Tai nghe chống ồn, in-ear, over-ear: Loại nào an toàn cho tai của bạn?
Bạn có biết rằng việc sử dụng tai nghe sai cách có thể dẫn đếnù tai, viêm tai, nhiễm nấm, thậm chí là suy giảm thính lực? Vậy làm thế nào để vừa tận hưởng âm thanh chất lượng, vừa bảo vệ đôi tai của mình? Tham khảo những hướng dẫn từ BS.CK1 Trần Xuân Nguyên - Phòng khám Bernard để biết bí quyết sử dụng tai nghe đúng cách.
1. Đeo tai nghe thời gian dài với âm lượng lớn gây suy giảm thính lực
Nhiều người đeo tai nghe thường xuyên, kể cả khi ngủ, ăn uống, chơi thể thao. Thế nhưng đeo tai nghe quá lâu liệu có thể dẫn đến những vấn đề gì cho thính giác, thưa bác sĩ?
BS.CK1 Trần Xuân Nguyên - Chuyên khoa Tai Mũi Họng, Phòng khám Bernard trả lời: Hầu như mỗi người đều có một cặp tai nghe để sử dụng trong sinh hoạt, làm việc... Đeo tai nghe thời gian dài với âm lượng lớn có thể ảnh hưởng đến thính lực.
Một số trường hợp bị suy giảm thính lực do âm lượng tai nghe ảnh hưởng đến tế bào trong của ốc tai. Có trường hợp hồi phục được nhưng cũng có trường hợp thính giác giảm dần đi.
Có người gặp tình trạng ù tai. Dù không gian xung quanh hoàn toàn yên tĩnh, họ vẫn nghe những tiếng vo ve hoặc tiếng sáo thổi.
Tai nghe tiếp xúc với vành tai, ống tai thường xuyên còn có thể dẫn đến viêm tai. Có trường hợp bị nén vụn ráy tai vào trong tạo thành nút ráy tai gây bít tắc, khiến người bệnh bị đau, giảm thính lực, viêm tai...
Đeo tai nghe quá lâu cũng có thể gây đau đầu do căng cơ vùng ống tai, vùng cơ thái dương.

2. Không nên đeo tai nghe nhiều hơn 8 giờ/ngày
Vậy thời gian tối đa nên sử dụng tai nghe trong một ngày là bao lâu? Khi sử dụng tai nghe, âm lượng bao nhiêu là an toàn cho tai, thưa BS?
BS.CK1 Trần Xuân Nguyên trả lời: Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chỉ nên sử dụng tai nghe với âm lượng nhỏ hơn 85dB, nhưng không quá 8 giờ/ngày.
Khi đeo tai nghe liên tục khoảng 60 phút, nên để tai được thư giãn trong 5 - 10 phút rồi mới sử dụng tiếp.
Chú ý, không nên để âm lượng đạt mức lớn nhất. Âm lượng khoảng 60% trở xuống là tốt nhẩt cho tai của chúng ta.
3. Ưu, nhược điểm của tai nghe nhét tai in-ear và tai nghe chụp tai over-ear?
Xin hỏi BS, các loại tai nghe khác nhau như tai nghe có dây với tai nghe không dây, tai nghe chụp tai với tai nghe nhét tai... sẽ có tác động đến tai khác nhau hay giống nhau ạ?
BS.CK1 Trần Xuân Nguyên trả lời: Loại tai nghe nhét trực tiếp vào ống tai (tai nghe in-ear) có ưu điểm nhỏ gọn, dễ mang theo khi ra ngoài. Tuy nhiên, khi sử dụng lâu ngày, tai nghe ma sát với ống tai gây căng ống tai, viêm tai. Môi trường bít tắc, ẩm trong ống tai tạo điều kiện cho vi khuẩn, vi nấm sinh sôi phát triển.
Bên cạnh đó, âm thanh phát trực tiếp vào trong tai nên tai có xu hướng phải chịu tác động lớn hơn so với tai nghe chụp tai.
Tai nghe chụp tai thường có khoảng để cách âm, do đó âm lượng truyền vào tai có xu hướng nhỏ hơn. Tuy nhiên, sử dụng loại tai nghe này trong thời gian dài sẽ khiến vùng da phía ngoài vành tai bị viêm do tiếp xúc với phần mút xốp không được vệ sinh thường xuyên.
Mỗi loại tai nghe đề có ưu và khuyết điểm riêng.
4. Ưu, nhược điểm của tai nghe chống ồn
Tai nghe chống ồn được nhiều người xem là một giải pháp hoàn hảo khi môi trường xung quanh có quá nhiều tiếng động, ảnh hưởng đến sự tập trung. Dưới góc độ chuyên môn, BS nhận thấy việc đeo tai nghe chống ồn có hoàn toàn vô hại không ạ?
BS.CK1 Trần Xuân Nguyên trả lời: Nhiều loại tai nghe hiện nay được trang bị thêm chức năng chống ồn, trong đó chia thành:
- Chống ồn thụ động: Các loại tai nghe sử dụng mút xốp hoặc các vật liệu cách âm khác để ngăn các âm thanh từ bên ngoài lọt vào.
- Chống ồn chủ động: Các loại tai nghe đời mới có micro để thu lại âm thanh từ môi trường xung quanh, sau đó tạo ra sóng âm ngược lại, nhằm triệt tiêu các tiếng động bên ngoài.
Nhìn chung, tai nghe chống ồn có ưu điểm là nghe rõ hơn mà không cần mở âm lượng quá lớn, giúp người dùng tập trung tốt hơn. Sử dụng tai nghe chống ồn chủ động có thể xuất hiện cảm giác chóng mặt, buồn nôn nhẹ do áp lực sóng âm kích thích vào tai.
Cần chú ý không sử dụng tai nghe chống ồn khi lưu thông trên đường, tránh việc không nghe thấy tiếng còi xe, còi cảnh báo từ các phương tiện khác, có thể xảy ra tai nạn nguy hiểm.

5. Không vệ sinh tai nghe dễ dẫn đến viêm tai
Rất nhiều người thường xuyên sử dụng tai nghe nhưng lại quên mất việc vệ sinh thiết bị này. Xin hỏi BS, tai nghe dơ sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe tai như thế nào?
BS.CK1 Trần Xuân Nguyên trả lời: Đa phần mọi người sẽ sử dụng tai nghe in-ear vì nhỏ gọn, tiện lợi. Tai nghe và hộp đựng tai nghe không được vệ sinh thường xuyên có thể chứa vi khuẩn, vi nấm. Khi đặt vào môi trường kín và ẩm như ống tai sẽ dẫn đến tình trạng nhiễm trùng, viêm, nấm, âm thầm gây đau tai và suy giảm thính lực.
Chính vì thế, nếu bạn thường xuyên sử dụng tai nghe thì nên có thói quen vệ sinh thiết bị này. Ngoài ra, không nên dùng chung tai nghe.
6. Các dấu hiệu cho thấy tai của bạn đang không khỏe
Những dấu hiệu nào cho thấy tai của chúng ta đang bị ảnh hưởng do sử dụng tai nghe sai cách, thưa BS? Trường hợp nào cần dừng ngay việc sử dụng tai nghe?
BS.CK1 Trần Xuân Nguyên trả lời: Các dấu hiệu mà chúng ta có thể cảm nhận rõ ràng nhất là:
- Thính lực giảm dần, cụ thể là việc bạn phải điều chỉnh âm lượng trong tai nghe ngày càng lớn. Bên cạnh đó, khi giao tiếp, mọi người phải nói chuyện lớn tiếng thì bạn mới có thể nghe rõ.
- Ù tai: Khi không sử dụng tai nghe, bạn vẫn nghe thấy các tiếng vo ve, ong ong.
Nhức đầu, đau tai, căng tai quá mức cũng là dấu hiệu viêm ống tai ngoài, nhiễm nấm tai, nhọt tai, nguyên nhân có thể đến từ việc đeo tai nghe quá lâu.
7. Trẻ nên mở loa ngoài khi khi học trực tuyến thay vì đeo tai nghe
Câu hỏi khán giả: Con tôi 12 tuổi, cháu hay đeo tai nghe để học trực tuyến, nhưng gần đây cháu kêu đau đầu và khó chịu ở tai. Tôi nên làm gì?
BS.CK1 Trần Xuân Nguyên trả lời: Hiện nay việc các em học sinh sử dụng tai nghe để học trực tuyến khá phổ biến. Tuy nhiên, phụ huynh nên chú ý đến thời gian và mức âm lượng phải được điều chỉnh phù hợp.
Việc sử dụng tai nghe nhiều giờ liền trong ngày cũng có thể gây đau đầu. Sử dụng tai nghe với âm lượng lớn dẫn đến căng thẳng thần kinh.
Khi học trực tuyến, phụ huynh có thể bố trí phòng học riêng để có thể mở loa ngoài. Điều này sẽ tốt hơn việc trẻ phải đeo tai nghe suốt nhiều giờ liền.
Nếu đã tháo tai nghe mà trẻ vẫn có cảm giác đau nhức tai, bạn nên đưa con đi khám. Việc đeo tai nghe quá lâu đôi khi gây ra viêm tai, nhọt tai,... cần được vệ sinh tai, nhỏ thuốc, uống thuốc điều trị.
8. Đau tai khi sử dụng tai nghe in-ear, phải làm sao?
Câu hỏi khán giả: Tôi bị đau tai khi đeo tai nghe in-ear, nhưng lại không thấy đau khi dùng tai nghe chụp tai. Sau khi đeo tai nghe trong vài tuần, tôi cảm thấy thính lực kém hơn, thi thoảng nghe không rõ. Có phải tai nghe in-ear không phù hợp với tai tôi không, tôi có nên đi khám không?
BS.CK1 Trần Xuân Nguyên trả lời: Nếu bạn đeo tai nghe in-ear và cảm thấy không thoải mái, trong khi tai nghe chụp tai (over-ear) giúp bạn có trải nghiệm tốt hơn, có thể ống tai của bạn đã bị viêm.
Viêm tai có thể nhận biết thông qua một số dấu hiệu như đau nhói khi đưa ngón tay hay tai nghe vào tai; đau khi nuốt nước bọt.
Bạn nên dừng việc sử dụng tai nghe và đi khám, nội soi tai. Trường hợp phát hiện nhiễm trùng, bạn sẽ được kê thuốc nhỏ để điều trị. Nếu phát hiện trong tai có mủ hay nấm, bác sĩ sẽ vệ sinh tai, rửa tai và kê các loại thuốc phù hợp.
9. Không nên dùng chung tai nghe với người khác
Câu hỏi khán giả: Trong nhà trọ của em, mọi người hay mượn tai nghe của nhau. Em thấy ngại quá, không cho mượn thì kỳ, mà cho mượn thì không biết có bị lây bệnh gì không ạ?
BS.CK1 Trần Xuân Nguyên trả lời: Tôi vẫn khuyên mỗi người nên có một tai nghe riêng, không nên dùng chung để tránh bị lây vi khuẩn, vi nấm.
Định kỳ hàng tuần nên vệ sinh tai nghe sạch sẽ để không bị viêm tai.
10. Bảo vệ tai và thính lực khi sử dụng tai nghe thường xuyên
Không biết BS có thường sử dụng tai nghe khi làm việc, giải trí không ạ? Có bí quyết nào vừa tận hưởng được âm thanh mà vừa bảo vệ được sức khỏe tai, nhờ BS chia sẻ đến quý độc giả của AloBacsi.
BS.CK1 Trần Xuân Nguyên trả lời: Tôi cũng thường xuyên sử dụng tai nghe trong môi trường làm việc hoặc khi có nhu cầu giải trí ở nhà.
Mọi người có thể chọn loại tai nghe in-ear hoặc over-ear, miễn là phù hợp với bạn và đem lại trải nghiệm thoải mái nhất. Nên chọn loại tai nghe có kích thước phù hợp với tai, vệ sinh thiết bị này thường xuyên.
Đặc biệt, chỉ nghe trong thời gian vừa phải, âm lượng dưới 60% mức tối đa của thiết bị âm thanh. Không nên đeo tai nghe ngủ qua đêm, không đeo tai nghe khi tham gia giao thông.
Nếu xuất hiện cảm giác đau, ngứa, ù tai hay thính lực không còn nhạy, nên đi gặp bác sĩ để kiểm tra ngay.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình