Sởi ở trẻ nhỏ: 10 vấn đề quan trọng từ nhận biết, điều trị đến phòng ngừa
Nhiều phụ huynh lo lắng khi con bị sởi, lên cơn sốt cao, phát ban và ho dai dẳng, có cần đưa trẻ đi bệnh viện hay cách chăm sóc đúng tại nhà? BS Trương Hữu Khanh sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về dấu hiệu nhận biết sởi, phân biệt với các bệnh khác, cũng như những lưu ý quan trọng trong quá trình điều trị và phòng ngừa.
1. Dấu hiệu nhận biết phát ban do sởi
Nhờ BS hướng dẫn cách nhận diện ban sởi. Ban sởi có màu sắc, kích thước và diễn tiến như thế nào so với hồng ban của những bệnh khác?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Ban sởi sẽ phát ban theo thứ tự, đi từ chân tóc xuống khuôn mặt, xuống thân mình, đến hết chân. Hồng ban của những bệnh khác xuất hiện không theo trình tự, trong một ngày có thể lan ra cả người hoặc phát ở chỉ một vùng trên cơ thể.
Đối với bệnh sởi, trẻ vẫn sốt cao khi phát ban, kèm ho nhiều. Ở những bệnh khác, trẻ bắt đầu hạ sốt khi ra ban.
Sởi điển hình sẽ kèm ho nhiều, mắt đỏ, chảy mũi. Đây cũng là một điểm để phân biệt sốt phát ban do siêu vi khác với sởi.


2. Có nên cách ly khi trẻ phát ban do sởi?
Khi trẻ bắt đầu nổi ban do sởi, có cần cách ly trẻ với những trẻ khác, với những thành viên còn lại trong gia đình không, thưa BS?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Phụ huynh có ý thức cách ly khi trẻ phát ban là điều tốt nhưng thường không hiệu quả. Sau khi ra ban khoảng 4 ngày, bệnh sởi sẽ không còn lây lan nhưng 2 ngày trước khi ra ban là giai đoạn phát tán virus.
Do đó, biện pháp cách ly khi trẻ phát ban để ngừa sởi gần như không có hiệu quả, phải dùng biện pháp miễn dịch là chích ngừa mới có thể ngăn chặn được bệnh.
3. Sốt cao do sởi dễ gây co giật hơn những bệnh khác
Xin hỏi BS, cơn sốt của sởi sẽ diễn tiến như thế nào? Trẻ sốt đến bao nhiêu độ và kéo dài bao lâu thì đáng lo ngại?
Sốt do sởi có dẫn đến sốt co giật không? Trong trường hợp trẻ bị sốt co giật, nên xử trí như thế nào, thưa BS?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Sởi ở trẻ chưa chích ngừa có thể gây sốt cao đến 39 - 40 độ và sốt liên tục. Trẻ đã được chích ngừa sốt nhẹ hơn, phát ban nhanh hơn.
Trẻ nhỏ từ 6 tháng - 6 tuổi bị sốt, dù có phải do sởi hay không, đều có nguy cơ co giật. Đặc biệt sốt cao do sởi càng dễ gây co giật hơn khi bị sốt do những bệnh khác.
Khi trẻ bị co giật do sốt cao, cần tìm cách hạ sốt thật nhanh. Trong lúc bị co giật, nên giữ trẻ nằm nghiêng. Sau đó, nếu trẻ không còn sốt, có thể theo dõi tại nhà.
Tuy nhiên, nếu đã hết co giật mà trẻ vẫn trong trạng thái lừ đừ, chắc chắn cần đến bệnh viện. Trong trường hợp này, co giật có thể không phải do sốt mà do sởi đã biến chứng.
4. Trẻ bị sởi sốt cao và ho nhiều, có cần nhập viện?
Khi trẻ bị sốt phừng phừng, phụ huynh thường rất lo lắng và đưa ngay đến các bệnh viện nhi tại những thành phố lớn. Theo BS, điều này có cần thiết không?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Đối với bệnh sởi, có 2 triệu chứng rất rầm rộ nhưng không quá nguy hiểm.
Đầu tiên là sốt. Trường hợp trẻ sốt rất cao nhưng nếu khi đã hạ sốt, trẻ vẫn chơi, ăn uống, sinh hoạt bình thường thì chưa cần đi bệnh viện. Tại bệnh viện cũng là một môi trường rất dễ lây nhiễm bệnh.
Triệu chứng thứ hai là ho, đặc biệt là không thể giảm ho nhanh.
Cần lưu ý rằng, dù hai triệu chứng nêu trên có xuất hiện rầm rộ thì cũng không phải là biến chứng của sởi. Do đó, trẻ có thể được điều trị tại nhà, không cần thiết đến bệnh viện.
5. Trường hợp bị sởi nào cần dùng kháng sinh?
Trường hợp nào cần dùng đến kháng sinh cho những trẻ mắc sởi, thưa BS?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Chỉ dùng kháng sinh cho những trường hợp sởi bội nhiễm.
Đầu tiên là viêm phổi, khi thấy trẻ có tình trạng thở nhanh, nên đưa ngay đến bác sĩ để khám và dùng kháng sinh.
Thứ hai, chảy mủ tai là một biến chứng viêm tai giữa do bội nhiễm vi khuẩn, cần dùng kháng sinh.
Thứ ba, trẻ đi cầu ra máu cũng cần uống kháng sinh. Trường hợp khác là trẻ bị loét miệng, lở miệng, đỏ tấy có thể dùng kháng sinh.
Những trường hợp khác gần như không cần dùng đến kháng sinh.
6. Liều dùng vitamin A cho trẻ khi bị sởi
Trẻ bị sởi cần được bổ sung vitamin A với liều lượng như thế nào, thưa BS?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Vitamin A gần như là một loại thuốc kinh điển để điều trị sởi. Nghiên cứu trước đây cho thấy, khi mắc bệnh sởi, cở thể trẻ dễ thiếu vitamin A. Bên cạnh đó, sởi còn gây giảm miễn dịch, nhiễm trùng, đặc biệt là ảnh hưởng đến mắt.
Đến nay, trẻ bị sởi vẫn được cho uống vitamin A, trừ trường hợp trẻ đã được uống vitamin A định kỳ trước khi mắc sởi khoảng 1 tháng.
Liều dùng vitamin A tùy theo độ tuổi của trẻ. Em bé dưới 6 tháng sẽ dùng liều 50.000IU; từ 6 - 12 tháng uống 100.000IU; từ 12 tháng trở lên uống 200.000IU.
Viên vitamin A màu xanh thường chứa 100.000 đơn vị, viên màu đỏ chứa 200.000 đơn vị. Loại thuốc này cũng khá dễ mua, thường có sẵn ở các trạm y tế.
7. Trẻ bị chảy mủ tai, đổ ghèn mắt, cần làm gì?
Nhiều phụ huynh cho biết khi trẻ bị sởi sẽ xuất hiện tình trạng chảy mủ tai, mắt nhiều ghèn hơn. Vì sao lại có tình trạng này và có cách nào giải quyết, thưa BS?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Trẻ mắc sởi bị đỏ mắt nhiều là do viêm kết mạc. Thông thường sẽ điều trị bằng cách nhỏ nước muối sinh lý.
Tuy nhiên, hiện tượng ghèn trên mắt trẻ chuyển đục hoặc mắt bị ghèn làm dính chặt khi ngủ dậy không phải chỉ do virus sởi mà đã có tình trạng bội nhiễm vi khuẩn. Cách xử trí là nhỏ kháng sinh, chưa cần uống kháng sinh.
Trường hợp trẻ bị chảy mủ tai dấu hiệu cho thấy có sự bội nhiễm biến chứng viêm tai giữa. Cần dùng kháng sinh để ngăn chặn tiến triển nặng hơn.
8. Cần vệ sinh thân thể và răng miệng đúng cách khi trẻ bị sởi
Nhiều phụ huynh không dám tắm hay vệ sinh răng miệng cho con trong thời gian mắc sởi. Ý kiến của BS về việc này như thế nào?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Khi sởi ra ban sẽ gây ngứa ngáy, khó chịu cho trẻ. Nếu không tắm rửa, vệ sinh sạch sẽ, nhiều khả năng trẻ bứt rứt không ăn, không ngủ được. Từ đó, sức đề kháng của trẻ bị suy giảm, không thể khỏi bệnh.
Thứ hai, nếu không tắm rửa, những vi khuẩn còn trên cơ thể sẽ tiếp tục tấn công vào hệ hô hấp, gây viêm phổi, bội nhiễm phổi nặng thêm.
Thứ ba, kiêng cử không khoa học như thế dẫn đến trẻ không được cung cấp đủ dinh dưỡng.
Tóm lại, trẻ bị sởi không cần kiêng tắm, vẫn ăn uống bình thường. Nếu thời tiết lạnh hoặc khi trẻ sốt cao, có thể lau sạch người bằng nước ấm.
Bên cạnh đó, việc vệ sinh răng miệng cũng rất quan trọng. Khi không được vệ sinh sạch sẽ, nước bọt đọng trong miệng dễ gây nhiễm trùng. Nhiễm trùng miệng do không chăm sóc đúng cách khi bị sởi thậm chí dẫn đến hoại tử xương hàm, ngày xưa thường gọi là biến chứng cam tẩu mã.
Một điều cần lưu ý, khi trẻ nhập viện, phụ huynh thường mang theo rất nhiều đồ đạc. Chính những vật dụng đó đặt trong môi trường tù túng, không thoáng khí, không sạch sẽ lại tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công và gây viêm phổi ở trẻ.
9. Mỗi người chỉ mắc sởi 1 lần trong đời
Trẻ đã từng bị sởi liệu có khả năng mắc bệnh một lần nữa không ạ?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Mỗi người chỉ mắc sởi 1 lần trong đời. Sau khi mắc sởi, cơ thể có miễn dịch rất mạnh nên sẽ không bị lại.
10. Không kiêng cữ quá mức khi trẻ bị sởi
Thưa BS, còn vấn đề nào mà quý phụ huynh nên lưu ý khi có con nhỏ mắc bệnh sởi?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Nhiều phụ huynh mắc sai lầm khi cách ly bệnh nhi quá lâu. Sau khi ra ban 4 ngày, bệnh đã không còn lây. Trẻ có thể sinh hoạt bình thường. Những người xung quanh cũng nên chủ động tiêm ngừa để không bị lây sởi.
Thứ hai, đừng quá hoảng loạn mà lập tức đưa trẻ đến bệnh viện đông đúc. Dù xuất hiện biến chứng, các bệnh viện địa phương cũng có thể chữa trị được, không cần thiết phải đến các bệnh viện lớn ở thành phố.
Cuối cùng, cần bỏ những thói quen kiêng cữ đã lạc hậu như kiêng tắm, kiêng ăn, tránh gió... để không khiến trẻ bị suy dinh dưỡng, dễ bội nhiễm hơn.
Càng không nên cho trẻ uống các loại thuốc lá cây. Các thuốc này có thể gây dị ứng da, ban nổi dày hơn, dễ dẫn đến biến chứng nặng hơn.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình