Hotline 24/7
08983-08983

Cách chăm sóc sức khỏe thể chất, tinh thần và sắc đẹp cho phụ nữ thời hiện đại

Sức khỏe là tài sản quý giá và độc nhất của mỗi người. Là phụ nữ, việc yêu thương bản thân để luôn khỏe mạnh, hạnh phúc và đủ sức chăm lo cho những người thân xung quanh là luôn cần thiết. Phụ nữ hiện đại không còn là phái yếu, tuy nhiên, họ chỉ tự tin và tỏa sáng khi các mối bận tâm về sức khỏe, tinh thần và sắc đẹp được quan tâm và chăm lo đúng cách.

BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ chia sẻ, phụ nữ có 3 giai đoạn thay đổi sức khỏe rõ rệt nhất, là thời kỳ dậy thì, thời gian mang thai và thời kỳ quanh mãn kinh (tiền mãn kinh và mãn kinh) biểu hiện rõ rệt hơn so với nam giới.

I. Chăm sóc sức khỏe phụ nữ giai đoạn tuổi trẻ

Giai đoạn tuổi trẻ là giai đoạn quan trọng trong cuộc đời của phụ nữ, đánh dấu sự chuyển giao từ thời thiếu niên sang thời trưởng thành. Trong giai đoạn này, sức khỏe của phụ nữ đóng vai trò quan trọng, ảnh hưởng đến không chỉ sự phát triển cá nhân mà còn đến chất lượng cuộc sống và đóng góp vào sự phồn thịnh của cộng đồng.

Ở giai đoạn trưởng thành, phụ nữ vừa mang thiên chức làm mẹ, có vai trò quan trọng trong xây dựng tổ ấm gia đình, vừa đảm đương các công việc ngoài xã hội (làm việc ở công ty, văn phòng, trường học,…).

Không có người phụ nữ xấu, chỉ có người phụ nữ chưa biết làm đẹp. Nhịp sống nhanh của xã hội hiện đại đã làm cho người phụ nữ luôn bận rộn và bận rộn. Có người khó thoát ra khỏi áp lực công việc, phải ngồi nhiều, trong phòng máy lạnh, mang giày cao gót thường xuyên, stress, ít vận động, ăn uống, ngủ, nghỉ… bị rối loạn, làm cho họ có nhiều vấn đề cho sức khỏe và sắc đẹp gây nên những xáo trộn về cuộc sống thể chất và tinh thần, đồng thời nguy cơ mắc các bệnh về xương khớp, mắt, béo phì và trầm cảm… càng cao.

Ngoài ra, một số vấn đề sức khỏe ở phụ nữ giai đoạn này cũng cần được quan tâm như chăm sóc sức khỏe sinh sản (chu kỳ kinh nguyệt, mang thai, sau sinh), chăm sóc sắc đẹp (da, tóc, cân nặng,...), quản lý stress, dinh dưỡng,… Do đó, chăm sóc sức khỏe và vẻ đẹp cho phụ nữ là yêu cầu cấp thiết cho mỗi cá nhân và cơ quan hiện nay.

II. Đặc điểm công việc ngoài xã hội của phụ nữ

- Thời gian làm việc dài

- Áp lực công việc lớn

- Thời gian nghỉ ngơi ít: Do làm việc quá giờ một cách thường xuyên, thời gian ngủ, nghỉ ít, không ít người lợi dụng thời gian nghỉ cuối tuần để ngủ bù. Nhưng như thế cũng làm họ mất đi cơ hội tham gia các hoạt động vui chơi, cuộc sống ngày càng thu hẹp lại và bệnh nghề nghiệp ngày càng nhiều. Công việc quá khắc khổ làm cho họ có thể bị rất nhiều bệnh nghề nghiệp như mỡ máu cao, gan nhiễm mỡ, các bệnh về dạ dày tiêu hoá. Lại thêm các bệnh do ngồi máy tính lâu, điều hoà, bệnh về mắt cũng “không mời mà đến”.

- Có khoảng cách với người thân trong gia đình: Đối với những người chưa kết hôn thì phải cách một quãng thời gian dài mới được nghỉ phép về thăm bố mẹ, còn đối với những người đã có gia đình thì sáng sớm đi ra khỏi nhà khi con còn chưa thức dậy, tối khi về đến nhà thì con đã ngủ từ lâu rồi.

- Cơ hội giao lưu ít: Một số đặc thù của công việc hàng ngày phải đối diện với giấy tờ, bản vẽ, kế hoạch, giao lưu với người khác chủ yếu là qua internet. Lâu dần, họ quen “giao lưu” với các máy móc “không có tình cảm”. Trước mặt người khác rất khó để hoà hợp.

- Ăn uống: Bỏ bữa sáng, uống ít nước, ăn trưa tại bàn làm việc, vừa ăn vừa làm việc, ăn quá nhanh, ăn trưa quá muộn, uống nhiều, trà, cà phê, uống rượu,… rất có hại cho hệ tiêu hóa và sức khỏe.

III. Hướng dẫn chăm sóc sức khỏe thể chất, tinh thần

1. Khô mắt

Khô mắt là một trong những bệnh nhãn khoa phổ biến, gây cảm giác kích ứng như có dị vật trong mắt, ngứa mắt; thường xuyên thấy cộm, đỏ, cay, nóng và đôi khi đau rát mắt. Ngoài ra, còn khó chớp mắt, bị mờ mắt xảy ra sau khi chớp; chảy nước mắt; ra ghèn hoặc nhiều bọt trắng ở 2 góc mắt. Thỉnh thoảng mắt mờ nhòe phải chớp liên tục mới hết, khó mở mắt buổi sáng và nặng mi.

Cách khắc phục:

- Nên từ bỏ hoặc hạn chế các thói quen xấu như ngồi lâu trước máy vi tính, xem phim trong khoảng cách gần, đọc sách trong điều kiện thiếu sáng, không đeo kính bảo vệ khi ra đường...

- Xoa mắt: Chỉ bằng một vài động tác xoa bóp bấm huyệt đơn giản có thể tự thực hiện tại chỗ làm hàng ngày sẽ giúp đôi mắt khỏe mạnh hơn nhiều, phòng tránh được khô mắt, sự lão hóa của mắt và các bệnh khác về mắt.

- Nên sử dụng thuốc nhỏ mắt có độ nhờn cao, giúp bảo vệ bề mặt nhãn cầu, ngăn ngừa thành phần nước trong nước mắt bốc hơi và duy trì độ ẩm cho mắt. Khi mắt mỏi mệt và khô, có thể chườm mắt với cốc nước ấm hoặc lạnh. Có thể dùng thuốc viên sáng mắt, dầu cá,….

2. Thừa cân

Thừa cân cũng đi kèm với một loạt các nguy cơ sức khỏe nghiêm trọng như đột quỵ, bệnh tim và béo phì. Bất kỳ bệnh nào kể trên cũng có thể gây tử vong.

Cách khắc phục:

- Có thể giảm thời gian ngồi bằng cách sử dụng bàn làm việc đứng hoặc đứng lên và di chuyển. Nếu có thời gian giải lao, hãy dành khoảng 10 phút đi dạo để hít thở không khí trong lành.

- Thực hiện một số vận động đơn giản: Vận động cơ bắp đốt cháy calo và chất béo nhiều gấp 12 lần so với các hoạt động khác. Bạn có thể vận động nhẹ nhàng ngay tại nơi làm việc như xoay người, nhìn ra ngoài khi thấy mỏi mắt hay xoay tròn chiếc ghế bạn đang ngồi một vòng khi căng thẳng. Chỉ đơn giản như vậy bạn có thể tiêu thụ 50 calo mỗi ngày.

- Thực phẩm giúp giảm mỡ bụng hiệu quả: trà xanh, măng tây, củ cải đường, rau diếp, dưa chuột, cà chua, dưa hấu, bưởi, táo…

- Có thể tự xoa bóp bấm huyệt bằng cách xoa vòng bụng theo chiều kim đồng hồ 10 - 20 vòng xoa, ngày làm 2 - 3 lần.

- ‎Một điều hết sức quan trọng đó là phải kiên trì và thực hiện lồng ghép các phương pháp luyện tập trên một cách thường xuyên, đều đặn sẽ có được vòng 2 thon gọn, phù hợp với điều kiện làm việc.

3. Đau khớp gối, khớp cổ chân, bàn chân do đi giày, giày cao gót

Hoạt động bàn chân như một cái lò xo, giúp phân phối đều trọng lượng và chống sốc cho cơ thể khi đứng hay đi lại. Khi đi giày cao gót, phần lớn trọng lượng cơ thể dồn vào các đốt xương ngón chân. Sự dịch chuyển bất ngờ từ gót chân xuống ngón chân buộc gò bàn chân và bước đi ngắt quãng.

Việc đi lại cà nhắc kéo dài trong một thời gian có thể dẫn đến tổn thương xương bàn chân và các dây thần kinh, có thể gặp phải các chấn thương như bị vấp ngã, bị gãy gót do va quệt mạnh... ngoài việc máu bị dồn gây đau nhức chân, còn bị căng cơ lưng, gây áp lực cho phần xương sống. Do đó, tình trạng chấn thương, đau nhức lưng, bả vai cũng gia tăng.

Chăm sóc bàn chân khi sau khi đi giày cao gót:

- Các động tác tự xoa bóp chân đơn giản có thể thực hiện tại chỗ ngay tại văn phòng hoặc bất cứ khi nào có thời gian rảnh rỗi.

- Ngâm chân: Chăm sóc đôi chân thường xuyên bằng việc ngâm chân mỗi ngày với nước ấm, muối hột, gừng... hoặc sử dụng vị thuốc, bài thuốc để tăng hiệu quả điều trị ngâm chân với thời gian khoảng 10 - 15 phút. Giúp giải toả mệt mỏi sau một ngày làm việc căng thẳng và đi lại nhiều, làm làn da chân mềm mại, tan biến những vùng thô ráp, nứt nẻ và chai sạn. Nên thực hiện tại nhà mỗi tối trước khi đi ngủ.

4. Mất ngủ

Ngủ là trạng thái tạm thời để cơ thể có thể nghỉ ngơi hoàn toàn và hồi phục sức khỏe sau một ngày làm việc. Diễn tiến giấc ngủ có những giai đoạn nhất định, thường phân giấc ngủ làm 2 giai đoạn nối tiếp nhau: Giai đoạn ngủ nông thường ngắn hơn, chiếm khoảng 1/4 giấc ngủ bình thường, ở giai đoạn này người ngủ rất tỉnh, dễ thức giấc và hay có những giấc mơ về các sinh hoạt hàng ngày.

Giai đoạn ngủ sâu chiếm khoảng 3/4 giấc ngủ bình thường, ở giai đoạn này người ngủ khó tỉnh giấc và không mơ thấy gì. Rối loạn giấc ngủ ban đầu thường là kéo dài giai đoạn ngủ nông, làm ta có cảm giác chưa được ngủ và không khỏe khi thức dậy.

Cách khắc phục

- Vệ sinh giấc ngủ: Nên tạo tâm trạng thư thái để dễ dàng đi vào giấc ngủ, giường ngủ cần đặt nơi thoáng mát, chăn màn sạch sẽ…

- Các phương pháp không dùng thuốc như châm cứu, tập luyện, xoa bóp bấm huyệt, thư giãn, luyện thở,… để giúp cho giấc ngủ đến dễ dàng hơn, có thể kết hợp với dùng thuốc điều trị nguyên nhân gây mất ngủ.

5. Đau vùng cổ gáy

Thường do sai tư thế: do vẹo cổ bởi gối đầu cao, nằm sai tư thế, ngồi lâu, cúi lâu (đánh máy vi tính, công tác văn phòng, một số nhà khoa học, nhà văn, nhà thơ, bình luận, bàn luận văn học... chuyên đọc sách, tham khảo tài liệu với nhiều thời gian phải cúi xuống...) hoặc do mang vác nặng sai tư thế,…

Các nguyên nhân thường gặp nhất có thể kể đến là ngồi làm việc, học tập sai tư thế trong thời gian dài, lái xe, làm việc liên tục với máy tính...; bị nhiễm nóng lạnh đột ngột làm giảm sự cung cấp oxy cho các tế bào cơ, gây thiếu máu cục bộ ở các cơ dẫn đến hội chứng đau vai gáy.

Cách khắc phục

- Nếu bệnh nhẹ, cơn đau không kéo dài, bản thân người bệnh có thể tự điều trị bớt đau bằng cách dùng cao dán hoặc dùng hai bàn tay xoa bóp bấm huyệt cho vùng cổ, vai, gáy để giảm đau.

- Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao với các bài tập phù hợp; vận động, nghỉ ngơi, giải lao giữa giờ làm việc, nên giải lao khi phải ngồi kéo dài; tránh căng thẳng; luyện tập các động tác vùng cổ gáy, kéo giãn cơ thể như ưỡn cổ, cúi đầu về phía trước, ngửa đầu ra phía sau, nghiêng đầu sang trái, sang phải, xoay tròn đầu và cổ, cử động cổ lên xuống... thường xuyên sẽ phòng và làm giảm các triệu chứng của bệnh.

- Khi triệu chưng khó chịu không thuyên giảm, hoặc ngày càng nặng thêm nên đến gặp các thầy thuốc chuyên môn để tư vấn, khám và điều trị thích hợp.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X