Tiêm filler an toàn: Biết nguồn gốc xuất xứ, bác sĩ có chứng chỉ đào tạo
Hậu quả khi tiêm filler khi người thực hiện không có chứng chỉ sẽ như thế nào? Sẽ ra sao nếu sử dụng loại filler không đạt chuẩn quốc tế? Filler có tan và lọc qua gan thận hay không? Vì sao tiêm filler bị vón cục? BS.CK1 Đinh Ngọc Liên - Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn trong vấn đề này.
1. Lý do tai biến do tiêm filler ngày càng tăng
Bác sĩ có cảm nghĩ và ý kiến gì đối với các tin tức tai biến sau tiêm filler, dẫn đến các hậu quả không đáng có?
BS.CK1 Đinh Ngọc Liên trả lời: Hiện nay, trên các trang mạng đưa tin rất nhiều về tình trạng tai biến, biến chứng do filler gây ra.
Nhìn chung, những ca tai biến ấy được thực hiện bởi những người không phải là bác sĩ, không được đào tạo về mặt chuyên môn y tế. Thủ thuật tiêm được thực hiện rất tràn lan tại những cơ sở như spa, tiệm làm tóc... nên những biến chứng, tai biến xảy ra là điều hoàn toàn dễ hiểu.
Ngoài ra, nguồn gốc xuất xứ, chất lượng của filler cũng góp phần không nhỏ trong những ca tai biến.
Tiêm filler là thủ thuật được sử dụng khá phổ biến trong chuyên ngành thẩm mỹ. Tuy nhiên, việc tiêm filler có tỉ lệ bị tai biến cao so với các thủ thuật khác, trong đó, có thể gây nên hoại tử da tại vùng tiêm, mù mắt do tắc mạch máu.
Để mang lại an toàn trong các thủ thuật tiêm filler, người thực hiện cần nắm rõ về nguyên tắc giải phẫu của vùng điều trị, kỹ thuật tiêm và tính chất của từng loại filler tại mỗi vùng để giảm thiểu tai biến, biến chứng.
2. Filler gồm những loại nào? Nguồn gốc xuất xứ từ đâu?
BS.CK1 Đinh Ngọc Liên trả lời: Thông thường, filler có nguồn gốc từ châu Âu. Filler được chia làm 2 loại: loại không tan được; loại có thể tan được.
Loại không tan được thông thường được tiêm vào các vùng sẹo mụn, bệnh nhân HIV bị teo mô mỡ.
Filler có thể tan được chia thành một số loại có thành phần như:
- Filler chứa thành phần CaHA thường được dùng trong trường hợp tiêm trẻ hoá bàn tay.
- Filler có thành phần là collagen, có tỉ lệ gây biến chứng do nguồn gốc không phải từ người.
- Filler HA có liên kết chéo là loại filler được sử dụng nhiều nhất trong chuyên ngành da liễu thẩm mỹ.
Trên nguyên tắc, khi filler được tiêm vào những vùng cơ thể của con người phải được sự chấp nhận của FDA (Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ).
3. Người thực hiện tiêm filler phải là bác sĩ thẩm mỹ có chứng chỉ hành nghề
Bác sĩ hay kỹ thuật viên mới là người được phép tiêm filler, họ cần phải có chứng chỉ hành nghề nào?
BS.CK1 Đinh Ngọc Liên trả lời: Theo nguyên tắc, người thực hiện filler là bác sĩ. Bác sĩ phải có chứng chỉ hành nghề phù hợp như: chuyên ngành bác sĩ giải phẫu thẩm mỹ; bác sĩ da liễu thì mới được thực hiện thủ thuật điều trị thẩm mỹ cho khách hàng.
Bên cạnh đó, bác sĩ cần phải được đào tạo thêm về một số chứng chỉ tiêm chất làm đầy trong thẩm mỹ do Sở Y tế cấp phép.

4. Cẩn thận khi tiêm filler vào các vùng có nhiều mạch máu
Khách hàng khi đến Phòng khám Đa Khoa Ngọc Minh tiêm filler thường mong muốn tiêm nhưng vị trí nào? Vùng nào trên cơ thể khi tiêm filler dễ bị ảnh hưởng đến sức khoẻ nhất?
BS.CK1 Đinh Ngọc Liên trả lời: Tại Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh, khách hàng thường mong muốn sử dụng filler ở vùng rãnh cười, mũi, má và vùng giữa hai đầu lông mày.
Nguyên tắc của việc tiêm filler là tránh tiêm vào mạch máu để tránh tai biến. Có hai vùng mà bệnh nhân và bác sĩ cần lưu ý khi tiêm vì tỉ lệ tai biến cao và hết sức nguy hiểm là vùng giữa hai đầu lông mày và vùng mũi, do hai vùng này có tỉ lệ mạch máu nhiều.
5. Filler chất lượng có thể duy trì từ 12 - 20 tháng
Hiệu quả khi tiêm filler vào cơ thể có thể kéo dài trong bao lâu?
BS.CK1 Đinh Ngọc Liên trả lời: Hiệu quả của filler phụ thuộc rất nhiều trong chất lượng của sản phẩm. Đối với những sản phẩm chất lượng, hiệu quả có thể duy trì trong 1 năm, và tuỳ vào từng vùng tiêm, hiệu quả có thể kéo dài lên đến 20 tháng.
6. Filler không đào thải qua gan, thận
Filler tan trong cơ thể có bị đọng lại trong gan hoặc thận hay không?
BS.CK1 Đinh Ngọc Liên trả lời: Theo nguyên tắc khi tiêm filler thì phải tiêm vào các lớp của da và thông thường được tiêm vào lớp mỡ dưới da, được làm đầy và lưu trữ qua da. Filler không tiêm vào máu, nên không đào thải qua gan, thận.
7. Cần lựa chọn cơ sở uy tín khi tiêm filler để không xảy ra vón cục
Tiêm filler bị vón cục là nguyên nhân do đâu? Bác sĩ có cách xử trí như thế nào?
BS.CK1 Đinh Ngọc Liên trả lời: Nếu tiêm filler bị vón cục thông thường do kỹ thuật rải thuốc của người thực hiện không đều tay, hoặc tiêm quá nông. Nguyên nhân kế tiếp thường được nhắc đến là do chất lượng của từng sản phẩm mà cơ sở tiêm đang sử dụng.
Để hạn chế tình trạng vón cục, người tiêm phải rèn luyện kỹ năng tiêm filler. Lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chọn sản phẩm có độ hoà mô tốt để tệp vào các mô của da người.
8. Đảm bảo vô trùng khi tiêm filler
Tiêm filler tại các cơ sở không đảm bảo vệ sinh còn tiềm ẩn nguy cơ gì đối với sức khoẻ?
BS.CK1 Đinh Ngọc Liên trả lời: Khi tiêm bất cứ hoạt chất nào vào cơ thể người bệnh hoặc khách hàng thì phải đảm bảo về mặt vô trùng, kể cả thủ thuật tiêm filler.
Nếu không đảm bảo được điều này có thể sẽ bị nhiễm trùng tại chỗ, trường hợp năng hơn sẽ tạo thành ổ áp-xe. Nếu không xử trí đúng các tình trạng ấy sẽ dẫn đến nhiễm trùng huyết, vết thương sẽ không lành và ngày càng lan rộng ra.
9. Lời khuyên của bác sĩ dành cho người có ý định tiêm filler
Bác sĩ có lời khuyên nào của trong việc tiêm filler an toàn dành cho người đang có ý định tiêm?
BS.CK1 Đinh Ngọc Liên trả lời: Filler là hoạt chất giúp chúng ta đẹp ngay lập tức nên được khá nhiều người ưu tiên chọn. Nhưng tiêm filler lại mang đến rủi ro về mặt tai biến cao nên cần phải được cẩn trọng.
Những người có ý định đi làm đẹp bằng phương pháp tiêm filler phải chọn cơ sở uy tín.
Cần phải hỏi rõ các bác sĩ về bản thân mình có chỉ định tiêm filler hay không? Nếu không có chỉ định từ bác sĩ, việc tiêm filler cũng không giúp chúng ta đẹp hơn.
Cần biết nếu thực hiện thủ thuật tại vùng tiêm này thì rủi ro mắc phải sẽ là gì? Nếu như bác sĩ vô tình mắc phải những rủi ro đó thì hướng xử trí sẽ như thế nào?
Chúng ta hoàn toàn có quyền được hỏi nguồn gốc xuất xứ của filler để kiểm tra độ an toàn về chất lượng trong sản phẩm sử dụng trong cơ thể.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình