Hotline 24/7
08983-08983

Các giải pháp hữu hiệu điều trị bệnh lý tai mũi họng trong điều kiện khí hậu Việt Nam

Phiên toàn thể trong hội nghị khoa học Tai Mũi Họng (II) do Liên chi hội Tai Mũi Họng TPHCM tổ chức vào ngày 22/6/2024, các chuyên gia đề cập đến giải pháp hữu hiệu cho bệnh lý tai mũi họng trong điều kiện khí hậu Việt Nam, nhấn mạnh vai trò của vắc xin phế cầu giúp phòng các bệnh lý tai mũi họng ở người lớn, chọn lựa kháng sinh điều trị nhiễm khuẩn cấp cũng như tầm quan trọng khi có sự đồng hành của thuốc thuốc với bệnh nhân.

60.000 người tử vong có liên quan đến ô nhiễm không khí tại Việt Nam mỗi năm

PGS.TS Lâm Huyền Trân - Phó Chủ tịch Liên chi hội Tai Mũi Họng TPHCM đưa ra những con số đáng chú ý cảnh báo về tình trạng ô nhiễm tại Việt Nam. Năm 2018, Đại học Yale (Mỹ) báo cáo Việt Nam lọt top 10 nước gây ô nhiễm không khí tồi tệ nhất thế giới. Trong khi đó, nước ta cũng xếp thứ 10 về mức độ ô nhiễm không khí trong châu Á.

Tổ chức Y tế thế giới - WHO đưa ra thống kê, mỗi năm Việt Nam có khoảng 60.000 ca tử vong có liên quan đến ô nhiễm không khí. Chuyên gia cho rằng, WHO nhiều lần lên tiếng cảnh báo, ô nhiễm không khí được coi như một kẻ giết người thầm lặng với ước tính có khoảng 30% ca tử vong do ung thư phổi, tỷ lệ đột quỵ não cũng như các bệnh lý về tim mạch chiếm 25%.

PGS.TS Lâm Huyền Trân - Phó Chủ tịch Liên chi hội Tai Mũi Họng TPHCM

Phó Chủ tịch Liên chi hội Tai Mũi Họng TPHCM cảnh báo, trong bối cảnh này, bệnh lý đường hô hấp cũng gia tăng, đặc biệt là viêm mũi dị ứng, viêm mũi, viêm mũi xoang, hen phế quản, viêm phổi. Chuyên gia lý giải: “Biến đổi khí hậu cùng với ô nhiễm môi trường sẽ làm niêm mạc mũi xoang nhạy cảm hơn với phấn hoa, bụi nhà, khói bụi, khói thuốc lá. Ô nhiễm môi trường sẽ làm kịch phát viêm mũi xoang. Đồng thời sẽ làm hệ thống nhầy lông chuyển giảm tần suất đập, giảm tốc độ vận chuyển”.

Trong khi đó, viêm mũi xoang mạn thường có xu hướng tái phát, việc điều trị khó khăn bởi sự xuất hiện của biofilm, lạm dụng kháng sinh và tình trạng đề kháng kháng sinh ngày càng gia tăng, đồng nhiễm siêu vi, môi trường thuận lợi cho bệnh lý phát triển… Dẫn chứng cụ thể Viện sức khỏe quốc gia NIH cho thấy, 65% nhiễm khuẩn liên quan vi khuẩn, 80% nhiễm khuẩn viêm mạn tính có liên quan đến Biofilm.

Trong điều kiện khí hậu tại Việt Nam, PGS.TS Lâm Huyền Trân cho rằng, việc điều trị bệnh mũi xoang sẽ bao gồm tránh ô nhiễm, đặc biệt quan trọng là rửa mũi giúp làm sạch dị ứng nguyên và xịt mũi giúp kháng viêm, kháng dị ứng…

Trong các thuốc xịt mũi, Nitric Oxide được kỳ vọng bởi vì có hoạt tính kháng virus, kháng khuẩn, kháng Biofilm. Ngoài ra, Nitric Oxide xịt mũi cũng cho thấy vai trò trong kháng viêm, tiêu đàm, loãng đàm, tăng hoạt động hệ thống nhầy lông chuyển, giúp mau lành thương. Nhờ vậy, Nitric Oxide xịt mũi trở thành giải pháp hữu hiệu hỗ trợ trong điều trị bệnh mũi xoang trong điều kiện môi trường khí hậu Việt Nam” - PGS.TS Lâm Huyền Trân nhấn mạnh.

Chủng ngừa phế cầu giúp giảm gánh nặng về tỷ lệ mắc bệnh, nhập viện và tử vong

Bài báo cáo của ThS.BS Nguyễn Hiền Minh - Phó Trưởng đơn vị Tiêm chủng - Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM giúp người tham dự có góc nhìn toàn diện về vai trò của vắc xin phế cầu trong việc phòng các bệnh lý tai mũi họng ở trẻ em và người lớn. Bởi vì cho đến nay, bệnh do phế cầu gây nên gánh nặng bệnh tật lớn trên toàn cầu.

Bệnh phế cầu là thuật ngữ chỉ nhiều loại bệnh nhiễm trùng do Streptococcus pneumoniae bao gồm viêm tai giữa cấp, viêm xoang, viêm phổi, nhiễm khuẩn huyết, viêm phổi có du khuẩn huyết, viêm màng não. Bệnh phế cầu khuẩn gồm có bệnh phế cầu không xâm lấn và bệnh phế cầu xâm lấn.

Các con số đáng chú ý mà chuyên gia đưa ra cho thấy, phế cầu là nguyên nhân hàng đầu gây nên mắc và tử vong trong nhiễm trùng đường hô hấp dưới. Riêng năm 2021 gây ra 97,9 triệu ca mắc trên toàn cầu, khoảng 505.000 ca tử vong, tỷ lệ tử vong do bệnh phế cầu xâm lấn có thể lên đến 25% ngay cả khi đã sử dụng hợp lý kháng sinh.

Đối với trẻ em, phế cầu khuẩn là vi khuẩn trẻ phải đối diện rất sớm từ những năm đầu đời. Cụ thể, trẻ vài tháng tuổi tỷ lệ thường trú < 10%; đạt 70 - 100% lúc 1 tuổi, kéo đến 2 - 3 tuổi và giảm dần đến mức < 5% tuổi trưởng thành.

ThS.BS Nguyễn Hiền Minh cho biết, bệnh do phế cầu khuẩn nghiệm trọng là bởi nó có thể gây ra những tổn thương cơ quan cấp tính và di chứng lâu dài. Trong đó, chuyên gia đề cập, tổn thương cấp tính có thể đưa bệnh nhân đến viêm màng não (đột quỵ), viêm tai giữa (suy giảm thính lực, vỡ mảng xơ vữa gây bất lợi về tim…

Song, hậu quả tiếp theo còn đáng chú ý hơn khi để lại các di chứng như suy giảm nhận thức thay đổi hành vi, mất thính lực vĩnh viễn, nhồi máu cơ tim (suy tim sung huyết), xơ phổi (cơn kịch phát COPD), bệnh thận mạn, bệnh phổi do tim.

Trẻ em dưới 5 tuổi, người lớn trên 50 tuổi, người có bệnh lý đi kèm là những nhóm có nguy cơ mắc phế cầu cao nhất. Tại Việt Nam, 3 serotype gây phế cầu xâm lấn hay gặp nhất: 19F (32%), 6A (16%), 6B (12%) và 3 serotype liên quan đề kháng kháng sinh nhiều nhất là 6A (75%), 23F (67%),19A (50%).

Chủng ngừa phế cầu mang lại nhiều lợi ích, theo BS Hiền Minh. Bên cạnh việc giảm gánh nặng nặng bệnh tật và sẽ dẫn đến tiết kiệm chi phí, vắc xin còn giúp bảo vệ khỏi đồng nhiễm phế cầu với các bệnh đồng nhiễm virus khác như cúm, COVID-19, đồng thời mang lại lợi ích trong việc giảm sử dụng kháng sinh và giảm sự đề kháng kháng sinh.

ThS.BS Nguyễn Hiền Minh - Phó Trưởng đơn vị Tiêm chủng - Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM

Vắc xin phế cầu được phát triển để nhắm đến các type huyết thanh gây bệnh phổ biến. Nhờ có vắc xin được đưa vào chương trình tiêm chủng, gánh nặng bệnh do phế cầu đã giảm đáng kể. Từ năm 2000 đến năm 2015, tỷ lệ mắc viêm phổi do phế cầu khuẩn trên toàn thế giới đã giảm 40%. Và giảm 50% tỷ lệ tử vong gây ra bởi S. pneumoniae  ở trẻ em <5 tuổi trên toàn cầu.

Tỷ lệ mắc viêm tai giữa ở trẻ em cũng giảm sau khi PCV13 được đưa vào sử dụng. Tại Mỹ, giảm 40,5% tỷ lệ mắc viêm tai giữa mọi nguyên nhân năm 2009 so với 2011 (<2 tuổi). Tại Anh, giảm 51% tỷ lệ mắc viêm tai giữa mọi nguyên nhân năm 2002 so với 2012 (<10 tuổi)” – chuyên gia dẫn chứng.

Hiệu quả phòng ngừa bệnh do phế cầu của PPSV23 cũng đã được chứng minh từ nghiên cứu nền tảng. Theo đó, hiệu quả của phác đồ tiêm nối tiếp PCV13-PPSV23 trong bảo vệ người lớn tuổi khỏi viêm phổi cộng đồng tại Hàn Quốc lên đến 80,3%. Các chủng huyết thanh được bao phủ bởi PPSV23 mà không được bao phủ bởi bất kỳ vắc xin cộng hợp nào đang lưu hành tại Việt Nam.

Do vậy, ThS.BS Nguyễn Hiền Minh khuyến nghị, tiêm chủng là chiến lược hiệu quả nhất để phòng chống bệnh do phế cầu, không chỉ giảm tỷ lệ mắc bệnh mà còn giảm tỷ lệ nhập viện, tử vong. Song song đó, chủng ngừa phế cầu còn tác động rất tích cực đối với hiệu ứng bảo vệ cộng đồng, giảm đề kháng kháng sinh. Việc tiêm ngừa phế cầu rất quan trọng, nhất là với những người có nguy cơ cao.

Chọn lựa kháng sinh trong nhiễm khuẩn hô hấp cấp

PGS.TS.BS Phan Hữu Nguyệt Diễm - Giảng viên Đại học Y Dược TPHCM nhấn mạnh, cho đến nay, nhiễm khuẩn hô hấp mắc phải cộng đồng (viêm tai, viêm xoang mũi, viêm họng đầu, viêm phổi…) vẫn là thách thức cho các nhà lâm sàng vì cần phân biệt tác nhân là vi trùng hay virus, loại nào có thể điều trị kháng sinh, lựa chọn điều trị ưu tiên cho phù hợp…

Trong điều trị viêm họng do vi trùng, chuyên gia cho rằng, mục tiêu là kiểm soát đau và sốt, dự phòng biến chứng, giảm nhanh tình trạng nhiễm khuẩn, dự phòng lan truyền GAS, giảm sự đề kháng kháng sinh. Vì vậy, nên chọn lựa kháng sinh phổ hẹp, chi phí vừa phải, ít tác dụng phụ, thời gian đủ triệt căn vi khuẩn.

PGS.TS.BS Phan Hữu Nguyệt Diễm - Giảng viên Đại học Y Dược TPHCM

Hiện nay, theo khuyến cáo, kháng sinh điều trị viêm họng do vi trùng hàng đầu vẫn là Amoxicillin. Tuy nhiên, điều trị có thể thất bại vì thực tế có đến 14% không đáp ứng với Amoxicillin hoặc điều trị kháng sinh sớm không kịp tạo ra kháng thể hoặc do bệnh có thể tái phát.

Trong trường hợp điều trị thất bại do đồng tồn tại của các tác nhân vi khuẩn tiết men Beta-lactamase (S. aureus, H. influenzae,  M. catarrhalis) tại vùng hầu họng bắt buộc phải sử dụng phối hợp Amoxicillin + clavulanic acid. Trong trường hợp vi khuẩn đột biến gen, xâm nhập vào nội bào, cần phải phối hợp với kháng sinh tan trong mỡ  - Macrolide.

Chuyên gia khuyến nghị, Amoxicillin + clavulanic acid tác động trên những vi trùng tiết ra Beta-lactamase rất tốt. Đối với trẻ em có thể dùng dạng gói hay dạng viên nén phân tán phù hợp với lứa tuổi. Tuy vậy, “nếu sử dụng Amoxicillin + clavulanic acid vào buổi sáng và buổi chiều chỉ sử dụng Amoxicillin sẽ hoàn toàn không có tác dụng”.

Đối với viêm tai giữa cấp, tác nhân gây bệnh chủ yếu vẫn là các loại vi trùng tiết men Beta-lactamase. Do đó, các khuyến cáo vẫn đề nghị đầu tiên dùng Amoxicillin, nếu không hiệu quả thì dùng kết hợp Amoxicillin + clavulanic acid.

PGS.TS.BS Phan Hữu Nguyệt Diễm lưu ý, khi trẻ đến phòng khám, siêu vi mấy ngày sau bớt sốt nhưng triệu chứng tăng trở lại và than đau mặt, chảy mũi xanh thì cần nghi ngờ viêm xoang cấp. Đối với viêm xoang cấp, phác đồ điều trị vẫn là Amoxicillin + clavulanic acid 45mg/kg/ngày (với trường hợp nhạy), tăng đến 90 mg/kg/ngày (với trường hợp kháng). Nếu thất bại sau 3 ngày thì chuyển sang Cefpodoxim, Cefdinir.

Trong các tình huống trẻ có vẻ nhiễm độc lơ mơ, tưới máu kém suy hô hấp, suy tuần hoàn; có biến chứng: mắt, nội sọ; thất bại với điều trị ngoại trú ceftriaxone 50 mg/kg/ngày, PGS.TS.BS Phan Hữu Nguyệt Diễm khuyến nghị nên cho trẻ nhập viện.

Đối với viêm phổi cộng đồng, chuyên gia nhấn mạnh đây là một trong những nguyên nhân gây tử vong cao nhất ở trẻ em. “Trong khi những tháng cuối năm trước, viêm phổi tử vong đa số ở trẻ em là có bệnh nền (tim bẩm sinh, cao áp, bại não, dị tật bẩm sinh) nhưng trong cuối tháng 10 năm 2023, tại bệnh viện chúng tôi có khoảng 22 trường hợp tử vong mà bệnh nhân không có bệnh nền và đa số đều kèm theo adeno virus”.

Vấn đề quan trọng là khó phân biệt viêm phổi do vi khuẩn hay virus, ngay cả khi cấy vi khuẩn âm tính cũng khó loại trừ được viêm phổi do vi khuẩn. Do đó, WHO khuyến cáo nên dùng kháng sinh cho tất cả các trường hợp viêm phổi trẻ em.

Về viêm phổi do vi khuẩn không điển hình, biểu hiện không những tại phổi mà còn ngoài hô hấp. Vì vậy, mặc dù khi trẻ không sốt cao, chỉ sốt trung bình nhưng kéo dài 1-2 tuần, ho nhẹ 1-2 tuần và có thể biểu hiện viêm kết mạc, nổi hồng ban, nhức đầu, mệt mỏi cần phải nghi ngờ vi khuẩn không điển hình.

Trước đây, vi khuẩn không điển hình chỉ có viêm phổi kẽ nhưng gần đây đã thấy nó có thể viêm phổi thùy, viêm phổi kẽ, viêm phổi lan tỏa 2 bên. Trong tình huống này phải sử dụng các kháng sinh tan trong mỡ, ví dụ như macrolid, quinolon hoặc đối với người lớn là tetracyclin” - PGS.TS.BS Phan Hữu Nguyệt Diễm nhấn mạnh.

Về viêm phổi do vi khuẩn điển hình, điều trị theo tác nhân. Theo PGS.TS.BS Phan Hữu Nguyệt Diễm, đối với phế cầu nhạy, MIC > 4 phải cho bệnh nhân nhập viện và chích kháng sinh, còn đường uống thì có thể sử dụng Cefuroxime. Đối với vi khuẩn điển hình Heamophilus influenzae, chọn lựa đầu tiên là Amoxicillin hoặc Amoxicillin + clavulanic acid, hoặc các Cefuroxime… thế hệ 2.

Trong phác đồ điều trị của UpToDate 2024 không có nhiều thay đổi, chỉ có 1 điểm lưu ý. Đó là trước đây việc điều trị vi khuẩn không điển hình bằng Amoxicillin hoặc Amoxicillin + clavulanic acid nếu trẻ có dị ứng (nổi mề đay) thì đổi sang loại khác nhưng gần đây, nếu trẻ có dị ứng chậm không qua trung gian IgE vẫn cho phép tiếp tục sử dụng Amoxicillin hoặc Amoxicillin + clavulanic acid hoặc đổi qua cùng nhóm (Cefuroxime, hoặc Cefdinir) mà không bắt buộc phải đổi qua Quinolon hay kháng sinh khác. Bởi vì đối với trẻ em, điều trị Quinolon vẫn cần rất cẩn trọng vì lo ngại sót vi khuẩn lao.

Cuối cùng, PGS.TS.BS Phan Hữu Nguyệt Diễm nhấn mạnh: “Kháng sinh Amoxicillin + clavulanic acid sẽ được chỉ định trong viêm họng do GAS (nếu có phối hợp thêm vi khuẩn tiết Beta-lactamase), viêm tai giữa, viêm mũi xoang, viêm phổi cộng đồng do vi khuẩn điển hình”.

Thầy thuốc đồng hành cùng bệnh nhân giúp tăng tỷ lệ tái khám bệnh lý tai mũi họng mạn tính

Trong khám chữa bệnh tai mũi họng, điều quan trọng là sự đồng hành của thầy thuốc với bệnh nhân, theo TS.BS Nguyễn Nam Hà - Trưởng Đơn vị Tai Mũi Họng Phòng khám Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Bởi vì các bệnh Tai Mũi Họng (TMH) mạn tính hiện chiếm tỷ lệ cao ở các quốc gia đang phát triển, gây tổn thất về kinh tế, giảm chất lượng cuộc sống,…

Theo đó, sự đồng hành giữa thầy thuốc và bệnh nhân sẽ mang lại 6 lợi ích lớn. Một là theo dõi lâu dài, nhất là với các bệnh mạn tính. Hai là bệnh nhân được chăm sóc thường xuyên, định kỳ. Ba là giảm gánh nặng chi phí khám chữa bệnh cho bệnh nhân, gia đình, cho ngành y tế. Bốn là không bỏ sót các đợt bệnh trở nặng hoặc biến chứng của bệnh TMH mạn tính. Năm là phát hiện sớm thể bệnh mới, bệnh mới. Sáu là đồng hành sát sao với bệnh nhân trong các tình huống.

TS.BS Nguyễn Nam Hà - Trưởng Đơn vị Tai Mũi Họng Phòng khám Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch

TS.BS Nguyễn Nam Hà đề xuất, các hoạt động tăng cường sự đồng hành với bệnh nhân bao gồm, nhắc nhở sự tuân thủ điều trị của bệnh nhân thông qua điện thoại và các phương thức trực tuyến khác (phần mềm Telemedicine) như uống thuốc, chăm sóc tại chỗ, tâm lý bệnh nhân, tập luyện thể dục, day huyệt liên quan, chế độ ăn uống-ngủ nghỉ. Đồng thời có hệ thống liên lạc thuận tiện để bệnh nhân phản hồi tác dụng ngoại ý của thuốc, phản hồi triệu chứng không cải thiện; và có kế hoạch nhắc điều trị định kỳ.

Bệnh lý tai mũi họng có khả năng tái phát, do vậy việc chăm sóc hàng ngày rất quan trọng. Việc đồng hành giữa thầy thuốc và bệnh nhân thông qua các phương tiện trực tuyến trong dịch bệnh bằng cách hướng dẫn kỹ để bệnh nhân thực hiện hiệu quả và kiểm tra việc thực hiện hiệu quả.

Đồng thời, mời tham gia các hoạt động tư vấn giáo dục sức khỏe chính thống. Chuyên gia đưa ra ví dụ điển hình tại Phòng khám Đa khoa Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch thực hiện chương trình truyền thông giáo dục sức khỏe định kỳ mỗi tháng. Trong đó có những phiên về tai mũi họng chủ đề khàn tiếng và nội soi tai mũi họng, phiên mạn đàm có nhiều điều phối viên tai mũi họng (nhiều thế hệ) nhận được sự chú ý của bệnh nhân, cộng đồng.

Nhờ những hoạt động được kết hợp thực hiện tốt, khảo sát tỷ lệ tái khám của bệnh nhân tai mũi họng mạn tính tại Phòng khám Đa khoa Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch từ tháng 6/2021 đến tháng 12/2021 đã tăng lên đáng kể.

Do vậy, TS.BS Nguyễn Nam Hà tin rằng: “Thầy thuốc Tai Mũi Họng đồng hành với bệnh nhân thông qua các biện pháp như: có hồ sơ theo dõi bệnh, nhắc nhở sự tuân thủ điều trị, có hệ thống nhắc tái khám, chăm sóc hàng ngày phòng ngừa tái phát, tổ chức các hoạt động truyền thông giáo sự sức khỏe cho thấy mang lại nhiều lợi ích với bệnh nhân trong khám chữa bệnh tai mũi họng mạn tính”.

Các báo cáo viên chụp hình cùng GS.TS.BS Phạm Kiên Hữu - Chủ tịch LCH Tai Mũi Họng TPHCM, PGS.TS.BS Nguyễn Thị Ngọc Dung - Chủ tịch danh dự LCH Tai Mũi Họng TPHCM (nhiệm kỳ 2024-2029), PGS.TS.BS Trần Phan Chung Thủy - Chủ tịch Hội Tai Mũi Họng Việt Nam.

>>> Phòng và điều trị dị ứng hô hấp trong bối cảnh nóng lên toàn cầu

>>> Khảo sát các yếu tố ảnh hưởng người bệnh trước phẫu thuật và kỹ thuật rửa mũi xoang

 Hội nghị Khoa học Tai - Mũi - Họng 2024 - II với chủ đề “Cập nhật chẩn đoán và điều trị hiệu quả bệnh lý Tai - Mũi - Họng trong môi trường khí hậu Việt Nam” diễn ra tại TPHCM vào ngày 22/6/2024, với 27 bài báo cáo xuyên suốt trên 4 phiên (1 phiên toàn thể, 2 phiên chuyên đề và 1 phiên điều dưỡng), được trình bày bởi các báo cáo viên là Chủ tịch, Phó chủ tịch các Hội Tai Mũi Họng Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, Hội Tai Mũi Họng tỉnh Khánh Hòa, LCH Tai Mũi Họng TPHCM, LCH Da liễu TPHCM, LCH Phẫu thuật đầu cổ TPHCM cùng giảng viên các trường Đại học, trưởng khoa các bệnh viện…

Ngoài ra, hội nghị còn có 2 tọa đàm về vấn đề thời sự: Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu lên bệnh lý dị ứng hô hấpẢnh hưởng của ô nhiễm không khí đến bệnh lý mũi xoang cùng một số giải pháp.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X