Hotline 24/7
08983-08983

Các vấn đề thường gặp sau nội soi mũi xoang, chế độ dinh dưỡng phòng bệnh theo mùa

Tại phiên chuyên đề 2 của hội nghị khoa học Tai Mũi Họng (II) do Liên chi hội Tai Mũi Họng TPHCM tổ chức vào ngày 22/6/2024, các chuyên gia đã cập nhật nhiều thông tin hữu ích và có giá trị về một số vấn đề sau phẫu thuật nội soi mũi xoang; dinh dưỡng tăng cường miễn dịch phòng chống bệnh theo mùa; ứng dụng sụn tự thân kết hợp vạt trán có cuốn trong tái tạo mất toàn bộ tháp mũi.

Chăm sóc sau phẫu thuật nội soi mũi xoang chiếm đến 50% sự thành công trong điều trị

“Một số vấn đề thường gặp sau phẫu thuật nội soi mũi xoang” là chủ đề báo cáo của PGS.TS.BS Cao Minh Thành - Giám đốc Trung tâm Tai Mũi Họng & Phẫu thuật cấy ốc tai, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

“Phẫu thuật nội soi mũi xoang là một bước tiến dài trong phẫu thuật mũi xoang. Về lợi ích, có thể quan sát rõ và lấy sạch được tổ chức bệnh, ít xảy ra tai biến và thời gian nằm viện ngắn. Hạn chế của phẫu thuật nội soi mũi xoang là khi tổ chức bệnh ở góc khuất sẽ khó trong việc quan sát, phẫu trường hẹp và khó thao tác.

Khi phương pháp phẫu thuật nội soi mũi xoang xuất hiện đã mở ra cho các y, bác sĩ một tầm nhìn và khả năng đánh giá khác về bệnh lý nội soi trước đây như trong sách của các thầy/cô mô tả. Từ việc đánh giá quan điểm về bệnh của mũi xoang khác do đó dẫn đến hướng điều trị cũng sẽ khác”, PGS.TS.BS Cao Minh Thành thông tin.

PGS.TS.BS Cao Minh Thành - Giám đốc Trung tâm Tai Mũi Họng & Phẫu thuật cấy ốc tai, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội

Một số vấn đề thường gặp sau phẫu thuật nội soi mũi xoang là bệnh nhân thường phàn nàn về tình trạng ngạt mũi, đau nhức vùng mặt, đau đầu, chảy máu, rối loạn ngửi. Chảy máu là tình trạng bệnh nhân thường hay phàn nàn nhất, nhưng khi các bác sĩ thăm khám kỹ, đánh giá đây không phải là tình trạng chảy máu mà là những máu đọng lại bên trong các hốc mũi xoang. Bác sĩ có thể khai thác từ 3 - 4 tuần xem bệnh nhân có xì mũi ra những dịch màu nâu đen.

Các triệu chứng sau phẫu thuật mũi xoang, về viêm nề, sau phẫu thuật sẽ có triệu chứng ngạt mũi do tổn thương niêm mạc, dính tạm thời, cuốn vách ngăn hoặc cuốn vào mũi xoang. Dịch xuất tiết nếu không lấy được sẽ gây ứ đọng trong xoang và hốc mũi khiến cho người bệnh thở chủ yếu bằng miệng, ho ra đờm lẫn máu đen.

Khi người bệnh càng ho sẽ gây tăng áp lực trong hốc mũi, dẫn đến tăng xuất tiết dịch trong hốc mũi xoang. Tình trạng này dẫn người bệnh đến một vòng lặp gây rối loạn ngửi và đau đầu. Đây chính là vấn đề mà người bệnh lẫn các bác sĩ không mong muốn.

Để hạn chế di chứng sau phẫu thuật mũi xoang, theo PGS.TS.BS Cao Minh Thành, đầu tiên trong phẫu thuật cần hạn chế tổn thương niêm mạc đối xứng phẫu thuật, tuy nhiên điều này rất khó vì những hốc mũi có vẹo vách ngăn, khe giữa hay cuốn giữa có xoắn hơi. Hai là trường phẫu thuật cần đủ rộng. Ba là kiểm soát chảy máu tốt. Bốn là phẫu thuật viên cần có kinh nghiệm. Sau phẫu thuật, bác sĩ cũng như người bệnh cần hiểu được tầm quan trọng của việc chăm sóc hốc mổ sau phẫu thuật. Phẫu thuật chỉ đóng góp cho 50% sự thành công trong điều trị mũi xoang.

Sau phẫu thuật mũi xoang bệnh nhân đã chăm sóc hốc mũi bằng cách rửa và lấy sạch dịch tồn dư còn sót lại, trong vòng 5 - 7 ngày hoàn toàn giữ được hốc mũi không dính và sạch.

Kết thúc bài báo cáo, PGS.TS.BS Cao Minh Thành kết luận lại: “Để hạn chế di chứng sau phẫu thuật nội soi mũi xoang, chăm sóc tại chỗ sau phẫu thuật đóng một vai trò rất quan trọng, phải được thực hiện bởi bác sĩ bác sĩ Tai Mũi Họng. Các y, bác sĩ cần giải thích cho người bệnh hiểu về tầm quan trọng của chăm sóc hốc mổ sau phẫu thuật. Việc chăm sóc sau phẫu thuật chiếm đến 50% sự thành công trong điều trị.

Để hạn chế biến chứng cho bệnh nhân, đầu tiên là người bác sĩ nên có kỹ năng đọc phim. Hai là cần có dụng cụ, thiết bị phẫu thuật. Thứ ba là sử dụng navigatiion. Cuối cùng là kiểm soát tốt chảy máu trong phẫu thuật cho bệnh nhân”.

Dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng trong việc giúp cơ thể tăng cường hệ miễn dịch phòng chống bệnh theo mùa

Đề cập đến vấn đề “Dinh dưỡng tăng cường miễn dịch phòng chống bệnh theo mùa”, ThS.BS.CK2 Nguyễn Viết Quỳnh Thư - Trưởng khoa dinh dưỡng và Tiết chế, Bệnh viện FV chia sẻ:“Bệnh theo mùa là những bệnh xuất hiện khi thời tiết thay đổi thất thường. Sự dao động nhiệt độ ảnh hưởng đến hệ miễn dịch và tạo điều kiện cho vi khuẩn, vi rút phát triển mạnh. Những bệnh hô hấp thường gặp vào giai đoạn giao mùa bao gồm cảm cúm, viêm mũi họng, viêm phế quản, viêm phổi và các bệnh mạn tính dễ tái phát… Những đối tượng nhạy cảm, dễ mắc bệnh khi thời tiết giao mùa là trẻ em, phụ nữ mang thai (đặc biệt trong 3 tháng đầu của thai kỳ) và người cao tuổi”.

Để có một sức khỏe tốt, hệ miễn dịch khỏe mạnh, dinh dưỡng đóng một vai trò quan trọng nhất. Đặc biệt là chế độ dinh dưỡng hợp lý, nghĩa là cần đảm bảo cơ thể có đủ năng lượng mỗi ngày, calorie đáp ứng với nhu cầu hoạt động cũng như cơ thể của từng người. Bên cạnh đó là sự cân đối về mặt dinh dưỡng trong các thành phần đạm, béo, chất bột đường, các loại vitamin - khoáng chất đảm bảo đủ nước, chất xơ và probiotic.

ThS.BS.CK2 Nguyễn Viết Quỳnh Thư - Trưởng khoa dinh dưỡng và Tiết chế, Bệnh viện FV

Để tăng cường hệ miễn dịch, chúng ta nên tăng cường bổ sung các loại thực phẩm có chứa các chất dinh dưỡng quan trọng giúp cải thiện và nâng cao hệ miễn dịch như protein (chất đạm); omega 3 (acid béo không no thiết yếu); vitamin A, vitamin C, vitamin E, vitamin D; selen, sắt và kẽm…

Protein trong chế độ ăn uống được xem là thành phần thiết yếu trong việc hỗ trợ tăng cường hệ thống miễn dịch, cũng như trong việc phòng ngừa và điều trị các bệnh nhiễm trùng. Khuyến nghị về protein, đối với người trưởng thành khỏe mạnh, chúng ta cần đạt mức protein ít nhất là 0,8g/ kg/ngày. Đối với những đối tượng suy dinh dưỡng, có hệ miễn dịch kém và có nguy cơ mắc những bệnh lý theo mùa thì mức protein có thể tăng cao từ 1 - 1,5g/kg/ngày.

Có rất nhiều bằng chứng và các nghiên cứu liên quan đến các vi chất đinh dưỡng, đặc biệt là vitamin và khoáng chất trong việc hỗ trợ và tăng hệ miễn dịch của cơ thể. Đầu tiên là vitamin A, giúp tăng cường chức năng miễn dịch (điều tiết phản ứng miễn dịch tế bào và miễn dịch dịch thể). Thiếu vitamin A sẽ gây ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng của lympho T và B, giảm chức năng của bạch cầu trung tính, đại thực bào và NK.

Kế đến là vitamin D, theo WHO, chế độ ăn chỉ cung cấp 10 - 20% lượng vitamin D dự trữ ở người lớn. Thiếu hụt vitamin D có thể làm giảm miễn dịch bẩm sinh và tăng nguy cơ nhiễm trùng. Việc bổ sung vitamin D hàng ngày làm giảm nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp cấp ở cả trẻ em và người trưởng thành. Tuy nhiên, theo một thống kê cho thấy, mặc dù Việt Nam là một nước nhiệt đới, nắng quanh năm nhưng khi ra đường có thể thấy người dân nước ta ai cũng đều che chắn rất kỹ khi ra ngoài. Do đó, thống kê cho thấy nữ giới Việt Nam, đặc biệt ở khu vực TPHCM có 46% người thiếu vitamin D và ở nam giới là 20%.

Chính vì vậy, các chuyên gia cũng khuyến cáo rằng mọi người nên tiếp xúc với ánh nắng nhiều hơn, nghĩa là cho da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời khoảng 15 - 30 phút mỗi ngày và cũng nên tăng cường bổ sung những loại thực phẩm giàu vitamin D trong bữa ăn như gan cá, lòng đỏ trứng, cá béo,...

Một loại vi chất cũng quan trọng không kém đó là vitamin E, giúp tăng cường hệ thống miễn dịch và chống lại các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn và virus thông qua hoạt động chống oxy hóa mạnh mẽ và duy trì tính toàn vẹn của màng tế bào T, theo ThS.BS.CK2 Nguyễn Viết Quỳnh Thư. Thực phẩm giàu vitamin E gồm các loại hạt như hướng dương, các sản phẩm từ đậu nành, lúa mì, giá đỗ, rau mầm,…

Khi nhắc đến tăng cường hệ miễn dịch, các bác sĩ đều sẽ không quên nhắc đến vitamin C, vì nó giúp ngăn ngừa và điều trị nhiễm khuẩn hô hấp bằng cách tăng cường chức năng tế bào miễn dịch khác nhau. ThS.BS.CK2 Nguyễn Viết Quỳnh Thư nhấn mạnh, cần cung cấp 100 - 200mg/ngày, giúp dự phòng, nhưng liều điều trị nhiễm trùng đòi hỏi cao hơn. Nên sử dụng vitamin C trên các bệnh nhân lớn tuổi nhiễm khuẩn hô hấp cấp. Nguồn thực phẩm giàu vitamin C từ hoa quả, trái cây và rau củ tươi như cam, quýt, bưởi, ổi, đu đủ, xoài, táo, nho, kiwi, súp lơ, củ cải, ớt chuông, rau chân vịt,…

Sắt và kẽm cũng là hai loại khoáng chất quan trọng không kém trong việc tăng cường hệ miễn dịch. Việc thiếu kẽm sẽ gây ảnh hưởng lên hệ thống miễn dịch, gây ra các bệnh lý liên quan đến tự miễn, dị ứng, tăng nhạy cảm,… hoặc dễ mắc các bệnh truyền nhiễm. Việc bổ sung kẽm đầy đủ có thể khôi phục được hệ thống miễn dịch của cơ thể. Các loại thịt gia cầm (gà…) và các loại động vật có vỏ và hải sản như hàu, cua, sò,… là nguồn cung cấp kẽm vô cùng phong phú.

Tiếp đến chuyên gia đề cập đến selen, khi hấp thu đầy đủ sẽ giúp cải thiện khả năng miễn dịch và làm giảm tình trạng viêm, chống oxy hóa. Nguồn cung cấp selen là các loại thực phẩm như quả hạch Brazil, hạt hướng dương, cá hồi, cá mòi, hải sản, tôm, thịt bò, trứng, yến mạch…

Chuyên gia cho biết: “Trong mỗi chúng ta chắc chắn ai cũng sẽ biết về lợi ích của axit béo Omega 3, có thể tăng cường hệ thống miễn dịch thông qua các cơ chế khác nhau như cải thiện hoạt động của tế bào B, giảm cytokine, giảm eicosanoid gây viêm, tăng thực bào, bảo vệ tế bào chống lại các tổn thương oxy hóa. Omega 3 có trong các sản phẩm như dầu cá, cá hồi, cá basa, cá bơn, cá trích, cá ngừ,…”.

Cuối cùng là vi chất beta glucan, đóng vai trò rất tốt cho hệ miễn dịch vì hoạt động lên nhiều thụ thể màng tế bào miễn dịch. Beta glucan giúp tăng cường đáp ứng miễn dịch bẩm sinh và miễn dịch thích nghi. Các chuyến gia khuyến cáo, liều dùng buta glucan là 100 - 500mg/ngày, giúp kích thích hệ thống miễn dịch. Có thể dùng thực phẩm từ nấm men, vỏ cám yến mạch, lúa mì, tảo biển,… giúp bổ sung thêm buta glucan cho cơ thể.

ThS.BS.CK2 Nguyễn Viết Quỳnh Thư đi đến kết luận: “Một số chất dinh dưỡng bao gồm protein trong chế độ ăn uống, axit béo omega 3, vitamin A, vitamin D, vitamin E, vitamin C, sắt, kẽm, selen… có tác dụng quan trọng đối với hệ thống miễn dịch. Chế độ ăn lành mạnh cần cung cấp đủ và hợp lý các chất dinh dưỡng theo nhu cầu khuyến nghị (RDA).

Đặc biệt, những đối tượng nguy cơ cao đối với các bệnh lý theo mùa hoặc đang trong giai đoạn nhiễm bệnh theo mùa, có thể bổ sung thêm các chất dinh dưỡng hỗ trợ miễn dịch để đáp ứng đủ nhu cầu khuyến nghị”.

Ứng dụng sụn tự thân kết hợp vạt trán có cuốn trong tái tạo mất toàn bộ tháp mũi

Đây là nội dung bài báo cáo của TS.BS Ngô Văn Công - Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Chợ Rẫy. Chuyên gia cho biết: “Mũi của mỗi chúng ta nằm ngay vị trí trung tâm, khi tiếp xúc, tiếp cận với một người, ánh nhìn đầu tiên sẽ hướng về mắt, mũi, miệng. Do đó khi gặp phải một tổn thương nhỏ ở vùng mũi sẽ có nhiều phương pháp để tái tạo lại, đặc biệt là trong trường hợp mất toàn bộ tháp mũi”.

Ngoài chức năng thở và giữ ấm, giữ ẩm giống như một chiếc máy “điều hòa”, mũi khi gặp tổn thương dù nhỏ hay lớn sẽ gây mất chức năng vốn có của nó. Bên cạnh đó, khi bị tổn thương ở mũi, về mặt thẩm mỹ sẽ khiến cho người bệnh mất tự tin, ngại giao tiếp với xã hội, chất lượng cuộc sống giảm đi, một số trường hợp còn dẫn đến trầm cảm. Chính vì vậy, ứng dụng sụn tự thân kết hợp vạt trán có cuốn trong tái tạo mất toàn bộ tháp mũi rất cần thiết đối với một chuyên gia, đặc biệt là đối với chuyên ngành Tai Mũi Họng.

TS.BS Ngô Văn Công - Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Chợ Rẫy

TS.BS Ngô Văn Công chia sẻ: “Khi người bệnh mất toàn bộ tháp mũi sẽ làm mất nhiều tiểu đơn vị, vì vậy việc tái tạo sẽ gặp nhiều khó khăn hơn so với mất một phần nhỏ, một ít tiểu đơn vị. Đặc biệt, cấu trúc của mũi gồm 3 lớp chính. Lớp ngoài cùng được bao phủ bởi những lớp da dày, phía trong là phần khung, được cấu tạo từ xương và sụn, được lót một lớp niêm mạc ở phía trong.

Chính vì vậy, 3 lớp chính này cấu tạo nên một thế giới niêm mạc giống như chức năng của “máy lạnh”, có thể làm ấm, làm lạnh và lọc… Phần xương và sụn cấu tạo thành một khung để khi có một áp lực đi qua, nó không bị co lõm và biến dạng và phần da bên ngoài là phần để bảo vệ mũi. Do đó, khi một trong 3 phần cấu tạo nên mũi bị tổn thương hoặc mất đi, chúng ta phải tái tạo lại tương tự cấu trúc ban đầu của mũi”.

Do phần niêm mạc mất toàn bộ tháp mũi nên việc quay niêm mạc, những cuốn mũi vào sẽ rất hạn chế. Vì vậy, có một dạng niêm mạc là niêm mạc mũi vách ngăn, dạng niêm mạc này rất rộng, có thể kéo dài từ 4 - 5cm2, do đó có thể kéo lên để tái tạo lại phần vách ngăn và phần niêm mạc bên trong hốc mũi.

Do cấu trúc bằng phần sống mũi, sụn và xương cộng với phần trụ mũi. Như vậy việc tái tạo cần những vật liệu tương đồng như vậy. Thứ nhất là có thể lấy bảng xương như xương trán hoặc xương thái dương, tuy nhiên sẽ gặp khó khăn trong việc tái tạo. Vật liệu thứ hai có thể sử dụng để tái tạo chính là sụn sườn, điêu khắc dễ dàng hơn trong việc tái tạo lại tháp mũi và cũng phù hợp với cấu trúc con người. Thứ ba là sụn vành tai, loại vật liệt này có đường cong phù hợp với những cánh mũi, hình dạng và sinh lý hơn. Vì vậy, phần sụn vành tai được sử dụng trong việc tái tạo phần alar của mũi.

Về phần da phủ bên ngoài, do mất toàn bộ tháp mũi nên cần một phần da rộng, chúng ta có thể trượt hai bên nhưng không đủ để che, vì vậy cần một vạt có cuốn gần tại chỗ như vạt da trán. Chính vì vậy, trong trường hợp này chúng tôi đã ứng dụng vừa sụn tự thân gồm có sụn sườn, sụn vành tai và vạt da trán để tái tạo lại phần đã mất của toàn bộ tháp mũi.

Ứng dụng sụn tự thân kết hợp vạt trán có cuốn trong tái tạo mất toàn bộ tháp mũi đem lại hiệu quả tạo hình mất toàn bộ tháp mũi. Việc can thiệp phẫu thuật sẽ tùy vào kỳ vọng của bệnh nhân, cần dựa vào nhiều yếu tố như sức khỏe, chất lượng da… của người bệnh.

Việc ứng dụng can thiệp tái tạo còn dựa vào chẩn đoán mất chất vùng mũi (các tiểu đơn vị, lớp mô, cấu trúc bên trong) kết hợp với đánh giá chất liệu cho vùng mất chất. Tuy nhiên, khi các bác sĩ thực hiện thành công sẽ mở rộng ra các hướng cho việc điều trị bệnh” - TS.BS Ngô Văn Công kết luận.

>>> Nội soi là trợ thủ nối dài tầm mắt người thầy thuốc trong Tai Mũi Họng

>>> Các giải pháp hữu hiệu điều trị bệnh lý tai mũi họng trong điều kiện khí hậu Việt Nam

>>> Cập nhật các phương pháp tiềm năng trong điều trị bệnh lý tai mũi họng

>>> Can thiệp đúng trong cấy ốc tai điện tử và điều trị ngưng thở khi ngủ; xử trí tai biến trong phẫu thuật nội soi xoang

>>> Phòng và điều trị dị ứng hô hấp trong bối cảnh nóng lên toàn cầu

>>> Khảo sát các yếu tố ảnh hưởng người bệnh trước phẫu thuật và kỹ thuật rửa mũi xoang

>>> Yếu tố ảnh hưởng kết quả tầm soát nghe kém và tầm quan trọng của giáo dục sức khỏe

>>> Vai trò của truyền thông trong khám và điều trị các bệnh lý tai mũi họng hiện nay

Hội nghị Khoa học Tai - Mũi - Họng 2024 - II với chủ đề “Cập nhật chẩn đoán và điều trị hiệu quả bệnh lý Tai - Mũi - Họng trong môi trường khí hậu Việt Nam” diễn ra tại TPHCM vào ngày 22/6/2024, với 27 bài báo cáo xuyên suốt trên 4 phiên (1 phiên toàn thể, 2 phiên chuyên đề và 1 phiên điều dưỡng), được trình bày bởi các báo cáo viên là Chủ tịch, Phó chủ tịch các Hội Tai Mũi Họng Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, Hội Tai Mũi Họng tỉnh Khánh Hòa, LCH Tai Mũi Họng TPHCM, LCH Da liễu TPHCM, LCH Phẫu thuật đầu cổ TPHCM cùng giảng viên các trường Đại học, trưởng khoa các bệnh viện…

Ngoài ra, hội nghị còn có 2 tọa đàm về vấn đề thời sự: Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu lên bệnh lý dị ứng hô hấpẢnh hưởng của ô nhiễm không khí đến bệnh lý mũi xoang cùng một số giải pháp.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X