Hotline 24/7
08983-08983

Vai trò của truyền thông trong khám và điều trị các bệnh lý tai mũi họng hiện nay

Tại phiên toàn thể của Hội nghị Khoa học Tai Mũi Họng (II) do Liên chi hội Tai Mũi Họng TPHCM tổ chức vào ngày 22/6/2024, các chuyên gia đã bàn luận những vấn đề thiết thực về vai trò của truyền thông trong việc khám chữa bệnh nói chung và bệnh lý tai mũi họng nói riêng.

Việc chụp ảnh và đăng tải trên mạng xã hội làm tăng mong muốn can thiệp phẫu thuật thẩm mỹ

Với bài báo cáo “Vai trò của truyền thông trong khám chữa bệnh”, PGS.TS.BS Nguyễn Trọng Hào - Chủ tịch Liên chi hội Da liễu TPHCM cho rằng, mạng xã hội có tác động đến việc chia sẻ thông tin, đưa ra quyết định của bệnh nhân và mối quan hệ giữa thầy thuốc với bệnh nhân.

Từ những thông tin không chính thống, sai lệch, cũng như các thông tin tích cực bệnh nhân sẽ bị tác động đến việc đưa ra các quyết định. Các quyết định liên quan đến sức khỏe của bệnh nhân còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như giới tính, chủng tộc, tình trạng kinh tế - xã hội, sở thích, sự hiểu biết của bệnh nhân,…

Theo nghiên cứu, việc chụp ảnh và đăng tải trên mạng xã hội làm cho người dân mong muốn can thiệp phẫu thuật thẩm mỹ nhiều hơn so với trước đây.

PGS.TS.BS Nguyễn Trọng Hào - Chủ tịch Liên chi hội Da liễu TPHCM

PGS.TS.BS Nguyễn Trọng Hào cho biết: Mạng xã hội có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ của thầy thuốc và bệnh nhân. Trường hợp tích cực, nếu bệnh nhân được tiếp cận các thông tin tốt, chính thống trên mạng xã hội liên quan đến tình trạng của mình thì việc tư vấn, điều trị của bác sĩ sẽ trở nên đơn giản và việc trao đổi sẽ thuận tiện hơn.

Tuy nhiên, ở khía cạnh tiêu cực, nếu bệnh nhân được tiếp cận những thông tin không tốt hoặc bị tác động bởi những yếu tố khác trong hội nhóm sẽ dẫn đến các quyết định không đúng như đổi bác sĩ hoặc giao tiếp, tương tác không tối ưu”.

Chiến lược sử dụng mạng xã hội để áp dụng trong công tác khám chữa bệnh: tạo profile chuyên nghiệp, sử dụng hình ảnh chuyên nghiệp, nội dung đăng tải,… Lưu ý, khi sử dụng hình ảnh trước và sau điều trị của bệnh nhân cần có sự đồng ý hoặc làm mờ,…

Tùy vào nền tảng mạng xã hội mà sẽ có tần suất đăng tải tối ưu theo thời gian trong tuần

PGS.TS.BS Nguyễn Trọng Hào nhấn mạnh: “Truyền thông mạng xã hội đã làm thay đổi việc chăm sóc sức khoẻ và điều này sẽ tiếp tục phát triển trong tương lai. Các y bác sĩ, cơ sở y tế cần có các chiến lược sử dụng mạng xã hội hiệu quả trong khám chữa bệnh”.

Không có thuốc đặc hiệu và phác đồ tiêu chuẩn thống nhất cho điều trị điếc đột ngột

PGS.TS.BS Trần Minh Trường - Chủ tịch Liên chi Hội Phẫu thuật đầu cổ TPHCM đã cung cấp những kiến thức xoay quanh vấn đề “Cập nhật về điếc đột ngột” và đưa ra các nguyên nhân, biện pháp cụ thể về bệnh lý này.

Theo NIDCD (Viện Quốc gia về Điếc và các Rối loạn giao tiếp khác Hoa kỳ), điếc đột ngột là tình trạng mất thính lực thần kinh trên 30 dB trên 3 tần số liên tiếp. Thường xảy ra một bên trong 3 ngày (24 -72h).

Điếc đột ngột thường xảy ra một bên từ mất thính giác nhẹ đến điếc nặng. Có thể kèm theo ù tai và/hoặc hiếm gặp hơn là chóng mặt. Đây là một cấp cứu về tai, cơ chế bệnh sinh chưa được rõ ràng. Chẩn  đoán điếc đột ngột dựa trên việc “loại  trừ” các tình trạng điếc có nguyên nhân. Điếc đột ngột “không rõ nguyên nhân” (Idiopathique) chiếm tỷ lệ rất cao 70 - 90% và khả năng phục hồi tự nhiên cao 45 - 61% tuỳ nghiên cứu.

Có nhiều thuốc điều trị điếc đột ngột nhưng kết quả rất khác nhau và không có phác đồ chuẩn.

Các loại điếc có nguyên nhân: Thường xảy ra hai bên (viêm màng não, bệnh tự miễn); Khởi phát ít cấp tính hơn (ngoại trừ chấn thương); Dao động theo thời gian (bệnh Ménière); Kết hợp các triệu chứng thần kinh khác (thiếu máu não, tắc động mạch tiểu não trước…).

Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng thường ở người trên 60 tuổi và có tỷ lệ giới tính cân bằng trước 65 tuổi, độ tuổi trung bình là 50,4.

Chuyên gia nhận định: “Hỏi bệnh sử của điếc đột ngột cực kỳ quan trọng. Bệnh thường điếc 1 bên, tuy nhiên có 3% điếc 2 bên, thường gặp người lớn tuổi. Xảy ra nhanh và đột ngột (ù, nặng bít tai), ít khi đau tai. 90% có acouphene tai đối bên và 20 - 60% có chóng mặt. Trong khi khám lâm sàng sẽ tìm hiểu bệnh sử tim mạch, triệu chứng của viêm tai, tiếp xúc tiếng ồn, nhiễm trùng, tiền căn bị điếc, chấn thương áp lực, bệnh tự miễn hay dùng thuốc”.

Về các biện pháp điều trị, chưa có loại thuốc đơn lẻ nào được chứng minh có hiệu quả chuyên biệt (theo các thử nghiệm mù đôi) và chưa có phác đồ chung nào chứng minh tính hiệu quả nhất.

Thứ nhất, hầu hết các thuốc chống virus đều khuyến cáo không có tác dụng trong điếc đột ngột. Thứ hai về thuốc giãn mạch có tác dụng lên hệ thống mạch máu làm giãn mạch giúp cải thiện lưu lượng máu ở ốc tai đảo ngược tình trạng  thiếu máu, tăng áp lực oxy ngoại  dịch, cũng như khả năng thấm oxy qua da.

Thứ ba, thuốc lợi tiểu có tác dụng trong những trường hợp sũng (hydrop) nước mê nhĩ gây điếc đột ngột. Diatrizoat meglumine là một loại thuốc cản quang được cho là có tác dụng bảo vệ lớp áo của mạch máu nên bảo vệ dự trữ ốc tai, có tác dụng điều trị điếc đột ngột.

Thứ tư, oxy cao áp (hbot) có thể dùng khởi đầu kết hợp Corticoid toàn thân trong 2 tuần. Kết quả có thể đạt 50% cải thiện mức 20dB. Sau 2 tuần đầu là "liệu pháp cứu vãn" khi bệnh nhân điếc sâu (>70dB). Điều trị sau 3 tháng từ lúc bắt đầu thì không hiệu quả.

Thứ năm là làm thay đổi độ nhớt máu (Rheologic agent). Sử dụng các tác Dextrans có trọng lượng phân tử thấp, Pentoxifylline hoặc chất chống đông máu (warfarin, heparin), giúp cho cung cấp oxy được tốt hơn, tránh cục máu đông hay tắc nghẽn máu.

Thứ sáu, sử dụng thuốc kháng viêm. Corticoid là thuốc duy nhất có hiệu quả trong điều trị điếc đột ngột vì làm giảm viêm, phù nề ở ốc tai và thần kinh thính giác.

PGS.TS.BS Trần Minh Trường - Chủ tịch Liên chi Hội Phẫu thuật đầu cổ TPHCM

PGS.TS.BS Trần Minh Trường đặc biệt lưu ý: “Không có thuốc nào đặc hiệu cho điều trị điếc đột ngột. Bên cạnh đó, có nhiều phác đồ điều trị nhưng không có phác đồ tiêu chuẩn thống nhất. Đa số thuốc có tác dụng phụ, phải giải thích đồng thuận cho bệnh nhân khi sử dụng. Trong đó, Corticoid là thuốc giúp kháng viêm đầu tiên có hiệu quả điều trị, ngoại trừ các trường hợp chống chỉ định (giang mai)”.

Các trường hợp viêm xoang mạn khó trị ít nhiều liên quan đến nhiễm khuẩn

Tập trung vào vấn đề “Viêm xoang mãn khó trị, các nguyên nhân và giải pháp”, GS.TS.BS Phạm Kiên Hữu - Chủ tịch Liên chi hội Tai Mũi Họng TPHCM cho biết, có 2 nguyên nhân chính gây viêm xoang. Nguyên nhân nội tại do tắc OMC, rối loạn miễn dịch, tam chứng samster, trào ngược. Nguyên nhân ngoại lai như ô nhiễm, dị nguyên, vi nấm, siêu vi, vi khuẩn, viêm xoang nhiễm khuẩn tái phát.

Viêm xoang mạn tính là một phổ rất rộng, đi từ viêm xoang mạn với các triệu chứng gần như vô hại như chảy mũi, nghẹt mũi, nhức đầu nhẹ, mất khứu và có lại cho đến tình trạng nặng, ảnh hưởng đến chất lượng sống, thời gian lao động của người bệnh.

Biofilm hiện diện trong 44 - 92% các trường hợp viêm mũi xoang mạn. Biofilm giải phóng các phân tử siêu kháng nguyên làm phản ứng viêm kéo dài và khó trị, giảm chức năng lông chuyển, giảm khả năng thích ứng, ứ đọng dịch bên trong xoang làm xoang nặng hơn.

GS.TS.BS Phạm Kiên Hữu - Chủ tịch Liên chi hội Tai Mũi Họng TPHCM

Điều trị viêm xoang mạn thông thường gồm có: nội khoa, rửa mũi bằng nước muối, Syeroid đường uống hoặc dùng kháng sinh… Nếu không hiệu quả sẽ chuyển sang điều trị ngoại khoa (phẫu thuật).

Trong điều trị Biofilm S.Aureus, nước muối không hoàn toàn hiệu quả nếu chỉ điều trị bằng rửa mũi. Bên cạnh đó, nếu nước chảy xuống đường tiêu hóa sẽ gây ra tình trạng kháng thuốc sau này.

GS.TS.BS Phạm Kiên Hữu kết luận: “Các trường hợp viêm xoang mạn khó trị đều ít nhiều liên quan đến nhiễm khuẩn. Vấn đề sử dụng kháng sinh trong RCRS cần hết sức thận trọng, chỉ sử dụng kháng sinh cho các trường hợp nặng, đe dọa biến chứng. Điều trị Biofilm hiện còn nhiều khó khăn, trong đó vắc xin chống lại độc lực là yếu tố hứa hẹn và khí NO có vai trò quan trọng chống hình thành, phát triển Biofilm”.

>>> Các giải pháp hữu hiệu điều trị bệnh lý tai mũi họng trong điều kiện khí hậu Việt Nam

>>> Cập nhật các phương pháp tiềm năng trong điều trị bệnh lý tai mũi họng

>>> Can thiệp đúng trong cấy ốc tai điện tử và điều trị ngưng thở khi ngủ; xử trí tai biến trong phẫu thuật nội soi xoang

>>> Phòng và điều trị dị ứng hô hấp trong bối cảnh nóng lên toàn cầu

>>> Khảo sát các yếu tố ảnh hưởng người bệnh trước phẫu thuật và kỹ thuật rửa mũi xoang

>>> Yếu tố ảnh hưởng kết quả tầm soát nghe kém và tầm quan trọng của giáo dục sức khỏe

Hội nghị Khoa học Tai - Mũi - Họng 2024 - II với chủ đề “Cập nhật chẩn đoán và điều trị hiệu quả bệnh lý Tai - Mũi - Họng trong môi trường khí hậu Việt Nam” diễn ra tại TPHCM vào ngày 22/6/2024, với 27 bài báo cáo xuyên suốt trên 4 phiên (1 phiên toàn thể, 2 phiên chuyên đề và 1 phiên điều dưỡng), được trình bày bởi các báo cáo viên là Chủ tịch, Phó chủ tịch các Hội Tai Mũi Họng Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, Hội Tai Mũi Họng tỉnh Khánh Hòa, LCH Tai Mũi Họng TPHCM, LCH Da liễu TPHCM, LCH Phẫu thuật đầu cổ TPHCM cùng giảng viên các trường Đại học, trưởng khoa các bệnh viện…

Ngoài ra, hội nghị còn có 2 tọa đàm về vấn đề thời sự: Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu lên bệnh lý dị ứng hô hấpẢnh hưởng của ô nhiễm không khí đến bệnh lý mũi xoang cùng một số giải pháp.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X