Hotline 24/7
08983-08983

Phòng và điều trị dị ứng hô hấp trong bối cảnh nóng lên toàn cầu

Phiên chuyên đề 1 của Hội nghị Khoa học Tai - Mũi - Họng 2024 (II) do Liên chi hội Tai Mũi Họng TPHCM tổ chức, đề cập thẳng vào những ảnh hưởng nghiêm trọng của sự biến đổi khí hậu toàn cầu lên bệnh lý đường hô hấp, cụ thể là dị ứng hô hấp, đồng thời đưa ra phương pháp giảm triệu chứng viêm mũi dị ứng bằng Mometasone furoate, hỗ trợ thêm bằng dung dịch vệ sinh mũi.

GS.TS.BS Phạm Kiên Hữu, BS.CK2 Hoàng Quốc Tưởng, TS.BS Phạm Lê Duy giải đáp những câu hỏi về bảo vệ sức khỏe đường hô hấp trong bối cảnh biến đổi khí hậu được gửi về tọa đàm

Bệnh lý dị ứng hô hấp khi khí hậu thay đổi

Xoay quanh vấn đề “Ảnh hưởng của thay đổi khí hậu lên bệnh lý dị ứng hô hấp”, TS.BS Phạm Lê Duy - Giảng viên bộ môn Sinh lý bệnh miễn dịch, Đại học Y Dược TPHCM mở đầu bài báo cáo bằng dẫn chứng về sự thay đổi nhiệt độ trên toàn cầu từ năm 1981 – 2010.

Theo đó, đại đa số các vùng lục địa tăng đều từ 0,5 độ C, đặc biệt là những vùng cực tăng đến 7 độ C. “Sự nóng lên toàn cầu kèm theo những vấn đề khác đã ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe con người” - TS.BS Phạm Lê Duy nói.

Theo nghiên cứu, những năm gần đây, số ngày của mùa hè ngày càng tăng. Cụ thể, năm 2011 so với năm 1952, số ngày của mùa hè đã tăng thêm 17 ngày. Trong khi đó, xuân, thu và đông là những mùa khí hậu mát mẻ thì số ngày lại giảm xuống.

Tại Việt Nam, từ năm 1975 - 2014, 58,6% trạm quan trắc ghi nhận nhiệt độ có xu hướng tăng, 14,2% giảm và 26,6% không đổi.

Như vậy, không chỉ ở Việt Nam mà trên cả thế giới đều có sự gia tăng nhiệt độ của bề mặt Trái Đất. Đồng thời, rút ngắn thời gian của những mùa lạnh và gia tăng thời gian của mùa hè, tăng lượng mưa. Điều này dẫn đến sự thay đổi trong việc phóng thích các dị nguyên.

Đề cập đến nguyên nhân gây biến đổi khí hậu, TS.BS Phạm Lê Duy có nhắc đến “hiệu ứng nhà kính”. Hiệu ứng nhà kính do các loại khí tập trung ở khí quyển và làm lượng nhiệt từ mặt trời chiếu xuống Trái Đất không được tán xạ trở lại mà chỉ quanh quẩn ở bề mặt Trái Đất, làm nhiệt độ của bề mặt Trái Đất tăng lên.

Các loại khí nhà kính gồm CO2, methan, N2O... Theo nhiều nghiên cứu gần đây, sự phát thải của các loại khí nhà kính đang tăng đột biến. Khí đốt công nghiệp, khói bụi từ cơ sở hạ tầng giao thông đã làm tăng phát thải khí CO2, đặc biệt là ở những quốc gia đang phát triển.

TS.BS Phạm Lê Duy cho biết, sự thay đổi khí hậu dẫn đến tỉ lệ mẫn cảm với các dị nguyên tăng lên

Ngoài ra, chặt phá cây rừng, ngành chăn nuôi, thuốc trừ sâu nông nghiệp,... cũng là nguyên nhân góp phần gây biến đổi khí hậu. “Ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu là 2 mặt của 1 đồng xu. Ô nhiễm không khí sẽ dẫn đến biến đổi khí hậu và ngược lại, biến đổi khí hậu sẽ gây nên nhiều tác động đến không khí do sử dụng các loại máy điều hòa nhiệt độ” - TS.BS Phạm Lê Duy giải thích.

Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu lên dị nguyên thể hiện rõ qua việc nồng độ CO2 và nhiệt độ tăng lên kéo theo sự gia tăng lượng pollen phóng thích vào khí quyển. Khi thời gian của các mùa hoa nở bị kéo dài sẽ làm tăng thời gian phóng thích phấn hoa, tăng khả năng khuyếch tán phấn hoa nhờ gió và tăng tính gây mẫn cảm của các hạt phấn hoa.

Nhiêt độ và độ ẩm tăng sẽ tạo nên điều kiện sống lý tưởng cho mạt nhà và nấm mốc, hai loài sinh vật có thể sống cộng sinh với nhau, làm tăng thêm lượng dị nguyên và nguy cơ mẫn cảm với 2 loài sinh vật này.

Mẫn cảm với mạt nhà tăng do khí hậu nhiệt đới lấn sang những vùng vĩ tuyến cao hơn hay nhiệt độ tăng lên khiến con người có xu hướng ở trong nhà nhiều hơn. Độ ẩm tăng còn khiến lượng nấm mốc trong môi trường tăng theo.

TS.BS Phạm Lê Duy khẳng định: “Ô nhiễm không khí trong nhà là mối nguy cơ ít được quan tâm”. Ô nhiễm không khí trong nhà đến từ các hóa chất hữu cơ bay hơi (toluene, styrene, xylenes, and trichloroethylene…) thường có trong các sản phẩm tẩy rửa, nước hoa, sơn, keo dán, vẹc-ni, sáp thơm, nến thơm, tinh dầu, gỗ xử lý công nghiệp…; từ việc đốt các chất sinh khối như than, củi, gas, nhang; bụi amiăng từ các công trình xây dựng...

Kết thúc phần báo cáo, TS.BS Phạm Lê Duy đưa ra thông điệp: “Sự thay đổi khí hậu dẫn đến tỉ lệ mẫn cảm với các dị nguyên tăng lên do tăng số lượng và tính gây mẫn cảm của dị nguyên và tăng đáp ứng miễn dịch từ biểu mô hô hấp.

Bên cạnh những biện pháp hạn chế ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu, cần có các biện pháp bảo vệ để tránh tiếp xúc với dị nguyên, và hạn chế dị nguyên phát triển”.

Giá trị của mometasone furoate trong điều trị và dung dịch vệ sinh mũi trong hỗ trợ điều trị viêm mũi dị ứng

ThS.BS.CK2 Nguyễn Minh Hảo Hớn - Trưởng khoa Mũi Xoang, Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM mở đầu phần chia sẻ kinh nghiệm về “Kiểm soát - điều trị viêm mũi dị ứng trong bối cảnh ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu”: “Ô nhiễm không khí là một vấn đề ngày càng gia tăng và là tác nhân chính gây ra viêm mũi dị ứng ở nhiều quốc gia và khu vực.

Đến năm 2050, dự đoán 68% dân số thế giới sống ở khu vực thành thị và sẽ phải đối mặt với mức độ ô nhiễm cao”.

Mức độ ô nhiễm gia tăng có liên quan đến sự gia tăng bệnh viêm mũi dị ứng và mức độ trầm trọng của triệu chứng: Các hạt khí xả diesel có thể làm tăng sự giải phóng histamine từ tế bào mast; Các hạt khí xả diesel cũng phá vỡ các liên kết chặt chẽ ở niêm mạc mũi, làm tăng tính thấm qua tế bào của các dị nguyên. Một người tiếp xúc với chất gây ô nhiễm không khí có nguy cơ bị viêm mũi cao hơn 43% so với người không tiếp xúc.

Ngoài ra, biến đổi khí hậu đang làm tăng thêm gánh nặng dị ứng, cụ thể, điều kiện biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng đến mùa phấn hoa trên toàn thế giới. Ở Mỹ, so với năm 1990, mùa dị ứng hiện nay bắt đầu sớm hơn 20 ngày và kéo dài thêm 10 ngày.

Biến đổi khí hậu làm thay đổi sự sẵn có và phân bố của các dị nguyên có nguồn gốc từ thực vật và nấm. Ví dụ, nhiều dị nguyên phổ biến, chẳng hạn như cỏ phấn hương, phát triển nhanh hơn và tạo ra nhiều phấn hoa hơn khi nồng độ carbon dioxide tăng lên. Vì biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến số lượng và loại chất gây ô nhiễm trong không khí, nó cũng sẽ làm tăng tần suất và mức độ nghiêm trọng của viêm mũi dị ứng.

ThS.BS.CK2 Nguyễn Minh Hảo Hớn – Trưởng khoa Mũi Xoang, Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM, ô nhiễm không khí ngày càng gia tăng và là tác nhân chính gây ra viêm mũi dị ứng ở nhiều quốc gia và khu vực

Theo ARIA Guidelines 2018, viêm mũi dị ứng được định nghĩa là một rối loạn về triệu chứng tại mũi xảy ra khi tiếp xúc với dị nguyên do phản ứng viêm qua trung gian IgE của niêm mạc mũi.

Viêm mũi dị ứng được phân loại như sau:

  • Viêm mũi dị ứng gián đoạn với các triệu chứng dưới 4 ngày/tuần HOẶC dưới 4 tuần liên tục.
  • Viêm mũi dị ứng dai dẳng với các triệu chứng trên 4 ngày/tuần VÀ trên 4 tuần liên tiếp.
  • Viêm mũi dị ứng nhẹ đáp ứng các tiêu chí giấc ngủ bình thường; không ảnh hưởng lên các hoạt động hằng ngày như thể thao, giải trí, học tập và làm việc; có triệu chứng nhưng không gây phiền toái cho bệnh nhân.
  • Viêm mũi dị ứng trung bình – nặng khi có 1 hoặc nhiều tiêu chí: rối loạn giấc ngủ, ảnh hưởng lên các hoạt động hằng ngày như thể thao, giải trí, học tập và làm việc; các triệu chứng gây khó chịu cho bệnh nhân.

Viêm mũi dị ứng theo mùa thường xuất hiện vào mùa xuân hoặc đầu thu, cũng có thể ở cả 2 thời điểm, khi tiếp xúc với các dị nguyên ngoài trời phổ biến như phấn hoa, nấm mốc trong không khí, cỏ phấn hương...

Trong khi đó, viêm mũi dị ứng quanh năm xảy ra khi tiếp xúc với các dị nguyên trong nhà như mạt bụi, nấm mốc, côn trùng, vảy da động vật...

Chuyên gia chia sẻ 3 bước để kiểm soát viêm mũi dị ứng là xác định triệu chứng, sàng lọc viêm mũi dị ứng, phân biệt với các bệnh hô hấp khác và quản lý tuân thủ kế hoạch điều trị. Mặc dù đã sử dụng thuốc nhưng bệnh nhân mắc viêm mũi dị ứng thường đến khám với các triệu chứng không được kiểm soát tốt. Hướng dẫn của ARIA cung cấp các khuyến nghị dựa trên bằng chứng nhưng vẫn còn khoảng cách với thực tế lâm sàng tại cơ sở điều trị.

ThS.BS.CK2 Nguyễn Minh Hảo Hớn khẳng định: “Hiểu rõ hồ sơ bệnh nhân và chọn chiến lược điều trị phù hợp dựa trên các yếu tố như: tuổi tác, triệu chứng, mức độ nghiêm trọng, sở thích, điều kiện kinh tế của bệnh nhân là chìa khóa để quản lý viêm mũi dị ứng tối ưu”.

Có đến 40% bệnh nhân viêm mũi dị ứng bị hen suyễn và hơn 80% bệnh nhân hen suyễn mắc viêm mũi dị ứng đồng thời. Từ đó có thể thấy, viêm mũi dị ứng có mối tương quan rất cao với hen suyễn nên việc kiểm soát các triệu chứng viêm mũi dị ứng là rất quan trọng. Viêm mũi dị ứng đồng mắc có liên quan đến việc khó kiểm soát hen suyễn hơn.

Khung điều trị phù hợp để bắt đầu và tiếp tục điều trị cho bệnh nhân viêm mũi dị ứng chưa được chẩn đoán trước đó hoặc có viêm mũi dị ứng nhẹ đến trung bình. Bệnh nhân được chẩn đoán xác định viêm mũi dị ứng nặng hoặc khó điều trị hoặc thất bại trong điều trị trước đó nên được chuyển đến cơ sở chuyên khoa nếu cần.

Yêu cầu bệnh nhân tuân thủ phương pháp điều trị dược lý tiêu chuẩn cho viêm mũi dị ứng để ngăn ngừa tình trạng bệnh trầm trọng hơn và phát triển các biến chứng tiếp theo.

Chỉ số điều trị (Therapeutic index, TIX) là tỷ lệ so sánh nồng độ trong máu mà tại đó thuốc gây ra tác dụng điều trị với lượng gây độc. TIX càng lớn thì thuốc càng an toàn. Kết luận từ nghiên cứu của Schäfer và cộng sự (2011), trong số 7 corticosteroid dạng xịt mũi (bao gồm fluticasone furoate và budesonide), mometasone furoate có chỉ số điều trị cao nhất dựa trên hiệu quả và độ an toàn.

Theo nghiên cứu của Sastre J và Mosges R. Local về sự an toàn tại chỗ và toàn thân của corticosteroid dạng xịt mũi, mometasone có sinh khả dụng toàn thân thấp hơn so với các corticosteroid dạng xịt mũi (INCS) khác, hạn chế nguy cơ tác dụng phụ và tăng tính phù hợp để kiểm soát duy trì lâu dài các triệu chứng viêm mũi dị ứng.

Trong nhiều nghiên cứu khác, mometasone cũng chứng minh được giá trị khi làm giảm tổng số triệu chứng ở mũi tới 40%, làm giảm hiệu quả các triệu chứng ở mũi của từng cá nhân liên quan đến viêm mũi dị ứng.

Mometasone furoate làm giảm nghẹt mũi hiệu quả do viêm mũi dị ứng, bất kể mức độ nghiêm trọng của nghẹt mũi. Sự thay đổi này tương đương với việc giảm ùn tắc nghiêm trọng xuống mức độ từ trung bình đến nặng và giảm ùn tắc từ trung bình đến nặng xuống mức độ nhẹ đến trung bình.

Mometasone furoate cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân một cách an toàn và hiệu quả, duy trì sự cải thiện trong 16 tuần. Các thông số chất lượng cuộc sống bị ảnh hưởng bao gồm giảm sự can thiệp vào các hoạt động hàng ngày và giấc ngủ, cũng như tăng cường thở bằng mũi.

Dùng dung dịch nước muối vệ sinh mũi là một trong những phương pháp được khuyến khích để điều trị hỗ trợ viêm mũi dị ứng. “Dung dịch muối đẳng trương và ưu trương, được sử dụng đơn độc hoặc bổ trợ, mang lại lợi ích khiêm tốn trong việc giảm triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống ở bệnh nhân viêm mũi dị ứng và viêm mũi xoang”, ThS.BS.CK2 Nguyễn Minh Hảo Hớn nói.

Dựa trên nhiều nghiên cứu lâm sàng, tổng quan hệ thống và phân tích gộp đã chỉ ra rằng việc sử dụng SNI có thể giảm đáng kể hoặc cải thiện các triệu chứng viêm mũi dị ứng ở cả người lớn và trẻ em khi đơn trị. Đồng thời giảm tiêu thụ thuốc hoá dược, có khả năng dẫn đến ít tác dụng phụ liên quan đến INCS và giảm gánh nặng kinh tế.

Bằng chứng lâm sàng và tổng hợp các phân tích cho thấy rằng SNI được sử dụng kết hợp với INCS mang lại lợi ích lớn hơn so với chỉ sử dụng SNI hoặc INCS trong việc giảm các triệu chứng viêm mũi dị ứng ở bệnh nhân.

 

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X