TOT hay TVT - Đâu là phương pháp tối ưu để điều trị tiểu không kiểm soát ở phụ nữ?
Tại CISE25, GS.BS Christian Saussine - Nguyên Trưởng khoa Ngoại Tiết niệu, Bệnh viện Đại học Strasbourg, Pháp đã đưa ra những so sánh về hiệu quả dài hạn, tỷ lệ phẫu thuật lại và biến chứng giữa hai phương pháp phẫu thuật TOT và TVT. Từ đó cho thấy, xu hướng đang quay trở lại sử dụng phương pháp TVT qua ngã mu nhiều hơn và mang lại nhiều lợi ích hơn.
GS.BS Christian Saussine cho biết: “Són tiểu gắng sức (SUI) là tình trạng phổ biến ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của phụ nữ. Phẫu thuật đặt băng nâng niệu đạo giữa (MUS) là phương pháp điều trị tiêu chuẩn vàng, với 2 kỹ thuật chính là qua ngã mu (TVT) và qua lỗ bịt (TOT)”.

Theo thống kê từ năm 1997 - 2001, phương pháp treo niệu đạo giữa sau xương mu (TVT) được hầu hết các bác sĩ phụ khoa và tiết niệu áp dụng tại Pháp.
Đến khi phương pháp TOT ra đời, đây được xem như một cải tiến nhằm giảm thiểu biến chứng (đặc biệt là thủng bàng quang), sau năm 2001, số ca áp dụng phương pháp TOT tăng nhanh và áp đảo. Đến năm 2015, tỷ lệ áp dụng TOT là 80%, trong khi đó phương pháp TVT là 20%.
Tuy nhiên số ca TOT có sự giảm nhẹ, vào năm 2023, có khoảng 61% áp dụng phương pháp TOT và TVT là 39%. Từ đó cho thấy, trong xu hướng thực hành đã có sự quay trở lại hoặc cân nhắc nhiều hơn đối với phương pháp tiếp cận sau xương mu (TVT).

Các thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên (RCTs) và phân tích gộp ban đầu cho thấy tỷ lệ thành công dài hạn (khỏi bệnh hoặc cải thiện đáng kể) của TVT và TOT là tương đương, thường đạt khoảng 90%. Tuy nhiên, định nghĩa về “thành công” còn thiếu sự đồng thuận trong y văn.
Các nghiên cứu gần đây cho thấy phương pháp qua ngã mu (TVT) có tỷ lệ thành công dài hạn vượt trội hơn so với TOT. Hướng dẫn của Hiệp hội Niệu khoa Châu Âu (EAU) và khuyến cáo của các Hiệp hội chuyên ngành tại Pháp cũng cho rằng phương pháp qua ngã mu nên được ưu tiên do tỷ lệ khỏi bệnh dài hạn cao hơn.
Theo GS.BS Christian Saussine, nhiều bằng chứng trong y văn chỉ ra rằng TVT (qua ngã mu) vượt trội hơn TOT ở những bệnh nhân có ISD (thiếu hụt cơ thắt niệu đạo nội tại).
Một số nghiên cứu theo dõi dài hạn cho thấy phụ nữ trải qua phẫu thuật TOT có nguy cơ cần phẫu thuật lại vì són tiểu gắng sức tái phát cao hơn so với những người thực hiện TVT qua ngã mu.
Về biến chứng, phương pháp TVT có tỷ lệ biến chứng trong mổ cao hơn một chút, đặc biệt là thủng bàng quang. Tuy nhiên, biến chứng này thường được xem là nhỏ và có thể xử trí dễ dàng trong quá trình phẫu thuật.
Đối với TOT, tỷ lệ thủng bàng quang thấp hơn đáng kể. Tuy nhiên, tỷ lệ bị đau vùng bẹn hoặc đùi sau phẫu thuật cao hơn. Cơn đau này đôi khi dai dẳng, khó điều trị và có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống.
Ngoài ra, việc lấy bỏ hoàn toàn băng nâng qua lỗ bịt khi có biến chứng (đặc biệt là đau) được cho là khó khăn hơn so với băng nâng qua ngã mu.

GS.BS Christian Saussine nhấn mạnh: “Cả hai phương pháp TVT (qua ngã mu) và TOT (qua lỗ bịt) đều là những lựa chọn hiệu quả trong điều trị són tiểu gắng sức ở phụ nữ. Việc lựa chọn phương pháp phẫu thuật cần được cá thể hóa, dựa trên đặc điểm của bệnh nhân, kinh nghiệm của phẫu thuật viên và việc tư vấn đầy đủ về lợi ích cũng như nguy cơ của từng kỹ thuật”.
>>> Bệnh viện Bình Dân: “Ngọn hải đăng về sự xuất sắc trong đổi mới phẫu thuật tại Đông Nam Á”
>>> Cắt u phổi bằng robot - Điều trị ung thư phổi xâm lấn tối thiểu tại Bệnh viện Bình Dân
>>> Giảm thiểu biến chứng trong tán sỏi thận qua da
>>> Nội soi niệu quản bằng ống mềm: Tối ưu hóa kỹ thuật, nâng cao hiệu quả điều trị
>>> TURBT - Phẫu thuật “khó nhằn” trong tiết niệu: Khi kinh nghiệm quyết định chất lượng ca mổ
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình