Hướng dẫn quản lý thai kỳ có vết mổ cũ để tránh rủi ro cho mẹ và con
Các chuyên gia Bệnh viện Hùng Vương nhấn mạnh, thai phụ có vết mổ cũ trên tử cung sẽ phải đối mặt mới nhiều rủi ro trong thai kỳ kế tiếp như nứt vỡ tử cung, nhau tiền đạo, nhau cài răng lược, sảy thai, sinh non…
1. Vết mổ cũ chỉ được tính khi có vết mổ trên tử cung
Thưa bác sĩ, vết mổ cũ là một chủ đề quan trọng đối với nhiều phụ nữ mang thai. Bác sĩ có thể giải thích vết mổ cũ là gì?
- Nhiều người có tiền sử phẫu thuật như thủng ruột, viêm ruột thừa, u nang buồng trứng… có được xem là vết mổ cũ, và những tiền sử này có đáng ngại khi mang thai, thưa BS?
BS.CK2 Phạm Thị Hải Châu - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Hùng Vương trả lời: Tỷ lệ mổ sinh tại Việt nam và trên toàn cầu ngày càng gia tăng. Từ năm 1990, tỷ lệ mổ sinh khoảng 70% trên toàn cầu, nhưng đến nay, tỷ lệ này đã tăng lên 30%.
Tại Bệnh viện Hùng Vương là bệnh viện sản chuyên khoa tuyến cuối, do đó nơi đây không chỉ nhận những trường hợp mang thai bình thường mà còn có trường hợp thai kỳ nguy cơ cao, các ca sinh khó ở tuyến dưới. Vì vậy tỷ lệ mổ sinh của Bệnh viện Hùng Vương có thể lên đến 40-50%.
Khi mổ sinh nhiều, tỷ lệ thai phụ có vết mổ cũ cũng tăng theo, vì vậy việc quan tâm, quản lý nhóm thai phụ có vết mổ cũ là chủ đề mà bệnh viện tập trung.
Những thai phụ có vết mổ cũ không chỉ do lần mổ sinh trước mà bất kỳ thủ thuật nào trên tử cung như mổ phụ khoa, bóc nhân xơ, thai ngoài tử cung ở đoạn kẽ phải xén góc, trường hợp làm kế hoạch hóa gia đình bị thủng tử cung… đều được tính là bệnh nhân có vết mổ cũ.
Tuy nhiên, những trường hợp trước đó có mổ u buồng trứng, viêm ruột thừa… không được tính là vết mổ cũ. Những trường hợp đó chỉ được ghi nhận là bệnh nhân có sẹo mổ do bệnh lý khác. Vết mổ cũ chỉ được tính trên các trường hợp có vết mổ trên tử cung.
Lưu ý, vết mổ cũ có nhiều loại, ví dụ lần mổ trước thai phụ mổ ngang đoạn dưới tử cung. Tuy nhiên một số trường hợp đặc biệt có thể mổ dọc thân, trường hợp bóc nhân xơ sẽ mổ trên thân tử cung. Các trường hợp này cần được khai thác khi tiếp cận bệnh nhân để tiên lượng rủi ro có thể xảy ra trong cuộc sinh lần này hoặc lựa chọn phương pháp sinh.
2. Mẹ và thai nhi khi phải đối mặt với những nguy cơ nào nếu có vết mổ cũ?
Vết mổ cũ có thể gây nguy hại cho quá trình mang thai, sinh nở của người phụ nữ như thế nào hay nói cách khác khi có vết mổ cũ trên tử cung sẽ tiềm ẩn những rủi ro, bất lợi như thế nào cho người mẹ và em bé gồm những gì?
BS.CK2 Nguyễn Xuân Vũ - Phó Trưởng khoa Sản bệnh, Bệnh viện Hùng Vương trả lời: Đối với một trường hợp phụ nữ đã có một lần mổ trước đó, khi mang thai lại sẽ có các rủi ro, nguy cơ như sau:
Nguy cơ thai bám vết mổ cũ: là tình trạng túi thai bám vào sẹo mổ lấy thai lần trước, có thể gây chảy máu nhiều, phải can thiệp phẫu thuật và có thể phải cắt tử cung nếu dùng các biện pháp cầm máu thất bại.
Nguy cơ nứt vỡ tử cung: Đây là nguy cơ nghiêm trọng nhất khi có vết mổ cũ. Tử cung có thể vỡ ra trong quá trình mang thai hoặc khi sinh, gây nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi. Tuy nhiên, theo các nghiên cứu, thử thách sinh thường sau mổ lấy thai đã chỉ ra rằng nguy cơ vỡ tử cung là < 1% (cứ 1000 trường hợp sẽ có 5-9 ca mắc vấn đề này).
Dính ruột, dính tử cung: Vết mổ cũ có thể dẫn đến tình trạng dính mô tử cung, ảnh hưởng đến khả năng thụ thai hoặc gây biến chứng trong thai kỳ và khi sinh.
Tăng nguy cơ phải mổ lại: Mặc dù tỷ lệ sinh thường thành công sau sinh mổ (VBAC) dao động từ 60-80% nhưng phụ thuộc vào loại vết mổ và sức khỏe của mẹ. Do đó, sẽ có những chỉ định sản khoa, khuyến cáo người phụ nữ phải sinh mổ lại.
Nguy cơ nhau tiền đạo, nhau cài răng lược: Là khi bánh nhau bám vào đoạn dưới tử cung được gọi là nhau tiền đạo. Những trường hợp bị nhau tiền đạo trên nền vết mổ cũ trước đó sẽ làm tăng nguy cơ nhau cài răng lược, tỷ lệ sẽ tăng dần theo theo số lần sinh mổ trước đó. Nếu mổ một lần, tỷ lệ nhau cài răng lược khoảng 3%, nhưng nếu mổ 2 lần sẽ tăng 10-11%, mổ 3 lần tỷ lệ có thể tăng đến 40%, tiếp tục lần 5 có thể lên trên 60%.
Ngoài những nguy cơ đối với người mẹ, thai nhi cũng có thể gặp các rủi ro như:
Sảy thai: Do thai bám vào sẹo cũ.
Sinh non: Vết mổ cũ có thể khiến tử cung không chịu được áp lực của thai kỳ đủ tháng, dẫn đến sinh non, gây nguy cơ cho sự phát triển của bé.
Nguy cơ suy thai: Nếu vỡ tử cung xảy ra hoặc có biến chứng, bé có thể không nhận đủ oxy, gây nguy cơ suy thai, đe dọa tính mạng nếu không cấp cứu kịp thời hoặc dẫn đến các vấn đề sức khỏe lâu dài.
3. Những yếu tố nguy cơ dẫn đến thai bám vào vết mổ cũ
Mang thai khi có tiền sử vết mổ cũ khiến các chị em e ngại và lo sợ, đặc biệt là vấn đề thai bám trên vết mổ cũ, vậy thai bám sẹo mổ cũ là như thế nào? Và sản phụ nào dễ bị vấn đề này ạ?
BS.CK2 Phạm Thị Hải Châu trả lời: Khi thai bám vào vết mổ cũ được xem là thai lạc chỗ vì vị trí bám bất thường.
Tại vị trí sẹo mổ nếu thai bám sâu vào cơ tử cung có thể gây ra các rủi ro như vỡ tử cung, nhau cài răng lược tại bị trí thai bám vào. Tuy nhiên, không nên quá lo lắng về trường hợp thai bám sẹo mổ cũ vì trường hợp này rất ít, cứ khoảng 2000 sản phụ mang thai mới có 1 trường hợp mắc phải.
Về nguyên nhân thai bám vị trí bất thường vào vết mổ cũ vẫn chưa xác định rõ ràng. Tuy nhiên, một số nghiên cứu cho thấy trên các sản phụ có yếu tố nguy cơ như: những người có tiền căn mổ sinh trước đó, mổ bóc nhân xơ, các can thiệp nạo hút thai trên lòng tử cung sẽ có nguy cơ cao hơn.
Hoặc những nhóm người làm thụ tinh trong ống nghiệm, tiền căn lần mổ trước vì nhau tiền đạo hoặc nhau cài răng lược, tỷ lệ thai lần này bám ở sẹo mổ sẽ nhiều hơn.
4. Phụ nữ có vết mổ cũ, thời điểm nào mang thai sẽ an toàn hơn cho mẹ và bé?
Khi có vết mổ cũ, thời điểm nào mang thai sẽ an toàn hơn cho mẹ và bé? Những dấu hiệu nào cho thấy mẹ chưa sẵn sàng cho việc mang thai khi có vết mổ cũ ạ?
BS.CK2 Nguyễn Xuân Vũ trả lời: Hiện tại chưa có khuyến cáo về khoảng thời gian chính xác nào là thời điểm mang thai lại an toàn cho bà mẹ. Bởi vì điều này còn phụ thuộc vào thời gian lành vết thương của người phụ nữ trong lần mổ trước, chế độ dinh dưỡng, vận động sau mổ.
Tuy nhiên theo một số tài liệu, thời điểm an toàn để mang thai thường là 12-24 tháng sau khi mổ lần trước. Khoảng thời gian này giúp tử cung hồi phục hoàn toàn và giảm nguy cơ biến chứng trong thai kỳ mới.
Tuy nhiên, nếu trong lần mổ trước gặp trường hợp nhiễm trùng vết mổ, thời gian cho lần mang thai kế tiếp sẽ kéo dài hơn để cơ tử cung lành lại tốt hơn.
Có nhiều dấu hiệu cho thấy mẹ chưa sẵn sàng mang thai như: Do thời gian lành vết mổ, điều này còn phụ thuộc vào chế độ dinh dưỡng, vấn đề nhiễm trùng, thời gian từ đợt mổ trước đến thời điểm có thai lần này.
Bên cạnh đó, mẹ có thể mắc các bệnh lý trước đó như tăng huyết áp, đái tháo đường, hen suyễn, thận… cũng có thể ảnh hưởng đến mang thai lần này.
Một vấn đề đặc biệt quan trọng là tâm lý. Hiện nay vấn đề trầm cảm sau sinh của sản phụ có rất nhiều, do đó nếu lần mang thai trước sản phụ có trầm cảm sau sinh, lần này trước khi mang thai nên đi khám lại để kiểm tra vấn đề trầm cảm của người phụ nữ, từ đó chẩn bị cho thai kỳ lần này.
Có nhiều cách đánh giá lành vết mổ cũ với các dấu hiệu có thể gợi ý nhận biết như: Sản phụ đau ở vết mổ trước; rong kinh, rong huyết sau lần mổ đầu, những trường hợp này tiên lượng lành vết mổ không tốt bằng những trường hợp không có triệu chứng.
Đối với những rường hợp có triệu chứng đau ở vết mổ cũ, sản phụ nên đến các chuyên gia để được siêu âm đánh giá bề dày vết mổ, xem mức độ lành vết thương, từ đó đưa ra khuyến cáo cụ thể. Đặc biệt, những trường hợp này sẽ được cá nhân hóa, không có thời gian cố định.
5. Những điều sản phụ có vết mổ cũ cần tham vấn bác sĩ trước khi mang thai lần tiếp theo
Trước khi mang thai, người có vết mổ cũ trên tử cung cần thăm khám, kiểm tra những gì, thưa BS?
BS.CK2 Phạm Thị Hải Châu trả lời: Trên những sản phụ trước đó có mổ sinh, thời gian có thai lại còn phụ thuộc vào thời gian lành vết mổ cũ. Cụ thể, khuyến cáo không nên có thai trước 6 tháng sau mổ vì thời gian chưa đủ cho việc lành vết mổ cũ, và giữ được thai kỳ lần này.
Nếu có ý định mang thai dưới 18 tháng tính từ lần mổ trước, bệnh nhân cần được tư vấn về lợi ích và nguy cơ. Do đó, nên có thai bắt đầu sau 18 tháng từ lần mổ trước để không làm ảnh hưởng đến thai kỳ này, đảm bảo chất lượng tử cung đã hồi phục.
Bác sĩ cần tư vấn cho các sản phụ có vết mổ cũ về thời gian mang thai phù hợp khi đến thăm khám với ý định mang thai lần tiếp theo. Đồng thời cần lưu ý các vấn đề sau khi tham vấn cho bệnh nhân:
Thai có vết mổ cũ giống thai kỳ bình thường, phải đảm bảo về sức khỏe của mẹ. Ví dụ trước đó mẹ có bệnh nền như tim mạch, cao huyết áp, tiểu đường… phải được điều trị ổn định trước khi mang thai. Nếu mẹ mang thai khi bệnh chưa được điều trị sẽ ảnh hưởng lên cả sức khỏe người mẹ lẫn thai nhi.
Trước khi mang thai, người phụ nữ cũng nên thăm khám sản phụ khoa, khi đó bác sĩ có thể đánh giá được chất lượng vết sẹo cũ bằng siêu âm, kiểm tra và phát hiện được một số vấn đề như: đọng dịch, tụ dịch hoặc có khuyết vết mổ… Từ đó, đưa ra lời tư vấn phù hợp.
Ngoài ra, bác sĩ phải hỏi được các tiền căn của lần mổ trước như: lý do mổ (ví dụ: vì khung chậu hẹp…), nếu những nguyên nhân đó còn tồn tại, bệnh nhân sẽ có khả năng chỉ định mổ trong lần sinh này. Hay các lý do như đường mổ ngang/ dọc; nhiễm trùng hậu phẫu; thời gian nằm viện đến khi xuất viện ở lần mổ sinh trước… để xem xét chất lượng lành vết thương.
Những điều này giúp bác sĩ chuẩn bị cho bệnh nhân trước khi mang thai lại, tránh các trục trặc trong thai kỳ tiếp theo.
6. Quản lý thai kỳ có vết mổ cũ như thế nào để tránh rủi ro xảy ra?
Người phụ nữ có vết mổ cũ, khi mang thai sẽ được bác sĩ theo dõi, điều trị, quản lý như thế nào để tránh các biến cố không mong muốn, an toàn cho mẹ và bé cho đến lúc sinh, thưa BS?
BS.CK2 Nguyễn Xuân Vũ trả lời: Đối với phụ nữ có vết sẹo mổ lần trước và mang thai lại nên được thăm khám ở những cơ sở y tế có khả năng quản lý vấn đề này. Đồng thời xử trí các biến chứng có thể xảy ra như vỡ tử cung, nhau tiền đạo.
Thứ hai, thai phụ phải khám thai định kỳ theo đúng lịch hẹn của bác sĩ. Trong thai kỳ lần này, thai phụ có vết mổ cũ sẽ có các điểm đặc biệt sau:
Loại trừ trường hợp thai bám ở vết sẹo mổ cũ đối với những thai phụ mới có thai. Khi thai tiến triển lớn hơn, trong quá trình khám thai bác sĩ sẽ chú ý đến vấn đề nhau tiền đạo, có thể xem xét các xét nghiệm cần thiết như siêu âm để chẩn đoán nhau cài răng lược.
Các tháng cuối thai kỳ bác sĩ sẽ cùng thai phụ lên kế hoạch sinh. Không phải tất cả các trường hợp thai phụ có vết mổ cũ một lần đều phải mổ lại. Theo tỷ lệ trên thế giới cho thấy, những người mổ lấy thai lần một, tỷ lệ sinh được qua ngã âm đạo trong lần kế tiếp sinh là khoảng 60-80%, tùy thuộc vào đánh giá cuối thai kỳ.
Ví dụ bác sĩ sẽ đánh giá lý do mổ ở lần sinh trước, có thể do khung chậu hẹp thì trong lần sinh này chắc chắn phải mổ lại. Còn nếu do các nguyên nhân khác như thai ngưng tiến triển, trong lần sinh này bác sĩ đánh giá các yếu tố về khung chậu bình thường, cân nặng em bé trong mức cho phép, ngôi thai thuận lợi, sức khỏe thai ổn định… có thể lên kế hoạch sinh thường trong lần mang thai này.
>>> Thai phụ có vết mổ cũ phải đối mặt với những nguy cơ gì?
>>> Mang thai có vết mổ cũ: Theo dõi ra sao, thăm khám thế nào?
Chân thành cảm ơn Chương trình Dinh dưỡng Bà mẹ và Trẻ em từ Công ty Ajinomoto Việt Nam đã đồng hành cùng AloBacsi trong chương trình này.
Chương trình Radar Sản phụ khoa do Bệnh viện Hùng Vương phối hợp cùng AloBacsi thực hiện, phát sóng định kỳ vào thứ 4 của tuần 1 và tuần 3 mỗi tháng trên các nền tảng của AloBacsi và Bệnh viện Hùng Vương. |
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình