Cập nhật những tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị tổn thương sàn chậu, nâng cao chất lượng cuộc sống người phụ nữ
Ngày 28/6, Bệnh viện Hùng Vương tổ chức Chương trình tập huấn tiền hội nghị - Hội nghị Khoa học thường niên “Góc nhìn mới bệnh lý phụ khoa và thai kỳ nguy cơ cao” lần thứ 9 năm 2024. Chương trình gồm 2 phiên chuyên đề với 14 bài báo cáo và 2 ca thực hành lâm sàng đến từ các báo cáo viên trong và nước như Trung Quốc, Indonesia.
33% sa tạng tái phát sau khi phẫu thuật
Phiên chuyên đề 2 “Cập nhật những tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị tổn thương sàn chậu ở phụ nữ” đã cập nhật các kiến thức quan trọng trong lĩnh vực phụ khoa. Đây là vấn đề phổ biến, ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống người phụ nữ. Trong những năm gần đây, lĩnh vực này đã có nhiều bước tiến đáng kể từ kỹ thuật chẩn đoán tiên tiến cho đến những can thiệp điều trị mới và ít xâm lấn hơn.
Với bài báo cáo “Giá trị chẩn đoán hình ảnh trong bệnh lý sàn chậu”, BS Trần Ngọc Kim Khánh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Hùng Vương cho biết: “Bệnh lý sàn chậu là một nhóm các tình trạng ảnh hưởng đến sàn chậu, bao gồm các cơ, dây chằng và mô liên kết hỗ trợ các cơ quan vùng chậu (bàng quang, tử cung, âm đạo và ruột). Bệnh phổ biến ở Mỹ, ảnh hưởng đến 1/4 phụ nữ và có 11% phải điều trị bằng phẫu thuật trước 80 tuổi. 33% sa tạng tái phát sau khi phẫu thuật”.
Năm 2010, hơn 300.000 ca phẫu thuật sàn chậu thực hiện ở Mỹ, chi phí hằng năm lên đến 1 tỷ USD. Dự kiến, trong 30 năm tới, nhu cầu về các dịch vụ sàn chậu sẽ tăng 45%, bao gồm cả chẩn đoán hình ảnh.
Yếu tố nguy cơ của bệnh lý sàn chậu bao gồm: Sanh ngả âm đạo, nhất là sanh kềm; Phẫu thuật vùng chậu; Tuổi tác; Thay đổi hormone.
BS Trần Ngọc Kim Khánh đánh giá: “Từ trước đến nay, việc chẩn đoán bệnh lý sàn chậu chủ yếu phụ thuộc vào khám lâm sàng, chẩn đoán hình ảnh chưa có nhiều vai trò trong hỗ trợ chẩn đoán. Tuy nhiên, chẩn đoán hình ảnh có ưu thế trong việc đánh giá chi tiết về giải phẫu, cũng như chức năng của sàng chậu nên có thể góp phần hỗ trợ trong thăm khám lâm sàng”.
Phương tiện chẩn đoán hình ảnh sàn chậu gồm có: Siêu âm (đầu dò 2D/3D bụng, đầu dò 2D/3D âm đạo, đầu dò linear/xoay 360˚đưa vào âm đạo, đầu dò linear/xoay 360˚ đưa vào hậu môn); MRI; Chụp X-quang động học tống phân; Chụp X-quang bàng quang niệu đạo.
Siêu âm ngả đáy chậu thường sử dụng trong thực tế lâm sàng, với ưu điểm là: Thực hiện khá dễ dàng; Sử dụng đầu dò 3D/4D bụng, thường được dùng trong sản khoa; Không xâm lấn và làm giảm sự khó chịu của bệnh nhân do đầu dò được đặt bên ngoài; Ít gây biến dạng về mặt giải phẫu; Ít ngăn cản sự sa xuống của các tạng.
MRI sàn chậu gồm 2 kỹ thuật: MRI tĩnh, đánh giá hình ảnh giải phẫu sàn chậu lúc nghỉ tĩnh; MRI động, đánh giá các cấu trúc sàn chậu lúc nghỉ và khi gắng sức (co thắt, rặn, lúc đi tiêu hay đi tiểu). Khi cần đánh giá chủ yếu ở vùng ngăn sau nên sử dụng MRI động học tống phân. Thường chụp phim ở tư thế nằm với một lượng chất tương phản được bơm vào trực tràng.
Chụp X-quang động học tống phân cần lưu ý chụp phim X-quang với bệnh nhân ở tư thế ngồi để thu lại quá trình tống phân sau khi bơm hỗn hợp chất cản quang vào trực tràng. Giúp cung cấp hình ảnh tĩnh và động về cấu trúc và chức năng vùng hậu môn trực tràng.
Chụp X-quang bàng quang niệu đạo là phương pháp chụp X-quang sau khi bơm chất cản quang qua ống thông ngược dòng vào bàng quang để đánh giá bàng quang và niệu đạo khi đi tiểu.
Triệu chứng bệnh lý sàn chậu bao gồm: Thứ nhất là tiểu không tự chủ (SUI). Đối với phương pháp niệu động học, khuyết điểm là chi phí cao, xâm lấn dẫn đến tăng nguy cơ nhiễm trùng tiểu. Không cung cấp thông tin hình thái và bệnh học của đường tiểu dưới. Quay video X-quang bàng quang - niệu đạo (VCU) giúp đánh giá giải phẫu và chức năng đường tiểu dưới, khi nghỉ và khi gắng sức. Ưu điểm là kết hợp với niệu động học và quay video, là tiêu chuẩn vàng để đánh giá rối loạn chức năng đường tiểu dưới. Tuy nhiên, khuyết điểm là tiếp xúc tia xạ.
Siêu âm sàn chậu là phương tiện tối ưu đánh giá sự di động niệu đạo. Ngoài ra, còn đánh giá sự sa xuống và tạo phễu của của cổ bàng quang, đo lượng nước tiểu tồn lưu, độ dày thành bàng quang. Ưu điểm không xâm lấn, chi phí thấp, không đau và không tiếp xúc với tia xạ. MRI động học giúp quan sát những thay đổi hình thái của đường niệu đạo dưới khi nghỉ ngơi và khi Valsalva. MRI động có thể phân biệt bệnh nhân có và không có SUI. Khuyết điểm là tốc độ tái tạo tốn nhiều thời gian hơn siêu âm 3D và đắt tiền.
Thứ hai là tổn thương sàn chậu do sang chấn sản khoa, dẫn đến sa tạng chậu, ảnh hưởng nặng nề lên chất lượng cuộc sống. Bệnh không dễ để phát hiện khi khám lâm sàng, nên cần chẩn đoán hình ảnh, nhất là khi đang cân nhắc phẫu thuật. Phát hiện sớm tổn thương cơ nâng giúp phòng ngừa triệu chứng bằng cách tập cơ đáy chậu sớm ở nhóm bệnh nhân có nguy cơ cao rối loạn chức năng sàn chậu.
Thứ ba là rách cơ nâng hậu môn, xảy ra ở 13 - 36% phụ nữ sanh ngả âm đạo lần đầu tiên. Tổn thương cơ nâng hậu môn làm tăng đáng kể nguy cơ sa tạng chậu, nhất là sa ngăn trước và ngăn giữa. Kích thước của tổn thương có liên quan đến độ nặng của triệu chứng sa tạng. MRI được xem là phương pháp chẩn đoán tốt nhất do độ tương phản mô mềm rất tốt.
Thứ tư là tắc nghẽn tống phân, là tình trạng khó khăn khi đi tiêu, sa tạng chậu (POP) là một trong những yếu tố nguy cơ chính. Ngoài ra, tắc nghẽn cơ học ống hậu môn - trực tràng do: túi sa trực tràng, túi sa ruột non, khối lồng hậu môn - trực tràng, bệnh co thắt cơ mu trực tràng, sa đáy chậu. X-quang động học tống phân được coi là tiêu chuẩn vàng cho chẩn đoán sa tạng ở ngăn sau nhất là phát hiện được các bất thường ở cuối giai đoạn tống phân. Tuy nhiên, phương pháp chụp khá bất tiện cho bệnh nhân và phải tiếp xúc tia xạ.
MRI động học tống phân đánh giá khá tốt với độ phân giải mô mềm cao. Độ nhạy so với X-quang là 70% và độ chính xác gần tương đương với X-quang. Tuy nhiên, phương pháp chụp khá bất tiện cho bệnh nhân, đắt tiền và cần chụp giai đoạn tống phân. Siêu âm ngả đáy chậu đánh giá khá tốt các túi sa so với X-quang: 100% túi sa bàng quang, 92% túi sa trực tràng, 71% sa đáy chậu, 75% sa trực tràng. Tuy nhiên, có thể bỏ sót các tổn thương chỉ xuất hiện ở cuối giai đoạn tống phân.
Thứ năm là tiêu không tự chủ (AI), nguyên nhân thường gặp nhất là sang chấn sản khoa gây tổn thương phần trước của cơ thắt hậu môn (OASIS). Tần suất OASIS ở phụ nữ sanh thường lần đầu từ 27 - 35% khi thực hiện EAUS trong vòng 2 tháng sau sanh. Tổn thương mới ở cơ thắt hậu môn ở lần sanh sau là từ 4 - 8.5% (không có tình trạng tổn thương cơ thắt ở phụ nữ sanh mổ). Dấu hiệu tổn thương cơ thắt hậu môn trên siêu âm gặp ở 87% phụ nữ sau sanh thường có triệu chứng đi tiêu không tự chủ. OASIS làm tăng nguy cơ hình thành tình trạng đi tiêu không tự chủ sau sanh hay giai đoạn muộn hơn (trung bình 61.5 tuổi).
Siêu âm qua ngả hậu môn (EAUS) là “tiêu chuẩn vàng” trong chẩn đoán tổn thương cơ thắt hậu môn. Siêu âm ngả đáy chậu là phương pháp không xâm lấn, không làm biến đổi cấu trúc giải phẫu của cơ thắt, chi phí thấp, phổ biến hơn nhiều so với EAUS. MRI có độ chính xác tương đương siêu âm trong đánh giá tổn thương cơ thắt, với độ nhạy 91%. Chính xác hơn siêu âm trong đánh giá teo cơ thắt, với độ nhạy 92%.
Thứ sáu là mảnh ghép niệu phụ khoa. Hình ảnh học đánh giá mảnh ghép dùng để xác định sự hiện diện, loại, vị trí và chức năng của mảnh ghép. Đánh giá biến chứng như xói mòn, tiểu khó và đau. Lên kế hoạch phẫu thuật. Tiên lượng kết cục sau đặt mảnh ghép. Siêu âm sàn chậu là phương tiện tối ưu nhất trong đánh giá mảnh ghép vì cho hình ảnh phản âm sáng trên siêu âm. Các phương tiện khác (X-quang, CT, MRI) không thấy được mảnh ghép.
BS Trần Ngọc Kim Khánh nhấn mạnh: “Bệnh lý sàn chậu ảnh hưởng nặng nề đến chất lượng cuộc sống. Các phương tiện chẩn đoán hình ảnh có thể khắc phục những hạn chế của thăm khám lâm sàng trong việc chẩn đoán, tầm soát, và đưa ra kế hoạch điều trị cũng như đánh giá sau phẫu thuật. Trong đó, siêu âm sàn chậu, đặc biệt là siêu âm ngả đáy chậu, là phương tiện rẻ tiền, phổ biến, dễ tiếp cận, không tiếp xúc tia xạ và ngày càng được sử dụng rộng rãi”.
50% phụ nữ Hoa Kỳ chịu tổn thương về rối loạn sàn chậu
Tập trung vào vấn đề “Những thay đổi sàn chậu trong thai kỳ và sau sinh”, BS.CK2 Phạm Thị Hải Châu - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Hùng Vương thông tin: “Rối loạn sàn chậu (Pelvic Floor Disorders - PFD) xảy ra khi các cơ hoặc mô liên kết của vùng chậu bị yếu đi hoặc bị tổn thương. Các tổn thương về rối loạn sàn chậu phổ biến nhất là tiểu không tự chủ, tiêu không tự chủ và sa cơ quan vùng chậu. Bệnh ảnh hưởng 25 - 50% phụ nữ Hoa Kỳ và làm giảm đến chất lượng cuộc sống người phụ nữ”.
Rối loạn sàn chậu có liên quan chặt chẽ đến tuổi tác và thai kỳ. Cụ thể, tăng áp lực bụng và thay đổi nội tiết tố hay ngay cả người mổ lấy thai cũng có thể bị rối loạn sàn chậu. Chấn thương sản khoa là một trong những nguyên nhân gây rối loạn sàn chậu.
“Tuy nhiên, tình trạng này có thể dự phòng. Vấn đề là cần hiểu được những thay đổi và ảnh hưởng của thai kỳ lên sàn chậu như thế nào, cũng như có kế hoạch phòng ngừa và chăm sóc tối ưu để giảm rối loạn sàn chậu sau sanh, nâng cao chất lượng cuộc sống” - BS.CK2 Phạm Thị Hải Châu nhận định.
Thay đổi thứ nhất, trong thai kỳ có sự thay đổi nội tiết do bánh nhau tiết ra làm giãn các dây chằng vùng chậu và làm mềm cổ tử cung vào cuối thai kỳ, hỗ trợ quá trình chuyển dạ. Đây vừa là tạo hóa có lợi cho quá trình chuyển dạ, nhưng cũng là bất lợi vì gây ra rối loạn sàn chậu.
Bên cạnh đó, những thay đổi khớp xương và cân cơ làm sàn chậu lỏng lẻo, cũng như tăng tính di động. Trong thai kỳ, thay đổi chuyển hóa collagen thay thế bằng dạng biến đổi có chứa hàm lượng nước cao hơn gây nên khớp lỏng lẻo. Khoảng cách khớp mu bình thường 4 - 5mm, khi mang thai tăng trung bình 3mm. Khớp xương chậu bắt đầu lỏng lẻo vào tuần thứ 10 và tăng dần tối đa trong thời gian gần sinh, sau đó sẽ trở về bình thường 4 - 12 tuần sau sinh.
Thay đổi thứ hai, khi tử cung có thai, áp lực ổ bụng gia tăng khi thai càng lớn và sàn chậu phải chịu lực trong thời gian 9 tháng. Tử cung di chuyển về phía trước dẫn đến thay đổi hướng áp lực từ vùng hậu môn cùng cụt tới lỗ niệu dục. Rối loạn sàn chậu tiểu không kiểm soát, sa sinh dục… dễ xảy ra hơn so với người không có thai.
Hiện nay, về cơ chế sinh học gây tổn thương sàn chậu/mang thai và sinh nở chưa được xác định đầy đủ. Tuy nhiên, dữ liệu cho thấy việc mang thai và sinh nở góp phần gây tổn thương sàn chậu do bị chèn ép, kéo căng kéo dài (đặc biệt giai đoạn 2 chuyển dạ áp lực giữa đầu thai và thành âm đạo từ trung bình 100mmHg có thể tăng đến 230mmHg, nếu kéo dài nhiều giờ có thể gây thiếu máu cục bộ dẫn đến các tổn thương vĩnh viễn) hoặc tổn thương rách, xé thần kinh, cơ, mô liên kết.
Đầu tiên là tổn thương thần kinh chi phối sàn chậu. Thần kinh chi phối sàn chậu gồm 2 phần: Từ đoạn S2, S3 và S4 tủy sống, hợp nhất tạo thành dây thần kinh thẹn. Thần kinh thẹn chi phối cơ thắt hậu môn ngoài. Trong khi các cơ nâng, cơ cụt và hoành niệu sinh dục được chi phối bằng các sợi thần kinh kết nối trực tiếp của S2, S3 và S4.
Trong quá trình chuyển dạ qua đường âm đạo, đầu thai nhi di chuyển xuống có thể gây ra sự kéo căng, chèn ép lên sàn chậu, dây thần kinh mất myelin dẫn đến tổn thương thần kinh chi phối cho các cơ sàn chậu (cơ vòng hậu môn, cơ nâng, cơ cụt và hoành niệu sinh dục - rối loạn sàn chậu dẫn đến tiểu tiêu không tự chủ). Các yếu tố nguy cơ tổn thương dây thần kinh thẹn: Sanh thủ thuật sanh forceps, chuyển dạ giai đoạn 2 kéo dài hoặc sanh thai to.
Các nghiên cứu đoàn hệ cho thấy đa số các phụ nữ tổn thương thần kinh cơ sẽ hồi phục trong năm đầu tiên sau khi sinh. Điều này có thể giải thích tình trạng tiểu không tự chủ tự hết trong cùng khoảng thời gian này. Tuy nhiên, trong một số trường hợp tổn thương dây thần kinh 5 - 6 năm sau khi sinh và tổn thương này tích lũy dần theo các lần sanh tiếp theo.
Thứ hai là tổn thương cơ sàn chậu. Cơ sàn chậu có 2 chức năng chính: Nâng đỡ “đáy” cho các tạng trong ổ bụng; Vai trò trong việc đóng và mở âm đạo và niệu đạo thông qua cơ chế co thắt tự chủ các lỗ niệu đạo, âm đạo, hậu môn.
Sàn chậu gồm lớp cơ nông (cơ thắt ngoài hậu môn, cơ sàn chậu, cơ ngang sàn chậu) và lớp cơ sâu (cơ nâng hậu môn, cơ cụt). Trong đó, cơ nâng hậu môn (gồm cơ mu cụt, cơ mu trực tràng và cơ chậu cụt) rất quan trọng đối với chức năng sàn chậu. Cơ mu cụt, cơ mu trực tràng đều đóng lỗ sàn chậu nhưng chỉ có cơ mu cụt mới có thể nâng các cấu trúc sàn chậu về phía đầu vì nó hướng cơ thẳng đứng, nên là cơ quan trọng nhất trong cơ nâng hậu môn.
Tổn thương cơ nâng hậu môn do căng giãn, đường sinh quá căng, các sợi cơ bị rách, tách ra dẫn đến trương lực cơ của chúng giảm dần có thể giãn vùng chậu. Thường liên quan đến rách vòm âm đạo sâu. Nếu tổn thương liên quan đến cơ mu cụt, tiểu không tự chủ cũng có thể xảy ra.
Khoảng 3% tổn thương cơ thắt hậu môn quan sát được qua các ca sanh ngả âm đạo. Các nghiên cứu siêu âm và MRI về các cấu trúc sàn chậu sâu hơn như cơ nâng hậu môn: có thể bị tổn thương nặng khi sinh ngả âm đạo lên đến 19%, cao gấp 6 lần so với tổn thương cơ thắt hậu môn. Tổn thương này thường không hồi phục và là nguyên nhân hàng đầu gây ra PFD sau này.
Thứ ba là hệ thống treo. Bàng quang, niệu đạo, âm đạo và các tạng vùng chậu được cố định và ổn định là nhờ một phức hợp gồm mạc nội chậu và rất nhiều các dây chằng tạo thành cấu trúc treo và nâng đỡ. Phụ nữ mang thai thì mạc cân kéo dài nhiều hơn nhưng sức căng thì kém hơn.
Sinh thường qua đường âm đạo sau đó được khâu và phục hồi “bình thường” thì không ảnh hưởng đến chức năng sàn chậu đến mức gây ra rối loạn sàn chậu. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng có những thay đổi rõ rệt trong cấu trúc tầng sinh môn của phụ nữ đã từng sanh.
Tổn thương lúc sanh và việc phục hồi không tốt, chức năng sàn chậu có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Một số sản phụ nữ bị tổn thương nghiêm trọng đến mức có thể thấy rõ tình trạng sa sinh dục ngay sau sanh và thậm chí không hồi phục.
25% phụ nữ sau sinh có rối loạn sàn chậu ở các cấp độ khác nhau
Tại chương trình, PGS.TS.BS Huỳnh Nguyễn Khánh Trang - Chủ nhiệm bộ môn Sản Phụ khoa, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch - Trưởng khối Sản, Bệnh viện Hùng Vương đã đem đến những thông tin hữu ích liên quan đến vấn đề “Phục hồi sớm sàn chậu sau sinh”.
Theo chuyên gia, cấu trúc sàn chậu giúp nâng đỡ cơ quan sinh dục, cũng như các cơ quan khác của khoang chậu trước (bàng quang, niệu đạo) và khoang chậu sau (hậu môn, trực tràng).
Trong quá trình mang thai, sàn chậu phải chịu áp lực và làm thay đổi các chức năng cơ bản của phụ nữ như đi tiểu. Theo khảo sát, trong giai đoạn tam cá nguyệt đầu - giữa - cuối, trước khi mang thai và ở những người phụ nữ có con so đều thấy rằng tỷ lệ rối loạn chức năng tiểu (đi tiểu không kiểm soát) xuất hiện và gia tăng theo từng tam cá nguyệt.
PGS.TS.BS Huỳnh Nguyễn Khánh Trang khẳng định: “Trước đây, chỉ tập trung vào khu vực sàn chậu giữa nhưng hiện nay, sàn chậu trước và sàn chậu sau cũng rất được quan tâm”.
Sàn chậu được chia thành 3 mức nâng đỡ: Mức 1 (đỉnh lều: thẳng đứng, cố định) - phức hợp dây chằng chính - tử cung cùng nâng đỡ đoạn trên âm đạo và cổ tử cung. Mức 2 (thành lều: nằm ngang, di động) - cấu trúc nâng đỡ cạnh âm đạo ở hai bên âm đạo (mạc nội chậu: mạc mu cổ, mạc trực tràng âm đạo) đi đến cung gân mạc chậu. Mức 3 (chân lều: thẳng đứng, cố định) - cấu trúc nâng đỡ đoạn xa âm đạo đến đáy chậu (đoạn hòa dính âm đạo niệu đạo). Việc xảy ra các tổn thương ở đường niệu hoặc hậu môn - trực tràng,… là do ảnh hưởng của việc đứt gãy 1 phần hoặc toàn phần chỗ điểm bám của lều.
Sanh ngả âm đạo có thể gây tổn thương ở các cơ vòng và gây rối loạn chức năng sàn chậu ở nhiều cấp độ khác nhau, thậm chí gây rối loạn, tổn hại hệ thần kinh để chi phối (thần kinh thẹn). Điều này dẫn đến các khiếm khuyến trong sinh hoạt hằng ngày sau này như tiểu không kiểm soát hay gia tăng nguy cơ thay đổi chức năng đại tiện.
Trong chuyển dạ nên tránh chuyển dạ kéo dài, nhất là giai đoạn 2 chuyển dạ cần được quản lý tốt. Tỷ lệ sanh giúp ngày càng giảm vì gia tăng tỷ lệ mổ sanh, tuy nhiên nếu sanh giúp phải thực hiện đúng chỉ định, đúng kỹ thuật. Cần đặc biệt chú ý đến các đánh giá tổn thương thần kinh thẹn. Hiện nay, cắt tầng sinh môn là lựa chọn chọn lọc.
“Trong cuộc sanh, dù theo dõi theo ngả tự nhiên hay sanh bằng các dụng cụ hỗ trợ thì vùng sàn chậu đều có sự thay đổi và chịu đựng một áp lực rất lớn, có thể bị căng, giãn, đứt, rách ở nhiều cấp độ khác nhau” - PGS.TS.BS Huỳnh Nguyễn Khánh Trang thông tin thêm.
Đánh giá qua MRI ở thời điểm 7 tuần và 8 tháng sau sinh của 68 trường hợp sinh giúp và chuyển dạ giai đoạn 2 kéo dài ghi nhận kết cục: 40% rách cơ nâng hậu môn và 25% tổn thương vùng sau xương mu.
Theo dõi 418 trường hợp sinh ngả âm đạo nhận thấy có 151 rách tầng sinh môn, 257 tầng sinh môn nguyên hay xước nhẹ. Theo dõi 6 tháng 335 trường hợp về các vấn đề sức cơ sàn chậu, trương lực cơ vòng hậu môn, tự chủ khi đi tiểu, đau vùng đáy chậu cho thấy, phụ nữ bị rách độ 2 không có nguy cơ bị rối loạn chức năng sàn chậu ngoài đau tăng và điểm số chức năng tình dục thấp hơn một chút ở 6 tháng sau khi sinh. Các trường hợp rách tầng sinh môn độ 3 hay độ 4 có liên quan đến đi tiêu không tự chủ.
Nghiên cứu 1507 thai phụ từ 24 tuần đến 3 tháng sau sinh, ghi nhận sinh mổ chủ động có yếu tố bảo vệ tầng sinh môn. Điều này có thể dẫn đến việc các bác sĩ mở rộng chỉ định mổ sanh, trong khi đây đang là vấn đề tại Việt Nam.
Đối với tổn thương sàn chậu nhận thấy, 25% thai phụ sau khi sinh xong có rối loạn sàn chậu ở các cấp độ khác nhau.
Cách thức lượng giá chức năng cơ sàn chậu và sức cơ có thể chia làm nhiều cách: Phương pháp đo khả năng co thắt cơ (quan sát lâm sàng, khám âm đạo, siêu âm, MRI, điện cơ (EMG); Đánh giá dựa vào lượng giá sức mạnh cơ (khám sức cơ bằng tay, đo áp lực đồ, áp lực động, cones âm đạo). Trước đây, siêu âm không được đánh giá cao, nhưng hiện nay ngày càng có nhiều phương thức và tiêu chí để sử dụng siêu âm, kết hợp đánh giá tĩnh và động.
Các chương trình tập trước sinh để giới thiệu về tiền sản, hướng dẫn cho thai phụ cách vận động, thở, cũng như co - giữ ở vùng sàn chậu khi mang thai rất cần thiết. Từ đó, giúp vấn đề rách tầng sinh môn được giảm đến mức tối thiểu.
Xoa bóp tầng sinh môn trong chuyển dạ nên thực hiện ở thời điểm tam cá nguyệt thứ 3 (tuần 34 - 35), tần suất 1 - 2 lần/tuần, hoặc khi vào chuyển dạ. Chống chỉ định đối với các trường hợp trước 34 tuần, chiều dài kênh cổ tử cung ngắn, nhau tiền đạo hoặc có tiền căn xuất huyết âm đạo trong tam cá nguyệt thứ 2 và tam cá nguyệt thứ 3 hoặc nhiễm trùng vùng tầng sinh môn đang hoạt động.
Xoa bóp tầng sinh môn giúp giảm tỷ lệ cắt tầng sinh môn, giảm tỷ lệ rách tầng sinh môn độ 3 và 4, tăng tỷ lệ tầng sinh môn nguyên vẹn sau sinh, giảm thời gian giai đoạn 2 chuyển dạ, cải thiện điểm Apgar 1 và 5 phút sau sinh và không làm tăng biến chứng mẹ con.
Tổng hợp y văn, thời điểm đánh giá các kết cục không tốt được ghi nhận: Đau, nhiễm khuẩn vết may tầng sinh môn chiếm khoảng 2 tuần đầu sau sinh; Tiểu khó hay bí tiểu do sang chấn khi sanh từ 2 - 4 tuần sau sinh; Són tiểu hay són phân từ 12 tuần sau sinh; Đau khi giao hợp khoảng 12 tuần sau sinh; Sa tạng chậu, tiểu hay tiêu không tự chủ có thể từ 12 tháng - nhiều năm.
Nguyên tắc của tập vật lý trị liệu, NICE cho khuyến cáo tập sàn chậu gồm: 8 lần co cơ giữ 3 lần/ngày trong ít nhất 3 tháng. Hội Niệu khoa châu Âu cũng khuyến cáo tập cơ sàn chậu trong ít nhất 3 tháng.
Để tăng sinh khối cơ nhất định bài tập sức cơ cần lặp lại 8 - 12 động tác co cơ cho 1 lần tập. 3 lần/tuần thời gian từ 15 - 20 tuần. Các nghiên cứu trên cơ vân chỉ ra rằng trong 8 tuần đầu sự tăng sinh chủ yếu là trên số lượng đơn vị thần kinh vận động. Sau đó mới tới tăng số lượng và thể tích sợi cơ.
Thời điểm tập là ngay sau sinh, khi hết cảm giác đau. Bắt đầu co cơ 3 - 5 giây, lặp lại 10 lần, 3 lần/ngày. Sau 3 - 4 tuần tăng dần thời gian co - giữ cơ đế 10 giây.
Một lần nữa, PGS.TS.BS Huỳnh Nguyễn Khánh Trang nhấn mạnh các điểm cần lưu ý: “Sàn chậu ở phụ nữ bị ảnh hưởng trong quá trình mang thai, chuyển dạ và sinh. Cần tư vấn đầy đủ về các thay đổi, ảnh hưởng của sàn chậu. Hướng dẫn tập luyện trong lúc mang thai và tránh để chuyển dạ giai đoạn 2 kéo dài. Chọn lựa phương thức sinh thích hợp giúp giảm thiểu các tổn thương liên quan đến sàn chậu. Theo dõi, đánh giá sau sinh và hướng dẫn tập luyện có kiểm soát sẽ giúp phục hồi sàn chậu sớm sau sinh”.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình