Mang thai có vết mổ cũ: Theo dõi ra sao, thăm khám thế nào?
BS.CK2 Phạm Thị Hải Châu - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Hùng Vương và BS.CK2 Nguyễn Xuân Vũ - Phó Trưởng khoa Sản bệnh, Bệnh viện Hùng Vương đã có những chia sẻ về những điều cần lưu ý khi mang thai có vết mổ cũ để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé.
1. Quá trình thăm khám, theo dõi định kỳ ở thai phụ có vết mổ cũ sẽ có những điểm khác biệt gì?
Quá trình thăm khám, theo dõi định kỳ giữa người phụ nữ có vết mổ cũ sẽ có những điểm khác biệt với người phụ nữ không có vết mổ cũ ra sao, thưa BS?
BS.CK2 Phạm Thị Hải Châu - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Hùng Vương trả lời: Khi tiếp cận bệnh nhân có vết mổ cũ, ngoài thăm khám giống các thai phụ thông thường thì cần lưu ý:
Thứ nhất về hỏi bệnh sử cần hỏi chi tiết hơn về lần mổ trước, chỉ định mổ, thời gian hậu phẫu của bệnh nhân để đánh giá độ lành vết thương. Thông thường sau khi xuất viện bệnh nhân sẽ có giấy ra viện và giấy chứng nhận phương pháp phẫu thuật để xem lần mổ trước có vấn đề nào cần lưu ý.
Thứ hai về thăm khám bệnh nhân. Khi mang thai trên tử cung có sẹo mổ, về mặt chất lượng sẽ không bằng tử cung nguyên vẹn nên tỷ lệ vỡ tử cung, nhau bám bất thường cao hơn. Do đó khi thăm khám xong sẽ tư vấn cho bệnh nhân về cách theo dõi các dấu hiệu để phát hiện sớm những tai biến, biến chứng của vết mổ cũ (đau vết mổ, ra máu bất thường hoặc bụng gò ít hay nhiều, em bé đạp thế nào) để vào bệnh viện ngay.
Có thể cho bệnh nhân siêu âm, đặc biệt những trường hợp mang thai có sẹo mỗ cũ không nên khám quá trễ. Thời gian phát hiện thai bám ở sẹo mổ cũ sớm và chính xác là khi bệnh nhân trễ kinh khoảng 2 - 3 tuần (thai khoảng 6 - 7 tuần). Khi thai lớn chiếm vào buồng tử cung sẽ khó loại trừ được thai có bám vào sẹo mổ cũ hay không.
Trong quá trình khám thai, từ tuần thứ 11, khi bắt đầu có vị trí bánh nhau sẽ xem nhau có bám thấp không. Vì nhau bám thấp có thể kèm thêm bám vào sẹo mổ, dẫn đến nhau cài răng lược, đây là một trong những biến chứng đáng ngại nhất gây chảy máu rất nhiều khi sinh và đôi khi phải cắt tử cung để cầm máu.
Các sản phụ có sẹo mổ cũ, khi bắt đầu sinh nên chọn những nơi có bác sĩ sơ sinh để trong quá trình theo dõi chuyển dạ nếu không sinh thường được mà chuyển qua mổ sẽ được hỗ trợ kịp thời, tránh ảnh hưởng đến mẹ và em bé.
- Trong quá trình theo dõi, khám thai, các chị em cần đặc biệt ghi nhớ các mốc khám thai nào nhất định không được bỏ qua?
BS.CK2 Phạm Thị Hải Châu trả lời: Thai có vết mổ cũ cũng như thai không có vết mổ cũ:
- Ở quý 1 (3 tháng đầu): Thăm khám, xác định vị trí thai, đối với thai bám vết mổ cũ phải loại trừ vị trí thai bám ở sẹo mổ. Bên cạnh đó, còn làm các xét nghiệm sàng lọc tiền sản.
- Đến quý 2: Bắt đầu siêu âm để đánh giá dị tật em bé (siêu âm 4D), test đường,… Thời điểm này sẽ thấy rõ vị trí bánh nhau, khi đó bác sĩ sẽ xem bánh nhau bám ở vị trí nào so với vết mổ cũ, cũng như có bám thấp không để tiên lượng đây là bánh nhau bám đơn thuần hay có nhau cài răng lược.
- Từ quý 3 trở đi (từ tuần 36): Thăm khám, tiên lượng về sự tương xứng giữa em bé với khung chậu mẹ, cũng như lý do tồn tại của lần mổ trước để tư vấn cho bệnh nhân sinh thường hay sinh mổ và lên kế hoạch.
Đây là những thời điểm bắt buộc. Trong quá trình khám thai cho sản phụ có vết mổ cũ bác sĩ sẽ dặn dò nếu có triệu chứng bất thường phải đi khám, không được ở nhà theo dõi.
- Các cận lâm sàng thường được chỉ định trong tình huống này là gì và vai trò của mỗi cận lâm sàng thực hiện?
BS.CK2 Phạm Thị Hải Châu trả lời: Cận lâm sàng của bệnh nhân có sẹo mỗ cũ không khác nhiều so với thai bình thường. Tuy nhiên có thêm một số cận lâm sàng như siêu âm đánh giá vị trí thai, chất lượng vết mổ (dày - mỏng).
Trong những trường hợp bánh nhau bám ở vị trí bất thường như nhau bám thấp phải khảo sát bằng siêu âm Doppler để xem nhau có xâm lấn tử cung không.
Trường hợp nghi ngờ nhau xâm lấn cơ tử cung (một dạng rau cài răng lược) phải làm MRI để chẩn đoán và lên kế hoạch cho bệnh nhân về thời gian nhập viện, cũng như những chuẩn bị nếu cần mổ.
2. Mẹ bầu có vết mổ cũ cần ghi nhớ những nguyên tắc nào khi chăm sóc thai kỳ?
Bản thân mẹ bầu có vết mổ cũ cần ghi nhớ những nguyên tắc nào khi chăm sóc thai kỳ, thưa BS? Khi có các dấu hiệu nào cần báo với bác sĩ ngay ạ?
BS.CK2 Nguyễn Xuân Vũ - Phó Trưởng khoa Sản bệnh, Bệnh viện Hùng Vương trả lời: Trường hợp sản phụ có vết mổ cũ nên: Thứ nhất, khám ở cơ sở y tế đủ năng lực để giải quyết các vấn đề và các biến chứng của thai kỳ. Thứ hai, tuân thủ lịch khám thai. Thứ ba là duy trì chế độ dinh dưỡng cũng như nghỉ ngơi hợp lý để thai kỳ phát triển tốt.
Thứ tư, khi phát hiện dấu hiệu ra huyết, đau bụng (nhất là đau vùng vết mổ) hoặc thai đạp không bình thường (thông thường sẽ theo dõi cử động thai 3 lần trong ngày bằng cách sau khi ăn uống, nghỉ ngơi khoảng 30 phút sẽ theo dõi thai liên tục trong vòng 1 tiếng sau đó, nếu 3 lần thai cử động 4 cái là bình thường, nếu có 2 lần cử động thai dưới 4 cái thì nên đến bệnh viện), ra nước âm đạo (vỡ ối, rỉ ối),… nên đến bệnh viện khám hoặc thông báo ngay cho nhân viên y tế khám trước đó để được hướng dẫn.
3. Tỷ lệ thai phụ có vết mổ cũ gia tăng
Nhờ BS chia sẻ kinh nghiệm quản lý, chăm sóc thai kỳ trên những thai phụ có vết mổ cũ tại Bệnh viện Hùng Vương?
BS.CK2 Phạm Thị Hải Châu trả lời: Hiện nay, tỷ lệ thai phụ có vết mổ cũ gia tăng. Do đó, tại Bệnh viện Hùng Vương sẽ có những phác đồ, quy trình từ quản lý đến theo dõi sinh, cũng như mổ lại trên bệnh nhân có vết mổ cũ.
Với những trường hợp bệnh nhân có vết mổ cũ, từ tuần 36 trở đi sau khi bác sĩ thăm khám, xem chỉ định mổ của lần trước, đánh giá toàn diện về vết mổ sẽ đưa ra phương pháp để bệnh nhân sinh trong lần này (sinh thường hoặc tiếp tục sinh mổ).
Sau đó, bệnh nhân sẽ suy nghĩ, bàn luận với gia đình, nếu bệnh nhân đồng ý sinh thường và đủ điều kiện sẽ được sinh thường. Nếu lần trước sinh mổ lần này sinh thường thì khả năng có thai sau này sẽ dễ hơn. Khi đó bệnh nhân sẽ điền vào phiếu đồng thuận sinh ngả âm đạo.
Nếu lần trước sinh mổ mà lần này cũng sinh mổ thì khi mang thai lần 3 (vết mổ cũ càng nhiều lần) nguy cơ vỡ tử cung, bất thường về nhau bám sẽ nhiều hơn. Do đó, nếu muốn sinh thêm trong tương lai thì nên xem xét sinh mổ.
Trong những trường hợp này, bệnh nhân sẽ nhập viện khi có dấu chuyển dạ (đau bụng, ra nước, bung nút nhầy) hoặc khi thai 40 tuần (đến ngày dự sanh) để theo dõi chuyển dạ sinh vết mổ cũ.
Những trường hợp bệnh nhân có chỉ định mổ lại vì khung chậu hẹp, ngôi mông trên vết mổ cũ,… bác sĩ sẽ tư vấn cho bệnh nhân nhập viện trước đó và có chỉ định mổ vào tuần thứ 39. Đối với bệnh nhân có sẹo mổ cũ, bác sĩ sẽ tư vấn những nguy cơ nếu mổ lại để bệnh nhân chuẩn bị về những rủi ro có thể xảy ra trong cuộc mổ.
Trong những trường hợp bệnh nhân có vết mổ cũ và kèm theo vấn đề khác như thai chậm tăng trưởng hay tiền sản giật thì thời điểm nhập viện sẽ tùy thuộc vào các vấn đề kèm theo.
>>> Thai phụ có vết mổ cũ phải đối mặt với những nguy cơ gì?
>>> Hướng dẫn quản lý thai kỳ có vết mổ cũ để tránh rủi ro cho mẹ và con
Chân thành cảm ơn Chương trình Dinh dưỡng Bà mẹ và Trẻ em từ Công ty Ajinomoto Việt Nam đã đồng hành cùng AloBacsi trong chương trình này.
Chương trình Radar Sản phụ khoa do Bệnh viện Hùng Vương phối hợp cùng AloBacsi thực hiện, phát sóng định kỳ vào thứ 4 của tuần 1 và tuần 3 mỗi tháng trên các nền tảng của AloBacsi và Bệnh viện Hùng Vương. |
Bài viết có hữu ích với bạn?
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình