Hotline 24/7
08983-08983

Viêm mũi dị ứng: Căn bệnh phổ biến nhưng dễ bị xem nhẹ

Theo thống kê, khoảng 10-30% dân số thế giới mắc viêm mũi dị ứng. Theo BS.CK1 Lưu Tú Anh - Phòng khám Bernard, những triệu chứng tưởng chừng đơn giản nhưng lại là nỗi ám ảnh, gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống. Thậm chí, nếu không được điều trị đúng cách, bệnh có thể diễn tiến thành các biến chứng nghiêm trọng.

1. Đến 30% dân số thế giới mắc viêm mũi dị ứng

Trước tiên, bác sĩ có thể giúp khán giả hiểu rõ hơn viêm mũi dị ứng là gì và tại sao căn bệnh này lại phổ biến đến vậy?

BS.CK1 Lưu Tú Anh - Chuyên khoa Tai Mũi Họng, Phòng khám Bernard trả lời: Viêm mũi dị ứng là tình trạng mũi bị kích thích và viêm do các tác nhân từ môi trường như phấn hoa, lông động vật, lông sâu, bướm, khói bụi, mạt nhà không phải do virus, vi khuẩn.

Theo Học viện Dị ứng, Hen suyễn và Miễn dịch học Hoa Kỳ (AAAAI), có khoảng 10-30% dân số thế giới mắc chứng viêm mũi dị ứng.

2. Bất kỳ ai cũng có thể bị viêm mũi dị ứng

Viêm mũi dị ứng xuất hiện quanh năm hay chỉ theo mùa? Những nhóm người nào dễ mắc bệnh nhất?

BS.CK1 Lưu Tú Anh trả lời: Viêm mũi dị ứng được chia thành các thể, gồm:

- Viêm mũi dị ứng theo mùa (thể có chu kỳ), hay còn gọi là viêm mũi dị ứng thời tiết, thường xảy ra ở một vài thời gian nhất định trong năm.

- Viêm mũi dị ứng quanh năm (thể không có chu kỳ) là tình trạng mũi bị kích ứng và viêm bất cứ khi nào gặp phải các yếu tố dị ứng.

Bất cứ ai cũng có thể bị viêm mũi dị ứng nhưng những người có tiền sử gia đình bị dị ứng sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Ngoài ra, nếu những người bị bệnh chàm da hoặc hen suyễn thì cũng thuộc nhóm nguy cơ cao.

3. Phân biệt viêm mũi dị ứng và viêm mũi thông thường

Những triệu chứng điển hình của viêm mũi dị ứng là gì? Làm thế nào để phân biệt viêm mũi dị ứng và viêm mũi thông thường?

BS.CK1 Lưu Tú Anh trả lời: Triệu chứng phổ biến nhất của viêm mũi dị ứng là ngứa mũi và hắt hơi. Ngoài ra, bệnh nhân có thể bị nghẹt mũi, chảy mũi dịch trong, không kèm sốt.

Các triệu chứng diễn ra trong khoảng thời gian ngắn hoặc kéo dài vài ngày đến cả tuần rồi tự biến mất. Tuy không đặc biệt nghiêm trọng nhưng các triệu chứng kéo dài sẽ gây khó chịu, mệt mỏi, suy giảm miễn dịch, ảnh hưởng đến sinh hoạt, học tập, nhất là việc ăn, ngủ của trẻ nhỏ.

- Triệu chứng bệnh theo chu kỳ thường xuất hiện vào đầu mùa lạnh hoặc mùa nóng, khiến người bệnh cảm thấy ngứa mũi, hắt hơi liên tục, đỏ mắt, ngứa mắt, chảy nước mắt, chảy nước mũi nhiều, dịch nhầy trong. Người bệnh cũng có thể có các biểu hiện như rát bỏng ở kết mạc, vòm họng, uể oải, mệt mỏi, nặng đầu.

Các triệu chứng này có thể kéo dài từ vài ngày đến một tuần rồi khỏi. Sau đó, cứ đúng vào giai đoạn nêu trên thì bệnh lại tái phát, có khi kéo dài trong nhiều năm gây thoái hóa, phù nề niêm mạc mũi, nghẹt mũi, phì đại cuốn mũi…

- Triệu chứng bệnh không theo chu kỳ là tình trạng thường gặp nhất với các biểu hiện như sổ mũi, hắt hơi, chảy mũi khi vừa thức dậy vào buổi sáng, giảm dần trong ngày nhưng lại tái phát khi tiếp xúc với bụi hay môi trường lạnh.

Ban đầu nước mũi trong suốt nhưng càng về sau thì càng đặc lại, chảy thành từng đợt, nặng hơn thì có thể hắt hơi liên tục trong nhiều giờ liền, gây ra tình trạng tiết dịch ứ đọng trong vòm họng nên người bệnh thường phải khạc nhổ làm tổn thương niêm mạc mũi họng.

Ngoài ra, người bệnh thường xuyên phải thở bằng miệng do nghẹt mũi nên rất dễ bị viêm họng, viêm thanh quản.

Nhiều người vẫn còn lầm tưởng giữa bệnh viêm mũi dị ứng và viêm mũi thông thường nên chủ quan trong việc thăm khám và điều trị, khiến bệnh tiến triển nặng hơn, có nguy cơ gặp phải một số biến chứng không mong muốn.

Phân biệt giữa viêm mũi dị ứng và viêm mũi thông thường chủ yếu dựa và nguyên nhân và triệu chứng. Người bệnh cần chú ý các yếu tố sau:

 

Viêm mũi dị ứng

Viêm mũi thông thường

Nguyên nhân

Tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng, chủ yếu từ môi trường bên ngoài như phấn hoa, lông động vật, khói bụi, hóa chất... hay khi thời tiết lạnh, hanh khô, độ ẩm cao.

Do nhiễm virus, vi khuẩn từ các mầm bệnh như cảm, cúm, các bệnh liên quan đến tai mũi họng bị biến chứng gây ra.

Triệu chứng

- Hắt xì và ngứa mũi là triệu chứng thường gặp nhất, ngoài ra người bệnh cũng có các biểu hiện như chảy nước mũi, sổ mũi, nghẹt mũi…
- Dịch mũi lỏng, trong suốt như nước lã

-  Ít hắt hơi, chủ yếu là nghẹt mũi và chảy nước mũi
- Dịch mũi nhầy đặc, có mủ
- Cơ thể mệt mỏi, sốt

4. Các yếu tố kích hoạt viêm mũi dị ứng

Những nguyên nhân và yếu tố gây viêm mũi dị ứng là gì, thưa BS?

BS.CK1 Lưu Tú Anh trả lời: Nguyên nhân gây viêm mũi dị ứng là cơ thể giải phóng histamin khi tiếp xúc với các tác nhân dị ứng. Histamin là một chất hóa học tự nhiên giúp bảo vệ cơ thể khỏi tác nhân bên ngoài xâm nhập vào cơ thể, song nó lại gây phản ứng quá mức, gây ra tình trạng viêm mũi dị ứng.

Người có tiền sử gia đình mắc viêm mũi dị ứng sẽ dễ mắc bệnh này hơn những người khác. Bên cạnh đó, những người có cơ địa bị chàm da, hen suyễn cũng có khả năng mắc bệnh cao hơn.

Các yếu tố có thể kích hoạt hoặc làm trầm trọng thêm bệnh viêm mũi dị ứng bao gồm: hóa chất, thời tiết lạnh, độ ẩm cao, ô nhiễm không khí, khói thuốc lá, nước hoa, phấn hoa, bụi bẩn…

5. Các xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán viêm mũi dị ứng

Xin hỏi BS, làm thế nào để chẩn đoán chính xác bệnh nhân mắc viêm mũi dị ứng?

BS.CK1 Lưu Tú Anh trả lời: Đầu tiên, bác sĩ có thể dựa trên các triệu chứng lâm sàng người bệnh gặp phải, cộng với các yếu tố nghề nghiệp, thời tiết, tiền sử bệnh của gia đình để chẩn đoán.

Thứ hai, đối với các trường hợp cần xem xét kỹ hơn, bác sĩ có thể cho người bệnh làm xét nghiệm để kiểm tra độ châm chích da bằng cách bôi một số chất lên da để xem cơ thể người bệnh phản ứng với từng chất như thế nào.

Nếu dị ứng với một chất nào đó, da của người bệnh sẽ xuất hiện vết đỏ, có thể kèm sưng tấy.

Thứ ba, xét nghiệm máu hoặc xét nghiệm hấp thụ chất phóng xạ (RAST) phát hiện kháng thể IgE có thể được áp dụng để chẩn đoán viêm mũi dị ứng. RAST đo lượng kháng thể immunoglobulin E đối với các chất gây dị ứng cụ thể trong máu của người bệnh.

6. Viêm mũi dị ứng không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống

Bệnh viêm mũi dị ứng có nguy hiểm không, thưa BS? Nếu không phát hiện kịp thời, tình trạng bệnh kéo dài hoặc không điều trị đúng cách, viêm mũi dị ứng có thể gây ra những biến chứng gì?

BS.CK1 Lưu Tú Anh trả lời: Trên thực tế, viêm mũi dị ứng không gây nguy hiểm đến tính mạng. Nhưng nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời, bệnh có thể kéo dài và tiến triển nặng hơn, không chỉ gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh mà còn có thể gây ra các biến chứng như niêm mạc mũi thoái hóa, phù nề gây nghẹt mũi; các cuốn mũi bị quá phát xen kẽ thoái hóa polyp; viêm loét vùng tiền đình mũi; viêm họng, viêm phế quản; viêm xoang; viêm tai giữa.

Đới với trẻ em, viêm mũi dị ứng không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến viêm phế quản,  lan xuống phổi gây viêm phổi, suy hô hấp, đe dọa tính mạng.

BS.CK1 Lưu Tú Anh - Chuyên khoa Tai Mũi Họng, Phòng khám Bernard cho biết, có thể phòng ngừa viêm mũi dị ứng bằng cách giữ ấm, xịt rửa mũi mỗi ngày và tránh tiếp xúc các yếu tố gây dị ứng

7. Viêm mũi dị ứng chỉ chữa khỏi hoàn toàn khi không tiếp xúc với các yếu tố gây dị ứng

Một câu hỏi mà chắc chắn người bệnh nào cũng quan tâm: Viêm mũi dị ứng có thể điều trị dứt điểm được không? Hiện nay có những loại thuốc điều trị nào đang được áp dụng? Nhờ BS giải đáp ạ.

BS.CK1 Lưu Tú Anh trả lời: Viêm mũi dị ứng chỉ chữa khỏi hoàn toàn khi người bệnh không tiếp xúc với các yếu tố gây dị ứng. Do đó chỉ có thể điều trị làm giảm các triệu chứng dị ứng mũi khi bệnh nhân khởi phát bệnh.

Có nhiều cách đang được áp dụng để điều trị viêm mũi dị ứng như:

Thuốc điều trị: Dùng các loại thuốc kháng histamin theo chỉ định của bác sĩ.

 - Thuốc nhỏ mắt và thuốc xịt mũi: Dùng thuốc nhỏ mắt và thuốc xịt mũi theo chỉ định của bác sĩ giúp giảm ngứa và các triệu chứng liên quan đến dị ứng khác trong thời gian ngắn.

- Các biện pháp khắc phục tại nhà phụ thuộc vào chất gây dị ứng. Nếu bị dị ứng theo mùa hoặc phấn hoa, người bệnh nên tránh xa những nơi có nhiều cây cối; dùng máy hút ẩm hoặc bộ lọc không khí dạng hạt giúp bạn kiểm soát dị ứng khi ở trong nhà.

Nếu bị dị ứng với bụi, mạt nhà, hãy giặt tấm trải giường và chăn mền bằng nước nóng trên 55 độ C; đeo khẩu trang khi làm việc nếu bị dị ứng với các tác nhân ở nơi làm việc…

Ngoài ra, có thể phòng ngừa viêm mũi dị ứng bằng cách giữ ấm, xịt rửa mũi mỗi ngày và tránh tiếp xúc các yếu tố gây dị ứng.

8. Các biện pháp dự phòng giúp giảm triệu chứng viêm mũi dị ứng

Ngoài dùng thuốc, người bệnh có thể làm gì để giảm các triệu chứng viêm mũi dị ứng, thưa BS? Những người có cơ địa dị ứng cần làm gì để phòng tránh tái phát viêm mũi dị ứng?

BS.CK1 Lưu Tú Anh trả lời: Việc kết hợp khéo léo giữa sử dụng thuốc và áp dụng các biện pháp dự phòng, chế độ dinh dưỡng tốt trong quá trình điều trị viêm mũi dị ứng sẽ mang lại hiệu quả cao. Cụ thể:

- Tạo môi trường sống phù hợp: Giữ ấm, tránh tiếp xúc các yếu tố gây kích ứng dị ứng, súc rửa mũi họng bằng nước muối biển sâu và nước muối sinh lý 0,9% từ 2 - 3 lần/ngày.

- Bổ sung thực phẩm giàu vitamin C giúp tăng cường sức đề kháng, chống lại các tác nhân gây bệnh một cách hiệu quả.

- Dùng các thực phẩm làm ấm cơ thể như hành, tỏi, gừng… sẽ giúp người bệnh ngăn ngừa hoặc giảm đáng kể các triệu chứng của viêm mũi dị ứng.

Đặc biệt, những người có cơ địa dị ứng nên có biện pháp tăng cường miễn dịch. Khi miễn dịch yếu, cơ thể rất dễ bị dị ứng. Do đó, tăng cường hệ miễn dịch là một trong những cách tốt nhất để bảo vệ cơ thể tránh khỏi viêm mũi dị ứng.

Đồng thời, cần tránh xa các tác nhân gây dị ứng. Khi biết bản thân bị dị ứng với chất gì, hãy cố gắng tránh tiếp xúc với chất đó. Đeo khẩu trang trong vùng có nguy cơ xuất hiện các chất gây dị ứng là biện pháp phòng vệ tốt cho người bệnh.

Cuối cùng là bảo vệ tai mũi họng. Tai mũi họng là một hệ thống thông với nhau, nên bảo vệ vùng tai và họng tốt sẽ giúp mũi khỏe mạnh để giảm bớt nguy cơ bị viêm mũi dị ứng nặng hơn.

9. Viêm mũi dị ứng ảnh hưởng thế nào đến thai nhi và trẻ nhỏ?

Thưa BS, viêm mũi dị ứng có ảnh hưởng đến thai nhi không? Và viêm mũi dị ứng ở trẻ em có gì khác với viêm mũi dị ứng ở người lớn?

BS.CK1 Lưu Tú Anh trả lời: Viêm mũi dị ứng không ảnh hưởng trực tiếp đến thai nhi nhưng vẫn có những ảnh hưởng gián tiếp. Viêm mũi dị ứng xảy ra trong quá trình mang thai có thể khiến người mẹ mệt mỏi, mất ngủ, suy giảm sức khỏe, dễ mắc các bệnh lý khác.

Cơ thể người mẹ không khỏe phần nào cũng ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.

Các triệu chứng của viêm mũi dị ứng ở trẻ em và người lớn là hoàn toàn giống nhau. Tuy nhiên, do trẻ nhỏ có hệ miễn dịch chưa hoàn chỉnh cũng như chưa ý thức được mức độ nghiêm trọng của bệnh, chưa biết cách bảo vệ và chăm sóc bản thân nên các em sẽ cảm thấy khó chịu hơn với các biểu hiện như quấy khóc, mệt mỏi, chán ăn…

Ngoài ra, trẻ thường thích vui chơi với bạn bè cùng trang lứa nên rất dễ tiếp xúc với các mầm bệnh, khiến bệnh tiến triển nặng hoặc kéo dài hơn.

10. Viêm mũi dị ứng có di truyền không?

Viêm mũi dị ứng là một tình trạng khá phổ biến, chính vì vậy cũng có hàng loạt thắc mắc được gửi về hộp thư của AloBacsi: Viêm mũi dị ứng có lây không, viêm mũi dị ứng có di truyền không, viêm mũi dị ứng có tiêm vắc xin được không,... Nhờ BS giải đáp những câu hỏi này.

BS.CK1 Lưu Tú Anh trả lời: Viêm mũi dị ứng là một bệnh tự phát do cơ thể quá nhạy cảm với một yếu tố gây dị ứng nào đó. Do đó, đây không phải là bệnh lây nhiễm.

Viêm mũi dị ứng có khả năng di truyền, cụ thể nếu trong gia đình có người mắc bệnh lý này thì tỷ lệ di truyền là 60 - 70%. Ngoài ra, bệnh cũng phụ thuộc vào nhiều yếu tố bên ngoài như ô nhiễm môi trường, thay đổi thời tiết, môi trường làm việc… Vì thế, ngay khi có những dấu hiệu của viêm mũi dị ứng, người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời.

Người bị viêm mũi dị ứng, dị ứng nhẹ ngoài da do thức ăn hay thuốc, viêm kết mạc dị ứng… đều có thể tiêm vắc xin bình thường. Tuy nhiên, các trường hợp sau cần theo dõi kỹ khi tiêm vắc xin: tiền căn dị ứng nặng hoặc sốc phản vệ với các loại thức ăn, một số loại thuốc.

11. Làm sao thoát khỏi phiền toái do viêm mũi dị ứng?

Cuối chương trình, nhờ BS tổng kết lại một số điểm quan trọng cần nhớ và thực hiện để không còn bị viêm mũi dị ứng làm phiền.

BS.CK1 Lưu Tú Anh trả lời: Viêm mũi dị ứng là bệnh lý lành tính do các tác nhân gây dị ứng ngoài môi trường gây ra.

Bệnh còn có tính chất di truyền. Nếu trong gia đình có người mắc bệnh lý này thì tỷ lệ di truyền là 60 - 70%.

Bệnh này không thể chữa khỏi mà chỉ có thể điều trị nhằm giảm bớt các triệu chứng khi bệnh khởi phát bằng cách tạo sức đề kháng tốt cho cơ thể, tránh tiếp xúc với các yếu tố gây dị ứng và thường xuyên rửa mũi, súc họng bằng nước muối, nước biển sâu 1 - 2 lần/ngày.

Bên cạnh đó, cần cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho cơ thể, đặc biệt là vitamin C. Có thể tập thể dục đều đặn; tập các bài hít thở để tăng lưu lượng đường thở, tránh tình trạng đọng dịch ở mũi.

Cần chú ý, nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời, bệnh có thể kéo dài và tiến triển nặng hơn, không chỉ gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh mà còn có thể gây ra các biến chứng không mong muốn. Do đó, mọi người nên chủ động tăng cường miễn dịch, bảo vệ cơ thể khỏi các yếu tố gây dị ứng, đặc biệt là người có cơ địa nhạy cảm.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X