Hotline 24/7
08983-08983

Cập nhật các phương pháp tiềm năng trong điều trị bệnh lý tai mũi họng

Trong phiên chuyên đề 1 của Hội nghị Khoa học Tai - Mũi - Họng 2024, các báo cáo viên đã có dịp trình bày các nghiên cứu về những phương pháp tiềm năng trong điều trị bệnh lý tai mũi họng như ứng dụng y học tái sinh, thay đổi hình thái cấu trúc mũi hay CT xương thái dương ở bệnh nhân tiền đình.

Tiềm năng của y học tái sinh trong chuyên ngành Tai Mũi Họng

TS.BS Nguyễn Thị Kiều Thơ – Giảng viên Bộ môn Tai Mũi Họng, Đại học Y Dược TPHCM mang đến hội nghị những kiến thức mới về “Một số ứng dụng của y học tái sinh trong chuyên ngành Tai Mũi Họng – Phẫu thuật đầu cổ”.

Y học tái sinh được định nghĩa là khoa học về sự thay thế (replacing), kỹ thuật (engineering) hoặc tái sinh (regenerating) các tế bào, mô hoặc cơ quan với mục tiêu khôi phục hình dạng và chức năng bình thường, vừa chữa lành các mô bị tổn thương vừa hình thành mô mới.

Báo cáo của TS.BS Nguyễn Thị Kiều Thơ tập trung khai thác những tiềm năng của y học tái sinh trong chuyên ngành Tai Mũi Họng

Thông qua việc sử dụng tế bào, mô, thuốc, vật liệu sinh học và kỹ thuật sinh học, y học tái sinh giúp bệnh nhân chữa lành hiệu quả hơn trong các trường hợp sau chấn thương, điều trị ung thư, dị tật bẩm sinh và các quá trình bệnh khác.

Các liệu pháp tái sinh phổ biến hiện nay có thể kể đến là liệu pháp tế bào gốc (stem cells), liệu pháp sử dụng tế bào tiền thân (progenitor cells), liệu pháp sử dụng các sản phẩm tế bào PRP (platelet-rich plasma), PRF, exosome.

Các liệu pháp tái sinh được ứng dụng trong điều trị vết thương. Trong giai đoạn cầm máu, quan trọng nhất sự hình thành cục máu đông và hóa ứng động tiểu cầu. Khi tiểu cầu tụ lại sẽ tiết ra các hoạt chất PDGF, EGF, TGF-beta,... cần thiết cho diễn tiến lành thương tiếp theo. Ở giai đoạn viêm có biểu hiện sưng, nóng, đỏ, đau.

Giai đoạn tăng sinh bắt đầu diễn ra từ ngày thứ 3 đến tuần thứ 3. Giai đoạn tái cấu trúc mô bắt đầu từ tuần thứ 2, 3 kéo dài đến 1, 2 năm sau, tùy theo cấu trúc da và cơ địa của từng cá nhân.

Trọng tâm chính của kỹ thuật mô, y học tái sinh là các vết thương khó lành với cơ chế hỗ trợ tế bào và các thành phần thúc đẩy quá trình tăng sinh và biệt hóa mô. Hai liệu pháp thường sử dụng là kỹ thuật mô (tạo các chất thay thế da, bao gồm các tế bào sống được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm) và các yếu tố tăng trưởng (growth factors, GF) như PRP, PRF, exosome...

PRP là gel huyết tương tự thân có nồng độ cao tiểu cầu, cao hơn máu ngoại vi 4 – 8 lần. Các hạt chứa tiểu cầu của PRP giải phóng nhiều chất GF, thúc đẩy quá trình sửa chữa mô và ảnh hưởng đến hoạt động của các tế bào khác bằng cách điều chỉnh tình trạng viêm và hình thành mạch máu mới. PRP dồi dào GF nên có thể điều hòa hiện tượng viêm và giúp tái tạo mô, được ứng dụng rất nhiều trong phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, nha khoa, viêm xương khớp.

Chu trình các bước cho quá trình sản xuất huyết tương giàu tiểu cầu

PRF (Platelet Rich Fibrin) được ứng dụng khá mạnh mẽ trong lĩnh vực tai mũi họng. Khác với PRP, bản chất của PRF không sử dụng chất chống đông: lấy khoảng 10ml máy trong ống không có chất chống đông máu và ly tâm ngay lập tức (2.700 – 3.000 vòng/phút trong 12 phút).

Kết quả ly tâm là tạo thành một dạng gel có 3 lớp. Lớp trên cùng là huyết tương nghèo tiểu cầu (PPP), lớp giữa là thạch fibrin giàu tiểu cầu có màu trắng, hơi vàng (PRF) và ở dưới là lớp hồng cầu.

PRF giàu GF có thể kích thích tái tạo như tạo mạch, tạo xương; cung cấp khung fibrin cho phép tế bào di chuyển; chống lại lực kéo chỉ khâu. Trong lĩnh vực tai mũi họng, PRF đượng ứng dụng trong việc tạo hình màng nhĩ hay vá nhĩ. 

Ưu điểm của PRF là giá thành rẻ, tiện dụng, dễ thực hiện và đáng tin cậy. PRF đặc biệt giàu growth factors, giúp sự lành thương diễn ra nhanh hơn.

Trong phẫu thuật cắt cuốn mũi, tình trạng đáng lo ngại nhất là tạo vảy và chảy máu khiến bệnh nhân có cảm giác khó chịu, khô nghẹt. Khi sử dụng mảnh PRF phủ lên, tình trạng của bệnh nhân được cải thiện, ít có hiện tượng chảy máu và tạo vảy.

Mỡ là một chất làm đầy tự thân lý tưởng. Tiềm năng của liệu pháp này đến từ stem cells có nguồn gốc từ mỡ, có thêm SVF để kích thích tái tạo và chữa lành thương. 

Hạn chế của mỡ ghép là sự tái hấp thu không dự đoán được, trong một số báo cáo, tỉ lệ này lên đến 80%. “Vấn đề là chúng ta cần biết cách thu hoạch mỡ - tinh lọc mỡ như thế nào để mỡ có thể sống tốt” - TS.BS Nguyễn Thị Kiều Thơ nhận định.

Trong lĩnh vực tai mũi họng đã ứng dụng tiêm mỡ vào dây thanh đối với những trường hợp teo dây thanh. 

Mỡ có thể lấy dưới 3 dạng: macrofat, microfat và nanofat. Macrofat và microfat có kích thước trên 1mm, giúp làm tăng thể tích của vùng cần làm đầy. Nanofat là những phần tử nhỏ hơn, khoảng 200 – 400µm, sử dụng cho những trường hợp bị lõm trên mặt, mũi sau khi chỉnh hình.

Mỡ ghép còn được sử dụng để điều trị những sang thương mãn tính như sẹo. Mỡ ghép giúp tăng độ đàn hồi, da mềm mại và linh hoạt hơn nhờ vào tăng tổng hợp collagen để cải thiện chất lượng ECM và tăng tạo tân mạch tại chỗ, đồng thời tăng sinh tế bào sừng ở lớp thượng bì.

Đối với vết thương bỏng và sẹo do bỏng, mỡ ghép giúp thay đổi đáng kể tình trạng sẹo, làm cho mô sẹo giống với mô lành hơn theo quan điểm mô học. 

Y học tái sinh còn có vai trò quan trọng trong việc tạo khung 3D để tái tạo xương, sụn sau này. Theo nghiên cứu khảo sát ở những tế bào thần kinh mạch, những hoạt chất trung gian có hiệu quả trong việc tái sinh thần kinh mạch.

Với báo cáo “Hình thái học mũi và các cấu trúc xung quanh”, TS.BS Lê Nguyễn Kiều Chi – Giảng viên Bộ môn Tai Mũi Họng, Đại học Y Dược TPHCM nhấn mạnh, mũi nói riêng hay tổng thể khuôn mặt nói chung cần có sự hài hòa. Sự thay đổi ở mũi sẽ ảnh hưởng đến các cấu trúc xung quanh như trán, mắt, môi, cằm, cổ và các mô mềm.

Ngược lại, sự thay đổi của các cấu trúc xung quanh cũng ảnh hưởng đến hình dạng, cấu trúc của mũi. 

TS.BS Lê Nguyễn Kiều Chi thông tin, trên thực tế, tỉ lệ vàng là tập hợp của nhiều yếu tố cấu thành không chỉ đơn giản là thoả mãn một điều kiện tỉ lệ nào đó trên khuôn mặt

“Cửa sổ thứ ba” trong SSCD với hội chứng tiền đình

Bài báo cáo của BS.CK1 Trần Công Trình tập trung “Khảo sát mối liên quan giữa hội chứng tiền đình và hở ống bán khuyên trên qua chụp cắt lớp vi tính độ phân giải cao tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM”.

Trong quá trình làm việc thực tế, BS.CK1 Trần Công Trình nhận thấy tình trạng hở ống bán khuyên trên qua chụp cắt lớp vi tính rất thường gặp. Tuy nhiên, trong y văn và các tài liệu y khoa lại không có quá nhiều nghiên cứu hay ghi nhận về bệnh lý này tại Việt Nam, chỉ được mô tả là “hiếm” hoặc “rất hiếm” trên các báo điện tử.

Đó là lý do thôi thúc đội nhóm của vị bác sĩ thực hiện nghiên cứu về tần suất hội chứng hở ống bán khuyên trên (Superior Semicircular Canal Dehiscence Syndrome, SSCD) tại Việt Nam.

BS.CK1 Trần Công Trình cho biết, tình trạng hở ống bán khuyên trên qua chụp cắt lớp vi tính rất thường gặp trong thực tế chẩn đoán hình ảnh nhưng lại được mô tả là “hiếm” hoặc “rất hiếm” trên các báo điện tử

SSCD được tác giả Minor và cộng sự mô tả lần đầu tiên vào năm 1998 là sự khuyết hoặc hở vòm xương của ống bán khuyên trên. Các triệu chứng liên quan gồm có chóng mặt, hoa mắt, ù tai, giảm thính lực, hiện tượng Tulio (chóng mặt và mất thăng bằng do âm thanh).

Cơ chế gây ra những hiện tượng này là “cửa sổ thứ ba” ảnh hưởng đến dẫn truyền âm thanh và dẫn truyền áp lực ở tai trong. Bệnh lý được chẩn đoán bằng thính lực đồ, khám tiền đình, CT xương thái dương.

Người bình thường có 2 cửa sổ là cửa sổ tròn và cửa sổ bầu dục. Khi vòm xương của ống bán khuyên trên bị hở thì sự dẫn truyền âm thanh và áp lực từ xương bàn đạp, cửa sổ tròn và cửa sổ bầu dục sẽ chia bớt cho “cửa sổ thứ ba”.

Từ đó, áp lực dẫn tới ốc tai cũng như cửa sổ bầu sụt giảm hẳn và gây ra hiện tượng Tuio và những triệu chứng liên quan đến hội chứng tiền đình.

BS.CK1 Trần Công Trình lý giải nguyên nhân SSCD được mô tả là “hiếm” và “rất hiếm” rằng khi mổ tử thi, người ta nhận thấy tỉ lệ hở ống bán khuyên trên chỉ có khoảng 0,5%. Từ khi có CT độ phân giải cao, tỷ lệ hở ống bán khuyên trên được phát hiện tăng lên, dao động 3 – 9% tùy nghiên cứu.

Các triệu chứng của SSCD có thể điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật sửa chữa.

Tỉ lệ SSCD trên tử thiết chỉ có 0,5% nhưng trên CT độ phân giải cao cao có thể tăng lên 19%

Nghiên cứu trên 362 bệnh nhân, trong đó 120 bệnh nhân có rối loạn tiền đình và 242 bệnh nhân không có rối loạn tiền đình. Các triệu chứng được định nghĩa là có hội chứng tiền đình bao gồm hoa mắt chóng mặt, ù tai, nghe kém, choáng váng, rối loạn tiền đình.

Bệnh nhân có hội chứng tiền đình và không có triệu chứng tiền đình trong nghiên cứu tại Bệnh viện Tâm Anh có sự khác biệt rõ ràng so với nghiên cứu của Berning và cộng sự (33,1% - 66,9% so với 18% - 82%). Điểm đặc biệt là trong nghiên cứu tại Bệnh viện Tâm Anh, nhóm không có hội chứng tiền đình trẻ hơn so với nhóm có hội chứng tiền đình (p=0,003).

Tỉ lệ SSCD giữa nhóm có hội chứng tiền đình được ghi nhận cao gấp 3 lần so với nhóm không có hội chứng tiền đình. Đối với nhóm có hội chứng tiền đình, tỉ lệ SSCD liên quan đến triệu chứng hoa mắt và chóng mặt.

Kết quả nghiên cứu tại Bệnh viện Tâm Anh cho thấy tần suất SSCD tương đồng với các nghiên cứu trước đây trên thế giới; sự khác biệt về tần suất SSCD giữa nhóm có hội chứng tiền đình so với nhóm không có hội chứng tiền đình là có ý nghĩa thống kê.

Qua nghiên cứu, BS.CK1 Trần Công Trình cho rằng CT xương thái dương nên được xem xét ở bệnh nhân có hội chứng tiền đình và cần thêm nhiều nghiên cứu sâu hơn tại Việt Nam.

>> Phòng và điều trị dị ứng hô hấp trong bối cảnh nóng lên toàn cầu

>> Can thiệp đúng trong cấy ốc tai điện tử và điều trị ngưng thở khi ngủ; xử trí tai biến trong phẫu thuật nội soi xoang

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X