạn cuối mỗi năm, tuy nhiên mới chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu của bệnh nhân cần lọc máu trên cả nước.

Tuy nhiên, nghịch lý đáng buồn là, theo các nghiên cứu, có đến 90% số người mắc CKD không hề biết mình mang bệnh. Sự thiếu nhận thức này khiến cho bệnh có thể diễn tiến âm thầm trong nhiều năm, thậm chí hàng thập kỷ, cho đến khi chức năng thận suy giảm nghiêm trọng và xuất hiện các biến chứng nguy hiểm như suy tim, đột quỵ, thiếu máu, loãng xương… Lúc này, việc điều trị trở nên phức tạp, tốn kém và hiệu quả cũng giảm đi đáng kể.

Trong khi đó, nếu bệnh nhân được sàng lọc và chẩn đoán sớm từ các tuyến y tế cơ sở ngay từ giai đoạn đầu của bệnh, họ có thể được can thiệp và điều trị bằng các phương pháp đơn giản, hiệu quả và ít tốn kém, điển hình như việc sử dụng nhóm thuốc ức chế SGLT-2i. Hiện nhóm thuốc này đã được đề cập trong “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh thận mạn và một số bệnh lý thận” do Bộ Y tế ban hành vào tháng 08/2024. Chi phí điều trị bằng thuốc trong giai đoạn sớm về lâu dài cũng sẽ được bù đắp do giảm thiểu biến cố cũng như làm chậm tiến triển bệnh đến giai đoạn phải sử dụng các phương pháp điều trị thay thế thận tốn kém như lọc máu hay ghép thận.

Bệnh thận mạn - Gánh nặng không chỉ của riêng bệnh nhân

Bệnh thận mạn không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và kinh tế của bản thân người bệnh, mà nhìn xa hơn, căn bệnh này còn tạo ra những gánh nặng vô hình nhưng không kém phần nặng nề cho gia đình, hệ thống y tế, nền kinh tế và thậm chí cả môi trường của các quốc gia.

Đơn cử như đối với thân nhân người bệnh. Việc chăm sóc một người bệnh thận mạn, đặc biệt là khi bệnh đã tiến triển nặng, đòi hỏi rất nhiều thời gian, công sức và sự hy sinh của người thân. Người chăm sóc không chỉ phải lo lắng về việc đưa bệnh nhân đi khám, uống thuốc, tuân thủ chế độ ăn uống nghiêm ngặt, mà còn phải đối mặt với những căng thẳng về tinh thần, thể chất và mối lo tài chính. Họ phải dành nhiều giờ mỗi ngày để hỗ trợ bệnh nhân trong sinh hoạt hàng ngày, điều trị và chăm sóc sức khỏe, điều này gây ra áp lực vô cùng lớn đối với chất lượng cuộc sống của chính họ. Thậm chí, có những người phải từ bỏ công việc, hy sinh sự nghiệp để toàn tâm toàn ý chăm sóc người thân bệnh tật.

Với số lượng người mắc bệnh thận mạn gia tăng đáng kể trong những năm gần đây, căn bệnh này đang tạo ra một gánh nặng ngày càng lớn cho các hệ thống y tế trên toàn cầu, đặc biệt là ở các nước đang phát triển như Việt Nam. Chi phí điều trị CKD, đặc biệt là chi phí cho các liệu pháp thay thế thận (RRT) như lọc máu và ghép thận, chiếm một phần không nhỏ trong ngân sách y tế của mỗi quốc gia. Dự báo cho thấy, tỷ lệ ngân sách y tế dành cho điều trị CKD và RRT sẽ phải tăng lên đáng kể trong những năm tới, từ mức trung bình 4,7% hiện nay lên tới 9,2% vào năm 2026. Điều này cho thấy, nếu không có những giải pháp hiệu quả để phòng ngừa và kiểm soát CKD, hệ thống y tế sẽ phải đối mặt với nguy cơ quá tải và nguồn lực y tế sẽ ngày càng bị phân bổ không cân đối.

Hai hệ lụy khác tuy ít được nhắc tới nhưng hiện cũng đang được thế giới chú ý và đang có những nỗ lực chung để làm giảm bớt các tác động.

Đó là sự tác động tiêu cực của CKD đến nền kinh tế: Bệnh thận mạn không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh mà còn tác động trực tiếp đến năng suất lao động và thu nhập của họ và cả người thân đang chăm sóc họ. Một khảo sát cho thấy, một số người chăm sóc bệnh nhân CKD phải dành từ 4 - 35 giờ mỗi tuần để hỗ trợ người thân, bao gồm các hoạt động sinh hoạt hàng ngày, thăm khám tại bệnh viện và hỗ trợ về mặt tâm lý; sự hỗ trợ này càng trở nên cấp thiết khi bệnh tiến triển vào các giai đoạn muộn.

Điều này không chỉ gây ra những tổn thất về kinh tế cho gia đình người bệnh mà còn làm giảm năng suất lao động của xã hội, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của quốc gia.

Một khía cạnh vô cùng quan trọng là tác động của CKD đến môi trường. Các phương pháp điều trị thay thế thận, đặc biệt là lọc máu, tiêu thụ một lượng tài nguyên khổng lồ. Trên toàn cầu, ước tính mỗi năm, lọc máu sử dụng hơn 169 tỷ lít nước và tạo ra 1 tỷ kg chất thải. Ngành y tế nói chung và điều trị CKD nói riêng đang trở thành một trong những ngành sử dụng tài nguyên nhiều nhất và góp phần gây ra những tác động tiêu cực đến môi trường, từ ô nhiễm nguồn nước, không khí đến biến đổi khí hậu.

Một nghiên cứu khảo sát và mô hình hóa tại Thụy Sỹ vào năm 2024 cho thấy trong vòng 10 năm từ 2022 -2032, bệnh thận mạn sẽ gây ra một sự thất thoát 12,9 tỷ Franc do mất năng suất lao động, 42,8 triệu ngày làm việc bị mất và 606 triệu Franc do thất thu thuế tại Thụy Sỹ. Lượng khí thải carbon của CKD sẽ tăng 13% (tương đương từ 230 triệu lên 259 triệu kg CO₂).

Những nỗ lực không ngừng nghỉ

Trong bối cảnh bệnh thận mạn đang trở thành một vấn đề y tế chung toàn cầu, nhiều tổ chức y tế, doanh nghiệp và bệnh viện đã và đang nỗ lực triển khai các chương trình hành động thiết thực nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng, tầm soát bệnh sớm và cải thiện chất lượng điều trị CKD. Điển hình như đề xuất đưa bệnh thận mạn vào danh mục ưu tiên trong Chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm giai đoạn 2026-2035 của Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tại Tọa đàm “Gánh nặng bệnh mạn tính và tiềm năng ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý bệnh” vào tháng 11 vừa qua. Đây là một dấu hiệu đáng mừng, cho thấy bệnh thận mạn đang dần nhận được sự chú ý cần thiết từ các cấp quản lý và cộng đồng.

Chương trình Khám sàng lọc bệnh Tim mạch - Thận - Chuyển hoá tại bệnh viện Bạch Mai.

Bên cạnh đó, đối với các hướng tiếp cận khác hướng đến cộng đồng, sáng kiến chuyển đổi số trong khuôn khổ chương trình “CAREME – Yêu lấy mình” do Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam và AstraZeneca đồng xây dựng là một ví dụ tích cực. Chỉ tính riêng năm 2024, hơn 200.000 cá nhân đã được sàng lọc các yếu tố nguy cơ liên quan đến thận, cho phép xác định sớm gần 10.000 bệnh nhân. Đáng chú ý, 10% trong số những bệnh nhân này cho thấy kết quả UACR/eGFR ban đầu dương tính, làm nổi bật thành công của việc sàng lọc sớm và can thiệp kịp thời, giúp họ tránh được các biến chứng và ngăn chặn sự tiến triển của bệnh đến giai đoạn cuối (ESKD).​

Gần đây nhất, doanh nghiệp này cũng tiếp tục phối hợp với các đối tác toàn cầu để khởi động chiến dịch truyền thông “Thay đổi vì sức khỏe thận” nhằm kêu gọi các chính phủ và nhà hoạch định chính sách xem bệnh thận mạn là vấn đề y tế toàn cầu khẩn cấp và thực hiện các chính sách lấy bệnh nhân làm trung tâm, dựa trên bằng chứng để phát hiện và chẩn đoán bệnh ở các giai đoạn sớm và cho phép tiếp cận ngay với các dịch vụ chăm sóc và điều trị được khuyến cáo để làm chậm tiến triển bệnh thận mạn và ngăn ngừa suy thận..

Thay đổi vì sức khỏe thận và một tương lai bền vững hơn

Bệnh thận mạn, tựa như một “tảng băng chìm”, vẫn đang là một thách thức lớn đối với y tế Việt Nam. Nếu không có sự quan tâm đúng mức và hành động kịp thời, những hệ lụy âm thầm của căn bệnh này sẽ ngày càng trở nên nặng nề, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, gây áp lực lên hệ thống y tế và tác động đến kinh tế xã hội. Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể chủ động thay đổi tình hình nếu có một chiến lược rõ ràng và sự chung tay của toàn xã hội.

Kiosk CAREME đặt tại các bệnh viện, một trong các sáng kiến chuyển đổi số của AstraZeneca.

Bên cạnh những nỗ lực không ngừng của các tổ chức và cá nhân trong cộng đồng, để có những chuyển biến tích cực trên diện rộng, bệnh thận mạn nên được đưa vào chiến lược quốc gia về phòng chống bệnh không lây nhiễm, điều này không chỉ mở ra cơ hội để người bệnh được tiếp cận thông tin đầy đủ, được tầm soát bệnh sớm và được điều trị hiệu quả bằng những phương pháp tiên tiến, mà còn khẳng định tầm nhìn đầu tư lâu dài cho một Việt Nam khỏe mạnh hơn. Khi bệnh thận mạn được chú trọng phòng ngừa từ gốc rễ, phát hiện sớm ở giai đoạn tiềm ẩn và kiểm soát tốt trong suốt quá trình tiến triển, chúng ta không chỉ giảm thiểu gánh nặng chi phí y tế khổng lồ, mà còn nâng cao chất lượng cuộc sống cho hàng triệu gia đình Việt, đảm bảo nguồn nhân lực dồi dào và khỏe mạnh cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X