Hotline 24/7
08983-08983

“Tất cả các ngóc ngách trong nhà đều sinh ra khí thải, ô nhiễm”

Đây là một trong những ý kiến của các chuyên gia tại buổi tọa đàm thuộc phiên chuyên đề 2 của Hội nghị khoa học Tai Mũi Họng (II) do Liên chi hội Tai Mũi Họng TPHCM tổ chức vào ngày 22/6/2024. Các chuyên gia đã thảo luận về một chủ đề rất nóng trong bối cảnh hiện nay, đó là ảnh hưởng của ô nhiễm không khí đến bệnh lý mũi xoang, đồng thời đưa ra ý kiến sôi nổi về những giải pháp giúp điều trị, quản lý hiệu quả các bệnh lý này.

Viêm mũi dị ứng và viêm mũi xoang là 2 dạng bệnh lý chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ ô nhiễm không khí

PGS.TS Lê Công Định - Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) mở đầu phần tham luận với bài báo cáo và cũng là chủ đề của tọa đàm “Ảnh hưởng của ô nhiễm không khí đến bệnh lý mũi xoang và một số giải pháp cho thấy bức tranh toàn cảnh về các bệnh lý dị ứng có xu hướng phát triển vào cuối thế kỷ XX tại châu Âu. Trong đó, viêm mũi dị ứng, viêm da cơ địa, hen dị ứng chiếm tỷ lệ rất cao.

Chuyên gia dẫn chứng một nghiên cứu vào năm 2020 tại Đan Mạch - một quốc gia rất vệ sinh và sạch sẽ - cũng cho thấy tỷ lệ mắc bệnh viêm mũi dị ứng từ 19% tăng lên 30% trong vòng 30 năm. Khu vực châu Á cũng tương tự, tại Trung Quốc cũng cho thấy con số rất đáng chú ý khi tỷ lệ mắc căn bệnh này từ 6,5% đã tăng lên 32,3% trong vòng 6 năm.

Đáng lo là, viêm mũi dị ứng không chỉ gia tăng mà còn thúc đẩy gánh nặng về chi phí, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người bệnh. Tại Hà Lan, chi phí điều trị trong một năm là 4.827 Euro bao gồm các chi phí trực tiếp (đơn thuốc, phẫu thuật, khám bác sĩ) và gián tiếp (nghỉ ngày công làm việc, năng suất lao động giảm).

PGS.TS Lê Công Định nhấn mạnh, ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến nhiều cơ quan, trong đó sự tác động lên các bệnh lý mũi xoang ngày càng nhận được nhiều quan tâm từ các nhà khoa học, bác sĩ trong và ngoài Tai Mũi Họng

Bệnh lý viêm mũi xoang cũng có những thay đổi tương tự như viêm mũi dị ứng. Các con số thống kê cho thấy, khoảng 11% người dân châu Âu, 12% người Mỹ và 8% người châu Á mắc viêm mũi xoang mạn tính. Gánh nặng chi phí cũng không kém cạnh, khi một năm người Mỹ chi khoảng 10 - 13 tỷ USD cho chi phí trực tiếp và 20 tỷ USD về chi phí gián tiếp.

Theo chuyên gia, có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến tỷ lệ mắc các bệnh lý mũi xoang ngày càng gia tăng là gen, môi trường và lối sống. Trong đó, vấn đề môi trường, ô nhiễm không khí, nguồn nước, ánh sáng ngày càng báo động.

PGS.TS Lê Công Định nhấn mạnh: “Một bài báo cáo cho thấy rằng 99% dân số thế giới hít phải không khí ô nhiễm. Nếu con người hít phải không khí có nhiều Ozone (O3) sẽ gây ảnh hưởng đến chức năng phổi, tăng dị ứng hô hấp, tăng tính phản ứng gây co thắt phế quản. Một nghiên cứu khác chỉ ra rằng nếu Ozone, PM, khí thải động cơ diesel, làm tăng tính nhạy cảm của niêm mạc hô hấp với các dị nguyên từ đó gia tăng bệnh dị ứng hô hấp. Có thể nói rằng, ô nhiễm không khí gây tác động xấu đến nhiều cơ quan của cơ thể như não, tim, tụy, thận, đường tiêu hóa…”.

Đề cập đến vấn đề ô nhiễm không khí trong nhà, PGS.TS Lê Công Định thông tin, tất cả các ngóc ngách đều có thể sinh ra khí thải, từ phòng tắm, phòng ngủ, phòng bếp, đến gác mái, nhà để xe, sân… Chuyên gia nêu lên ví dụ, trong phòng ngủ khi việc thông gió kém, bụi và mạt bụi nhà, vi khuẩn và virus, thú cưng, máy sấy sẽ sinh ra ô nhiễm không khí. Bên cạnh đó, tại Việt Nam có một đặc điểm gây ô nhiễm mà nhiều người không để ý, đó chính là thắp nhang, thói quen - tập quán này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến bệnh lý mũi xoang.

Đối với ô nhiễm không khí ngoài trời, chuyên gia cho rằng có thể bắt buồn từ những nguồn khí thải như ô tô, xe máy, máy bay, tàu thủy… Hay những phương tiện cơ giới, cháy rừng, chiến tranh cũng đều trở thành tác nhân gây ra sự ô nhiễm không khí ngoài trời.

Từ những phương tiện, máy móc giải phóng khí thải ra môi trường sẽ có các chất gây ô nhiễm. Đầu tiên là chất ô nhiễm sơ cấp: Nitrogen Dioxides (NO2), Sulfur Dioxides (NO2), Carbon monoxide (CO) và bụi mịn PM (<0,1μm: siêu nhỏ; 0,1 - 2,5μm: nhỏ; 2,5 -10μm: to). Thứ hai là chất ô nhiễm thứ cấp, do những chất ô nhiễm sơ cấp giải phóng ra, từ đó tương tác với môi trường để tạo nên những ô nhiễm thứ cấp. Ví dụ như Ozone (O3), Nitric axit (NHO3) hoặc Sunlphur trioxide (SO3), kể cả những bụi mịn PM. Thứ ba là ô nhiễm sinh học, trong môi trường sinh sống có rất nhiều các dị nguyên được giải phóng như bọ bụi nhà, lông súc vật, gián, nấm (dị nguyên bên trong nhà) … và phấn hoa, hoa cỏ (dị nguyên ngoài trời)…

PGS.TS Lê Công Định cho biết, có rất nhiều nghiên cứu đề cập đến các tác động của ô nhiễm không khí lên phổi. Tuy nhiên, ngày nay chúng ta lại quan tâm nhiều đến tác động bệnh lý mũi xoang. Vào năm 2020, một ấn phẩm quốc tế của Tổ chức Dị ứng Thế giới (WAO) được phát hành, là đồng thuận về điều trị các bệnh viêm mũi dị ứng nặng do ô nhiễm không khí.

Tổ chức Dị ứng Thế giới đã đưa ra một số khuyến cáo và điều trị trong những trường hợp mắc bệnh. Thứ nhất là về môi trường, nên lắp đặt hệ thống theo dõi và cảnh báo ô nhiễm không khí, có thể đặt hệ thống lọc không khí (trung tâm, cục bộ) và hiện nay có một xu thế sử dụng màng lọc mũi… Đây là một số giải pháp mang tính chất cục bộ để cá nhân có thể giải quyết được về môi trường.

Thứ hai là điều trị cho bệnh nhân đúng theo hướng dẫn ARIA trong bệnh lý viêm mũi dị ứng. Hai loại thuốc cơ bản nhất là kháng histamin H1 với khuyến cáo nên sử dụng thế hệ 2 không gây buồn ngủ và kết hợp sử dụng steroid xịt mũi trong trường hợp nặng hơn. Chuyên gia khuyến cáo, cần áp dụng đúng hướng dẫn điều trị theo từng mức độ và từng loại bệnh.

Thứ ba là có thể sử dụng một số loại thực phẩm bổ sung chất chống oxy hóa trong điều trị các bệnh lý về mũi xoang, để giảm được tình trạng stress oxy hóa gồm các chất như glutathione, enzyme catalase, axit citric vitamin C, vitamin E…

Cuối cùng có một số khuyến cáo dành cho người bệnh đang điều trị các bệnh lý về mũi xoang được chuyên gia đề cập, bao gồm: Sử dụng nước muối biển, nước muối sinh lý để xịt rửa mũi hàng ngày; Nên đóng cửa trong khoảng thời gian cao điểm hoặc bắt đầu mưa, bão; Hạn chế, tránh tiếp xúc với dị nguyên; Tránh khói thuốc lá; Tránh đốt nhang, nến; Tránh xịt phòng, các chất tẩy rửa; Tránh nhiệt độ trong nhà quá thấp (<22 độ C); Loại bỏ nguồn bào tử, nấm mốc trong nhà; Điều chỉnh thuốc theo dự báo thời tiết và mức độ ô nhiễm.

PGS.TS Lê Công Định khuyến nghị:“Ô nhiễm không khí gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe chung. Trong đó viêm mũi dị ứng và viêm mũi xoang là hai dạng bệnh lý bị ảnh hưởng nhiều nhất. Do vậy, cần nắm vững cơ chế hoạt động của bệnh lý mũi xoang để có biện pháp dự phòng và lựa chọn những phương pháp điều trị an toàn và có hiệu quả”.

Buổi tọa đàm có sự tham gia của PGS.TS Lê Công Định - Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Bạch Mai, TS.BS.CK2 Phạm Đình Nguyên - Chủ tịch LCH Tai Mũi Họng Nhi TPHCM, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 và ThS.BS.CK2 Nguyễn Minh Hảo Hớn - Trưởng khoa Mũi xoang, Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM 

Viêm mũi dị ứng cần được điều trị dài hạn để người bệnh có thể kiểm soát tốt triệu chứng

Tham luận trong buổi tọa đàm, TS.BS.CK2 Phạm Đình Nguyên - Chủ tịch LCH Tai Mũi Họng Nhi TPHCM, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 cũng đưa ra nhận định: “Ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu là một vấn đề toàn cầu bởi vì nó gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái cũng như ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng sống của con người.

Hàng ngày, qua các bản tin thời sự hay trên các trang báo chí truyền thông về y khoa, chúng ta sẽ thấy sự xuất hiện của rất nhiều bệnh mới, sự gia tăng về tần suất, tỷ lệ bệnh cũng như sự trẻ hóa về lứa tuổi của những bệnh lý nguy hiểm, ác tính. Đặc biệt là sự tăng cao về tỷ lệ của những bệnh hô hấp, da liễu, tim mạch có liên quan đến tình trạng ô nhiễm môi trường”.

Chính vì vậy, chuyên gia cho rằng, các vấn đề ô nhiễm môi trường cũng như phòng chống bệnh tật liên quan đến ô nhiễm môi trường trở thành một vấn đề thời sự và thu hút sự quan tâm của rất nhiều ngành nghề và lĩnh vực, không riêng trong chuyên ngành y khoa.

TS.BS.CK2 Phạm Đình Nguyên còn đề cập đến vấn đề “sương mù” như Đà Lạt, Sapa ngay tại 2 thành phố lớn TPHCM và Hà Nội, xuất phát từ ô nhiễm không khí, đồng thời đưa ra mối quan ngại về sự thay đổi của mô hình bệnh đường hô hấp cũng như cách chăm sóc, điều trị trong bối cảnh này.

Giải đáp cho mối bận tâm của TS Đình Nguyên, PGS.TS Lê Công Định đưa ra ý kiến, hai bệnh lý chính bị tác động bởi sự ô nhiễm không khí đối với mũi xoang là viêm mũi dị ứng và viêm mũi xoang, với cơ chế chính là do hít phải các khí độc hại, bụi mịn. Thực tế, tại Hà Nội đã có các cảnh báo về mức độ ô nhiễm của từng thời điểm. Do vậy, chuyên gia đề xuất tại TPHCM cần có các trạm quan trắc để phát ra thông báo với người dân về tình trạng không khí, môi trường, từ đó đưa ra các giải pháp đề phòng tránh.

PGS.TS Lê Công Định chia sẻ: “Dự phòng và cảnh báo là vấn đề của của các nhà chính sách. Đối với các bác sĩ chuyên khoa, điều cần quan tâm là sự gia tăng tỷ lệ bệnh viêm mũi dị ứng do trái đất nóng lên cộng với ô nhiễm không khí. Hình thái của bệnh viêm mũi dị ứng hoặc viêm mũi hiện nay rất khác ngày trước. Ví dụ, trước đây mùa phấn hoa chỉ kéo dài khoảng 2 tháng hoặc 6 - 8 tuần, nhưng hiện nay với đặc điểm thời tiết ngày một nóng lên, bệnh viêm mũi dị ứng không chỉ kéo dài trong 2 tháng, có thể tăng lên 3 tháng, thậm chí có những mùa phấn hoa kéo dài đến 6 tháng.

Từ đó cho thấy vấn đề đặt ra khi kê toa thuốc. Chẳng hạn, đối với thuốc kháng histamine, mỗi một lần bệnh nhân đến thăm khám, bác sĩ cần kê toa ít nhất 1 tháng, không điều trị ngắn hạn (5-7 ngày) trong trường hợp này. Sau đó hẹn ngày tái khám để đánh giá triệu chứng, khả năng cải thiện của bệnh nhân. Hiện nay, các thuốc kháng histamine thế hệ mới, không gây buồn ngủ và rất an toàn cho bệnh nhân sử dụng. Một số nghiên cứu ở Nhật Bản cho thấy khi bệnh nhân sử dụng kháng histamine trong vòng 12 tháng liên tục không ghi nhận tác dụng phụ đáng kể. Chúng ta có thể yên tâm cho bệnh nhân sử dụng, giúp việc kiểm soát bệnh viêm mũi dị ứng hiệu quả.

“Vì vậy, các bác sĩ chuyên khoa chúng ta cần thay đổi suy nghĩ vì rõ ràng mô hình viêm mũi dị ứng đã thay đổi và kéo dài. Nhiều bệnh nhân viêm mũi dị ứng có biểu hiện hắt hơi, sổ mũi, ngạt mũi. Nhưng cũng có nhiều trường hợp gặp phải tình trạng bệnh lý là viêm mũi dị ứng dai dẳng tối thiểu, nghĩa là bệnh nhân vẫn còn nền viêm ở mũi và không biểu hiện triệu chứng. Việc chúng ta điều trị bằng kê thuốc sử dụng kéo dài sẽ giúp người bệnh luôn luôn kiểm soát được triệu chứng và không còn khái niệm thăm khám và cho bệnh nhân sử dụng thuốc trong 5 - 7 ngày”.

Nên vệ sinh máy lạnh thường xuyên để phòng ngừa các bệnh lý về mũi xoang

Bầu không khí của buổi tọa đàm ngày một sôi nổi hơn khi TS.BS.CK2 Phạm Đình Nguyên tiếp tục đưa ra vấn đề nên hay không nên sử dụng máy lạnh, nên dùng quạt máy hay máy lạnh khi nhà có trẻ bị viêm mũi dị ứng, sổ mũi, nghẹt mũi.

ThS.BS.CK2 Nguyễn Minh Hảo Hớn - Trưởng khoa Mũi xoang, Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM nêu quan điểm, bên cạnh khuyến cáo về nhiệt độ, các bác sĩ nên đưa ra lời khuyên trong việc lựa chọn những loại máy lạnh có chế độ hút bụi đảo chiều hoặc tích hợp sử dụng máy lọc không khí. Bởi trong cơ chế vận hành của máy lạnh, khi bật lên hệ thống sẽ thổi ra luồng hơi lạnh, toàn bộ những bụi bẩn được hút vào trong thời gian sử dụng trước đó sẽ ứ đọng lại và thả ngược vào không khí. Ở môi trường lạnh sẽ tạo điều kiện cho nấm mốc và vi khuẩn phát triển mạnh mẽ.

Khuyến cáo chung của nhiều chuyên gia đó là nên mở cửa sổ hoặc cửa ra vào trong vòng vài phút trước khi bật máy lạnh để ổn định, rồi sau đó mới đóng cửa lại. Điều này có thể giúp trẻ nhỏ tránh được việc hít phải những bụi bẩn và dị nguyên” - ThS.BS.CK2 Nguyễn Minh Hảo Hớn thông tin.

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Ngọc Dung cho rằng, việc nhà cửa thoáng khí và vệ sinh máy lạnh thường xuyên là các giải pháp rất quan trọng cho gia đình có người mắc các bệnh dị ứng, mũi xoang

Đồng tình với quan điểm của BS Hảo Hớn, PGS.TS.BS Nguyễn Thị Ngọc Dung - Chủ tịch Hội Y học TPHCM - Chủ tịch danh dự LCH Tai Mũi Họng TPHCM nói thêm: “Thực tế có nhiều gia đình sử dụng máy lạnh 1-2 năm nhưng không vệ sinh. Phần lớn chúng ta đều không biết rằng, màng lưới bên trong máy lạnh có thể tháo ra để tự rửa. Thao tác này rất đơn giản, nhưng nếu không làm thì đây sẽ là một trong những nguyên nhân gây ra các bệnh lý về mũi xoang”.

Chuyên gia thông tin thêm, trong các tài liệu y khoa đã chỉ ra, trước khi thổi hơi lạnh, máy lạnh sẽ tỏa ra một luồng khí khiến bụi bẩn trong màng lưới sẽ bay ra khắp phòng. Trẻ sẽ bị dị ứng bởi những hạt bụi này, chứ không phải do hơi lạnh. Do vậy, một trong những khuyến cáo quan trọng là phải vệ sinh máy lạnh thường xuyên đối với những gia đình cho người bị dị ứng.

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Ngọc Dung cũng nhấn mạnh vấn đề liên quan đến việc mở cửa phòng, thông thoáng khí giúp ngăn ngừa các bệnh lý mũi xoang. Chuyên gia dẫn chứng một nghiên cứu thực hiện đề tài tiến sĩ của một bác sĩ tại trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch trên 600 căn nhà tại TPHCM (bao gồm các loại hình villa, chung cư, nhà hình ống, nhà trọ…). Kết quả ghi nhận, loại hình nhà nào có thông khí thì tỷ lệ mắc bệnh lý mũi xoang sẽ giảm đi đáng kể.

Chuyên gia kiến nghị, những người kiến trúc sư khi quy hoạch và phê duyệt thiết kế kiến trúc cần lưu ý đến vấn đề thoáng khí cho căn nhà. “Một giáo sư người Bỉ đã nhận định, căn nhà cần phải có 2 luồng khí đi ra và đi vào để giúp không khí trong nhà được thông thoáng hơn” - chuyên gia nhấn mạnh.

Một vấn đề khác cũng được PGS.TS.BS Nguyễn Thị Ngọc Dung đề cập: “Hiện nay, trên thế giới một số nước đã nghiêng về việc sử dụng xe điện để tránh tình trạng ô nhiễm không khí do các phương tiện động cơ gây ra. Trong khi đó, tại Việt Nam tình trạng khí thải gây ô nhiễm từ các phương tiện động cơ rất đáng báo động. Giải pháp đề ra là cần đề xuất ứng dụng xe công cộng nhiều để lượng khí thải từ xe máy, xe hơi giảm hoặc triển khai hệ thống tàu điện ngầm trên không như Metro, lượng khí ô nhiễm sẽ được giảm đi rất nhiều. Chính vì vậy chúng ta cần có những con số từ các nghiên cứu để phối hợp đề xuất phòng ngừa”.

Thông qua bàn luận PGS.TS.BS Nguyễn Thị Ngọc Dung đã có những chia sẻ về kinh nghiệm của bản thân với mong muốn khi các bác sĩ thăm khám bệnh nhân, ngoài việc kê toa thì nên tìm hiểu và khai thác thêm về đời sống sinh hoạt và môi trường xung quanh người bệnh. Ngoài ra, chuyên gia kỳ vọng các bác sĩ, thế hệ trẻ sẽ có những đề tài nghiên cứu hoặc thông qua số liệu từ các hội nghị để viết bài tổng quan trên báo chính truyền thông. “Chính truyền thông và những ý kiến của các bác sĩ sẽ lan tỏa và đóng góp một phần vào công tác phòng ngừa bệnh” - chuyên gia nhắn nhủ.

>>> Nội soi là trợ thủ nối dài tầm mắt người thầy thuốc trong Tai Mũi Họng

>>> Các giải pháp hữu hiệu điều trị bệnh lý tai mũi họng trong điều kiện khí hậu Việt Nam

>>> Cập nhật các phương pháp tiềm năng trong điều trị bệnh lý tai mũi họng

>>> Can thiệp đúng trong cấy ốc tai điện tử và điều trị ngưng thở khi ngủ; xử trí tai biến trong phẫu thuật nội soi xoang

>>> Phòng và điều trị dị ứng hô hấp trong bối cảnh nóng lên toàn cầu

>>> Khảo sát các yếu tố ảnh hưởng người bệnh trước phẫu thuật và kỹ thuật rửa mũi xoang

>>> Yếu tố ảnh hưởng kết quả tầm soát nghe kém và tầm quan trọng của giáo dục sức khỏe

>>> Vai trò của truyền thông trong khám và điều trị các bệnh lý tai mũi họng hiện nay

Hội nghị Khoa học Tai - Mũi - Họng 2024 - II với chủ đề “Cập nhật chẩn đoán và điều trị hiệu quả bệnh lý Tai - Mũi - Họng trong môi trường khí hậu Việt Nam” diễn ra tại TPHCM vào ngày 22/6/2024, với 27 bài báo cáo xuyên suốt trên 4 phiên (1 phiên toàn thể, 2 phiên chuyên đề và 1 phiên điều dưỡng), được trình bày bởi các báo cáo viên là Chủ tịch, Phó chủ tịch các Hội Tai Mũi Họng Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, Hội Tai Mũi Họng tỉnh Khánh Hòa, LCH Tai Mũi Họng TPHCM, LCH Da liễu TPHCM, LCH Phẫu thuật đầu cổ TPHCM cùng giảng viên các trường Đại học, trưởng khoa các bệnh viện…

Ngoài ra, hội nghị còn có 2 tọa đàm về vấn đề thời sự: Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu lên bệnh lý dị ứng hô hấpẢnh hưởng của ô nhiễm không khí đến bệnh lý mũi xoang cùng một số giải pháp.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X