Hotline 24/7
08983-08983

Thoát vị đĩa đệm: Căn bệnh dễ nhầm lẫn và biến chứng nguy hiểm

Thoát vị đĩa đệm là một tình trạng nhân nhầy đĩa đệm cột sống trượt ra khỏi vị trí ban đầu trong vòng sợi và chèn ép vào ống sống hay các rễ thần kinh sống.

Thoát vị đĩa đệm là bệnh phổ biến và dần có xu hướng trẻ hóa. Bệnh có thể gây tàn phế nếu không được phát hiện sớm và điều trị đúng cách. Tuy nhiên, căn bệnh này có thể phòng ngừa được bằng những biện pháp đơn giản.

1. Thoát vị đĩa đệm là gì?

Đĩa đệm nằm giữa các đốt sống với cấu tạo gồm hai phần là bao xơ và nhân nhầy bên trong, có nhiệm vụ co giãn, giúp các đốt xương hoạt động trơn.

Thoát vị đĩa đệm (tên tiếng Anh là Herniated Disc) là hiện tượng đĩa đệm bị hư hại, trượt ra khỏi vị trí ban đầu, gây chèn ép lên tủy sống và các dây thần kinh trong ống sống, dẫn đến tình trạng đau nhức và rối loạn cảm giác tại chỗ.

Thoát vị đĩa đệm là bệnh phổ biến và dần có xu hướng trẻ hóa

2. Nguyên nhân bệnh thoát vị đĩa đệm

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra thoát vị đĩa đệm, bao gồm:

- Do tuổi tác: đây là nguyên nhân thường gặp ở đa số bệnh nhân

- Do chấn thương ở vùng lưng sau tai tạn giao thông

- Do làm việc, vận động, lao động quá sức hoặc sai tư thế

- Do mắc các bệnh lý bẩm sinh ở vùng cột sống như gù vẹo, thoái hóa cột sống...

- Do yếu tố di truyền

Nguyên nhân gây thoát vị đĩa đệm là gì?

3. Triệu chứng bệnh thoát vị đĩa đệm

Giống như các bệnh lý xương khớp khác, thoát vị đĩa đệm không có biểu hiện rõ trong giai đoạn đầu. Người bệnh chỉ có thể biết tình trạng bệnh của mình khi đi thăm khám sức khỏe tổng quát hoặc khi bệnh đã ở giai đoạn nặng.

Tùy vào vị trí thoát vị ở cột sống cổ hoặc thắt lưng mà người bệnh có triệu chứng khác nhau, bao gồm:

- Đau nhức tay hoặc chân: Người bệnh có những cơn đau đột ngột ở vùng cổ, thắt lưng, vai gáy, cổ và chân tay. Đau có thể âm ỉ hoặc đau dữ dội khi người bệnh vận động và cơn đau giảm đi khi nghỉ ngơi.

- Tê bì tay chân: Do nhân nhầy của đĩa đệm thoát ra ngoài gây chèn ép rễ thần kinh làm đau nhức, tê bì vùng thắt lưng, vùng cổ sau đó dần dần lan xuống mông, đùi, bẹn chân và gót chân.

- Yếu cơ, bại liệt: Đây là triệu chứng ở giai đoạn thoát vị đĩa đệm nặng, làm người bệnh khó khăn khi di chuyển, dẫn đến hạn chế vận động, lâu dần các cơ bị teo, liệt.

Triệu chứng bệnh thoát vị đĩa đệm phổ biến

4. Các giai đoạn bệnh thoát vị đĩa đệm

Thoát vị đĩa đệm được chia thành 4 giai đoạn:

- Giai đoạn Phình đĩa đệm: là tình trạng đĩa đệm phình to hơn với kích thước bình thường dẫn đến các chức năng của đĩa đệm suy giảm. Sự lớn lên của đĩa đệm đến một mức độ nhất định sẽ chèn ép lên các rễ thần kinh, gây ra những cơn đau dây thần kinh. Ở giai đoạn này, người bệnh rất khó phát hiện vì tính chất cơn đau hay bị nhầm lẫn với đau lưng.

- Giai đoạn Lồi đĩa đệm: giai đoạn này, nhân nhầy vẫn ở trong bao xơ nhưng tạo thành ổ lồi khu trú. Bệnh nhân có thể cảm thấy đau lưng cục bộ. Một số bệnh nhân có thể cảm nhận sự chèn ép thần kinh nên có cơn đau dữ dội. Cơn đau ở giai đoạn lồi đĩa đệm bắt đầu ở khu vực lưng dưới rồi lan xuống vùng hông và hai chân.

4 Giai đoạn phát triển thoát vị đĩa đệm: Phình đĩa đệm, Lồi đĩa đệm, thoát vị đĩa đệm thực thụ và thoát vị đĩa đệm có mảnh rời

- Giai đoạn Thoát vị đĩa đệm thực thụ: ở giai đoạn này, bao xơ đã bị rách hoàn toàn, nhân nhầy và các tổ chức khác thoát ra ngoài nhưng vẫn bám thành khối. Chúng bắt đầu chèn ép vào thần kinh, các triệu chứng trở nên rõ ràng như đau dữ dội, tê bì, nhói, chuột rút, mệt mỏi, hạn chế vận động.

- Giai đoạn Thoát vị đĩa đệm có mảnh rời: là giai đoạn các nhân nhầy đã thoát hết ra ngoài và tách rời, gây đau đớn, khó chịu cho bệnh nhân. Nguy hiểm hơn là nó thể dẫn đến teo cơ, liệt cơ, mất chức năng kiểm soát đi tiểu, đại tiện, mất khả năng vận động, thậm chí là tàn phế.

5. Biến chứng thoát vị đĩa đệm

Phình đĩa đệm và Lồi đĩa đệm là 2 giai đoạn sớm để người bệnh điều trị kịp thời, Tuy nhiên, vì một số nguyên nhân nào đó mà người bệnh lại không điều trị và dẫn đến những biến chứng nguy hiểm. Những biến chứng của thoát vị đĩa đệm bao gồm:

5.1 Rối loạn đại tiểu tiện

Thoát vị đĩa đệm khiến cho các đốt xương khớp nằm ở vùng cột sống lệch khỏi vị trí ban đầu, dẫn tới hiện tượng chèn ép các dây thần kinh ở vùng thắt lưng và gây rối loạn cơ tròn khiến cho người bệnh không thể tự chủ được trong việc đại tiểu tiện.

5.2 Ảnh hưởng đến các dây thần kinh

Vùng cột sống có rất nhiều dây thần kinh nên khi bị thoát vị đĩa đệm có thể khiến các dây thần kinh bị tổn thương, người bệnh cảm thấy khó chịu. Sau đó, nếu bệnh không được điều trị sẽ tiến triển xấu hơn, gây ra nhiều cơn đau lan xuống chân tay. Người bệnh sẽ khó khăn khi vận động nặng.

5.3 Nguy cơ tàn phế

Đây là biến chứng vô cùng nguy hiểm bệnh thoát vị đĩa đệm. Lúc này người bệnh chỉ có thể nằm yên một chỗ, không có khả năng vận động.

Nguy cơ liệt vì thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng

5.4 Gây rối loạn cảm giác

Đây là biến chứng thường gặp của bệnh thoát vị đĩa đệm. Rối loạn cảm giác ở khu vực khoang da tương ứng với rễ dây thần kinh bị tổn thương do bệnh thoát vị đĩa đệm làm tổn thương đến dây thần kinh.

5.5 Gây teo cơ

Người bệnh thoát vị đĩa đệm không chỉ bị tổn thương toàn bộ vùng cột sống mà nó còn chèn ép khiến máu không thể lưu thông tới các cơ. Theo thời gian, các cơ thiếu dinh dưỡng và gây ra hiện tượng teo cơ, không thể làm việc hay lao động.

5.6 Không thể đi bộ lâu

Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng có thể gây ra các hội chứng đau khập khễnh cách hồi, rối loạn vận động, khiến người bệnh không làm chủ được sức khỏe. Điển hình của hội chứng này là người bệnh chỉ đi được một đoạn đường ngắn, vì bị đau các đốt xương khớp. Nếu muốn đi tiếp thì họ phải nghỉ ngơi.

6. Cách chẩn đoán bệnh thoát vị đĩa đệm

Để chẩn đoán bệnh thoát vị đĩa đệm, có hai phương pháp: chẩn đoán lâm sàng và cận lâm sàng.

6.1 Chẩn đoán lâm sàng

Khởi đầu bệnh nhân sẽ bị đau lưng. Đau kéo dài trong vài ngày, vài tuần hoặc đau đột ngột theo rễ thần kinh. Khi làm việc nặng, rặn, ho,... thì cảm giác đau càng tăng và đau sẽ giảm khi nghỉ ngơi;

Sau đó, bệnh nhân thường không dám vận động mạnh. Nếu giữ lâu một tư thế khi đứng, ngồi, nằm cũng dễ bị đau do thoát vị đĩa đệm. Do đó bệnh nhân phải linh hoạt thay đổi tư thế. Trường hợp bị thoát vị đĩa đệm nặng thường bị tiểu khó, tiểu rắt, tiểu không hết.

Ở giai đoạn chèn ép rễ, người bệnh có thể gặp các biểu hiện như: cơn đau bắt đầu lan rộng xuống vùng chân, tê bì, châm chích như kiến cắn; đau cả khi đi đứng, rặn, hắt hơi, mất phản xạ dựng lông; rối loạn đại tiểu tiện. Thay đổi thứ phát bao gồm phù nề mô xung quanh, ứ đọng tĩnh mạch.

Chẩn đoán lâm sàng bệnh thoát vị đĩa đệm khi bệnh nhân có 4 triệu chứng trở lên trong các triệu chứng dưới đây:

- Các yếu tố chấn thương

- Đau cột sống thắt lưng lan theo rễ

- Dây thần kinh hông to

- Cơn đau tăng dần khi ho, rặn, hắt hơi, đi đứng,…

- Nghiêng người về một bên để vẹo cột sống thì thấy bớt đau

- Dấu hiệu chuông bấm: ấn vào vùng thắt lưng thấy đau lan xuống chi dưới

- Dấu hiệu Lasegue

6.2 Chẩn đoán cận lâm sàng

a. Chụp X-quang

Chụp X-quang quy ước không cho chẩn đoán quyết định là có hay không có thoát vị đĩa đệm nhưng thông qua một số hình ảnh như: hẹp khoang gian đốt sống, lệch vẹo cột sống, mất ưỡn cột sống (tam chứng Barr) có thể giúp gián tiếp xác định vị trí thoát vị.

Bên cạnh đó, X-quang quy ước (chụp các tư thế thẳng, nghiêng, chếch, cúi và ưỡn) còn giúp xác định các tổn thương khác của cột sống như trượt đốt sống, mất vững cột sống, khuyết eo…

b. Chụp cộng hưởng từ (MRI)

Đây là phương pháp chẩn đoán hình ảnh chính xác và hiện đại nhất trong số các phương pháp chẩn đoán tình trạng thoát vị đĩa đệm. Phương pháp này giúp xác định được hình thái của thoát vị, số tần và vị trí thoát vị.

Chụp MRI giúp xác định được hình thái của thoát vị, số tần và vị trí thoát vị

c. Chụp bao rễ thần kinh

Phương pháp này được áp dụng trong trường hợp bệnh nhân nghi ngờ bị thoát vị đĩa đệm nhưng không chụp được bằng MRI.

Với sự phát triển của phương pháp chụp MRI, chụp bao rễ thần kinh ít được áp dụng hơn, vì nó không biểu thị trực tiếp hình ảnh của đĩa đệm mà chỉ thấy được hình ảnh của hẹp ống sống, lỗ tiếp hợp nên khó để phân biệt được chèn ép do nguyên nhân khác.

d. Chụp cắt lớp vi tính

Khi thoát vị đĩa đệm đi kèm thoái hóa xương (vôi hoá dây chằng sau, dày mỏ xương và dây chằng vàng) thì chụp cắt lớp vi tính được sử dụng. Phương pháp này cũng gặp hạn chế trong việc đánh giá cấu trúc của đĩa đệm và mức độ thoát vị đĩa đệm.

7. Điều trị bệnh thoát vị đĩa đệm

Có hai phương pháp chủ yếu điều trị thoát vị đĩa đệm là bảo tồn và phẫu thuật. Tùy theo tình trạng bệnh lý, cũng như mức độ ảnh hưởng đến các hoạt động lao động, sinh hoạt và mong muốn của người bệnh mà bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp điều trị phù hợp.

Trường hợp thoát vị đĩa đệm chưa gây chèn ép rễ thần kinh, người bệnh chỉ cần dùng thuốc và tập vật lý trị liệu.

7.1 Dùng thuốc

Một số loại thuốc dùng trong cải thiện triệu chứng lệch đĩa đệm là thuốc giảm đau paracetamol (acetaminophen), thuốc chống viêm không steroid hoặc corticosteroid, giãn cơ, chống đau thần kinh…

Cần lưu ý rằng khi dùng những loại thuốc này cần có chỉ định của bác sĩ. Nếu người bệnh lạm dụng thuốc có thể dẫn đến tác dụng phụ không mong muốn như chóng mặt, buồn nôn, dị ứng, nguy hiểm hơn có thể gây viêm loét dạ dày, suy giảm chức năng gan thận, loãng xương…

7.2 Vật lý trị liệu

Song song quá trình dùng thuốc, người bệnh có thể kết hợp cùng tập vật lý trị liệu để giảm đau, cũng như hạn chế sự chèn ép các dây thần kinh do sai tư thế trong lao động, sinh hoạt dưới sự trợ giúp của các chuyên viên và kỹ thuật viên có kinh nghiệm. Khuyến cáo người bệnh không tự lý tập luyện để tránh việc tập luyện sai cách, khiến những tổn thương cột sống trở nên trầm trọng hơn.

Vật lý trị liệu làm giảm đau và giảm áp lực lên các dây thần kinh

7.3 Phẫu thuật

Trường hợp đã điều trị nội khoa tích cực mà bệnh lý không thuyên giảm hoặc có dấu hiệu tiến triển nặng, người bệnh sẽ được chỉ định phẫu thuật.

Các phương pháp phẫu thuật thoát vị đĩa đệm hiện nay gồm mổ hở, mổ nội soi, tiêu hủy nhân nhầy bằng men chymopapain… Tuy nhiên, hạn chế của những phương pháp này vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ biến chứng nguy hiểm, người bệnh có thể bị nhiễm trùng, dị ứng với men tiêu nhân nhầy, liệt dây thần kinh, hoặc nguy hiểm nhất có thể dẫn đến tử vong.

Trong suốt quá trình điều trị thoát vị đĩa đệm, người bệnh cần lưu ý chế độ sinh hoạt như:

- Hạn chế vận động mạnh, mang vác nặng

- Tăng cường nghỉ ngơi, luyện tập thể dục nhẹ nhàng

- Đi khám ngay nếu có triệu chứng nặng hơn

- Không nằm nhiều, nên vận động nhẹ nhàng

8. Chăm sóc người bệnh thoát vị đĩa đệm
8.1 Chăm sóc chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân thoát vị đĩa đệm

Trong quá trình điều trị hoặc hồi phục sau phẫu thuật thoát vị đĩa đệm, nhu cầu về dinh dưỡng cũng đặc biệt cần quan tâm không chỉ giúp hồi sức mà còn củng cố sức khỏe và sự dẻo dai cho xương khớp.

Người bị thoát vị đĩa đệm nên và không nên ăn gì?

a. Người bị thoát vị đĩa đệm nên ăn gì?

Các chất dinh dưỡng thiết yếu rất cần trong quá trình điều trị cũng như hồi phục của bệnh nhân thoát vị đĩa đệm:

- Canxi: Thành phần vô cùng quan trọng có tác dụng ngăn ngừa loãng xương, củng cố độ dẻo dai và làm mạnh hệ xương khớp. Người bệnh thoát vị đĩa đệm nên uống bổ sung sữa, ăn thêm tôm, cá, cua đồng…

- Protein: Thành phần quan trọng trong quá trình thực hiện chức năng tăng trưởng, phát triển, sửa chữa tổn thương của các mô mềm, sụn. Các loại thực phẩm giàu protein như trứng, hạnh nhân, yến mạch, thịt bò, bông cải xanh…

- Vitamin D: Đảm nhận vai trò làm cầu dẫn để hỗ trợ cơ thể hấp thụ canxi tốt hơn. Thực phẩm giàu vitamin D như trứng, nước cam, yến mạch, cá hồi, tôm, hàu, nấm…

- Axit béo omega-3: Omega-3 sau khi vào cơ thể sẽ biến đổi thành prostaglandin đóng vai trò quan trọng trong chuỗi phản ứng kháng viêm. Thực phẩm chứa axit béo omega-3 như cá hồi, cá ngừ, đậu nành…

- Chất xơ: Thúc đẩy quá trình tiêu hóa, kiểm soát cân nặng, không gây béo phì thừa cân, làm giảm sức ép trọng lượng cơ thể lên phần cột sống. Những thực phẩm giàu chất xơ nên ăn như: rau xanh, trái cây (táo hoặc cam), trái bơ, cần tây…

Ngoài ra, người bệnh cần bổ sung thêm các loại vitamin (ví dụ như A, E, K), magie để bảo vệ khớp và đầu xương, chống lão hóa trong thực phẩm như cà rốt, súp lơ, nấm hương…

b. Người bị thoát vị đĩa đệm nên kiêng gì?

Bên cạnh việc tăng cường bổ sung các chất dinh dưỡng phù hợp, người bệnh cần lưu ý tránh một số thực phẩm như:

- Thực phẩm nhiều chất đạm, chất béo, các loại thịt đỏ như: thịt bò, thịt bê, thịt cừu,…

- Thực phẩm chứa purin và fructose như cà muối, dưa muối, nội tạng động vật,…

- Thức ăn nhanh, chứa nhiều dầu mỡ

- Thức uống có cồn, các chất kích thích

Phải hạn chế thực phẩm nhiều dầu mỡ và chất béo bão hòa

8.2 Chăm sóc bệnh nhân thoát vị đĩa đệm chế độ vận động

Những cơn đau nhức dai dẳng do thoát vị đĩa đệm gây ra nhiều trở ngại trong hoạt động hàng ngày. Dù là trước hay trong quá trình điều trị thì bệnh nhân thoát vị đĩa đệm đều rất cần sự hỗ trợ từ người thân như giúp dìu, đỡ người bệnh.

Tuy nhiên, có một số lưu ý trong vận động mà người thân cần ghi nhớ khi chăm sóc bệnh nhân:

- Cử động nhẹ nhàng, tránh thay đổi tư thế đột ngột. Lưu ý sử dụng đai lưng để cố định cột sống khi di chuyển, dùng tay đỡ hông hoặc bả vai để hạn chế mức độ lệch của đĩa đệm.

- Hạn chế cúi gập, xoắn vặn mình.

- Nên nằm đệm cứng, sử dụng gối đỡ lưng người bệnh. Không nên nằm võng, ghế sofa…tránh ảnh hưởng vùng tổn thương của cột sống.

- Bệnh nhân nên ngồi ghế có tựa lưng, ngồi thẳng lưng, đúng tư thế

- Không ngồi, đứng một tư thế quá lâu

- Khi mang vác đồ nặng cần hạ thấp người, sử dụng lực từ cả bàn chân để nâng đồ vật, tránh gây tổn thương nghiêm trọng.

8.3 Hỗ trợ bệnh nhân tập luyện vật lý trị liệu

Vật lý trị liệu là phương pháp được nhiều bác sĩ khuyến khích áp dụng. Một số biện pháp vật lý trị liệu như:

- Châm cứu, bấm huyệt

- Xoa bóp massage

- Tập vật lý trị liệu thoát vị đĩa đệm: Các bài tập vận động nhẹ nhàng như đi bộ, yoga, bơi lội, đu xà đơn…

Chăm sóc và tập luyện sau phẫu thuật điều trị thoát vị đĩa đệm

8.4 Chăm sóc bệnh nhân thoát vị đĩa đệm sau phẫu thuật

Phương pháp điều trị này có mang lại hiệu quả cao hay không phụ thuộc vào tay nghề bác sĩ, ngoài ra một phần liên quan không thể thiếu đó là quá trình chăm sóc sau khi phẫu thuật. Một số điều cần lưu ý gồm:

- Trong 24 giờ sau phẫu thuật, người bệnh cần nằm yên trên giường, không xoắn vặn cơ thể

- Từ 2 - 4 ngày đầu tiên, người bệnh đại tiểu tiện tại chỗ dưới sự giúp đỡ của người thân. Hỗ trợ người bệnh đứng dậy vận động nhẹ nhàng để cơ bắp làm quen vận động.

- Khi đang nằm, cần co chân lên từ từ, nghiêng người sang bên và nâng dần người ngồi dậy. Thực hiện ngược lại trường hợp nếu muốn ngồi xuống, chú ý cử động chậm rãi, nhẹ nhàng. Không nên giữ nguyên quá lâu tư thế đứng hoặc ngồi.

- Sau khi ra viện, người thân nên cho bệnh nhân ăn những thực phẩm mềm, dễ tiêu như cháo, súp, canh xương hầm… Tuyệt đối tránh thức ăn cứng, dầu mỡ, cay nóng gây khó tiêu.

- Trong 3 tháng đầu tiên, bệnh nhân tuyệt đối không cúi, xoắn vặn cột sống, bê vác đồ nặng, nằm ngủ ở những nơi không phải mặt phẳng như sofa, võng…

9. Biện pháp phòng ngừa bệnh thoát vị đĩa đệm

- Tập thể dục đều đặn, các bài tập: thái cực quyền, bơi lội, yoga, đi bộ…tăng cường sự dẻo dai cho khớp.

- Duy trì trọng lượng cơ thể ở mức hợp lý.

- Ngồi làm việc giữ thẳng lưng, sau khoảng 1 - 2 giờ phải đứng dậy đi lại, tập vài động tác nhẹ, tránh ngồi lì và không vận động. Nếu phải đứng lâu, nên dùng ghế tựa thấp để chân, thay đổi chân từng bên cứ 5-10 phút đặt lên ghế/lần.

- Không mang vác, nâng vật quá sức.

- Tránh đi giày, guốc quá cao. Nên dùng giày dép vật liệu mềm.

- Chế độ ăn uống khoa học bổ sung canxi, vitamin D và Chondroitin Sulfate nuôi dưỡng khớp khỏe mạnh.

- Không hút thuốc, không dùng chất kích thích, hạn chế rượu bia.

- Kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần.

Một số thông tin bổ ích liên quan đến thoát vị đĩa đệm, bạn nên biết:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X