Thai phụ có vết mổ cũ phải đối mặt với những nguy cơ gì?
Theo BS.CK2 Phạm Thị Hải Châu - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Hùng Vương và BS.CK2 Nguyễn Xuân Vũ - Phó Trưởng khoa Sản bệnh, Bệnh viện Hùng Vương nếu có vết mổ thai từ lần thứ 2 trở đi sẽ làm tăng nguy cơ vỡ tử cung và tăng nguy cơ nhau tiền đạo, nhau cài răng lược.
1. Có cách nào ngăn chặn thai làm tổ trên vết mổ cũ?
Nguy cơ thai làm tổ trên vết mổ cũ khiến nhiều chị em lo lắng. Xin hỏi BS, có cách nào để ngăn chặn rủi ro này trước khi nó xảy ra?
BS.CK2 Phạm Thị Hải Châu - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Hùng Vương trả lời: Cho đến hiện nay vẫn chưa tìm được nguyên nhân vì sao thai bám ở vết mổ cũ mà không bám ở vị trí thông thường. Mặc dù có nhiều giả thuyết đưa ra như mang thai sớm trước thời điểm 12 tháng hoặc chất lượng cơ lành không tốt, tuy nhiên nguyên nhân cụ thể chưa được xác định, do đó không thể phòng tránh.
Nhưng theo nghiên cứu, những người có can thiệp trên cổ tử cung như tiền căn bóc nhân xơ, mổ xén góc tử cung vì thai bám ở đoạn kẽ, mổ sinh hoặc nạo hút thai trên buồng tử cung, thụ tinh ống nghiệm… sẽ có nguy cơ bị thai bám ở sẹo mổ cũ cao hơn. Những bệnh nhân này khi đi khám thai nên thông tin với bác sĩ về tình trạng để loại trừ thai bám ở sẹo mổ cũ, xem xét bánh nhau có bám bất thường vào sẹo mổ không và được tư vấn cho phù hợp.
2. Đau vết mổ khi mang thai lần sau có nguy hiểm không và nên xử trí thế nào?
Một số chị em gặp tình trạng đau vết mổ khi mang thai lần sau. Tình trạng này có nguy hiểm không và nên xử trí như thế nào, thưa BS?
BS.CK2 Nguyễn Xuân Vũ - Phó Trưởng khoa Sản bệnh, Bệnh viện Hùng Vương trả lời: Thai phụ có vết mổ cũ khi xảy ra triệu chứng đau có thể liên quan đến vết mổ cũ hoặc không, trong trường hợp cơn gò tự nhiên cũng có thể đau (cơn co lan tỏa toàn bộ tử cung cũng có thể đau vùng vết mổ). Nếu tử cung dính vào thành bụng thì khi em bé quẫy đạp sẽ kích thích phúc mạc trong bụng và gây đau.
Trường hợp nguy hiểm nhất khi đau ở vùng vết mổ là vỡ tử cung. Tỷ lệ vỡ tử cung không nhiều từ 0,5 - 0,9% (1.000 người mới có 5 - 9 người), tùy theo tỷ lệ mổ tăng dần.
Đối với những trường hợp vỡ tử cung trên người có sẹo cũ đôi khi triệu chứng rất âm thầm hoặc không có triệu chứng, có thể đau hoặc ra huyết. Vì vậy, khi có triệu chứng đau trên thai có vết mổ cũ phải đến cơ sở y tế thăm khám kịp thời, để loại trừ vỡ tử cung.
Bên cạnh đó, sẹo mổ cũ lành như thế nào rất khó nhận biết trừ khi mổ lại. Những trường hợp ước đoán phía ngoài, khi thăm khám bác sĩ sẽ sờ nắn, ấn vào vùng sẹo có thể đau hoặc không đau, chủ quan hoặc khách quan. Nếu nghi ngờ bác sĩ có thể siêu âm để đo độ dày của vết mổ (mỏng hay dày), tuy nhiên không thường quy.
3. Thai gần vết mổ có nguy hiểm không và túi thai cách vết mổ cũ bao nhiêu là an toàn?
Thai gần vết mổ có nguy hiểm không? Túi thai cách vết mổ cũ bao nhiêu là an toàn? Đây là những thắc mắc thường gặp của bạn đọc AloBacsi, nhờ BS giải đáp ạ!
BS.CK2 Phạm Thị Hải Châu trả lời: Thai bám gần sẹo mổ cũ thường có rủi ro, dẫn đến nhau bám bất thường hoặc hiện tượng tăng sinh mạch máu ở vùng nhau bám hoặc vị trí thai bám, dễ chảy máu khi sinh lại.
Tuy nhiên, trong y văn cũng như các tài liệu không có định nghĩa thai bám gần bao nhiêu sẽ gặp nguy hiểm, trừ khi siêu âm thấy thai nằm ngay vị trí sẹo mổ.
Để có được chẩn đoán này, bác sĩ chẩn đoán hình ảnh sẽ dựa theo nhiều dấu hiệu gián tiếp khác, không chỉ dựa vào xác định vị trí sẹo mổ. Ví dụ, trên lòng tử cung (bình thường thai sẽ bám ở vị trí này), đoạn gần cổ tử cung cũng không thấy túi thai và túi thai bám ngay chỗ sẹo mổ, siêu âm Doppler có tăng sinh mạch máu hoặc xâm lấn vào cơ tử cung là những dấu hiệu.
Bác sĩ chẩn đoán hình ảnh luôn đo bờ dưới túi thai cách vết mổ bao nhiêu milimet để bác sĩ sản cảnh báo. Trong quá trình khám thai khi thấy gần vị trí nguy hiểm sẽ theo dõi ở các lần sau để loại trừ, nếu không bám ngay vết mổ thì không gọi là thai bám ở sẹo mổ cũ.
4. Người có vết mổ cũ, mang thai lần 2 an toàn có nên mang thai lần 3?
Người có vết mổ cũ, mang thai lần 2 an toàn. Vậy có nên mang thai tiếp tục lần 3? Nếu lỡ mang thai lần 3, cần theo dõi như thế nào và có điểm lưu ý nào khác biệt so với lần 2?
BS.CK2 Nguyễn Xuân Vũ trả lời: Trường hợp này sẽ chia 2 nhóm: Nhóm thứ nhất nếu đã có vết mổ cũ và lần 2 sinh thường thì có cơ hội mang thai lần 3 vì tử cung đã thử thách nên đã có độ an toàn.
Nhóm thứ hai là 2 lần trước sinh mổ. Theo các tài liệu trên thế giới vết mổ lần thứ 2 trở đi sẽ làm tăng nguy cơ vỡ tử cung và tăng nguy cơ nhau tiền đạo, nhau cài răng lược lên rất nhiều. Vì vậy, những trường hợp này không nên mang thai lần thứ 3 để an toàn cho sản phụ.
Tuy nhiên có những tình huống phải mang thai lần 3 như mẹ đã có 2 lần sinh mổ nhưng mới có 1 người con,… thì khoảng cách giữa lần mang thai thứ 2 và thứ 3 phải đảm bảo từ 12 - 24 tháng. Lần mang thai này phải tuân thủ theo lịch khám thai và nên khám ở cơ sở y tế có đủ năng lực.
Trong quá trình mang thai lần 3 thai phụ đã có kinh nghiệm theo dõi những dấu hiệu cảnh báo nên phải tuân thủ, khi thấy dấu hiệu bất thường (đau bụng, ra nước, ra huyết) phải báo ngay cho các bác sĩ hoặc đến các cơ sở y tế.
Nếu sản phụ đã có 2 lần mổ thì lần thứ 3 chắc chắn phải mổ lại. Vì vậy, trong quá trình thăm khám nên thảo luận với bác sĩ về vấn đề kế hoạch hóa gia đình, một trong những phương pháp có thể áp dụng lâu dài là triệt sản, để trong lúc mổ lần 2 sẽ gián đoạn 2 vòi trứng.
BS.CK2 Phạm Thị Hải Châu trả lời: Đối với những sản phụ có thai, vết mổ cũ trên 2 lần sẽ nhập viện vào thời điểm 38 tuần (sớm hơn so với người có vết mổ cũ 1 lần), giống như những trường hợp bệnh nhân có tiền căn bóc nhân xơ trên thân tử cung, mổ xén góc,…
Đối với vết mổ cũ lần 2 trở đi sẽ mổ lại, không thử thách sinh ngả âm đạo như vết mổ cũ 1 lần.
5. Nếu mang thai bám vào vết mổ, làm sao để giữ được con và an toàn cho mẹ?
Có tình huống, mẹ không may mang thai bám vào vết mổ cũ. Xin hỏi BS, liệu có giải pháp nào “vẹn cả đôi đường” cho tình huống này - giữ được con và an toàn cho mẹ?
BS.CK2 Phạm Thị Hải Châu trả lời: Đây là trường hợp cực kỳ khó đối với bác sĩ Sản phụ khoa. Hiện nay, một khi đã chẩn đoán thai bám ở sẹo mổ sẽ không dưỡng thai, ngoại trừ trường hợp bệnh nhân cương quyết không muốn bỏ thai thì phải tư vấn cho bệnh nhân về những nguy cơ, rủi ro có thể xảy ra.
Các trường hợp này nguy cơ vỡ tử cung, nhau cài răng lược, cũng như khả năng chảy máu nhiều khi sinh phải cắt tử cung để cầm máu rất cao và cơ hội bệnh nhân có thai lại trong tương lại rất thấp.
Sẹo bám ở vết mổ cũ có 2 loại: Một là bám ở sẹo mổ nhưng hướng vào lòng tử cung hoặc cổ tử cung đoạn dưới. Trường hợp này vẫn có cơ hội nhưng phải tư vấn cho bệnh nhân nếu mong muốn dưỡng thai để có cách xử trí, tránh rủi ro thai không đi trọn được con đường.
Hai là hướng theo đường ngang về cơ tử cung và bàng quang. Trường hợp này có khả năng vỡ tử cung, mất cả mẹ lẫn con nếu chảy máu quá nhiều mà không kịp đến bệnh viện.
>>> Hướng dẫn quản lý thai kỳ có vết mổ cũ để tránh rủi ro cho mẹ và con
>>> Mang thai có vết mổ cũ: Theo dõi ra sao, thăm khám thế nào?
Chân thành cảm ơn Chương trình Dinh dưỡng Bà mẹ và Trẻ em từ Công ty Ajinomoto Việt Nam đã đồng hành cùng AloBacsi trong chương trình này.
Chương trình Radar Sản phụ khoa do Bệnh viện Hùng Vương phối hợp cùng AloBacsi thực hiện, phát sóng định kỳ vào thứ 4 của tuần 1 và tuần 3 mỗi tháng trên các nền tảng của AloBacsi và Bệnh viện Hùng Vương. |
Bài viết có hữu ích với bạn?
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình