Tiêm xơ điều trị suy giãn tĩnh mạch: Hiệu quả, biến chứng và giải pháp tránh tái phát
Tiêm xơ là phương pháp điều trị đem lại nhiều lợi ích cho bệnh suy giãn tĩnh mạch C1, hiệu quả nhanh chóng, ít xâm lấn và không cần nghỉ dưỡng… nên ngày càng được nhiều người lựa chọn. Tuy nhiên, cũng như các phương pháp khác, bên cạnh những lợi ích, tiêm xơ cũng tiềm ẩn một số rủi ro mà người bệnh cần hiểu rõ trước khi quyết định điều trị.
Tiêm xơ điều trị suy giãn tĩnh mạch là gì?
Tiêm xơ là một kỹ thuật tiên tiến trong điều trị được ứng dụng phổ biến trong điều trị suy giãn tĩnh mạch, trong đó thuốc gây xơ sẽ được đưa trực tiếp vào trong lòng tĩnh mạch bị giãn, gây xơ hóa. Từ đó, tĩnh mạch đang suy giãn sẽ co lại và dần biến mất.
Phương pháp tiêm xơ đặc biệt hiệu quả trong việc điều trị suy giãn tĩnh mạch nông ở giai đoạn đầu (C1), khi chân xuất hiện gân xanh dạng lưới, có kích thước từ 1-3mm, không nổi gồ lên bề mặt.
Mặc dù ở giai đoạn này, bệnh không gây cảm giác quá đau nhức, nhưng sự xuất hiện những đường gân màu dưới da có thể tạo ra những vấn đề về thẩm mỹ, ảnh hưởng đến sự tự tin và vẻ đẹp tự nhiên, đặc biệt là ở phụ nữ.
Ưu điểm của phương pháp tiêm xơ
Tiêm xơ tĩnh mạch là một phương pháp điều trị suy giãn tĩnh mạch chi dưới đơn giản và ít xâm lấn. Phương pháp này có những ưu điểm sau:
- Nhanh chóng và hiệu quả: Thời gian thực hiện thủ thuật chỉ từ 10-30 phút, giúp xử lý các tổn thương tĩnh mạch khu trú. Bạn có thể thấy ngay cải thiện sau khi tiêm.
- Không mất thời gian nghỉ dưỡng: Thủ thuật ít gây đau, không chảy máu, giúp người bệnh nhanh chóng phục hồi. Đặc biệt, người bệnh có thể đứng dậy, đi lại bình thường và về nhà sau khi thực hiện.
- Kết hợp linh hoạt: Có thể kết hợp với laser nội mạch để tăng hiệu quả điều trị, xử lý các tĩnh mạch nông bị giãn còn tồn đọng, có đường kính nhỏ 1-3mm.
- Chi phí điều trị hợp lý: Điều trị theo từng vùng bị ảnh hưởng, giúp người bệnh tiết kiệm chi phí.
Biến chứng tiêm xơ suy giãn tĩnh mạch
Mặc dù mang lại hiệu quả cao, nhưng tiêm xơ cũng có thể gây ra một số biến chứng:
- Đau nhức vùng tiêm: Cơn đau nhẹ có thể xuất hiện tại chỗ tiêm hoặc dọc theo tĩnh mạch vừa được điều trị . Tuy nhiên, cơn đau này chỉ là tạm thời và sẽ nhanh chóng biến mất sau vài ngày.
- Tăng sắc tố tạm thời: Bầm tím hoặc thay đổi màu da xảy ra ở 20-40% bệnh nhân, thường mờ dần sau 4-12 tháng. Trong một số ít trường hợp, những vết bầm này có thể kéo dài trong nhiều năm.
- Bỏng hoặc loét da: Nếu bác sĩ không có đủ kinh nghiệm trong lĩnh vực mạch máu, thuốc tiêm xơ có thể bị rò rỉ ra ngoài tĩnh mạch, xâm nhập vào các mô xung quanh. Điều này có thể gây bỏng da, dẫn đến hình thành các nốt phồng rộp. Các nốt phồng rộp này có thể vỡ ra, tạo thành vết loét hở.
- Hiện tượng tái phát sau tiêm (refill): Khoảng 40% bệnh nhân có thể gặp tình trạng tái phát nếu không theo dõi và chăm sóc đúng cách.
- Huyết khối tĩnh mạch sâu: Tiêm xơ không đúng kỹ thuật có thể gây ra cục máu đông ở tĩnh mạch sâu, dẫn đến thuyên tắc mạch phổi. Do đó, tiêm xơ chống chỉ định đối với bệnh nhân đang mắc chứng bệnh trên vì có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, thậm chí tử vong.
Để hạn chế tối đa nguy cơ biến chứng sau tiêm xơ, người bệnh cần đặc biệt chú trọng việc tuân thủ nghiêm ngặt các hướng dẫn của bác sĩ, đồng thời, theo dõi sát sao tình trạng vết tiêm và nhanh chóng liên hệ với bác sĩ khi phát hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường.
Tiêm xơ có đau không?
Mức độ đau phụ thuộc vào loại thuốc, kích thước tĩnh mạch và khả năng chịu đau của từng người. Đa số bệnh nhân chỉ cảm thấy châm chích hoặc nóng rát nhẹ tại vị trí tiêm.
Tiêm xơ bao nhiêu lần sẽ hết suy giãn tĩnh mạch và có tái phát không?
Số lần tiêm cần thiết tùy thuộc vào tình trạng và kích thước của các tĩnh mạch cần điều trị. Thông thường, bệnh nhân cần từ 1 đến 3 lần tiêm, mỗi lần cách nhau từ 4-6 tuần.
Như đã đề cập trong nội dung những biến chứng tiêm xơ có thể xuất hiện sau điều trị, tiêm xơ là một phương pháp điều trị suy giãn tĩnh mạch nhỏ, đòi hỏi kỹ thuật cao từ bác sĩ. Nếu tiêm không đúng vị trí, sẽ có thể bỏ qua những tĩnh mạch ẩn sâu dưới da, dẫn đến hiệu quả điều trị không triệt để và nguy cơ tái phát cao.
Để tránh tình trạng tái phát, người bệnh nên tập thể dục thường xuyên, duy trì cân nặng hợp lý, tránh đứng hoặc ngồi quá lâu, đồng thời mang vớ áp lực theo hướng dẫn của bác sĩ.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình