Hotline 24/7
08983-08983

Điều trị, chăm sóc sơ sinh con của người mẹ đái tháo đường thai kỳ và theo dõi hậu sản đái tháo đường thai kỳ

Các vấn đề về điều trị, theo dõi, chăm sóc trẻ sơ sinh và mẹ bị đái tháo đường thai kỳ giai đoạn hậu sản cũng như trong tương lai tiếp tục được các chuyên gia đề cập tại chuyên đề “Quản lý đái tháo đường thai kỳ: hiệu quả và an toàn” - Chương trình tập huấn tiền hội nghị “Góc nhìn mới bệnh lý phụ khoa thai kỳ nguy cơ cao” do Bệnh viện Hùng Vương tổ chức ngày 28/6/2024.

30% thai chết lưu ở tam cá nguyệt thứ 2 và thứ 3 nếu kiểm soát đường huyết kém

Mang đến chuyên đề bài báo cáo “Điều trị, theo dõi và chăm sóc sơ sinh con mẹ đái tháo đường thai kỳ”, BS.CK1 Đỗ Hoàng Yến - Khoa Sơ sinh, Bệnh viện Hùng Vương đã chia sẻ các khái niệm về đái tháo đường thai kỳ.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (2013), tăng glucose huyết tương được phát hiện lần đầu trong khi có thai được phân loại thành 2 nhóm: đái tháo đường mang thaiđái tháo đường thai kỳ. Đái tháo đường mang thai, hay còn gọi là đái tháo đường rõ, có mức glucose huyết tương đạt mức chẩn đoán đái tháo đường tiêu chuẩn (WHO, 2006), trong khi đái tháo đường thai kỳ có mức glucose huyết tương thấp hơn.

Hội Nội tiết Mỹ định nghĩa, đái tháo đường thai kỳ là tình trạng liên quan đến tăng glucose huyết tương của mẹ với mức độ thấp hơn đái tháo đường mang thai (đái tháo đường rõ) và làm tăng nguy cơ các kết cục sản khoa bất lợi cho cả thai phụ và thai nhi.

Bệnh tiểu đường trong thai kỳ có liên quan đến việc tăng nguy cơ biến chứng thai nhi, trẻ sơ sinh và biến chứng lâu dài ở con cái. Bệnh tiểu đường ở bà mẹ có thể xảy ra trước khi mang thai (tức là đái tháo đường type 1 hoặc type 2 được chẩn đoán trước khi mang thai) hoặc do thai kỳ (tức là đái tháo đường được chẩn đoán trong thai kỳ).

Đái tháo đường là bệnh rối loạn chuyển hóa không đồng nhất, có đặc điểm tăng glucose huyết tương do khiếm khuyết về tiết insulin, về tác động của insulin hoặc cả hai. Theo Hội Nội tiết Hoa Kỳ, đái tháo đường thai kỳ là tình trạng liên quan đến tăng glucose huyết tương của mẹ và làm tăng nguy cơ các kết cục sản khoa bất lợi; cũng theo Liên đoàn đái tháo đường thế giới, năm 2017 có khoảng 425 triệu người bị đái tháo đường trên thế giới ở độ tuổi từ 20 đến 79 tuổi, dự kiến đến năm 2045 có khoảng 630 triệu người bị đái tháo đường.

Đái tháo đường thai kỳ ngày càng tăng do tuổi sinh đẻ tăng, phụ nữ ngày càng thừa cân, béo phì và ít vận động. Tỷ lệ đái tháo đường thai kỳ thay đổi tùy thuộc vào dân số nghiên cứu, tiêu chí chọn mẫu, tiêu chuẩn chẩn đoán. Tại Việt Nam, trong một số nghiên cứu tại các vùng miền khác nhau, tỷ lệ này tăng từ 3,9% vào năm 2004 đến 20,3% năm 2012 và 20,9% năm 2017.

Tại TPHCM, hai bệnh viện Sản phụ khoa Từ Dũ và Hùng Vương, tỷ lệ ghi nhận quanh 20% trên hàng chục ngàn trường hợp tầm soát hàng năm.

BS.CK1 Đỗ Hoàng Yến - Khoa Sơ sinh, Bệnh viện Hùng Vương

Về hậu quả của đái tháo đường thai kỳ đối với thai và trẻ sơ sinh. Thứ nhất, đối với thai, trong ba tháng đầu và thời điểm thụ thai, dễ bị dị tật bẩm sinh lớn và sảy thai tự nhiên; chủ yếu xảy ra ở những thai phụ bị tiểu đường trước khi mang thai. Nguy cơ dị tật bẩm sinh chỉ tăng nhẹ khi mắc đái tháo đường thai kỳ (GDM) so với dân số chung. Nguy cơ dị tật tăng lên khi mức đường huyết lúc đói của mẹ và chỉ số khối cơ thể (BMI) tăng lên khi GDM được chẩn đoán sớm trong thai kỳ.

Trong tam cá nguyệt thứ hai và thứ ba có thể bị tăng đường huyết thai nhi, tăng insulin máu, thai to. Đồng thời, tỷ lệ trao đổi chất tăng cao; tăng tiêu thụ oxy và giảm oxy máu của thai nhi; tăng tỷ lệ tử vong, nhiễm toan chuyển hóa; thay đổi phân phối sắt của thai nhi và tăng tạo hồng cầu, đa hồng cầu.

Trong tam cá nguyệt thứ hai và thứ ba: sự thúc đẩy sản xuất catecholamine có thể dẫn đến tăng huyết áp và phì đại tim, và có thể góp phần vào tỷ lệ thai chết lưu từ 20 - 30% gặp ở các trường hợp mang thai mắc bệnh tiểu đường được kiểm soát kém. Khi khối lượng hồng cầu của thai nhi tăng lên, sự phân bố lại sắt dẫn đến thiếu sắt trong các cơ quan đang phát triển, điều này có thể góp phần gây ra bệnh cơ tim và sự phát triển thần kinh bị thay đổi. Tăng insulin máu ở thai nhi cũng được cho là góp phần làm suy giảm hoặc chậm trưởng thành phổi.

Vị chuyên gia cho rằng, quá nhiều chất dinh dưỡng được cung cấp từ người mẹ bị bệnh tiểu đường được kiểm soát kém sẽ làm tăng sự phát triển của thai nhi, đặc biệt là các mô nhạy cảm với insulin (ví dụ: gan, cơ, cơ tim và mỡ dưới da), dẫn đến bệnh macrosomia (thai to). Người mẹ tăng đường huyết dẫn đến tăng đường huyết thai nhi và gây tăng insulin máu cho thai nhi, hạ đường huyết sơ sinh.

Tăng insulin máu ở thai nhi cũng kích thích dự trữ glycogen ở gan, tăng hoạt động của các enzym gan tham gia vào quá trình tổng hợp lipid, và tích tụ mỡ trong mô mỡ. Những tác động chuyển hóa này có thể góp phần gây ra các biến chứng chuyển hóa lâu dài ở trẻ.

Thứ hai, đối với trẻ sơ sinh, có thể gây ra tình trạng con to (macrosomia); nhiều khả năng bị sang chấn trong quá trình sinh (kẹt vai); hạ đường huyết; canxi trong máu thấp; đa hồng cầu, cô đặc máu; mức độ bilirubin cao.

Bên cạnh đó, còn gây dị tật bẩm sinh, hầu hết ảnh hưởng đến tim, mạch máu, não và tủy sống; sinh non; bệnh cơ tim phì đại; các vấn đề về hô hấp; bệnh tật ở trẻ sơ sinh (trẻ sơ sinh mang thai có biến chứng GDM sẽ có nguy cơ mắc nhiều bệnh, thường là thoáng qua, bao gồm hạ đường huyết, tăng bilirubin máu, hạ canxi máu, hạ magie máu, đa hồng cầu, rối loạn hô hấp và/hoặc bệnh cơ tim). Những nguy cơ này phần lớn có liên quan đến tình trạng tăng đường huyết của mẹ và của thai nhi

Theo đó, bác sĩ cũng chia sẻ đặc điểm của từng biến chứng, cụ thể:

Về vấn đề con to (Macrosomia): được định nghĩa là trẻ từ 4-4,5kg tùy tác giả của từng nghiên cứu. Đặc điểm con to là tăng khối lượng mỡ, cơ, các cơ quan, nhưng không tăng kích thước não.

Hạ đường huyết (chiếm khoảng 15-25%), vấn đề hạ đường huyết sau sinh xảy ra nếu mức đường huyết của người mẹ luôn ở mức cao, khiến thai nhi có lượng insulin cao trong quá trình tuần hoàn.

Hạ calci huyết, được xác định bằng nồng độ calci huyết tương dưới 2 mmol/ L hoặc nồng độ calci ion hóa dưới 1,1 mmol/ L, bất kể tuổi thai hay cân nặng. Hạ calci huyết hiếm khi có ý nghĩa lâm sàng, đặc biệt là trong trường hợp đái tháo đường thai kỳ, trừ khi có các biến chứng khác đi kèm. Không có chỉ định sàng lọc trẻ khỏe mạnh về hạ calci huyết. Nồng độ canxi trong máu cũng nên được đo khi có các triệu chứng gợi ý hạ canxi máu.

Tăng bilirubin máu, trong nghiên cứu HAPO, tăng bilirubin máu có liên quan yếu với mức đường huyết của mẹ. Tình trạng đa hồng cầu và các cơ chế khác như sinh non, hoạt động gan còn kém góp phần tăng bilirunin máu.

Đa hồng cầu là khi hematocrit (Ht) cao hơn 65%. Các cơ chế được gợi ý là giảm vận chuyển oxy qua nhau thai đến bào thai và tăng tiêu thụ oxy của bào thai. Điều này có thể dẫn đến tình trạng thiếu oxy của thai nhi và tăng lượng erythropoietin của thai nhi. Đa hồng cầu cũng có thể tạo ra huyết khối mạch sâu. Hạ đường huyết có thể trầm trọng hơn ở trẻ sơ sinh từ bà mẹ bị tiểu đường trong trường hợp đa hồng cầu, do tăng tiêu thụ glucose do khối lượng hồng cầu tăng lên.

Sang chấn lúc sanh như vấn đề tổn thương đám rối cánh tay (chiếm khoảng 0,2-3%). Tủy sống dễ bị tổn thương do chấn thương bẩm sinh với các triệu chứng liên quan đến liệt đám rối cánh tay. Loại tổn thương đám rối thần kinh cánh tay phổ biến nhất, còn được gọi là Erb’s palsy, liên quan đến các rễ cổ từ C5 đến C7. Trẻ sơ sinh có cánh tay xoay trong và cổ tay gập được. Loại phổ biến thứ hai được gọi là liệt toàn bộ liên quan đến rễ cổ C5-C8 và đôi khi rễ ngực T1. Trẻ sơ sinh có cánh tay liệt mềm. Liệt cơ hoành cũng được quan sát thấy khi có liên quan đến thần kinh dẫn đến suy hô hấp và yêu cầu thở máy; gãy xương (thường gặp gãy xương đòn).

Suy hô hấp, quá nhiều insulin của trẻ do bệnh tiểu đường có thể làm chậm quá trình sản xuất chất surfactant cần thiết cho sự trưởng thành của phổi. Không xác định chính xác tỷ lệ và nguy cơ mắc bệnh màng trong (RDS) trong các trường hợp đái tháo đường thai kỳ do không đủ dữ liệu chính xác. Ngoài bệnh màng trong, trẻ sơ sinh con mẹ đái tháo đường thai kỳ tăng nguy cơ cơn thở nhanh thoáng qua. Bệnh tiểu đường, chỉ số BMI của mẹ tăng nguy cơ cao áp phổi tồn tại trẻ sơ sinh.

Vấn đề bệnh cơ tim phì đại, do thai nhi tiếp xúc với tình trạng tăng đường huyết và tăng insulin của mẹ, dễ bị bệnh cơ tim phì đại, chủ yếu ảnh hưởng đến vách liên thất. Phì đại cơ tim đã được báo cáo ở cả đái tháo đường thai kỳ với tần suất đa dạng (từ 25% đến 75% trẻ sinh ra từ mẹ bị đái tháo đường).

Các nghiên cứu gần đây nhất cho thấy việc kiểm soát tốt đường huyết của người mẹ không hoàn toàn ngăn ngừa được phì đại vách liên thất và suy giảm chức năng tim của thai nhi, bất kể loại bệnh tiểu đường nào. Mặc dù phì đại cơ tim có liên quan đến giảm tổng thể tích của tâm thất và tăng sức co bóp của tâm thất trái và phải, nhưng thường không có triệu chứng. Đôi khi, có thể dẫn đến bệnh tật và tử vong, tùy theo mức độ nghiêm trọng và sự kéo dài của chứng phì đại tim. Phì đại vách ngăn chính có thể dẫn đến hẹp eo động mạch chủ và suy van hai lá thứ phát.

Chứng phì đại tim có thể sẽ tự khỏi về mặt giải phẫu trong vòng vài tháng. Tuy nhiên, ảnh hưởng lâu dài của bệnh cơ tim do đái tháo đường đối với chức năng tim vẫn còn đang được làm rõ. Ngoài ra trẻ có thể có tật về cấu trúc tim 3% - 9% (thông liên nhĩ, thông liên thất, còn ống động mạch, thất phải 2 đường ra, chuyển vị đại động mạch).

Nhiều loại dị tật thần kinh trung ương đã được báo cáo trong con của người mẹ đái tháo đường thai kỳ như: thoát vị màng não tuỷ, khuyết tật ống thần kinh, thoát vị não.

Về vấn đề suy giảm chức năng thần kinh, trẻ sơ sinh của bà mẹ bị tiểu đường dễ bị suy giảm chức năng thần kinh, chủ yếu do ngạt chu sinh, chấn thương khi sinh và rối loạn chuyển hóa.

Dị tật bẩm sinh, ở thời điểm thụ thai của người mẹ bị mắc bệnh đái tháo đường, nếu lượng glucose huyết tương không được kiểm soát tốt thì tỷ lệ dị tật bẩm sinh của trẻ sơ sinh sẽ rất cao từ 8 - 13%, gấp 2 - 4 lần nhóm không bị đái tháo đường.

Sinh non, theo một số nghiên cứu cho thấy, có tình trạng tăng tỷ lệ sinh non ở thai phụ đái tháo đường thai kỳ. Mối liên hệ giữa đái tháo đường thai kỳ và sinh non tự phát vẫn còn nhiều tranh cãi.

Các ảnh hưởng lâu dài, bao gồm: gia tăng tần suất trẻ béo phì, khi lớn trẻ sớm bị mắc bệnh đái tháo đường type 2, rối loạn tâm thần - vận động. Trẻ sinh ra từ các bà mẹ bị đái tháo đường thai kỳ có nguy cơ đái tháo đường và tiền đái tháo đường tăng gấp 8 lần khi đến 19 đến 27 tuổi. Bệnh tiểu đường ở bà mẹ được kiểm soát kém trong thời kỳ mang thai có thể ảnh hưởng đến kết quả phát triển thần kinh; tuy nhiên, bằng chứng chỉ mang tính gián tiếp và có chất lượng kém.

Về điều trị, chăm sóc và theo dõi trẻ sơ sinh con mẹ đái tháo đường thai kỳ, cách tiếp cận con mẹ tiểu đường thai kỳ, trước khi sinh, đánh giá nhu cầu hồi sức sơ sinh được thực hiện dựa trên tuổi thai, cân nặng dự đoán, sự hiện diện của dị tật bẩm sinh hoặc biến chứng khi chuyển dạ, và phương thức sinh.

Ngay sau khi sinh, chăm sóc sơ sinh định kỳ được thực hiện bao gồm lau khô, làm thông đường thở, giữ ấm và đánh giá nhanh tình trạng lâm sàng của trẻ dựa trên nhịp tim, thở gắng sức, trương lực cơ và khám để xác định dị tật bẩm sinh. Nếu trẻ sơ sinh không cần hồi sức thêm thì trẻ nên được bà mẹ để da kề da và bắt đầu cho trẻ bú ngay tại phòng sinh.

Đánh giá thêm sau khi chuyển từ phòng sinh bao gồm: thăm khám toàn diện và xét nghiệm tầm soát về hạ đường huyết và đa hồng cầu. Chăm sóc trẻ sơ sinh con của mẹ đái tháo đường thai kỳ cần tập trung đảm bảo hô hấp, tim mạch, duy trì nồng độ glucose/ máu, theo dõi chặt chẽ tình trạng đa hồng cầu, tăng bilirubin máu, không dung nạp thức ăn, điều trị sang chấn lúc sinh nếu có.

Về theo dõi và điều trị hạ đường huyết, theo dõi lâm sàng, xét nghiệm đường huyết 1-2 giờ sau sinh tùy bệnh cảnh lâm sàng và mức độ hạ đường huyết (theo phác đồ hạ đường huyết); cho trẻ bú mẹ sớm và thường xuyên vẫn là chìa khóa quan trọng trong việc ngăn ngừa hạ đường huyết, bất kể trẻ sơ sinh nào, miễn là trẻ có thể tự bú.

Vì vậy, trẻ sơ sinh của bà mẹ bị tiểu đường, trong trường hợp trẻ không có chỉ định nhập khoa sơ sinh nên được giữ bên cạnh mẹ, bú mẹ sớm. Trong trường hợp trẻ không thể bú hoặc trẻ có triệu chứng cần nhập khoa sơ sinh, hoặc đường huyết quá thấp nhập khoa sơ sinh truyền glucose qua đường tĩnh mạch

Đối với điều trị hạ canxi có chỉ định điều trị. Khi có chỉ định điều trị, bao gồm bổ sung vitamin D uống và canxi gluconat uống hoặc tiêm tĩnh mạch (40-60 mg/ kg mỗi ngày) và điều trị magie tùy theo nồng độ trong huyết tương. Theo dõi Spo2 và điều trị suy hô hấp (nếu trẻ có), bao gồm: hỗ trợ hô hấp, surfactant trong bệnh màng trong, sanh ngạt, cơn thở nhanh thoáng qua... (tùy bệnh cảnh lâm sàng).

Về vấn đề đa hồng cầu, cần khám, xét nghiệm chẩn đoán đa hồng cầu và điều trị tình trạng đa hồng cầu. Trích máu được thực hiện ở trẻ có triệu chứng theo công thức (thể tích trao đổi tính bằng mL): (Hct-55) x trọng lượng (kg) x 80 /Hct. Vấn đề vàng da cần được theo dõi, khám đánh giá vàng da trẻ mỗi ngày, tùy theo mức độ vàng da trên lâm sàng. Điều trị khi có có chỉ định (theo phác đồ).

Tầm soát, theo dõi và điều trị bệnh lý tim mạch, việc siêu âm trước sinh đóng vai trò quan trọng trong việc theo dõi giải phẫu và chức năng tim thai, chẩn đoán dị tật tim. Trẻ sơ sinh của mẹ đái tháo đường thai kỳ nên được siêu âm tim khi có các dấu hiệu lâm sàng khi sinh liên quan đến dị tật tim bẩm sinh (tím tái, có âm thổi) hoặc bệnh cơ tim.

Khám, chẩn đoán và điều trị sang chấn (gãy xương đòn, liệt đám rối thần kinh cánh tay), cần chăm sóc, điều trị sang chấn đối với vấn đề gãy xương đòn, liệt đám rối thần kinh cánh tay (theo phác đồ).

Về phòng ngừa giảm nguy cơ bệnh lý trẻ sơ sinh con mẹ đái tháo đường thai kỳ, chăm sóc trước khi sinh là điều cần thiết để có một kết quả sức khỏe tốt cho bà mẹ khi bà mẹ mắc bệnh tiểu đường trong thai kỳ. Quản lý chế độ ăn uống cẩn thận, theo dõi đường huyết và điều trị bằng insulin khi có chỉ định có thể giúp giữ mức đường huyết của bà mẹ ở mức bình thường và giảm nhiều rủi ro cho con. Khám thai, tầm soát dị tật, ước lượng cân nặng trẻ sơ sinh, phương pháp sinh, chế độ chăm sóc theo dõi trẻ sau sanh phát hiện, chẩn đoán và điều trị bệnh lý.

Theo Hiệp hội Sản Phụ khoa Hoa Kỳ (ACOG) về GDM, khuyến cáo thảo luận về nguy cơ và lợi ích của việc sinh mổ theo kế hoạch với bệnh nhân mắc GDM và cân nặng thai nhi ước tính con to.

Đái tháo đường thai kỳ tăng 60% nguy cơ phát triển đái tháo đường type 2 trong 5-10 năm

Kết thúc chuyên đề với bài báo cáo “Theo dõi hậu sản đái tháo đường thai kỳ cần thiết nhưng hay bị bỏ quên”, BS.CK2 Nguyễn Xuân Vũ - Phó khoa Sản bệnh, Bệnh viện Hùng Vương chia sẻ, Theo Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA), tỷ lệ đái tháo đường toàn cầu ngày càng tăng, không chỉ đái tháo đường type 1, type 2 mà còn cả đái tháo đường thai kỳ ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.

Theo khảo sát của các bệnh viện chuyên khoa sản trên toàn quốc, trong giai đoạn từ năm 2001 - 2004 tỷ lệ đái tháo đường thai kỳ vào khoảng 3% - 4%. Tuy nhiên, đến năm 2012 tăng lên mức 20% trên tổng số thai phụ được khám tại các bệnh viện/cơ sở y tế chuyên khoa.

Tại Bệnh viện Hùng Vương, tỷ lệ đái tháo đường thai kỳ có xu hướng tăng dần trong những năm qua, từ 2,1% (1997) lên 4% (2007) và 11% (2008); trong khi tại Hà Nội là 5,7% (2004).

Vị chuyên gia thông tin thêm, theo ADA, đái tháo đường thai kỳ (GDM) là tình trạng đái tháo đường được chẩn đoán trong 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối trong thai kỳ (không phải đái tháo đường trước mang thai).

Đối với tình trạng đái tháo đường thời kỳ sau sinh, ông cho biết, đái tháo đường thời kỳ hậu sản là đái tháo đường thai kỳ, đã được chẩn đoán trong thời kỳ mang thai theo phân loại của ADA/ FIGO, được theo dõi trong giai đoạn hậu sản/ hậu phẫu.

Để theo dõi đường huyết trong thời gian hậu sản gần, cần lưu ý một số vấn đề sau:

Thứ nhất, nếu bệnh nhân đái tháo đường thai kỳ đáp ứng điều trị tiết chế, nên ngưng theo dõi đường huyết sau sinh. Thứ hai, những trường hợp đái tháo đường thai kỳ có dùng Insulin, chỉ nên dùng trong lúc mang thai hoặc dùng trước khi mang thai.

Đối với những trường hợp đái tháo đường có dùng Insulin trong lúc mang thai, phải lưu ý, sau khi sổ nhau, ngưng insulin truyền tĩnh mạch; tự đo đường huyết hoặc theo dõi glucose liên tục (SMBG/CGM) cho đến khi sản phụ ăn uống được; mục tiêu đường huyết là 4 - 10 mmol/l cho sản phụ có dùng Metformin trước mang thai. Đối với các thuốc viên khác thì mục tiêu đường huyết là 6 - 10 mmol/l; sản phụ GDM cần theo dõi SMBG/CGM/24 giờ trước ăn và sau ăn để tầm soát đái tháo đường type 2 mới phát hiện.

Sau khi sổ nhau, liều insulin nên giảm 25% so với tam cá nguyệt thứ nhất hay 50% so với tam cá nguyệt thứ nhì và thứ ba; giảm 50% liều insulin đang truyền ngay sau khi sinh. Khi sản phụ ăn uống lại được thì mới bắt đầu lại liều insulin tiêm dưới da. Nên ngưng truyền insulin tĩnh mạch 30 - 60 phút trước mũi tiêm insulin dưới da đầu tiên sau khi sinh; mục tiêu đường huyết là 6 - 10 mmol/l cho sản phụ có dùng insulin trước mang thai.

BS.CK2 Nguyễn Xuân Vũ đưa ra các khuyến cáo trong giai đoạn hậu sản, cụ thể: khi sản phụ được phép ăn uống, insulin trước bữa ăn vẫn được duy trì; khi sản phụ chưa ăn uống được cần ngưng insulin trước bữa ăn. Insulin nền (human và analog) vẫn có thể tiếp tục. Phụ nữ cho con bú thường rất dễ bị hạ đường huyết, mục tiêu SMBG/CGM trước mỗi lần cho bú và trước khi ngủ là đường huyết > 6mmol/l. Sản phụ đái tháo đường type 2 (có dùng metformin) vẫn có thể cho con bú.

Về theo dõi đường huyết trong thời gian hậu sản gần. Thứ nhất, đường huyết mục tiêu lúc đói là <126mg/dl, trong đó, chia thành 2 trường hợp. Một là mẹ đái tháo đường có điều trị insulin trước sinh, nên ngừng Insulin ngay sau sinh/ sau mổ; theo dõi đường huyết 4 lần/ngày nếu đã ăn uống lại (bao gồm đường huyết lúc đói trước 3 bữa ăn và trước khi đi ngủ), và theo dõi đường huyết mỗi 6 giờ nếu mổ sinh, chưa ăn uống lại. Hai là mẹ đái tháo đường có đáp ứng chế độ ăn tiết chế, nên ngừng theo dõi đường huyết sau sinh.

Thứ hai, đối với đường huyết trước ăn, chia thành 3 mục tiêu. Nếu đường huyết trước ăn <72 mg/d (< 4 mmol/L), cần truyền glucose 5% 500ml đường tính mạch và tiếp tục theo dõi đường huyết, nếu đường huyết ≥ 72 mg/dL (4 mmol/L) và sản phụ đã ăn uống được, nên ngưng truyền tĩnh mạch.

Nếu đường huyết trước ăn 72 - 126 mg/dL (4 - 7 mmol/L), ngưng theo dõi đường huyết 24 giờ sau sinh. Nếu đường huyết trước ăn >126 mg/dL (> 7mmol/L), tiếp tục theo dõi đường huyết. Sử dụng insulin giảm 50% liều nếu có chỉ định (chỉ định sử dụng insulin sau sanh khi đái tháo đường thật sự hoặc khi glucose huyết tương > 11,1 mmol/L, khởi đầu lại giảm nửa liều, sau đó tăng dần liều trở về liều bình thường sau khoảng 4 - 5 ngày).

Đề cập đến vấn đề đái tháo đường thời kỳ sau sinh, chuyên gia cho biết, đái tháo đường thai kỳ làm tăng 50 - 60 % nguy cơ phát triển thành đái tháo đường type 2 trong vòng 5 - 10 năm. Trẻ em từ thai kỳ có đái tháo đường, tăng nguy cơ béo phì và khởi phát sớm bệnh lý đái tháo đường trong thời thơ ấu và thanh thiếu niên.

Về tầm soát đái tháo đường thời kỳ hậu sản, chuyên gia đã đưa ra một số khuyến cáo của các hiệp hội. Cụ thể, theo ADA năm 2023, ACOG năm 2018 làm theo hướng dẫn quốc gia, khuyến cáo tầm soát ở giai đoạn 4-12 tuần, theo NICE khuyến cáo tầm soát ở giai đoạn 6 tuần. Hiện tại, theo hướng dẫn quốc gia cập nhật mới nhất, khuyến cáo 4-12 tuần.

Phương tiện tầm soát theo tiêu chuẩn trên, theo ADA là sử dụng tiêu chuẩn chẩn đoán đái tháo đường không mang thai, còn với ACOG, sử dụng đường huyết đói và nghiệm pháp dung nạp glucose 75g - 2 giờ.

Về tiêu chuẩn chẩn đoán đái tháo đường ở người không mang thai, đầu tiên là dựa vào đường huyết đói với điều kiện phải nhịn ăn trong 8 tiếng. Hoặc sử dụng nghiệm pháp dung nạp glucose 2 giờ sau ăn, nếu ≥ 200 mg/dL (11,1 mmol/L) chẩn đoán đây là đái tháo đường còn dưới 200 mg/dL, chẩn đoán tiền đái tháo đường. Xét nghiệm phải được thực hiện theo mô tả của WHO, sử dụng lượng glucose tương đương 75g glucose khan hòa tan trong nước.

Ngoài ra, có thể sử dụng kết quả xét nghiệm HbA1C hoặc bệnh nhân có các triệu chứng điển hình của tăng đường huyết/ cơn tăng đường huyết với nồng độ glucose huyết tương bất kỳ ≥ 200 mg/dL (11,1 mmol/L), được chẩn đoán là đái tháo đường.

BS.CK2 Nguyễn Xuân Vũ - Phó khoa Sản bệnh, Bệnh viện Hùng Vương

Về quản lý đái tháo thời kỳ hậu sản, thứ nhất, cần trì hoãn các yếu tố nguy cơ có liên quan đái tháo đường. Trong đó, các yếu tố nguy cơ diễn tiến đái tháo đường type 2 như: tuổi, BMI, chu vi vòng bụng, tăng huyết áp, tiền sử gia đình có người mắc bệnh đái tháo đường, đường huyết tương đối cao.

Hướng dẫn bệnh nhân điều chỉnh lối sống, giảm tình trạng béo phì. Theo một nghiên cứu cho rằng, giảm cân sẽ giảm nguy cơ phát triển GDM trong lần mang thai tiếp theo, và sự phát triển đái tháo đường type 2 cao hơn 18% trên mỗi đơn vị tăng BMI trước mang thai trong đó. Bên cạnh đó, cần giáo dục các biện pháp thay đổi lối sống như giảm cân thông qua can thiệp dinh dưỡng và vận động. Tạo điều kiện xây dựng môi trường hoạt động thể chất, như công viên an toàn với không gian mở; xây dựng mô hình cửa hàng thực phẩm lành mạnh, giá cả phải chăng; điều chỉnh chế độ ăn uống và công thức nấu ăn phù hợp hơn cho việc phòng ngừa bệnh tiểu đường; đặc biệt, khuyến khích cho con bú ít nhất 6 tháng.

Cần theo dõi, phát hiện sớm và điều trị các rối loạn chuyển hoá liên quan đến béo phì và đề kháng insulin như: hội chứng buồng trứng đa nang, ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn, bệnh lý viêm gan nhiễm mỡ không do rượu, tăng lipid máu và tăng huyết áp.

Chuyên gia đưa ra thông tin về kế hoạch tránh thai sau thai kỳ GDM, tất cả các cá nhân GDM giai đoạn sau sinh, nên xem xét các lựa chọn kế hoạch hóa gia đình đều đặn, để đạt được mục tiêu đường huyết, ngăn ngừa dị tật bẩm sinh và giảm nguy cơ biến chứng. Đồng thời, lựa chọn biện pháp tránh thai tương tự như phụ nữ không GDM.

Liệu pháp metformin cho phụ nữ tiền sử mắc GDM, bác sĩ Xuân Vũ chia sẻ, những người bị thừa cân/béo phì và có tiền sử đái tháo đường thai kỳ bị tiền đái tháo đường nên được can thiệp lối sống bằng metformin để ngăn ngừa đái tháo đường.

Thứ hai, quản lý và theo dõi trẻ em sinh ra từ một thai kỳ đái tháo đường. Về quản lý và theo dõi trẻ em sinh ra từ một thai kỳ đái tháo đường đối với trẻ mới sinh, cần lau khô, giữ ấm; cho trẻ sơ sinh tiếp xúc da kề da với mẹ ngay khi vừa sinh ra; cho bú sớm trong 30 - 60 phút sau khi chào đời và mỗi ≤ 3 giờ. Cần thử đường huyết trẻ sơ sinh, khả năng trẻ bị hạ đường huyết nhiều hơn nhóm trẻ bình thường, thử đường huyết sau sinh 2 giờ, nếu <40 mg/dl gửi nhi, nếu 40-50 mg/dl cho bú và thử lại sau 1 giờ, nếu >50 mg/dl không cần thử lại.

Về quản lý và theo dõi trẻ em sinh ra từ một thai kỳ đái tháo đường trong tương lai, theo nghiên cứu Mayer-Davis EJ cho thấy việc cho con bú có liên quan đến việc giảm béo phì ở trẻ em và giảm sự phát triển của ĐTĐ type 2 trong thời thơ ấu. Cho con bú ít nhất 6 tháng có tác dụng bảo vệ đối với chứng béo phì ở trẻ em có mẹ ĐTĐ thai kỳ (FIGO). Bên cạnh đó, thay đổi lối sống để giảm béo phì trong thời thơ ấu. Đồng thời, theo dõi định kỳ nồng độ glucose đói hoặc HbA1C, đặc biệt ở trẻ thừa cân và béo phì.

Những thuận lợi và khó khăn trên thực tế khi quản lý đái tháo đường thai kỳ giai đoạn hậu sản cũng được vị chuyên gia đề cập. Theo đó, đối với y tế, chưa có sự quản lý chặt chẽ về tầm soát đái tháo đường thời kỳ hậu sản; thiếu sự quan tâm và phối hợp chuyên môn giữa bác sĩ sản khoa và nhà cung cấp dịch vụ xét nghiệm sàng lọc; thiếu sự tích cực chăm sóc liên tục trong thời kỳ hậu sản; chưa có nhiều chương trình sàng lọc quốc gia được tài trợ.

Đối với bản thân, gia đình và cộng đồng, phải nhận thức chưa đầy đủ về nguy cơ đái tháo đường type 2 trong tương lai; phần lớn sản phụ không quay lại thăm khám sàng lọc sau sinh vì nhiều lý do; thiếu sự chăm sóc hỗ trợ từ gia đình, hỗ trợ cộng đồng (chẳng hạn như các tổ chức đái tháo đường thai kỳ và chăm sóc sức khỏe phụ nữ còn hạn chế); trình độ học vấn, kinh tế, phụ thuộc tài chính.

Qua đó, vị chuyên gia nhấn mạnh, cần xây dựng mô hình phối hợp quản lý đái tháo đường thời kỳ hậu sản giữa bác sĩ sản khoa, bản thân, gia đình và cộng đồng.

Đại diện Bệnh viện Hùng Vương trao chứng nhận cho các báo cáo viên

Chương trình Tập huấn tiền hội nghị - chuyên đề “Quản lý đái tháo đường thai kỳ: Hiệu quả và an toàn” nằm trong khuôn khổ Hội nghị Khoa học thường niên lần IX của Bệnh viện Hùng Vương.

Với chủ đề “Góc nhìn mới bệnh lý phụ khoa thai kỳ nguy cơ cao”, chương trình tập huấn tiền hội nghị đã xây dựng 2 chuyên đề “Quản lý đái tháo đường thai kỳ: hiệu quả và an toàn” và “Cập nhật những tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị tổn thương sàn chậu ở phụ nữ” với 14 bài báo cáo, thực hành 3 ca lâm sàng, mỗi chuyên đề có cấp CME (3 giờ tín chỉ) cho học viên tham dự đầy đủ và làm post-test.

 

>>> Hội nghị Khoa học thường niên BV Hùng Vương: 63 bài báo cáo, quy tụ chuyên gia hàng đầu về Sản Phụ khoa trong nước và quốc tế

>>> Từ sàng lọc chẩn đoán đến chăm sóc và quản lý thai phụ đái tháo đường thai kỳ

>>> Điều trị insulin và kết thúc thai kỳ sớm ở thai phụ đái tháo đường thai kỳ

>>> Cập nhật những tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị tổn thương sàn chậu, nâng cao chất lượng cuộc sống người phụ nữ

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X