Giảm thiểu biến chứng trong tán sỏi thận qua da
Phẫu thuật tán sỏi thận qua da (PCNL) là một thủ thuật phổ biến, để điều trị sỏi lớn và phức tạp. Mặc dù PCNL là thủ thuật ít xâm lấn hiệu quả nhất, nhưng rủi ro liên quan đến thủ thuật này cũng cao hơn. Tại CISE2025, GS.BS Ralph V. Clayman (Đại học California, Irvine, Hoa Kỳ) đã chia sẻ loạt chiến lược cụ thể nhằm phòng ngừa biến chứng, từ trước mổ đến trong và sau mổ.

Phẫu thuật tán sỏi thận qua da (PCNL) hiện là phương pháp ít xâm lấn hiệu quả nhất để loại bỏ sỏi lớn trong thận. Tuy nhiên, đi cùng hiệu quả điều trị là tỷ lệ biến chứng không hề nhỏ. GS.BS Ralph V. Clayman dẫn chứng một khảo sát trên 5.803 bệnh nhân tại 96 trung tâm y tế, có đến 7,8% gặp biến chứng chảy máu nặng, 5,7% cần truyền máu, 3,4% bị thủng thận và có 0,03% tử vong.
Chuẩn bị kỹ lưỡng trước mổ - yếu tố then chốt để giảm thiểu biến chứng
Theo GS.BS Clayman, bước đầu tiên và quan trọng nhất là phải đảm bảo nước tiểu của bệnh nhân sạch khuẩn. Không chỉ xét nghiệm nước tiểu âm tính là đủ, mà cần chắc chắn kết quả nuôi cấy cũng âm tính để loại trừ nguy cơ nhiễm trùng tiềm ẩn.
Đồng thời, phim CT-scan cần được xem xét tỉ mỉ. Phẫu thuật viên phải nắm rõ vị trí, kích thước, độ cứng của sỏi và lựa chọn con đường tiếp cận đài thận an toàn nhất. “Cần xác định đường tiếp cận tốt nhất trước mổ, không phải đợi đến lúc vào phòng mổ mới quyết định”, ông nhấn mạnh.
Chiến lược giảm thiểu biến chứng trong phẫu thuật tán sỏi thận qua da
Acid Tranexamic - chỉ với liều 1g, có thể làm giảm 5 lần nguy cơ cần truyền máu. Bên cạnh đó, kháng sinh nên được chỉ định sớm, từ khoảng một tuần trước mổ, nhằm ngăn ngừa nhiễm trùng.
GS.BS Clayman cũng đưa ra nhiều lưu ý kỹ thuật trong thao tác:
- Hiểu rõ giải phẫu học vùng thận và đài bể thận.
- Chọc dò chính xác với kim đúng chuẩn, sử dụng chỉ thị nhựa để điều chỉnh độ sâu phù hợp.
- Tránh dùng guidewire bị cong hoặc cũ; nếu cần, thay mới trước khi nong.
- Nếu ống nong không thể đi qua, nên dùng kim rạch cân mạc để tạo điều kiện thuận lợi.
- Khi sheath tiếp cận đài thận, nên chọn hướng đi “nông nhưng an toàn”. Đâm quá sâu có thể gây thủng bể thận, dẫn đến biến chứng nghiêm trọng.
Tránh làm tổn thương đài bể thận khi lấy sỏi
Trong lúc lấy sỏi, thao tác kéo mạnh viên sỏi có thể làm rách hoặc trầy niêm mạc bể thận, tạo sẹo tại vị trí đó.
Vị trí sheath nên được xác định kỹ lưỡng bằng cách soi ngược từ dưới lên để kiểm tra đường vào. Nếu sheath đi quá nông, có thể chỉnh lại mà không gây nguy hiểm. Nhưng nếu đi quá sâu, hậu quả có thể rất nghiêm trọng.
Để ngăn ngừa chảy máu, cần đặt sheath đúng vị trí trong đài bể thận, tiêm thuốc cầm máu trong và sau mổ. Trường hợp chảy máu không kiểm soát, cần cân nhắc can thiệp nội mạch ngay lập tức.

Những biến chứng đặc biệt cần lưu ý
GS.BS Clayman cảnh báo: nuôi cấy nước tiểu giữa dòng có thể âm tính, nhưng sỏi hoặc nước tiểu trong bể thận lại dương tính. Vì vậy, không được chủ quan trước kết quả âm tính ban đầu. Đặc biệt, bệnh nhân có sỏi nhiễm trùng và ứ nước thận trên có nguy cơ nhiễm trùng tiết niệu cao gấp 4 lần.
Trong các tình huống như tràn dịch màng phổi, cần đặt vòng Cope 10F tại phòng mổ. Nếu xảy ra nhiễm trùng huyết, phải dùng kháng sinh kịp thời. Trường hợp xuất huyết nặng, cần truyền máu ngay. Đối với hội chứng chèn ép ổ bụng, nên đặt bệnh nhân nằm ngửa và sử dụng siêu âm để định vị kịp thời.
Kết luận, để phòng ngừa biến chứng PCNL, cần kết hợp giữa dự phòng kháng sinh, sử dụng Acid Tranexamic, đánh giá hình ảnh học kỹ lưỡng và thao tác chuẩn xác trong từng bước kỹ thuật.
>>> Bệnh viện Bình Dân: “Ngọn hải đăng về sự xuất sắc trong đổi mới phẫu thuật tại Đông Nam Á”
>>> Cắt u phổi bằng robot - Điều trị ung thư phổi xâm lấn tối thiểu tại Bệnh viện Bình Dân
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình