Chuyên gia phụ sản - Bệnh viện Đồng Nai -2 chia sẻ về: Dọa sinh non, sinh non và những điều cần lưu ý
Sinh non là khi trẻ được sinh ra ở tuổi thai từ hết 22 tuần đến trước 37 tuần. Sinh non có đến 50% không xác định rõ nguyên do gây sinh non, phần còn lại có thể bao gồm: chiều dài cổ tử cung ngắn, hở eo tử cung, bất thường tử cung bẩm sinh hay mắc phải, bệnh lý mãn tính hay cấp tính của mẹ, đời sống xã hội thấp và nhóm các nguyên nhân đến từ thai và phần phụ của thai,…
Mức độ sinh non thường được mô tả theo tuổi thai, thông thường sẽ chia ra 4 mức độ:
- Cực non: là em bé sinh trước 28 tuần tuổi thai
- Rất non: là em bé sinh ra từ 28 - 31 tuần 6 ngày.
- Non trung bình: là em bé sinh ra từ 32 - 33 tuần 6 ngày.
- Non muộn: là em bé sinh ra từ 34 - 36 tuần 6 ngày.
1. Những yếu tố nguy cơ có thể gây sinh non:
- Từ mẹ:
- Tiền căn sinh non
- Hở eo tử cung, chiều dài cổ tử cung (CTC) ngắn, tiền căn chấn thương CTC (như khoét chóp CTC), tiền căn phá thai to
- Bất thường tử cung: tử cung dị dạng bẩm sinh, u xơ cơ tử cung
- Tình trạng viêm nhiễm: viêm âm đạo, viêm nha chu, nhiễm trùng tiểu không triệu chứng
- Thời gian giữa 2 lần mang thai quá ngắn (< 6 tháng)
- Tuổi mẹ < 17 hay > 35
- Tình trạng kinh tế xã hội thấp
- Suy dinh dưỡng (BMI < 19 kg/m²), cân nặng trước khi mang thai < 50 kg
- Làm việc quá mức (> 80 giờ/tuần), công việc phải đứng > 8 giờ/ngày
- Hút thuốc, uống rượu
- Bệnh lý mẹ: hen phế quản, tăng huyết áp, đái tháo đường...
- Mẹ được can thiệp phẫu thuật trong thai kỳ
- Từ thai và phần phụ:
- Đa thai
- Đa ối, thiểu ối
- Nhiễm trùng ối, ối vỡ non
- Thai dị tật
- Nhau tiền đạo, nhau bong non
2. Dấu hiệu gợi ý có chuyển dạ sinh non
Bác sĩ dựa vào các dấu hiệu lâm sàng như sau để chẩn đoán nguy cơ sinh non:
- Có cơn gò tử cung đều đặn (4 cơn gò tử cung trong 20 phút hay 8 cơn trong 60 phút) và:
- CTC mở ≥ 3 cm, hoặc
- Chiều dài kênh CTC < 20 mm (siêu âm ngả âm đạo), hoặc
- Chiều dài kênh CTC từ 20 mm đến < 30 mm (siêu âm ngả âm đạo) và xét nghiệm fetal fibronectin (+).
- Có thể kèm các dấu hiệu khác: ra nhớt hồng hoặc dịch nhầy CTC, đau thắt lưng, trằn nặng bụng.
3. Trẻ sinh non có nguy cơ gặp phải các vấn đề sức khỏe gì?
Trẻ sinh càng non, các nguy cơ sức khỏe càng nghiêm trọng. Đặc biệt, tỉ lệ tử vong chu sinh rất cao ở tuổi thai dưới 28 tuần. Các vấn đề sức khỏe có thể gặp bao gồm:
- Cân nặng lúc sinh thấp
- Chức năng phổi chưa trưởng thành nên dễ bị suy hô hấp sau sinh và tử vong.
- Hệ miễn dịch yếu làm tăng khả năng nhiễm trùng như nhiễm trùng huyết, viêm phổi…
- Rối loạn thân nhiệt: Trẻ dễ bị hạ thân nhiệt do thiếu lớp mỡ dưới da. Hạ thân nhiệt làm tăng nguy cơ tử vong chu sinh, do đó việc phòng tránh hạ thân nhiệt ở trẻ non tháng là rất cần thiết. Trẻ thường được ủ ấm kĩ hơn để phòng tránh hạ thân nhiệt. Đôi khi, trẻ non tháng cũng bị tăng thân nhiệt do trung tâm điều nhiệt trung ương chưa hoàn thiện.
- Rối loạn tiêu hóa: Trẻ sinh non dễ gặp phải các vấn đề liên quan đến việc nuôi ăn. Trẻ hay bị nôn trớ, tiêu chảy, đau bụng, bú kém, trào ngược dạ dày-thực quản… Viêm ruột hoại tử là một biến chứng nguy hiểm có thể gặp ở những trẻ non tháng.
- Ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và tâm thần trong tương lai: Trẻ non tháng có thể mắc phải các di chứng thần kinh tiềm ẩn hoặc nặng nề, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ trong tương lai. Bên cạnh đó, trẻ cũng dễ mắc các khiếm khuyết bẩm sinh như mù, điếc, bệnh tim bẩm sinh…
4. Các biện pháp dự phòng sinh non:
- Tầm soát, khám sức khỏe tiền hôn nhân để xác định nhóm người bệnh có nguy cơ cao.
- Khám thai định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ.
- Chế độ ăn uống hợp lý, đầy đủ dinh dưỡng.
- Không hút thuốc, uống rượu, nghỉ ngơi, giảm vận động nặng.
- Hạn chế số lượng phôi chuyển ở những phụ nữ có hỗ trợ sinh sản nhằm hạn chế đa thai.
- Điều trị sớm tình trạng viêm nhiễm trước và trong thai kỳ.
- Khâu vòng cổ tử cung hoặc đặt pessary dự phòng sinh non hoặc khi sản phụ bị hở eo tử cung.
----------------------
Ngày 20/11 vừa qua, Tiến sĩ Bác sĩ Lê Quang Thanh- Nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ TP. HCM, Chủ tịch Hội Y học Bà mẹ và Thai nhi TP. HCM (HSMFM), Phó Chủ tịch Hội Phụ sản Việt Nam (VAGO) - chuyên gia trong lĩnh vực sản phụ khoa đã có buổi chuyển giao chuyên môn và tập huấn đào tạo cán bộ y bác sĩ tại Bệnh viện Đồng Nai -2 với chủ đề “Sinh non”. Tại hội thảo có sự tham gia đông đảo của các y bác sĩ bệnh viện.
Ngoài ra, Chuyên gia còn trực tiếp thăm khám và tư vấn điều trị các bệnh Sản, phụ khoa, tư vấn điều trị vô sinh hiếm muộn tại phòng khám thai tầng 7, Bệnh viện Đồng Nai -2.
Việc hợp tác với chuyên gia đầu ngành giúp phát triển chuyên môn, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh để người dân được hưởng những dịch vụ y tế chất lượng cao ngay trong tỉnh nhà.
Bệnh viện Đồng Nai -2, số 2, đường Đồng Khởi, phường Tam Hòa, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
HOTLINE tư vấn: 0933 02 9999.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình