Hotline 24/7
08983-08983

Số người mắc và chết vì thừa cân béo phì nhiều hơn so với thiếu dinh dưỡng

Đó là nhận định của BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp trong báo cáo “Béo phì: Gánh nặng sức khỏe toàn cầu và cập nhật chiến lược can thiệp từ phòng khám đến cộng đồng” tại Hội nghị Khoa học thường niên 2024 của Hội Y học. Chuyên gia cho biết, liệu pháp dinh dưỡng và lối sống là nền tảng của tất cả phương pháp. Tiếp cận điều trị phải cá thể hóa và đa chuyên khoa để đạt được kết quả bền vững.

Béo phì là đại dịch toàn cầu, chi phí điều trị y tế rất lớn

BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp - Phó Chủ tịch Hội Y học TPHCM - Chủ tịch LCH Dinh dưỡng - Thực phẩm TPHCM giải thích béo phì là một bệnh lý mạn tính phức tạp, được xác định bởi tình trạng thừa mỡ quá mức và có thể làm suy giảm sức khỏe. Trong hầu hết các trường hợp, béo phì là một bệnh đa yếu tố do môi trường, các yếu tố tâm lý xã hội và các biến thể di truyền. Trong mỗi phân nhóm bện nhân, có thể xác định được các yếu tố nguyên nhân chính (dinh dưỡng, bệnh lý, bất động...). Béo phì được xác định khi chỉ số khối cơ thể BMI ≥ 30kg/m2 ở người trưởng thành.

BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp - Phó Chủ tịch Hội Y học TPHCM - Chủ tịch LCH Dinh dưỡng - Thực phẩm TPHCM thông tin, béo phì đã được WHO chính thức coi là một bệnh lý mạn tính, đa yếu tố và là tác nhân gây ra nhiều bệnh tật khác

Béo phì đang tăng nhanh và trẻ hóa trên toàn thế giới và tại Việt Nam. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Liên đoàn Béo phì Thế giới (WOF), năm 2023, có 39% người trưởng thành thừa cân và 13% bị béo phì.

Tình trạng thừa cân béo phì được cảnh báo gia tăng và trẻ hóa trên toàn cầu. Số người bị thừa cân béo phì sống tại các nước có thu nhập trung bình và thấp đã vượt xa các nước có thu nhập cao.

Theo dự đoán của WHO và WOF, khoảng 51% người trưởng thành (khoảng 4 tỷ người) phải sống chung với thừa cân béo phì vào năm 2035. Khi đó, những hậu quả tổng thể của béo phì sẽ vượt lên hàng đầu trong gánh nặng sức khỏe toàn cầu và cũng là lý do chính khiến béo phì được xem là “đại dịch” mới của thế kỷ 21.

Việt Nam cũng không thoát khỏi đại dịch này, số lượng người béo phì tăng nhanh trong 10 năm gần đây. Theo điều tra STEP của Bộ Y tế, từ khoảng 10,5% năm 2010, đến năm 2021 đã có đến 21% người trưởng thành bị thừa cân béo phì.

Béo phì là thủ phạm của hơn 200 bệnh lý như tăng huyết áp, tim mạch, đột quỵ, đái thái đường, rối loạn lipid máu, thoái hóa khớp, gan nhiễm mỡ, nhiều bệnh ung thư, rối loạn cảm xúc, sức khỏe tâm thần,... “Số người mắc và chết vì thừa cân béo phì còn nhiều hơn so với thiếu dinh dưỡng” - BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp nhấn mạnh.

Chi phí điều trị y tế cho béo phì rất lớn. Tác động kinh tế toàn cầu của thừa cân béo phì lên đến 4,32 nghìn tỷ USD, tương đương 3% tổng GPD toàn cầu nếu các biện pháp phòng ngừa và điều trị không được cải thiện vào năm 2035. Tại Việt Nam, gánh nặng y tế của thừa cân béo phì ước tính khoảng 469 triệu USD vào năm 2025, chiếm khoảng 1,4% GPD quốc gia.

Giải pháp phòng ngừa và điều trị béo phì

WHO nhấn mạnh, các chính sách của hệ thống y tế đối với béo phì gồm: cam kết chính trị cấp cao đầu tư vào chăm sóc sức khỏe toàn dân, tăng tài chính công cho y tế; đầu tư vào năng lực cán bộ y tế; giám sát và thu thập dữ liệu; huy động sự tham gia và thúc đẩy hành động cộng đồng; phát triển kỹ năng cá nhân. Đồng thời, củng cố các chính sách công liên quan đến giải quyết các yếu tố xã hội, thương mại và môi trường quyết định đến sức khỏe.

Hệ thống y tế tham gia điều trị béo phì phải phối hợp giữa bệnh viện và phòng khám, trong đó trung tâm là phòng khám để đảm bảo khả năng tiếp cận và theo dõi điều trị. BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp nhấn mạnh, cần phối hợp hài hòa giữa các cơ quan, tổ chức, người mắc bệnh, gia đình và cộng đồng.

Mục tiêu điều trị béo phì là ngăn ngừa và điều trị các biến chứng liên quan đến béo phì và tình trạng béo phì để cải thiến sức khỏe tổng thể cũng như chất lượng cuộc sống. 3 phương pháp điều trị chính là dinh dưỡng và lối sống, thuốc, phẫu thuật. Việc chọn lựa phương pháp điều trị tùy thuộc vào đặc điểm của từng bệnh nhân và mức độ nghiêm trọng của bệnh.

4 trụ cột trong điều trị béo phì

Hiệu quả can thiệp lối sống giúp giảm cân khoảng 5 - 10%, thuốc giảm 5 - 15% và phẫu thuật giảm 12 - 30%. Tiếp cận điều trị đa phương thức mà không phẫu thuật giúp giảm cân khoảng 15 - 25%, được xem là hiệu quả nhất.

BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp cho biết: “Mặc dù có rất nhiều kiểu ăn điều trị béo phì được mô tả rất thần kỳ nhưng chỉ có một vài chế độ ăn đạt được nhiều đồng thuận là hiệu quả, an toàn và bền vững, tập trung vào việc đạt được sức khỏe tốt hơn và kiểm soát cân nặng nhiều hơn”. Tất cả các hướng dẫn điều trị béo phì đều khuyến nghị liệu pháp dinh dưỡng và lối sống nên bao gồm 3 thành phần: kế hoạch bữa ăn, hoạt động thể lực và điều chỉnh hành vi.

Người thừa cân béo phì phải giảm tinh bột, giảm chất béo, tăng chất xơ nhưng vẫn phải cung câos đủ vitamin và chất khoáng. Nên hạn chế ăn sau 20h.

Điều trị bằng thuốc có thể giúp bệnh nhân duy trì sự tuân thủ, giảm nguy cơ sức khỏe liên quan đến béo phì, cải thiện chất lượng cuộc sống, phòng ngừa các bệnh đi kèm béo phì. Thuốc được xem xét để chỉ định cho bệnh nhân có BMI ≥ 30kg/m2 hoặc ≥ 27kg/m2 mà có các biến chứng liên quan đến béo phì nếu liệu pháp điều trị bằng dinh dưỡng và lối sống không đạt mục tiêu lâm sàng.

Thuốc điều trị béo phì có thể tác động trực tiếp lên hệ thần kinh trung ương và tác động giảm cân bằng các cản trở sự hấp thụ chất béo từ đường tiêu hóa.

BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp nhấn mạnh, việc lựa chọn phương pháp điều trị béo phì tùy thuộc vào đặc điểm của từng bệnh nhân và mức độ nghiêm trọng của bệnh

Chuyên gia dinh dưỡng đề cập, phẫu thuật điều trị béo phì được chỉ định khi bệnh nhân béo phì nặng và thất bại trong các biện pháp khác. Một số phương pháp ngoại khoa được áp dụng nhiều như phẫu thuật đặt vòng thắt dạ dày,, phẫu thuật tạo hình dạ dày ống đứng, phẫu thuật nối tắt dạ dày... Mỗi phương pháp đều có ưu, nhược điểm riêng, nên tùy từng bệnh nhân để lựa chọn phương pháp phẫu thuật phù hợp.

BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp kết luận: “Hiện nay, Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia có mức độ tăng thừa cân béo phì cao nhất thế giới. Điều trị béo phì bằng can thiệp về dinh dưỡng  và lối sống, dùng thuốc, phẫu thuật là các phương pháp tối ưu, nhưng cần lấy phòng khám làm trung tâm”.

Hội nghị Khoa học thường niên của Hội Y học TPHCM là diễn đàn uy tín, nhận được sự quan tâm và mong chờ của tất cả các chuyên gia, bác sĩ, nhân viên y tế trên cả nước.

Năm 2024, với chủ đề "Cập nhật những thành tựu y học trong thực hành lâm sàng", hội nghị mang đến nhiều kiến thức hữu ích cho nhân viên y tế, đặc biệt là bác sĩ đa khoa, bác sĩ gia đình, giới thiệu những thành tựu đỉnh cao của các chuyên khoa.

Hội nghị đón nhận gần 200 y bác sĩ tham dự trực tiếp và hơn 800 y bác sĩ theo dõi trực tuyến.

>>> Đối phó bệnh nhiễm trùng cần các loại thuốc điều hòa các phản ứng miễn dịch trong cơ thể ký chủ

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X