Hotline 24/7
08983-08983

Làm gì để bảo vệ sức khỏe trước tình trạng ô nhiễm không khí đáng báo động?

Nhóm dễ bị tổn thương do ô nhiễm không khí, bụi mịn là trẻ em và người già, người có bệnh nền về hô hấp, tim mạch, cơ địa dị ứng. Vậy người dân cần làm gì để bảo vệ sức khỏe trước tình trạng ô nhiễm không khí đáng báo động?

PGS.TS Trần Quỳnh Anh - Trưởng bộ môn Sức khỏe môi trường, Viện đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng, Đại học Y Hà Nội cho biết, thời tiết mùa thu đông Hà Nội có đặc điểm độ ẩm thấp, ít gió, làm cho không khí không có sự vận chuyển, lưu thông, chất ô nhiễm khó bay đi xa. Vì vậy, nồng độ của các chất ô nhiễm tăng cao hơn so với những ngày có mưa hay gió mạnh.

Ngoài ra, một số ngày sẽ có hiện tượng nghịch đảo nhiệt, tầng không khí ở phía trên sẽ nóng hơn phía dưới. Nồng độ chất ô nhiễm sẽ không phát tán lên cao được, chúng sẽ ở tầng thấp (tầng con người hít thở). Vì vậy, người dân sẽ thấy sương mù và có cảm giác khó chịu.

Theo PGS Trần Quỳnh Anh, nhóm dễ bị tổn thương do ô nhiễm không khí, bụi mịn là trẻ em và người già, người có bệnh nền về hô hấp, tim mạch, cơ địa dị ứng. Họ sẽ có cảm nhận rõ nhất về ô nhiễm không khí.

Chuyên gia cho biết, hệ hô hấp là cơ quan chịu ảnh hưởng nhiều nhất, người dân có thể bị kích ứng như chảy mũi, hắt hơi, viêm họng. Mức độ tiếp xúc lâu, nhiều hơn, chúng có thể gây viêm nhiễm đường hô hấp trên như viêm thanh quản, viêm mũi, viêm xoang. Trẻ em rất dễ bị viêm tai giữa. Người có tiền sử dị ứng như hen xuyễn dễ tái phát đợt hen cấp do ô nhiễm không khí.

Đồng quan điểm, BS Nguyễn Hữu Hoàng, giảng viên Đại học Y Dược TPHCM, phân tích bụi đi vào phổi gây ra bệnh đường hô hấp trên như viêm mũi, viêm họng và viêm xoang. Sau đó, nó đi xuống phổi làm tổn thương phổi, tình trạng này sẽ tái đi tái lại, nếu người dân phải sống trong môi trường nhiễm bụi thời gian dài.

Với những người đang có nền bệnh sẵn như viêm mũi dị ứng, viêm xoang mạn tính, hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)... tình trạng sẽ càng tệ.

Cách bảo vệ bản thân trước thực trạng ô nhiễm không khí

Theo ThS.BS Hồ Ngọc Lợi - Giảng viên Trường Đại Học Y Dược TPHCM, tình trạng không khí ô nhiễm hiện nay sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe, vì vậy người dân cần lưu ý:

- Hạn chế việc tiếp xúc với nguồn bụi mịn bằng cách đeo khẩu trang chuyên dụng, hạn chế lưu thông vào những lúc đường đông, tránh khu vực thường bị ô nhiễm, nhiều khói bụi.

- Hạn chế đeo kính áp tròng bởi các hạt bụi có thể kẹt giữa con ngươi và mắt kính, dẫn đến tình trạng viêm và gây tổn thương giác mạc.

- Rửa tay bằng xà phòng thường xuyên, vệ sinh tai, mũi, họng để mũi luôn duy trì khả năng lọc bụi tốt nhất.

- Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao để tăng cường sức khỏe, cải thiện sức đề kháng.

-  Uống đủ nước, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, tăng cường nhiều rau xanh, trái cây giàu vitamin A và C.

- Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, phòng ốc sạch sẽ, giữ môi trường sống được thông thoáng.

- Thay đổi thói quen sinh hoạt bằng cách chuyển sang sử dụng các phương tiện công cộng và có nhiên liệu thân thiện với môi trường.

- Hạn chế dùng bếp than, đốt vàng mã.

- Nên trồng cây xanh trong và xung quanh nhà để giúp ngăn bụi, làm sạch không khí.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X