Hotline 24/7
08983-08983

Yếu tố ảnh hưởng kết quả tầm soát nghe kém và tầm quan trọng của giáo dục sức khỏe

Những yếu tố ảnh hưởng đến kết quả tầm soát nghe kém ở trẻ và tầm quan trọng của giáo dục sức khỏe là nội dung được bàn luận tại phiên 2 - Chuyên đề điều dưỡng chủ đề “Chăm sóc toàn diện và kỹ thuật chuyên sâu trong tai mũi họng” thuộc Hội nghị Khoa học Tai - Mũi - Họng 2024 - II, do LCH Tai - Mũi - Họng TPHCM và các tỉnh phía Nam tổ chức.

Các báo cáo viên tại chuyên đề điều dưỡng - Hội nghị khoa học Tai - Mũi - Họng năm 2024 – II

Sốt phát ban khi mang thai, sinh non tăng nguy cơ trẻ nghe kém ở trẻ

Chủ đề “Khảo sát kết quả đo ABR trên trẻ có OAE âm tính” do CNĐD Nguyễn Thị Ngọc Thanh - Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM trình bày, mở đầu cho phiên 2 - Chuyên đề điều dưỡng.

CNĐD Nguyễn Thị Ngọc Thanh thông tin, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có 466 triệu người nghe kém, trong đó 34 triệu là trẻ em. Tại Hoa Kỳ, bắt đầu sàng lọc nghe kém cho mọi trẻ em sơ sinh bằng nghiệm pháp OAE, đến năm 2008 có 96,9% trẻ em được sàng lọc.

Tại Việt Nam năm 2001, tầm soát nghe kém bằng OAE 2005 mới được sử dụng rộng rãi trên một số bệnh viện lớn. Tuy nhiên, không phải tất cả trẻ sơ sinh khi đo OAE  kết quả “âm tính” sẽ có vấn đề nghe kém, một số trẻ sơ sinh còn thấm dịch nước ối khi sinh ra, ảnh hưởng đến các kết quả thử nghiệm, gọi là “dương tính giả”.

Nữ điều dưỡng nhận định, OAE không phải là chẩn đoán cuối cùng để xác định trẻ bị giảm thính lực vĩnh viễn, cần kết hợp thêm nghiệm pháp ABR để đánh giá. Nữ điều dưỡng nhấn mạnh, điều này rất quan trọng việc theo dõi các trẻ sơ sinh có kết quả đo OAE “âm tính”.

Có thể thực hiện đo OAE, nhĩ lượng, phản xạ cơ bàn đạp, ABR, các nghiệm pháp này không xâm lấn và cho một ước lượng rất đáng tin cậy về khả năng nghe của bé. Nếu OAE âm tính, cần kiểm tra ABR để tìm ngưỡng nghe. Từ đó, nhóm điều dưỡng tiến hành nghiên cứu với mong muốn đưa ra những số liệu thống kê về tỷ lệ kết quả ABR ở trẻ khi có OAE “âm tính”. Nghiên cứu được tiến hành ở 59 trẻ em từ 0 - 6 tuổi, đến khám tại khoa Thính học, Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM năm 2023.

 CNĐD Nguyễn Thị Ngọc Thanh - Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM

Theo đó, nhóm trẻ được nghiên cứu có đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và yếu tố nguy cơ, tỷ lệ nam và nữ gần bằng nhau; 76,72% là trẻ từ tỉnh; 64,71% trẻ sơ sinh được tầm soát OAE, trong đó có 18,2% trẻ được tầm soát tại các tỉnh địa phương.

18,64% mẹ lúc mang thai bị sốt phát ban, sinh ra trẻ đều có kết quả ABR nghe kém mức độ nặng sâu. Theo tác giả Tấn Tài, 32 trẻ nghe kém sinh ra từ mẹ nhiễm Rubella thai kỳ, 100% trẻ em nhóm này được đo ABR nghe kém mức độ nặng và sâu, cụ thể, có 28% nghe kém nặng, 69% nghe kém sâu và 3% là trung bình đến trung bình nặng; 10,17% trẻ sinh non thì 100% trẻ này đều có ABR từ nặng đến sâu, các bé sinh càng thiếu tháng thì có  nguy cơ nghe kém càng cao.

Kết quả ABR trên trẻ có OAE “âm tính” với 94,9% trung bình nặng đến sâu; 5,1% nghe bình thường đều có phản xạ cơ bản đạp “dương tính”. Qua đó nhận thấy, có 94,9% với độ chính xác tiên lượng khả năng bị điếc khi OAE âm tính.

Sau quá trình nghiên cứu, CNĐD Nguyễn Thị Ngọc Thanh đã đưa ra kiến nghị: cần kết hợp đo nhĩ lượng đồ, phản xạ cơ bàn đạp Free Field, OAE và ABR, ASR để được kết quả chính xác. Nên tiêm ngừa rubella, tầm soát rubella thai kỳ. Hiện nay, một số bệnh viện phụ sản, bệnh viện nhi, bệnh viện tai mũi họng tại các thành phố lớn đều có tầm soát chức năng nghe, do đó, phụ huynh có thể đưa các con đến các bệnh viện này để kiểm tra.

Bên cạnh đó, y tế cần nâng cao hiệu quả chương trình tầm soát yếu tố nguy cơ: rubella, sinh non và mở rộng tầm soát tất cả trẻ sơ sinh ở các tỉnh thành.

Tầm quan trọng của giáo dục sức khỏe cho người bệnh

Trong phiên báo cáo, ThS.ĐD Nguyễn Thị Hiền - Bệnh viện Chợ Rẫy đã nêu lên “Vai trò của giáo dục sức khỏe trong chăm sóc - phòng ngừa bệnh tai mũi họng”.

ThS.ĐD Nguyễn Thị Hiền cho biết, hệ thống y tế Việt Nam hiện nay được chia làm 4 mức độ. Trong đó, thống kê của Bộ Y tế năm 2010, cơ sở y tế phường - xã có 10926 cơ sở; 1319 bệnh viện tuyến huyện; 423 bệnh viện tuyến tỉnh và 46 bệnh viện nhà nước và bệnh viện chuyên khoa. Đa số, các bệnh viện tuyến trung ương tập trung chú trọng việc điều trị, không tập trung về vấn đề y tế dự phòng, ví dụ, sau khi bệnh nhân xuất viện sẽ được chăm sóc và theo dõi như thế nào.

Nữ điều dưỡng nhận định, Việt Nam đang đối mặt với mô hình bệnh tật kép: bệnh lây nhiễm và bệnh không lây nhiễm. Trong đó, bệnh không lây nhiễm như: tăng huyết áp, đái tháo đường, ung thư, chiếm khoảng 70% gánh nặng bệnh tật ở Việt Nam và là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong.

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là nhận thức người dân còn hạn chế; người bệnh chưa tuân thủ điều trị. Bên cạnh đó, cơ sở y tế, đặc biệt là các tuyến trung ương, tập trung nhiều vào điều trị, cung cấp thuốc, chưa chú trọng vào y học dự phòng, tư vấn, giải thích nguy cơ gây bệnh, giáo dục sức khỏe phòng bệnh.

Do đó, cần chú trọng về y học dự phòng, phát huy vai trò, tầm quan trọng của truyền thông giáo dục sức khỏe.

Năm 2024, theo thông điệp của Hội đồng điều dưỡng “Điều dưỡng của chúng ta, tương lai của chúng ta. Hiệu quả kinh tế của chăm sóc điều dưỡng”, nâng cao vai trò của điều dưỡng trong việc chăm sóc người bệnh. Tại Bệnh viện Chợ Rẫy đã phát động phong trào Tuần lễ điều dưỡng chủ đề “Tư vấn - Giáo dục sức khỏe cho người bệnh - Hành động nhỏ mang lại lợi ích to”.

Theo đó, tăng cường thực hiện tư vấn, giáo dục sức khỏe, hướng tới chăm sóc sức khỏe cộng đồng, để giúp người bệnh hiểu, và hợp tác tốt; tuân thủ điều trị và chăm sóc giúp rút ngắn thời gian nằm viện; hạn chế tỷ lệ tái nhập viện; giảm chi phí y tế.

 ThS.ĐD Nguyễn Thị Hiền - Bệnh viện Chợ Rẫy

Bệnh lý tai mũi họng thường được các điều dưỡng nhắc đến với câu “lai rai như tai mũi họng”, thời điểm giao mùa sẽ xuất hiện nhiều các vấn đề sổ mũi, nghẹt mũi. Tai mũi họng là 3 cơ quan liên hệ mật thiết nhau và là cửa ngõ của đường thở và đường ăn.

Bệnh tai mũi họng là nhóm bệnh thường gặp ở mọi lứa tuổi, dễ tái phát, đặc biệt là trẻ em, 80% thường là tự khỏi và không để lại di chứng. Tuy nhiên, khoảng 20% nếu không điều trị kịp thời có thể gây biến chứng nguy hiểm và để lại di chứng.

Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận phần lớn các bệnh nhân biến chứng nặng, nguyên nhân do biến chứng xảy ra và để lại di chứng như viêm xoang biến chứng mắt, bệnh viêm VA, amidan do liên cầu có thể gây tổn thương thận, tim và khớp. Vì vậy cần phải biết cách phòng ngừa và điều trị đúng cách tránh làm cho bệnh nặng nề hơn.

Về yếu tố gây bệnh, bệnh lý tai mũi họng xuất hiện có nguyên nhân chủ yếu liên quan đến yếu tố môi trường, thường gặp nhất là nhiễm khuẩn và dị ứng. Trong đó, nhiễm khuẩn có thể do vi khuẩn hoặc virus; dị ứng do cơ địa nhạy cảm và môi trường như: thời tiết lạnh, nhiệt độ thay đổi đột ngột là điều kiện lý tưởng để bệnh tai mũi họng phát sinh. Vấn đề biến đổi khí hậu, ô nhiễm không khí, khói bụi, hóa chất… đặc biệt, thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu, và một số yếu tố khác như sử dụng rượu và thuốc lá cũng là các yếu tố nguy cơ.

Dấu hiệu nhận biết bệnh tai mũi họng bao gồm: sốt, ho, mệt mỏi, đau họng, đau đầu, đau cơ, dắt hơi, sổ mũi dai dẳng. Các triệu chứng này có thể giáo dục sức khỏe, và người nhà bệnh nhân dễ dàng hiểu được vấn đề và hợp tác.

Tại khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Chợ Rẫy, là tuyến cuối, ngoài các bệnh thông thường đặc biệt tiếp nhận các bệnh lý ung thư như: ung thư thanh quản, ung thư vòm, ung thư mũi xoang, ung thư hốc mũi, ung thư lưỡi… Do bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải, nên sau phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được xuất viện hoặc chuyển tuyến cơ sở theo dõi và điều trị tiếp, do đó, bệnh nhân cần phải được tư vấn, hướng dẫn cách tự chăm sóc và theo dõi trước khi xuất viện.

Hiện nay, một số hình thức tổ chức giáo dục sức khỏe như tổ chức ngay tại giường bệnh và lồng ghép chăm sóc, giáo dục sức khỏe. Hoặc lồng ghép giáo dục sức khỏe vào các cuộc họp cộng đồng người bệnh. Bên cạnh đó, có thể thực hiện qua các tờ rơi tại bảng truyền thông của khoa. Tùy nội dung có thể lồng ghép hướng dẫn trong quá trình chăm sóc, trong quá trình chuẩn bị mổ… Phối hợp bác sĩ thăm khám bệnh, giải thích bệnh, cũng là một hình thức giáo dục sức khỏe.

Hiện nay, Bệnh viện Chợ Rẫy đã xây dựng nên một số nội dung giáo dục sức khỏe về các bệnh tai mũi họng, với 10 bệnh lý thường gặp nhất tại khoa như: Giáo dục sức khỏe người bệnh ung thư thanh quản; Giáo dục sức khỏe người bệnh ung thư mũi xoang; Giáo dục sức khỏe người bệnh có mở khí quản; Giáo dục sức khỏe người bệnh ung thư lưỡi; Giáo dục sức khỏe người bệnh chảy máu mũi…

Về vấn đề giáo dục sức khỏe người bệnh, ThS.ĐD Nguyễn Thị Hiền cho biết, tùy từng bệnh mà có nội dung giáo dục sức khỏe phù hợp. Cung cấp kiến thức cơ bản về các bệnh tai mũi họng tại các buổi họp hội đồng người bệnh, giúp người bệnh hiểu rõ hơn về bệnh, tuân thủ điều trị, chăm sóc mang lại hiệu quả thiết thực.

Thông tin đến bệnh nhân, không tự ý sử dụng/ngưng thuốc khi chưa có ý kiến của bác sĩ; chuyển tải thông điệp: “phòng bệnh hơn chữa bệnh”; cần hạn chế thay đổi nhiệt độ đột ngột, giữ ấm cơ thể; không tự ý sử dụng các loại thuốc không kê đơn; vệ sinh mũi họng hằng ngày; không nên ăn 3 tiếng trước khi ngủ để hạn chế trào ngược.

Cần điều trị tốt các viêm nhiễm ở mũi họng như viêm mũi, viêm VA, Amidan,... ; vệ sinh răng miệng, điều trị các bệnh lý do răng...; tránh các yếu tố kích thích như rượu bia, thuốc lá, khói, bụi... nên đeo khẩu trang khi ra đường; nghỉ ngơi hợp lý, tránh căng thẳng quá mức; duy trì tập thể dục, thể thao đều đặn 30 phút mỗi ngày; tránh tiếp xúc với các tác nhân dị ứng như lông động vật, phấn hoa, hóa chất, bụi mịn.

Theo đó, nữ điều dưỡng đã chia sẻ cụ thể các bước giáo dục sức khỏe cho bệnh nhân ung thư thanh quản.

Về tư vấn trước mổ, cần giải thích cắt thanh quản toàn phần là gì, sơ lược về chức năng nói, nuốt sau mổ và hướng dẫn bệnh nhân chuẩn bị tâm lý trước, trong và sau cuộc mổ.

Về tư vấn sau mổ, điều dưỡng phải hướng dẫn bệnh nhân chăm sóc lỗ mở khí quản và đường thở, che chắn lỗ mở khí quản, hướng dẫn tự hút đờm tại nhà. Tiếp theo, hướng dẫn bệnh nhân phục hồi chức năng nói. Có 3 cách phục hồi chức năng nói sau cắt thanh quản toàn phần như thanh quản điện tử; phương pháp nói giọng thực quản; đặt van phát âm. Phục hồi chức năng nuốt và chế độ dinh dưỡng:

Nên tư vấn chế độ ăn, ưu tiên thức ăn mềm, giàu chất xơ, và bổ sung đầy đủ các chất vi lượng (kẽm, vitamin E, vitamin A), duy trì cân nặng mức thích hợp, tránh rượu.

Tư vấn người bệnh thay đổi lối sống, ngủ nâng đầu cao khoảng 30 độ; chêm gối khi ngủ giúp tránh chèn lỗ mở khí quản; hoạt động xen kẽ nghỉ ngơi hợp lý tránh khó thở; bài tập hít thở sâu và kiểm soát ho; hạn chế lái xe trong 2-4 tuần sau xuất viện; tránh hút thuốc thụ động; vấn đề giảm mùi/mất mùi, dễ gây ngộ độc thức ăn, chậm phát hiện tình huống nguy hiểm; nguy cơ đuối nước, bảo vệ lỗ mở khí quản khi tắm.

ĐD Nguyễn Thị Hiền nhấn mạnh, giáo dục sức khỏe rất gần gũi với điều dưỡng, người điều dưỡng có thời gian tiếp xúc với bệnh nhân nhiều nhất, giúp đỡ bệnh nhân sau khi xuất viện trở về sẽ có cuộc sống tốt, sống khỏe, sống vui, sống có chất lượng.

 ĐD.CK1 Nguyễn Thị Thu Hà - Chủ tịch Chi hội Điều dưỡng Tai - Mũi - Họng TPHCM cùng các báo cáo viên tại chuyên đề điều dưỡng - Hội nghị khoa học Tai - Mũi - Họng năm 2024 – II

>> Phiên 1: Khảo sát các yếu tố ảnh hưởng người bệnh trước phẫu thuật và kỹ thuật rửa mũi xoang

Chuyên đề điều dưỡng nằm trong khuôn khổ Hội nghị Khoa học Tai - Mũi - Họng 2024 - II với chủ đề “Cập nhật chẩn đoán và điều trị hiệu quả bệnh lý Tai - Mũi - Họng trong môi trường khí hậu Việt Nam”.

Hội nghị diễn ra tại TPHCM vào ngày 22/6/2024, với 27 bài báo cáo xuyên suốt trên 4 phiên (1 phiên toàn thể, 2 phiên chuyên đề và 1 phiên điều dưỡng), được trình bày bởi các báo cáo viên là Chủ tịch, Phó chủ tịch các Hội Tai Mũi Họng Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, Hội Tai Mũi Họng tỉnh Khánh Hòa, LCH Tai Mũi Họng TPHCM, LCH Da liễu TPHCM, LCH Phẫu thuật đầu cổ TPHCM cùng giảng viên các trường Đại học, trưởng khoa các bệnh viện…

Ngoài ra, hội nghị còn có 2 tọa đàm về vấn đề thời sự: Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu lên bệnh lý dị ứng hô hấpẢnh hưởng của ô nhiễm không khí đến bệnh lý mũi xoang cùng một số giải pháp.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X