Hotline 24/7
08983-08983

Can thiệp đúng trong cấy ốc tai điện tử và điều trị ngưng thở khi ngủ; xử trí tai biến trong phẫu thuật nội soi xoang

Trong phiên chuyên đề 1 của Hội nghị Khoa học Tai – Mũi – Họng 2024 (II), các báo cáo viên đã cập nhật nhiều kiến thức hữu ích và gần gũi trong điều trị các bệnh lý tai mũi họng thường gặp như nghe kém, ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn; phòng và xử lý biến chứng trong phẫu thuật nội soi xoang.

Kỹ thuật banana trong cấy ốc tai điện tử đối với các trường hợp dị dạng tai trong

TS.BS Lê Trần Quang Minh – Phó Chủ tịch LCH Tai Mũi Họng TPHCM tóm tắt đề tài nghiên cứu trong 5 năm (2018 – 2023) chuyên về “Kỹ thuật mở ốc tai trong phẫu thuật cấy ốc tai điện tử tại Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM”.

TS.BS Lê Trần Quang Minh khái quát: “Cấy ốc tai điện tử là phẫu thuật đặt một thiết bị có khả năng biến những âm thanh thành các tín hiệu điện thông qua các điện cực đặt bên trong ốc tai, được William House giới thiệu lần đầu tiên vào năm 1972 với thiết bị cấy đơn kênh và dần được thay thế bởi thiết bị cấy đa kênh”.

Trên thế giới hiện nay có 2 kỹ thuật chính mở vào ốc tai để đặt điện cực là mở vào ốc tai qua màng cửa sổ tròn và khoan mở lỗ nhỏ vào ốc tai ở phía trước dưới gờ cửa sổ tròn.

Bảng phân loại của Bệnh viện St Thomas’s giúp chọn lựa kỹ thuật mở vào ốc tai

Việc lựa chọn kỹ thuật mở vào ốc tai thường dựa theo bảng phân loại của Bệnh viện St Thomas’s (Mỹ).  Đối với loại I và IIa, mở vào ốc tai qua màng cửa sổ tròn được khuyến cáo. Tuy nhiên, phẫu thuật viên có thể khoan mài thêm 1-2mm trước dưới gờ cửa sổ tròn trong một số trường hợp loại IIa.

Đối với loại IIb, phẫu thuật viên có thể khoan mài thêm cửa sổ tròn hoặc khoan mở lỗ nhỏ vào ốc tai phía trước dưới gờ cửa sổ tròn. Đối với loại III, kĩ thuật khoan mở lỗ nhỏ vào ốc tai phía trước dưới gờ cửa sổ tròn được chỉ định.

Phó Chủ tịch LCH Tai Mũi Họng TPHCM nêu quy trình phẫu thuật gồm 7 bước:

  1. Đường rạch da nhỏ 4cm
  2. Bóc tách vạt Palva phía sau
  3. Mở ngách mặt
  4. Bộc lộ cửa sổ tròn
  5. Mở ốc tai
  6. Đặt điện cực vào ốc tai
  7. Điện cực được đặt vào giữa thang nhĩ.

Đối với một số trường hợp dị dạng tai trong cần phải có một số kỹ thuật riêng, trong đó dị dạng khoang chung thường gặp nhất. Kỹ thuật banana (banana cochleostomy approach) được áp dụng để đặt điện cực trong các trường hợp dị dạng khoang chung mà không cần mở ngách mặt.

Kĩ thuật này mở ốc tai nhưng không cần mở ngách mặt nên giảm đến mức tối thiểu nguy cơ tổn thương dây thần kinh mặt, đơn giản và giúp phẫu thuật viên tiết kiệm thời gian hơn.

Chỗ mở ốc tai sẽ được tạo hình như quả chuối, song song với đường đi dây VII, giúp tránh được nguy cơ trượt điện cực khi đặt vào. Ngoài ra, điện cực được uốn cong như hình móc câu làm giảm thiểu khả năng tổn thương ống tai trong cũng như đảm bảo được vị trí tối ưu của điện cực trong khoang cấy.

Từ 01/01/2018 đến 31/12/2023, Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM tiến hành nghiên cứu mô tả hàng loạt ca có can thiệp lâm sàng trên 287 bệnh nhân (328 tai) với các tiêu chuẩn: bệnh nhân hơn 1 tuổi, nghe kém trên 90dB và thần kinh ốc tai bình thường.

Bệnh nhân được thực hiện đầy đủ các khảo sát trước mổ, bao gồm xét nghiệm thính học: thính lực đồ, nhĩ lượng đồ, PXGCBD, ABR, OAE; nội soi tai mũi họng; CT scan và MRI xương thái dương.

Đồng thời, bệnh nhân phải đeo máy trợ thính tối thiểu 6 tháng, được chủng ngừa Phế cầu và H.Influenzae ít nhất 2 tuần trước mổ và được khám đánh giá loại trừ bệnh lý tâm thần kinh, bệnh lý não thực thể.

Sau phẫu thuật, bệnh nhân được thay băng và chụp phim X-quang tư thế Stenvers kiểm tra vị trí điện cực sau phẫu thuật 48 giờ, sau đó vết mổ thoáng, không cần thay băng, dùng thuốc kháng sinh, kháng viêm, giảm đau, chống phù nề

Sau 7 ngày nếu tình trạng hoàn toàn ổn định, bệnh nhân được xuất viện. Sau phẫu thuật 4-6 tuần khi vết khâu da và da đầu hồi phục, bệnh nhân ổn định, các chuyên gia thính học sẽ thực hiện việc đặt thiết bị ngoài, mở máy và hiệu chỉnh máy.

TS.BS Lê Trần Quang Minh nhận định bệnh nhân nghe kém bẩm sinh nhân cần nhiều thời gian hơn để huấn luyện nghe nói sau phẫu thuật so với nghe kém mắc phải

Bàn luận về kết quả, TS.BS Lê Trần Quang Minh cho biết, độ tuổi bệnh nhân thường gặp nhất là từ 2 – 5 tuổi, đây cũng là độ tuổi vàng (chỉ xếp sau nhóm dưới 2 tuổi) được đề xuất là tốt nhất để cấy ốc tai điện tử vì trẻ vẫn có cơ hội học nghe và nói nhưng không bằng với nhóm dưới 2 tuổi.

Về phân loại nghe kém, tỷ lệ nghe kém bẩm sinh (273 ca) so với mắc phải (14 ca). Ý nghĩa của việc phân loại là để tiên lượng, đồng thời thiết lập chương trình huấn luận nghe nói sau phẫu thuật. Với nghe kém bẩm sinh, bệnh nhân cần nhiều thời gian hơn để huấn luyện nghe nói sau phẫu thuật so với nghe kém mắc phải.

Về vị trí phẫu thuật, có 156 tai phải, 90 tai trái và chỉ có 41 trường hợp được phẫu thuật hai bên (14,28%). “Có thể vì chi phí cho phẫu thuật hai bên còn rất cao nên phần lớn bệnh nhân và gia đình chưa đủ điều kiện để thực hiện phẫu thuật hai bên cùng một lúc” - Phó Chủ tịch LCH Tai Mũi Họng TPHCM đặt giả thiết.

TS.BS Lê Trần Quang Minh cũng nói thêm, ở các nước phát triển, chi phí cho phẫu thuật cấy ốc tai điện tử được bảo hiểm chi trả, đa số bệnh nhân sẽ được phẫu thuật trong thời gian sớm nhất có thể từ lúc phát hiện bị nghe kém tiếp nhận nặng hoặc điếc sâu. Tuy nhiên, tại Việt Nam, chi phí của loại phẫu thuật này còn rất cao và được chi trả bởi bệnh nhân cùng với gia đình.

Trường hợp phẫu thuật 1 bên, lựa chọn tai phẫu thuật dựa vào kết quả CT scan và MRI xương thái dương. CT-Scan và MRI xương thái dương để đánh giá cấu trúc giải phẫu của ốc tai có bình thường hay không, tình trạng viêm tai giữa, viêm xương chũm, vị trí xoang tĩnh mạch sigma có phát triển ra phía trước làm hẹp hố mổ chũm hay không, ngách mặt…). Nếu không có sự khác biệt sẽ lựa chọn theo bên thuận tay.

Từ năm 2018 đến 2023, kỹ thuật mở vào ốc tai vị trí trước dưới gờ cửa sổ tròn được sử dụng trong 147 trường hợp (162 tai) và 120 trường hợp (134 tai) đặt điện cực qua màng cửa sổ tròn.

TS.BS Lê Trần Quang Minh trình bày: “Tất cả đều cho kết quả tốt. Tại phòng mổ, chúng tôi kiểm tra hoạt động của điện cực và trở kháng để đảm bảo rằng điện cực hoàn toàn nằm trong ốc tai. Tỷ lệ áp dụng 2 kỹ thuật kinh điển khá tương đồng nhau.

32 (9,76%) ốc tai (20 bệnh nhân) có dị dạng và thường là dạng khoang chung. Chúng tôi đã sử dụng điện cực thẳng 24 kênh có chiều dài 10 mm”.

Chuyên gia nêu 5 lợi ích của đặt điện cực qua màng cửa sổ tròn là giúp bảo tồn sức nghe còn lại; đặt điện cực dễ hơn và dễ xác định ốc tai, tránh không làm tổn thương màng đáy và mảnh xoắn xương, từ đó giúp mô xung quanh điện cực lành nhanh hơn; giảm phản ứng viêm tai trong và cốt hóa thang nhĩ; giảm chóng mặt và rối loạn tiền đình sau mổ; giúp tăng chiều dài điện cực được kích thích gần 2mm.

Trong nghiên cứu của chúng tôi có khoảng gần 10% các trường hợp có dị dạng tai trong và đa số là dị dạng khoang chung. Đặt điện cực theo kỹ thuật banana được ưu tiên” - TS.BS Lê Trần Quang Minh báo cáo.

Kỹ thuật banana được Jozef và cộng sự đề xuất năm 2018, đã được cải tiến và nhấn mạnh vào việc tạo hình chỗ mở ốc tai giống như quả chuối để ngăn trượt điện cực. Ngoài ra, điện cực được uốn cong như hình móc câu làm giảm thiểu khả năng tổn thương ống tai trong cũng như đảm bảo được vị trí tối ưu của điện cực trong khoang cấy

Báo cáo đề cập đến 6 trường hợp gặp biến chứng (chiếm 1,83%), trong đó: 2 trường hợp di lệch bộ phận tiếp nhận trong, 1 trường hợp tụ máu vết mổ, 1 trường hợp nhiễm trùng vết mổ, 2 trường hợp liệt mặt độ II và III nhưng đã phục hồi hoản toàn.

Kết quả hậu phẫu các trường hợp còn lại tốt, lành hoàn toàn sau 7 – 10 ngày.

Theo báo cáo của TS.BS Lê Trần Quang Minh, kỹ thuật đặt điện cực qua màng cửa sổ tròn hay qua lỗ mở ốc tai có những ưu và nhược điểm riêng. Với tỉ lệ tương đương nhau 40,85% và 49,39%, việc tồn tại hai kỹ thuật đặt điện cực là cần thiết để phẫu thuật viên có thể chọn lựa kỹ thuật tối ưu cho bệnh nhân.

Đặc biệt, chuyên gia nhấn mạnh: “Đối với các trường hợp dị dạng như dị dạng khoang chung thì không mở ngách mặt để vào ốc tai mà mở ốc tai để đặt điện cực theo kỹ thuật banana”.

Phẫu thuật phối hợp nhiều vị trí làm tăng tỉ lệ điều trị thành công OSA lên đến hơn 60%

Tập trung giới thiệu về “Bước đầu ứng dụng phẫu thuật đáy lưỡi trong điều trị bệnh lý ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn”, ThS.BS.CK2 Lê Nhật Vinh – Tổng thư ký LCH Tai Mũi Họng TPHCM nhận định: “Hội chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (OSA) là một trong những rối loạn giấc ngủ thường gặp nhất, đặc trưng bởi xẹp một phần hay hoàn toàn đường hô hấp trên khi ngủ.”.

9 – 38% người lớn bị ngưng thở khi ngủ, 70 – 80% trường hợp chưa được chẩn đoán. OSA tạo ra gánh nặng bệnh tật lớn, tỉ lệ tử vong không hề thấp. Chi phí điều trị sẽ tăng cao khi bệnh nhân có những biến chứng về sau.

14 – 49% nam giới trung niên ở châu Âu và Hoa Kỳ mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn. Thông thường, bệnh lý này xảy ra ở nam nhiều hơn nữ. Tuy nhiên, ở giai đoạn sau mãn kinh, tỉ lệ phụ nữ mắc OSA tăng lên.

Béo phì là yếu tố nguy cơ hàng đầu đối với ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn. Hiện nay, tỉ lệ OSA ngày càng tăng do tỉ lệ béo phì trong dân số Việt Nam ngày càng cao.  OSA phổ biến hơn khi tuổi càng cao.

ThS.BS.CK2 Lê Nhật Vinh trình bày, OSA ngày càng tăng do tỉ lệ béo phì trong dân số Việt Nam ngày càng cao

Một trong những điều trị đầu tay đối với OSA là thở máy thở áp lực dương liên tục (CPAP).  Tuy nhiên, hiệu quả của liệu pháp này phụ thuộc vào đáp ứng và sự tuân thủ của bệnh nhân. Một số nghiên cứu cho thấy, 46 – 83% bệnh nhân không tuân thù điều trị. Sau một thời gian điều trị sẽ để lại một số tai biến cho bệnh nhân như khô mũi, rối loạn giấc ngủ khi sử dụng máy thở CPAP.

Các bệnh nhân thất bại điều trị thường tìm kiếm các lựa chọn điều trị bằng phẫu thuật. Một số phẫu thuật đã phát triển từ lâu như phẫu thuật chỉnh hình màn hầu lưỡi gà UPPP (từ 1980), phẫu thuật cắt lưỡi đường giữa (1991), phẫu thuật cắt một phần của nắp thanh thiệt (1991). Sau này có phẫu thuật chỉnh hình họng màn hầu cải tiến ZPPP kết hợp với phẫu thuật đáy lưỡi sử dụng coblator để làm giảm thể tích đáy lưỡi (2005).

Nhiều nghiên cứu chỉ ra, tỉ lệ thành công của phẫu thuật mũi rất thấp vì phần mũi khi bị nghẹt do phì đại cuốn mũi hay lệch vách ngăn chỉ chiếm một phần nhỏ trong việc gây ra tình trạng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn ở bệnh nhân.

Thở miệng làm lưỡi dịch chuyển về sau vào đường thở dưới hầu dẫn đến hẹp đường thở. Phẫu thuật mũi giúp duy trì sự thông thoáng của đường mũi, giảm thở miệng, tăng sự tuân thủ CPAP.

Nếu chỉ sử dụng đơn thuần phẫu thuật UPPP, tỉ lệ thành công chỉ dao động 33-40%, một số nghiên cứu ghi nhận con số 51%.

ZPPP là phẫu thuật chỉnh hình họng màn hầu đáy lưỡi cải tiến được Friedman và cộng sự giới thiệu vào năm 2004. Phẫu thuật này giúp làm giảm chỉ số ngưng thở khi ngủ từ 41,8/h xuống còn 20,9/h.

Một nghiên cứu vào năm 2005 về phẫu thuật cắt đáy lưỡi bằng coblator ở 112 bệnh nhân có ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn, theo dõi sau 12 tháng cho thấy: 21,4% bệnh nhân khỏi bệnh, 46,4% bệnh nhân có sự cải thiện rõ rệt, 14,2% có sự cải thiện nhất định và không có tác dụng đối với 20 bệnh nhân.

Năm 1991, Fujita và cộng sự đã thực hiện nghiên cứu phẫu thuật cắt bán phần thanh thiệt. Kết quả cho thấy việc cắt bán phần thanh thiệt tạo ra một đường thở cho bệnh nhân, làm hạn chế tình trạng tắc nghẽn hoàn toàn đường thở trong lúc ngủ. Phẫu thuật cắt bán phần thanh thiệt giúp làm giảm chỉ số ngưng thở khi ngủ từ 60,6/h xuống còn 14,5/h ở một số bệnh nhân.

Rất nhiều nghiên cứu cho thấy, việc ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn ở bệnh nhân không chỉ xảy ra ở một vị trí, nghĩa là không chỉ tắc nghẽn ở vùng màn hầu, amidan hay đáy lưỡi mà là sự tắc nghẽn phối hợp ở nhiều vị trí. Vì vậy, việc phẫu thuật phối hợp nhiều vị trí giúp tăng tỉ lệ điều trị thành công ngưng thở khi ngủ lên đến 60,3%.

Tổng thư ký LCH Tai Mũi Họng TPHCM cho biết, phẫu thuật có tác dụng trong điều trị ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn nếu đánh giá được vị trí tắc nghẽn và can thiệp đúng vấn đề. Phẫu thuật cần can thiệp nhiều tầng của tắc nghẽn để tăng tỉ lệ thành công cho bệnh nhân. Sau mổ, bệnh nhân cần thay đổi lối sống, giữ cân nặng vì nếu tăng cân trở lại thì tình trạng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn có thể tái phát.

Chuyên gia cũng nhấn mạnh rằng phẫu thuật UPPP cải tiến kết hợp cắt bán phần đáy lưỡi và thanh thiệt bằng coblator giúp cải thiện đáng kể triệu chứng lâm sàng và chỉ số ngưng thở-giảm thở (AHI) của bệnh nhân.

ThS.BS.CK2 Lê Nhật Vinh kết thúc báo cáo bằng một trích dẫn của BS Michael Friedman: “Đa phần các bác sĩ đều cho rằng CPAP là lựa chọn duy nhất đối với OSA và không cho bệnh nhân sự lựa chọn nào khác. Trong một số trường hợp bệnh nhân không thể sử dụng CPAP, có thể ứng dụng phẫu thuật để làm giảm tình trạng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn”.

Hướng dẫn xử trí các tai biến thường gặp trong phẫu thuật nội soi xoang

Đề cập đến “Xử trí và phòng ngừa các tai biến – biến chứng trong phẫu thuật nội soi xoang tại Bệnh viện Chợ Rẫy”, BS.CK2 Hoàng Bá Dũng – Trưởng khoa Tai-Mũi-Họng, Bệnh viện Chợ Rẫy đặt vấn đề: “Dù chúng ta có cố gắng cẩn thận thế nào đi nữa thì tai biến phẫu thuật vẫn xảy ra. Các phẫu thuật viên mũi xoang ngoài việc tránh để xảy ra các tai biến còn cần phải biết cách phát hiện sớm và xử trí đúng mức các tai biến nếu đã xảy ra.

Điều quan trọng nhất là chúng ta không được bỏ qua các bước xử trí kịp thời với hy vọng các tai biến sẽ tự thuyên giảm”.

BS.CK2 Hoàng Bá Dũng hướng dẫn xử trí các tai biến thường gặp trong phẫu thuật nội soi xoang

BS.CK2 Hoàng Bá Dũng hướng dẫn, trước phẫu thuật bệnh nhân cần được nội soi mũi, CT scan, axial, coronal và sagital không cản quang và cản quang, khi nghi ngờ u. Có thể chụp MRI có cản quang, cân thiết khi u xâm lấn sàn sọ, não. Phải khai thác  tiền sử các bệnh mạn tính, tiểu đường, rối loạn đông máu, đang dung thuốc kháng đông...

Cần lưu ý những bất thường giải phẫu như khuyết xương sàn sọ, bộc lộ màng não, khuyết xương bộc lộ thần kinh thi , động mạch cảnh trong trong xoang bướm,...

Đầu bàn phẫu thuật được đưa lên tạo một góc 20 độ so với mặt phẳng nằm ngang. Điều này có tác dụng làm giảm sự ứ máu trong hệ thống tĩnh mạch niêm mạc mũi. Đầu bệnh nhân nằm thẳng hơi ngửa ra sau để dễ thao tác và định vị tư thế trong lúc mổ, sẽ giúp hạn chế tai biến.

BS.CK2 Hoàng Bá Dũng nhắc nhở các phẫu thuật viên không nên che mắt bệnh nhân vì thường phải kiểm tra mắt trong khi phẫu thuật.

Các tai biến có thể xảy ra trong phẫu thuật nội soi xoang gồm chảy máu, tổn thương ổ mắt, tụ máu sau hốc mắt, tổn thương cơ trực trong, tổn thương thần kinh thị giác, rò dịch não thủy.

Tai biến chảy máu thường thường xảy ra ở giai đoạn cuối của phẫu thuật, lúc phẫu thuật viên cố gắng lấy đi các tổ chức mô (polyp, u,..) nằm gần sàn sọ. Yêu cầu quan trọng nhất là đảm bảo an toàn cho bệnh nhân. Điều quan trọng tiếp theo là bệnh nhân cảm thấy tốt hơn sau mổ.

Trong trường hợp chảy máu nhiều vùng xoang bướm, cầm máu bằng cách đặt gelfoam và surgicel vào xoang bướm thật chặt. Sau đó nhét nút mũi sau và nhét meche mũi trước tẩm kháng sinh.

Sau 4 ngày, nếu rút meche mà máu vẫn chảy nhiều thì phải nhét meche lại và cho bệnh nhân chụp DSA để xác định có tổn thương động mạch cảnh hay không. Nếu không tổn thương động mạch cảnh thì tiếp tục theo dõi và rút meche sau 2 ngày. Nếu có tổn thương động mạch cảnh thì phải can thiệp mạch.

Đối với tổn thương mắt, khi ấn nhẹ vào vùng mi mắt, nếu xương giấy thật sự bị hở, sẽ thấy một chỗ phồng lên. Mỡ ổ mắt bị thoát vị qua chỗ hở xương giấy vào trong hố mổ. Dù mỡ ổ mắt có màu vàng nhưng nhìn vẫn giống khối polyp mũi. Ấn vào nhãn cầu, tổ chức mỡ sẽ phồng lên rất nhanh đẩy lồi vào trong ổ mắt.

Nếu đang phẫu thuật với máy bào mô thì ngưng sử dụng vì lực hút sẽ làm tổn thương nặng nề hơn. Đặt 1 miếng meche tẩm dung dịch nước muối sinh lý lên trên vùng mỡ ổ mắt thoát vị, và tiếp tục hoàn tất phẫu thuật.

Tụ máu sau hốc mắt do động mạch sàng trước khi bị đứt, có thể sẽ co hồi vào trong ổ mắt và tiếp tục chảy máu làm gia tăng đáng kể áp lực ở phần sau của ổ mắt. Hiện tượng này đe dọa chèn ép động mạch võng mạc, làm giảm tưới máu cho võng mạc.

Tăng áp lực khoang sau ổ mắt dẫn đến sụp mi, ổ mắt rất căng, phản xạ ánh sáng thay đổi cho thấy có mất dẫn truyền hướng tâm của thần kinh thị giác. Cách xử trí được BS.CK2 Hoàng Bá Dũng hướng dẫn là băng ép ổ mắt ngay, phẫi thuật mở khóe mắt ngoài (lateral canthotomy) và tách khóe mắt dưới (inferior cantholysis).

Đối với nhưng trường hợp tổn thương thị thần kinh (ví dụ nghi ngờ tổn thương thần kinh thị giác bên trái), chuyên gia hướng dẫn các bước của phương pháp đánh giá đường dẫn truyền thần kinh thị giác hướng tâm tốt nhất khi bệnh nhân đang mê như sau:

  • Bước 1: Rọi đèn vào mắt trái, cả 2 đồng tử hoặc không co lại hoặc co lại rất ít nhờ hoạt động của các sợi thần kinh ly tâm từ mắt phải.
  • Bước 2: Đèn được chuyển nhanh sang rọi bên mắt phải, cả 2 đồng tử co rất tốt.
  • Bước 3: Chuyển nhanh đèn rọi trở lại mắt trái, nếu thấy không có sự co hồi 2 đồng tử thì đã có tổn thương nhánh hướng tâm của thần kinh thị giác.

Dịch não tủy khi đã bị rò ra ngoài qua lỗ thủng ở sàn sọ sẽ có biểu hiện như một dòng dịch trong chen lẫn giữa dòng máu và thường theo nhịp đập. Sau khi đã biết có tình trạng chảy dịch não tủy, rìa xương của vùng tổn thương phải được bộc lộ ngay và các lỗ rò nhỏ có thể được lấp bằng miếng mỡ và keo sinh học.

Lỗ thủng lớn được bít bằng một phần cuốn mũi giữa hoặc sụn vành tai. Sau cùng đặt lên trên mảnh niêm mạc một miếng spongel trước khi nhét meche.

Đúc kết lại, BS.CK2 Hoàng Bá Dũng cho biết, để phòng ngừa tai biến biến chứng xảy ra trong phẫu thuật nội soi mũi xoang cần khám bệnh nhân trước mổ, nội soi, đọc phim CT scan để phát hiện những bất thường giải phẫu cần lưu ý trong khi mổ như: trần xoang sàng thấp, khuyết xương sàn sọ, tế bào ONODI, mất cấu trúc giải phẫu do đã mổ trước đó... Những tiền sử bệnh lý có ảnh hưởng đến cuộc mổ là tiểu đường, cao huyết áp, rối loạn đông cầm máu, thị lực...

Xác định vỡ xương giấy trong khi mổ bằng cách đè nhãn cầu cùng bên phẫu thuật. Kểm tra đồng tử mắt 2 bên có thể xác định tổn thương thần kinh thị trong lúc mổ. Xác định chảy dịch não tủy khi thấy dòng dịch trong từ sàn sọ lẫn với máu trong lúc mổ.

Trưởng khoa Tai-Mũi-Họng, Bệnh viện Chợ Rẫy khuyến cáo sử dụng curet khi nạo trần xoang sàng để bộc lộ sàn sọ vì qua curet, phẫu thuật viên có thể cảm nhận được sàn sọ xương hay là màng não.

>> Phòng và điều trị dị ứng hô hấp trong bối cảnh nóng lên toàn cầu

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X