Hotline 24/7
08983-08983

Trường hợp nào cần tiêm ngừa dại?

Theo BS Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch thường trực LCH Truyền nhiễm TPHCM, không thể đảm bảo 100% chó mèo đã tiêm ngừa dại thì không mắc bệnh dại. Do đó, khi bị chó mèo cắn dù không chảy máu nhưng có vết trầy xước, ửng đỏ vẫn nên đi tiêm ngừa.

1. Vết thương do chó mèo cắn/cào thế nào thì nên chích ngừa?

Đầu tiên nhờ BS Khanh cho biết, vết thương do chó mèo cắn/cào như thế nào thì nên cân nhắc chích ngừa?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Khi bị động vật tấn công nếu trầy xước đến mức chảy máu hoặc da ửng đỏ (có khả năng tiếp xúc nhưng không nhìn thấy rõ) thì nên tiêm ngừa.

Khi bị cắn chắc chắn sẽ dính nước bọt của con vật bị dại. Tuy nhiên nước bọt của con vật bị dại vẫn có thể dính vào móng và cào vào người dẫn đến nhiễm bệnh.

Nếu nhận thấy vết cào có thể đi vào máu thì cần xem xét khả năng lây nhiễm. Người đánh giá tại cơ sở y tế sẽ phân độ vết thương, ví dụ độ 3 (rất nặng) sẽ xử lý gấp, độ 1 (mức độ nhẹ) có thể xử lý chậm hơn.

2. Vết xước không chảy máu nhưng sát trùng thấy rát thì có cần chích ngừa?

Trường hợp vết xước không chảy máu nhưng sát trùng nghe xót xót rát rát thì có cần chích ngừa không ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Dù không nhìn thấy nhưng vẫn có nguy cơ bị vết xước, khi sát trùng cảm thấy rát là do đang bị trầy (ở mức xuyên qua da và đi vào máu). Vì vậy, trường hợp này nên tiêm ngừa dại.

3. Có thể bị dại do tiếp xúc với vật dụng của chó mèo khi tay chân có vết xước

Những tình huống: tay chân có vết xước, chạm vào vật dụng của chó mèo như chén bát, dây xích… nghi là có dính nước dãi chó thì nguy cơ như thế nào, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Vẫn có người bị dại do tiếp xúc với vật dụng của chó mèo khi tay chân có vết xước, tuy nhiên khả năng này rất hiếm. Ví dụ người giết mổ gia súc, dù không bị cắn nhưng vẫn có thể nhiễm bệnh.

4. Không thể đảm bảo 100% chó mèo đã tiêm ngừa dại thì không mắc bệnh dại

Ngày nay nhiều người nuôi chó mèo không chỉ để giữ nhà mà coi đó là người bạn đồng hành. Chính vì vậy, người chủ đã chủ động tiêm ngừa dại cho chó mèo và cho rằng khi chúng cắn yêu hoặc cào thì hoàn toàn không lây nhiễm dại. Điều này có đúng không thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Tiêm ngừa dại cho mèo rất cần thiết, giúp giảm tỷ lệ chó mèo bị dại. Tuy nhiên, không thể đảm bảo 100% chó mèo đã tiêm ngừa dại thì không mắc bệnh dại. Nếu đã có nguy cơ thì dù tiêm ngừa vẫn không có tác dụng.

5. Bị con vật đã tiêm phòng dại cắn, có cần tiêm phòng ngay?

Và con vật đã được chích ngừa dại cắn người thì người có cần tiêm ngừa luôn không, hay theo dõi 10 ngày?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Tất cả những con vật cắn chúng ta dù có tiêm ngừa hay không vẫn lấy mốc 10 ngày để theo dõi con vật đó.

Khi một con vật đã tiêm ngừa thì khả năng không mắc bệnh dại cao hơn rất nhiều so với chưa tiêm. Vì vậy, quá trình theo dõi sẽ hoàn hảo hơn.

Nếu chó mèo đã tiêm ngừa dại hoặc không tiêm ngừa nhưng không đi ra ngoài đường nhiều thì khi bị cắn không cần tiêm vắc xin dại liền, mà vẫn có thể theo dõi. Tuy nhiên nếu bị con chó ở ngoài đường cắn thì chắc chắn phải chích ngừa.

6. Bác sĩ thú ý, người làm nghề giết mổ gia súc nên tiêm ngừa dại trước khi bị cắn

Trường hợp trực tiếp giết mổ chó mà chân tay lành lặn thì có nguy cơ lây bệnh dại không ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Bác sĩ thú ý, người làm nghề giết mổ gia súc nên tiêm ngừa trước khi bị cắn (trước khi phơi nhiễm). Vì đây là công việc có nguy cơ rất cao, không thể chắn chắn 100% tay không có vết xước trong quá trình làm việc.

7. Chế biến thịt chó có nguy cơ lây bệnh dại không?

Còn nếu chế biến thịt chó (đã giết mổ ở nơi khác, cách thời điểm nấu nhiều giờ, thậm chí để cấp đông qua nhiều ngày) thì có nguy cơ lây bệnh dại không?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Khi chế biến thịt chó vẫn có khả năng lây bệnh dại nhưng khá thấp.

Nếu làm nghề giết mổ hay chế biến phải mang găng tay, cũng như biết rõ nguồn gốc của thịt chó đó.

8. Nếu nước dãi chó văng vào mắt thì có lây bệnh dại?

Ngoài nỗi lo lây bệnh dại qua vết thương hở thì nhiều người cũng lo bị lây bệnh dại qua niêm mạc mắt, sợ đi ngang qua chó sủa bị nước dãi chó văng vào mắt. Theo BS trường hợp này có nguy cơ lây bệnh dại không, và nên xử trí thế nào?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Nếu chắc chắn nước miếng của chó văng vào niêm mạc mắt thì hãy đi tiêm ngừa.

Tuy nhiên nếu chỉ nghi ngờ thì rất hiếm khi xảy ra trường hợp này vì không dễ để con chó sủa mà văng nước miếng vào mắt của người.

9. Việt Nam có những con vật nào có thể truyền bệnh dại?

Ngoài chó mèo thì tại Việt Nam còn có những con vật nào có khả năng truyền bệnh dại, thưa BS? Dơi ở Việt Nam có mang bệnh dại không?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Dơi là động vật có vú và máu nóng nên vẫn mang bệnh dại. Bên cạnh đó, động vật hoang dã như khỉ hoặc nuôi trong sở thú hoặc trong rừng có thể lây bệnh dại vì không biết được nguồn gốc của chúng.

Ngoài ra, trong một số báo cáo cho rằng chuột (loài động vật gặm nhấm) có thể lây bệnh dại dù rất khó nên vẫn chưa được xác định chính xác.

10. Tiêm ngừa dại nhiều có ảnh hưởng đến sức khỏe?

Một số người bị ám ảnh sợ bệnh dại, cứ tiếp xúc với chó mèo, nghĩ có nguy cơ là lại đi chích ngừa dại bổ sung 2-3 mũi, thành ra 1 năm cộng lại cả chục mũi. Nếu chích ngừa nhiều như vậy có ảnh hưởng tới sức khỏe không ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Những người tiêm ngừa dại quá nhiều nên đi khám tâm lý. Nếu thường xuyên tiếp xúc với chó mèo nên tiêm ngừa trước khi phơi nhiễm, tiêm nhắc lại theo đúng định kỳ hằng năm.

Bên cạnh đó, nếu có khả năng nên xét nghiệm thêm nồng độ kháng thể kháng dại để xem đã đủ chưa. Vì khi tiêm ngừa nhiều sẽ tốn chi phí và tạo ra tâm lý lo lắng, stress.

11. Các tình huống nào cần tiêm ngừa dại?

Nhờ BS nhắc lại các tình huống cần phải tiêm ngừa dại: vị trí cắn nguy hiểm và thời gian, phác đồ các mũi tiêm.

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Quan trọng nhất là không để bị chó mèo cắn để không phải căng thẳng, lo sợ.

Chúng ta không thể kiểm soát được chó mèo nên dù bị cắn hay cào… cũng phải tiêm ngừa. Vì bản chất một con vật rất ít khi tự nhiên tấn công người khác mà có thể chúng đã bị dại.

Đối với chó thả rông dù biết đó của nhà nào nhưng vẫn có khả năng mắc bệnh dại vì chúng có thể giao lưu với nhiều con chó khác và lây bệnh.

Nghiên cứu thấy, khi một con chó bị chó dại cắn thì trong khoảng 90 ngày sẽ phát bệnh. Nên nếu con chó đó được nhốt trong nhà 9 tháng không đi đâu hoặc đã được tiêm ngừa và không ra ngoài thì khi bị cắn có thể bình tĩnh vì nguy cơ mắc bệnh dại không cao.

Nếu bị cắn ở vùng mặt hoặc đầu ngón tay, đầu ngón chân thì nên tiêm ngừa ngay, còn các vị trí khác thì nên bình tĩnh. Tùy vị trí cắn mà cơ sở tiêm chủng sẽ tư vấn tiêm huyết thanh hoặc chỉ cần tiêm vắc xin.

Cho đến hiện nay, một số người vẫn nghĩ rằng vắc xin dại rất độc, tuy nhiên vắc xin dại có nhiều tác dụng phụ đã không sử dụng từ rất lâu. Các vắc xin dại ngày nay đều được điều chế khá tốt.

Hãy tiêm đúng liệu trình, nếu tiêm 3 mũi mà con chó cắn mình vẫn còn sống thì có thể ngừng tiêm. Nhưng nếu làm những nghề nguy cơ thì nên tiêm thêm 1 mũi dù chưa bị chó cắn. Trường hợp không theo dõi được con chó thì nên tiêm đủ 5 mũi.

Bắt buộc nuôi chó không được thả rông, nếu không kiểm soát được vấn đề này thì Việt Nam vẫn phải tiêm ngừa dại.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X