Hotline 24/7
08983-08983

Nuốt vướng, nuốt nghẹn, nuốt sặc do những bệnh lý nào và làm sao để phân biệt?

Theo TS.BS Trần Bảo Nghi - Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh (cơ sở 1), hiện tượng nuốt vướng, nuốt nghẹn và nuốt sặc là những rối loạn phổ biến, gây không ít khó chịu và lo lắng cho người bệnh. Các triệu chứng này có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, bệnh nhân nên thăm khám để được chẩn đoán, một số trường hợp cần nội soi thực quản.

1. Nuốt vướng, nuốt nghẹn khi ăn, có nguy hiểm?

Nhiều người có cảm giác nuốt vướng, nuốt nghẹn khi ăn. Theo BS, cảm giác này có tiềm ẩn nguy hiểm gì không?

TS.BS Trần Bảo Nghi - Giám đốc Chuyên môn Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh (cơ sở 1) trả lời: Nếu trước đó bệnh nhân không có triệu chứng nuốt vướng, nuốt nghẹn khi ăn thì đây có thể do bệnh nhân đang gặp vấn đề về sức khỏe.

Khi bệnh nhân đến khám với triệu chứng nuốt vướng, nuốt nghẹn, cần chú ý đến vấn đề về thực quản, vùng hầu họng.

2. Nuốt nghẹn do ung thư thực quản có đi kèm dấu hiệu nào khác?

Nuốt nghẹn do ung thư thực quản thì có đi kèm dấu hiệu gì dễ nhận biết không ạ?

TS.BS Trần Bảo Nghi trả lời: Ung thư thực quản giai đoạn sớm hầu như không có triệu chứng. Đầu tiên có thể là nuốt nghẹn, sau đó mới có một số triệu chứng khác như nuốt gây đau, sụt cân…

3. Có nên nội soi thực quản khi bị nuốt vướng, nuốt nghẹn?

Nhiều bệnh nhân bị viêm họng mạn, hoặc bị trào ngược dạ dày thực quản rất sợ sẽ bị ung thư thực quản. Vậy họ có nên nội soi thực quản khi bị nuốt vướng, nuốt nghẹn?

TS.BS Trần Bảo Nghi trả lời: Một số bệnh nhân nuốt vướng, nuốt nghẹn trên nền rối loạn về vận động thực quản do bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Khi đó, ngoài thăm khám lâm sàng các bác sĩ khuyến khích bệnh nhân nên thực hiện kỹ thuật nội soi dạ dày thực quản để có chẩn đoán cụ thể.

4. Nuốt nghẹn có thể do bướu tuyến giáp gây ra?

Nuốt nghẹn có thể do bướu tuyến giáp gây ra không, thưa BS?

TS.BS Trần Bảo Nghi trả lời: Một số bệnh nhân đến khám với triệu chứng nuốt vướng, nuốt nghẹn thường nghĩ là do mắc bệnh tuyến giáp. Tuy nhiên, tuyến giáp nằm phía trước, sát da cổ, còn thực quản nằm sâu hơn nên ít khi kích thước tuyến giáp gây ra tình trạng này, tuyến giáp phải rất to mới chèn ép, ảnh hưởng đến nuốt vướng, nuốt nghẹn.

5. Nuốt sặc do bệnh lý gì?

Riêng với nuốt sặc thì tình trạng này gợi ý những bệnh lý gì? Trường hợp nào bệnh nhân cần nội soi phế quản?

TS.BS Trần Bảo Nghi trả lời: Cần phân biệt nuốt vướng, nuốt nghẹn với nuốt sặc. Có nhiều nguyên nhân gây nuốt vướng, nuốt nghẹn, nuốt sặc. Ngoài tình trạng u cục, ung thư thực quản còn có một số bệnh lý khác như bệnh lý về thần kinh cơ (nhược cơ, Parkinson, nhồi máu não ở những người đột quỵ não).

Đối với nuốt vướng, nuốt nghẹn thường do bệnh lý ở thực quản. Nuốt sặc còn có thể liên quan đến những tổn thương ở đường hô hấp như tổn thương trong phế quản khi đó sẽ cần nội soi phế quản để tầm soát bệnh.

6. Rối loạn co thắt thực quản, nếu chẩn đoán muộn sẽ để lại hậu quả gì?

Xin BS cho biết thêm với những bệnh gây rối loạn co thắt thực quản, nếu chẩn đoán muộn có thể để lại hậu quả gì?

TS.BS Trần Bảo Nghi trả lời: Rối loạn vận động thực quản được chia thành nhiều thể bệnh:

- Co thắt tâm vị

- Co thắt thực quản lan tỏa

- Giãn co thắt của thực quản.

Rối loạn vận động thực quản thường ít ảnh hưởng đến tính mạng bệnh nhân. Tuy nhiên nếu để lâu dài và không điều trị có thể gây ra hậu quả nặng nề như viêm thực quản, loét thực quản, thậm chí diễn tiến đến ung thư thực quản.

Khi có những triệu chứng nên thăm khám với bác sĩ chuyên khoa để đánh giá tình hình bệnh tật.

7. Một số trường hợp nuốt vướng, nuốt nghẹn, nuốt sặc, đã tìm đúng nguyên nhân và điều trị hiệu quả

BS có thể kể lại một số trường hợp bệnh nhân đến với Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh, mô tả nuốt vướng, nuốt nghẹn, nuốt sặc, đã được truy tìm đúng nguyên nhân và điều trị hiệu quả.

TS.BS Trần Bảo Nghi trả lời: Trường hợp thứ nhất bệnh nhân khoảng 55 tuổi đến khám vì triệu chứng nuốt sặc. Với chẩn đoán ban đầu bệnh nhân có thể mắc bệnh lý về rối loạn tiêu hóa như rối loạn vận động thực quản.

Tuy nhiên khi vào khám kỹ hơn, các bác sĩ nhận thấy bệnh nhân có tình trạng yếu nửa người kèm nuốt sặc nên nghi ngờ bệnh lý về thần kinh. Sau khi chụp MRI não, phát hiện bệnh nhân bị nhồi máu não và chuyển bệnh nhân đến bác sĩ nội thần kinh. Vì não có vùng kiểm soát về vấn đề nuốt, khi tổn thương sẽ gây ra triệu chứng nuốt sặc.

Trường hợp thứ hai là bệnh nhân khoảng 20 tuổi, đến khám vì đau ngực. Qua thăm khám ghi nhận bệnh nhân đau khoảng 10 ngày trước, do sáng uống thuốc vội nên uống ít nước và thuốc bị nghẹn ở thực quản, đến chiều tối mới dần trôi xuống.

Khi nội soi thực quản ngay vị trí đau nhận thấy vết loét thực quản. Nguyên nhân do uống thuốc không đủ nước và dính ở thực quản dẫn đến loét thực quản. Sau thời gian ngắn điều trị, nội soi lại vết loét đã lành, ổn định.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X