Hotline 24/7
08983-08983

Khảo sát các yếu tố ảnh hưởng người bệnh trước phẫu thuật và kỹ thuật rửa mũi xoang

Trong phiên 1 - Chuyên đề điều dưỡng, chủ đề “Chăm sóc toàn diện và kỹ thuật chuyên sâu trong tai mũi họng” thuộc Hội nghị Khoa học Tai - Mũi - Họng 2024, các bác sĩ, điều dưỡng đã có dịp trình bày các nghiên cứu về những yếu tố gây ảnh hưởng đến người bệnh trước mổ và hướng dẫn kỹ thuật rửa mũi xoang cho bệnh nhân.

Chủ tọa chuyên đề điều dưỡng bao gồm: ĐD.CK1 Nguyễn Thị Thu Hà - Chủ tịch Chi hội Điều dưỡng Tai - Mũi - Họng TPHCM; ThS.BS.CK2 Lê Nhật Vinh - Tổng thư ký LCH Tai - Mũi - Họng TPHCM và các tỉnh phía Nam; BS.CK2 Nguyễn Vĩnh Phước - Ủy viên BCH LCH Tai - Mũi - Họng TPHCM và các tỉnh phía Nam; TS.ĐD Huỳnh Thụy Phương Hồng - Trưởng tổ Đào tạo, khoa Điều dưỡng - Kỹ thuật y học, Trường Đại học Y Dược TPHCM

Khuyến nghị cho điều dưỡng về tuân thủ chuẩn bị người bệnh trước mổ phiên

Mở đầu phiên điều dưỡng, ThS.ĐD Thạch Kim Long - Bệnh viện Chợ Rẫy đã nêu lên “Thực trạng tuân thủ chuẩn bị người bệnh trước mổ phiên và một số yếu tố ảnh hưởng tại khoa Tai Mũi Họng và Ngoại tổng quát, Bệnh viện Chợ Rẫy”.

ĐD Thạch Kim Long đặt ra vấn đề, việc chăm sóc trước mổ là sự chuẩn bị cho cuộc mổ được thực hiện một cách an toàn, hiệu quả. Theo nghiên cứu của Lindsay A.B (2012) tại Mỹ cho thấy, áp dụng quy trình sẽ làm giảm tỷ lệ biến chứng phẫu thuật trong vòng 30 ngày; nghiên cứu của Huỳnh Thanh Phong tại Bệnh viện Nhân dân 115, tỷ lệ tuân thủ quy trình trước mổ là 88,1%. Theo đó, tại Bệnh viện Chợ Rẫy, năm 2017 đã ban hành các bước chuẩn bị người bệnh trước mổ.

Qua quá trình tiến hành thực hiện các bước chuẩn bị theo bệnh viện đã ban hành, số liệu năm 2017 về tỷ lệ nhân viên y tế tuân thủ quy trình chuẩn bị người bệnh trước mổ là 89%. Trong đó, một số nội dung chưa được thực hiện tốt như: chưa điền đầy đủ những thông tin trong phần hành chính, nhận người bệnh mổ, bàn giao người bệnh tại phòng mổ.

Để biết thực trạng chuẩn bị người bệnh trước mổ phiên tại Bệnh viện Chợ Rẫy, nhóm điều dưỡng đã tiến hành nghiên cứu đề tài “Thực trạng tuân thủ chuẩn bị người bệnh trước mổ phiên và một số yếu tố ảnh hưởng tại khoa Tai Mũi Họng và Ngoại tổng quát, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM năm 2021”. Nghiên cứu được áp dụng trên nhóm bệnh nhân mổ phiên của 2 khoa trong thời gian tiến hành nghiên cứu.

 ThS.ĐD Thạch Kim Long - Bệnh viện Chợ Rẫy

ĐD Thạch Kim Long cho biết, qua quá trình nghiên cứu, nhận thấy tỷ lệ tuân thủ bảng kiểm chuẩn bị trước mổ tại khoa Tai Mũi Họng và Ngoại tổng quát khá tương đồng, và thường mắc một số lỗi chung trong việc thực hiện, đặc biệt là giai đoạn chuyển người bệnh.

Cụ thể, thực trạng tuân thủ chuẩn bị người bệnh trước mổ phiên tại bệnh viện Chợ Rẫy, TPHCM năm 2021 có tỷ lệ là 75,2%. Trong đó, tỉ lệ tuân thủ thực hiện quy trình cao nhất là giai đoạn bàn giao người cho điều dưỡng tiền mê chiếm 85,8%, tiếp theo là giai đoạn soạn mổ là 78,8%, thấp nhất là giai đoạn chuyển người đi mổ chiếm 75,2%. 

Theo đó, vị điều dưỡng khuyến nghị, đối với bệnh viện và khoa lâm sàng, cần tổ chức các đợt tập huấn; xây dựng tài liệu hướng dẫn chuẩn bị người bệnh trước mổ để phát cho người bệnh; xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát, tăng cường công tác kiểm tra. Đối với điều dưỡng, chủ động bàn giao rõ ràng giữa điều dưỡng soạn mổ với điều dưỡng chuyển mổ, được thể hiện thông qua sổ sách ghi chép rõ ràng, cụ thể; đồng thời, chủ động thực hiện tốt các bước như xác nhận thông tin người bệnh, vị trí phẫu thuật, phiếu đồng ý tham gia phẫu thuật.

Thu nhập càng thấp, mức độ lo âu, căng thẳng, trầm cảm trước phẫu thuật càng cao

Nối tiếp phiên báo cáo với chủ đề “Khảo sát các rối loạn lo âu của người bệnh trước phẫu thuật tại Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM”, CNĐD Phạm Bá Thanh Thư - Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM cho biết, những nguyên nhân gây ra lo lắng cho người bệnh trước mổ có thể do phương pháp phẫu thuật, phương pháp gây mê hoặc kết quả sau phẫu thuật, hay bệnh nhân còn thiếu thông tin về căn bệnh đó…

Các lo lắng trước phẫu thuật sẽ ảnh hưởng đến người bệnh, có khả năng phải sử dụng thuốc giảm đau sau phẫu thuật, thời gian lành vết thương lâu hơn, giảm miễn dịch, tăng khả năng nhiễm trùng và tăng sự lo lắng sau phẫu thuật. Tất cả những vấn đề này đều gây ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị của người bệnh.

Theo một số nghiên cứu trong và ngoài nước đã ghi nhận về mức độ lo âu của người bệnh. Cụ thể, ghi nhận ngoài nước trong nghiên cứu của Nigussie năm 2014, có 62% người bệnh lo lắng trước phẫu thuật, nghiên cứu của Anna Rosiek năm 2016 có 28% người bệnh bệnh gặp vấn đề này.

Tại Việt Nam trong những năm gần đây, có một số nghiên cứu khảo sát về mức độ lo lắng của bệnh nhân trước phẫu thuật với 43,2% trong nghiên cứu của Nguyễn Thị Huệ tại Bệnh viện Tim Hà Nội; nghiên cứu của Trần thị Hiền Phi (2022) của Bệnh viện Nội tiết Trung Ương cho thấy có 88,3%...

Ngoài ra, một số yếu tố khác gây ảnh hưởng đến mức độ lo lắng của người bệnh trước phẫu thuật, theo nhiều nghiên cứu thấy rằng, ở một số độ tuổi, giới tính, trình độ học vấn và thu nhập sẽ ảnh hưởng đến mức độ lo lắng này. Cụ thể, độ tuổi càng cao, mức độ lo lắng càng tăng lên, tuy nhiên, có một số nghiên cứu chứng minh ngược lại, độ tuổi càng cao, mức độ lo lắng càng thấp.

Về giới tính, nữ có mức độ lo lắng nhiều hơn nam giới. Về trình độ học vấn, những người có trình độ học vấn càng cao, mức độ lo lắng càng nhiều. Đối với mức độ thu nhập, nhóm người có thu nhập thấp, mức độ lo lắng này càng cao.

Trong thời gian vừa qua, Việt Nam và thế giới đã trải qua đại dịch COVID-19, dù đại dịch đi qua nhưng các vấn đề tồn tại của đại dịch COVID-19 để lại còn rất nhiều, gây ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của người dân như mệt mỏi, vấn đề nhận thức, rối loạn giấc ngủ, trầm cảm, lo âu, stress.

Trong đó, rối loạn lo âu ngày càng phổ biến, để biết rối loạn lo âu gây ảnh hưởng như thế nào đến kết quả điều trị của bệnh nhân, nhóm điều dưỡng Bệnh viện Tai Mũi Họng đã tiến hành nghiên cứu các rối loạn lo âu trước phẫu thuật chương trình và một số yếu tố liên quan trên nhóm người bệnh trước phẫu thuật chương trình của bệnh viện.

Nhóm độ tuổi trung bình trong nghiên cứu là 43,6; giới tính nam và nữ có tỷ lệ gần như nhau; trình độ học vấn của người bệnh trong nghiên cứu đa số tốt nghiệp trung học phổ thông và ít nhất là sau đại học. Thu nhập trung bình của người bệnh nhiều nhất từ 5 - 8 triệu, ít nhất là trên 10 triệu. Người bệnh ở khoa Tai - Tai thần kinh chiếm tỷ lệ cao nhất.

Hầu hết người bệnh đều thực hiện phẫu thuật lần đầu, được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine, số người bệnh chưa nhiễm COVID-19 chiếm 52,3%. Nguyên nhân làm người bệnh bận tâm nhiều nhất là về điều trị, chăm sóc; kế tiếp là các vấn đề liên quan đến COVID-19 và các vấn đề cá nhân như: biến chứng có thể xảy ra sau phẫu thuật, khả năng thành công sau phẫu thuật, mức độ đau sau phẫu thuật, nếu bị lây nhiễm khi nằm viện sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình điều trị phẫu thuật và chi phí điều trị.

 CNĐD Phạm Bá Thanh Thư - Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM

Kết luận sau quá trình nghiên cứu, CNĐD Phạm Bá Thanh Thư cho biết, đa số người bệnh có tình trạng bình thường khi khảo sát về ba vấn đề tâm lý: lo âu, căng thẳng và trầm cảm, chiếm tỷ lệ lần lượt là 75.8%, 82.6% và 86.2%. Có mối liên hệ giữa giới tính, tuổi, trình độ học vấn, số lần nhiễm COVID-19 và số lần phẫu thuật của người bệnh với các nguyên nhân gây ra lo âu liên quan đến chế độ điều trị, chăm sóc và COVID-19.

Trình độ học vấn càng cao thì càng bị ảnh hưởng nhiều bởi cả 3 nguyên nhân trên, nam ít bận tâm hơn nữ; tuổi càng nhỏ, nhiễm COVID-19 càng nhiều và kinh nghiệm trải qua phẫu thuật càng ít thì càng bận tâm, suy nghĩ về các vấn đề về chế độ điều trị, chăm sóc và COVID-19. Bên cạnh đó, thu nhập của người bệnh càng thấp thì mức độ lo âu, căng thẳng và trầm cảm càng cao.

Qua đó, nữ chuyên gia cũng đưa ra khuyến nghị, trong công tác tư vấn - giáo dục sức khỏe cho người bệnh trước phẫu thuật, cần lưu ý nhấn mạnh những vấn đề gây nên tâm lý lo âu cho người bệnh như: vấn đề các biến chứng có thể xảy ra sau phẫu thuật, khả năng thành công sau phẫu thuật, mức độ đau sau phẫu thuật và chi phí điều trị.

Khi người bệnh có biểu hiện lo âu, căng thẳng nhiều, nên quan tâm, động viên và tìm hiểu nguyên nhân để có những can thiệp kịp thời, giúp người bệnh thoải mái, dễ chịu, từ đó, nâng cao hiệu quả công tác điều trị, chăm sóc và tăng sự hài lòng của người bệnh.

Hướng dẫn và lưu ý khi thực hiện phương pháp rửa mũi xoang

Kết thúc phiên 1 của chuyên đề điều dưỡng, ĐD Trần Thị Thảo Trinh - Bệnh viện Tai Mũi Họng Sài Gòn đã mang những kiến thức về “Thực hành kỹ thuật rửa mũi xoang tại Bệnh viện Tai Mũi Họng Sài Gòn”.

Nữ điều dưỡng thông tin về các chức năng của mũi. Một là hô hấp, đây là chức năng chính của mũi, giúp cung cấp, điều hòa và lọc không khí trước khi chúng vào phổi nhờ lớp chất nhầy và lông mũi. Sự tắc nghẽn ở mũi có thể dẫn đến tình trạng viêm phế quản, viêm họng.

Hai là khứu giác, mũi là khu vực chứa các tế bào thần kinh khứu giác, giúp cảm nhận được mùi. Khứu giác còn kích thích phản xạ tiết nước bọt ở miệng và tiết dịch vị ở dạ dày.

Ba là phát âm, áp lực từ phổi sẽ tạo ra lời nói, một số người có thể dùng âm mũi, tức là không khí ở mũi để nói. Hốc mũi giúp phát ra giọng mũi, đồng thời, trong lúc phát âm sẽ tiếp thu các rung động của không khí, nhờ đó biến nó thành kích thích chủ trì cho sự phối hợp thanh quản và cơ họng.

Đặc biệt, trong thời tiết, khí hậu tại Việt Nam, cũng như môi trường nhiều bụi bẩn, cơ địa nhạy cảm, việc giữ được cho mũi hoạt động theo sinh lý bình thường là không phải lúc nào cũng tốt. Mũi nhờ hệ thống xoang và lớp niêm mạc thực hiện các chức năng hô hấp chính. Nếu lớp niêm mạc này hoạt động tốt thì mũi khỏe, nếu lớp niêm mạc không hoạt động có thể dẫn đến viêm mũi xoang.

Về vấn đề rửa mũi xoang bằng phương pháp Proetz. ĐD Trần Thị Thảo Trinh cho biết, phương pháp này sẽ dựa trên nguyên lý của bình thông nhau, nghĩa là khi hút dịch trong xoang, sẽ có một lượng thuốc thay thế đưa vào. Nhờ có sự thay đổi này, các dịch mủ trong xoang sẽ được lấy dần đi, mỗi lần rửa sẽ lấy được một lượng nhỏ.

Sau nhiều lần rửa trong thời gian khoảng 2 tuần, dịch mủ sẽ còn rất ít, các niêm mạc dần phục hồi theo các chức năng sinh lý bình thường.

Ở bệnh nhân có tình trạng xoang viêm, sẽ có rất nhiều dịch mủ trong xoang, những vị trí dịch mủ xuất hiện bệnh nhân không thể tự hỉ ra được, dẫn đến tình trạng nghẹt mũi, đau đầu, nhức bên mũi có nhiều dịch. Phương pháp rửa mũi Proetz giúp bệnh nhân loại bỏ dịch dần đi, trả cho xoang trở về hiện trạng thông thoáng không có dịch mủ.

Các công trình khoa học chứng minh về hiệu quả của việc rửa mũi bằng nước muối sinh lý được nữ điều dưỡng chia sẻ. Cụ thể, hiệu quả của việc rửa mũi xoang bằng nước muối sinh lý 0,9% trong phòng ngừa và điều trị một số bệnh như viêm mũi dị ứng, viêm mũi xoang, nhiễm siêu vi hoặc vi trùng ở đường hô hấp trên....

Trong đó, bệnh nhân bị viêm mũi xoang mạn tính, rửa mũi giúp làm sạch hốc mũi, các khe thông mũi xoang và các xoang, tránh ứ đọng dịch nhầy, đàm mủ, từ đó, phục hồi chức năng vận chuyển của niêm mạc mũi xoang, làm nhẹ các triệu chứng nhảy mũi, nghẹt mũi.

Đối với giai đoạn hậu phẫu của bệnh lý viêm mũi xoang, rửa mũi là cách điều trị hỗ trợ quan trọng giúp loại bỏ máu tụ, vảy mũi, bệnh nhân sẽ thấy ít nghẹt mũi, dễ thở hơn.

Một số chỉ định và chống chỉ định rửa xoang. Phương pháp rửa xoang được chỉ định đối với người bệnh viêm xoang, viêm mũi, viêm mũi vảy; những người thường bị nghẹt mũi, khô mũi và các triệu chứng dị ứng phải có chỉ định của bác sĩ. Chống chỉ định với bệnh nhân tăng huyết áp, rối loạn tiền đình, chóng mặt tư thế, bệnh về cột sống cổ; những người có tình trạng cuống mũi đang phù nề, chảy máu mũi hay người bệnh sau mổ xoang, nạo VA 1-2 tuần.

Những vấn đề cần chuẩn bị trước khi rửa mũi được nữ điều dưỡng thông tin trong bài báo cáo. Cụ thể, cần chuẩn bị ba phần:

  • Thứ nhất, dung dịch rửa mũi bao gồm: NaCl 0,9% (dung dịch đẳng trương), an toàn để rửa mũi hạn chế tối đa được tác dụng cụ phụ nếu rửa hằng ngày và lâu dài; Rhinex 0.05%, Otilin thuốc co mạch (nếu cần); Oxy già, Povidine 10% (dùng trong rửa xoang do nấm), phải thực hiện theo chỉ định của bác sĩ; Hydrocortisone 0,05% (rửa xoang do dị ứng), phải thực hiện theo chỉ định của bác sĩ. Các dung dịch rửa này được pha sẵn theo quy chuẩn thuốc dùng ngoài của Bộ Y Tế.
  • Thứ hai, dụng cụ rửa mũi, bao gồm: đầu hút mũi, gòn cồn và dây hút mũi.
  • Thứ ba, cần chuẩn bị máy hút mũi. Trước khi thực hiện cần kiểm tra áp lực điện.
  • Thứ tư, chuẩn bị người bệnh, cần nhận diện chính xác người bệnh bằng câu hỏi mở, kiểm tra y lệnh trên phiếu chỉ định của bác sĩ; hỏi người bệnh tiền sử dị ứng, tiền sử bệnh; giải thích việc chuẩn bị làm cho người bệnh hiểu để họ hợp tác và không lo lắng.

Về tư thế nằm của người bệnh, điều dưỡng cần hướng dẫn người bệnh nằm ngửa, đầu ngửa tối đa ra khỏi giường, sao cho đường kẻ đi từ cằm qua ống tai ngoài xuống vuông góc với sàn nhà đảm bảo các vị trí xoang thấp hơn thanh quản, giúp người bệnh trong quá trình rửa không bị sặc.

Trong khi rửa, dặn người bệnh nói “Kê kê kê....” liên tục cho lưỡi gà đóng kín cửa mũi sau. Hướng dẫn người bệnh khi hút rửa mũi phải há miệng thở bằng miệng để tránh bị ngợp. Trong quá trình rửa, nếu người bệnh thấy khó chịu, có thể ra hiệu bằng cách đưa tay lên, tránh ngồi dậy đột ngột (dừng rửa ngay khi người bệnh khó chịu).

Hướng dẫn kỹ thuật rửa mũi xoang bằng phương pháp Proetz, ĐD Trần Thị Thảo Trinh chia sẻ:

  • Bước 1: Nhỏ dung dịch rửa mũi vào 1 bên mũi, khoảng 3-5ml
  • Bước 2: Dùng tay ép cánh mũi vào lỗ mũi đối diện
  • Bước 3: Đặt ống hút lên lỗ mũi nhỏ thuốc
  • Bước 4: Hướng dẫn người bệnh nói: “kê ..kê..kê...” liên tục, dài hơi khoảng 5-10 giây
  • Bước 5: Rút ống ra khỏi mũi, làm lặp lại 4 lần, sau đó, chuyển ống hút qua mũi còn lại, thao tác như trên, lặp lại 4 lần.

Áp lực hút thực hiện rửa mũi xoang từ -200 đến 400 Pa. Nên quan sát sắc mặt người bệnh và luôn động viên để người bệnh an tâm.

Nữ điều dưỡng đưa ra một số lưu ý khi thực hiện thủ thuật cho người bệnh. Đầu tiên, cần hướng dẫn người bệnh bước lên bục, sau đó, nằm lên giường, tránh bệnh nhân bị hụt chân té ngã. Nếu sàn ướt phải dùng khăn lau sàn ngay, tránh bị trơn trượt té ngã khi di chuyển. Nếu bệnh nhân là nữ, mặc váy, dùng tấm khăn che, đảm bảo kín đáo cho người bệnh cảm thấy thoải mái. Nếu người bệnh mặc áo sơ mi, hoặc áo có cài nút cao sát cổ, hướng dẫn bệnh nhân cởi bớt 1 nút để khi nửa đầu tối đa sẽ không bị cấn cổ áo gây khó chịu.

Sau khi rửa xong, hướng dẫn người bệnh nằm đầu bằng, nghỉ ngơi 2-3 phút cho đến khi hết chóng mặt (nếu có), hạn chế ngồi dậy ngay sau rửa, tránh thay đổi tư thế đột ngột. Sau khi nằm đầu bằng nghỉ ngơi 2-3 phút, hướng dẫn bệnh nhân ngồi dựa lưng vào tường cho thăng bằng rồi đứng xuống, hạn chế thay đổi tư thế đột ngột. Riêng ở người cao tuổi sau khi nằm nghỉ ngơi phải nằm nghiêng người rồi mới ngồi dậy.

 ĐD Trần Thị Thảo Trinh - Bệnh viện Tai Mũi Họng Sài Gòn

Một số vấn đề thường gặp và cách xử trí trong quá trình rửa mũi xoang như: bệnh nhân bị sặc trong quá trình rửa, nguyên nhân chủ yếu do tư thế nằm chưa đúng, thường gặp ở người bệnh đến rửa mũi xoang lần đầu tiên, tâm lý còn lo sợ, chưa hiểu về phương pháp, không làm theo hướng dẫn của nhân viên y tế. Cách xử trí cho vấn đề này là cần trấn an bệnh nhân, đảm bảo người bệnh nằm đúng tư thế trước khi bắt đầu rửa.

Vấn đề thứ hai gặp trong rửa xoang là bệnh nhân bị chảy máu sau khi rửa, nguyên nhân do người bệnh hỉ mũi trước rửa quá nhiều hoặc sau mổ xoang chưa lành, vết thương chảy máu sau rửa xoang. Để xử trí vấn đề này, nhân viên y tế cần đặt gòn cồn có tẩm thuốc vào mũi người bệnh trong 5 phút, nếu không cầm máu được, hướng dẫn bệnh nhân đến gặp bác sĩ để nội soi kiểm tra lại.

Vấn đề thứ ba là bệnh nhân bị ù tai khi rửa, nguyên nhân do đường thông khí từ họng, mũi bị tắc lên tai, lúc này cần ngưng rửa, hướng dẫn người bệnh bịt mũi, phùng má, thổi hoặc đẩy hơi lên tai theo liệu pháp Valsava.

Vấn đề thứ tư là buốt trán do thời gian nhỏ thuốc co mạch chưa đủ lâu. Nhân viên y tế nên ngưng nhỏ và tiến nhành nhỏ 2-3 giọt thuốc co mạch vào mũi, cho người bệnh nằm nghỉ ngơi.

Cuối cùng là tình trạng phù nề và nghẹt mũi hơn sau rửa, do áp lực hút chưa phù hợp, nên ngưng nhỏ và tiến nhành nhỏ 2-3 giọt thuốc co mạch vào mũi, cho người bệnh nằm nghỉ ngơi.

 ĐD.CK1 Nguyễn Thị Thu Hà - Chủ tịch Chi hội Điều dưỡng Tai - Mũi - Họng TPHCM trao giấy chứng nhận cho các báo cáo viên chuyên đề điều dưỡng
 Chủ tọa, báo cáo viên cùng những người tham dự chuyên đề điều dưỡng chụp ảnh lưu niệm

Chuyên đề điều dưỡng nằm trong khuôn khổ Hội nghị Khoa học Tai - Mũi - Họng 2024 - II với chủ đề “Cập nhật chẩn đoán và điều trị hiệu quả bệnh lý Tai - Mũi - Họng trong môi trường khí hậu Việt Nam”.

Hội nghị diễn ra tại TPHCM vào ngày 22/6/2024, với 27 bài báo cáo xuyên suốt trên 4 phiên (1 phiên toàn thể, 2 phiên chuyên đề và 1 phiên điều dưỡng), được trình bày bởi các báo cáo viên là Chủ tịch, Phó chủ tịch các Hội Tai Mũi Họng Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, Hội Tai Mũi Họng tỉnh Khánh Hòa, LCH Tai Mũi Họng TPHCM, LCH Da liễu TPHCM, LCH Phẫu thuật đầu cổ TPHCM cùng giảng viên các trường Đại học, trưởng khoa các bệnh viện…

Ngoài ra, hội nghị còn có 2 tọa đàm về vấn đề thời sự: Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu lên bệnh lý dị ứng hô hấpẢnh hưởng của ô nhiễm không khí đến bệnh lý mũi xoang cùng một số giải pháp.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X