Hotline 24/7
08983-08983

Chụp CT, MRI và DSA cái nào tốt hơn?

Mỗi phương pháp chẩn đoán CT, MRI và DSA sẽ có ưu và nhược điểm riêng dùng để nhận diện bệnh tại các vị trí khác nhau trong cơ thể. Vậy trường hợp nào cần chụp CT, trường hợp nào nên chụp MRI và DSA? Câu trả lời sẽ có trong bài tư vấn với BS.CK1 Đỗ Võ Công Nguyên - Phó trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Thống Nhất.

1. Chụp X-quang, CT gây ung thư?

Thưa BS.CK1 Đỗ Võ Công Nguyên, tia X có ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe ạ?

BS.CK1 Đỗ Võ Công Nguyên trả lời:

Mặc dù tia X có liên quan đến việc tăng nhẹ nguy cơ ung thư nhưng tác dụng phụ ngắn hạn rất thấp. Khi tiếp xúc quá mức đến bức xạ mức thấp sẽ gây ra một số tác động như chảy máu, nôn mửa, rụng tóc, bong da,…

Các tác động sinh học từ bức xạ tự nhiên ảnh hưởng đến cơ thể con người đều mô tả bằng một phép đo gọi là mSv. Trong cuộc sống hằng ngày chúng ta đã chịu nhiều bức xạ tự nhiên từ: mặt trời, trái đất hay các hóa chất trong cơ thể con người (gọi là bức xạ nền).

Theo một nghiên cứu ở Hoa Kỳ, mỗi năm trung bình một người nhận một lượng bức xạ tự nhiên là 3,7 mSv/ năm. Đối với chụp X-quang bức xạ của nó rất thấp, cao hơn một ít so với bức xạ nền, bức xạ CT cao hơn khoảng 2 - 5 mSv.

Theo một nghiên cứu của trường Cao đẳng Hoa Kì khuyến nghị, để bảo đảm mức xạ an toàn với chẩn đoán hình ảnh là:

  • Dưới 100 mSv phim chụp X quang suốt cuộc đời.
  • Khoảng 25 - 50 lần chụp CT trong suốt cuộc đời.

Vì vậy, các bạn không cần quan tâm nhiều đến việc chụp X-quang mà hãy cân nhắc kỹ khi chụp CT. Nên đến khám bác sĩ để nhận được tư vấn, chỉ định kỹ càng cho từng bộ phận chụp.

>>> Tia X có ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe sinh sản?

Nguy cơ ung thư sau khi chụp Xquang và CT ước tính như thế nào thưa BS?

BS.CK1 Đỗ Võ Công Nguyên trả lời:

Một số chuyên gia không nhận thấy có sự gia tăng mức độ rủi ro nếu chụp dưới 100 mSv; nhưng bên cạnh đó một vài chuyên gia khác lại cho rằng rủi ro xảy ra ở bất kì mức độ phơi nhiễm nào.

Mức độ tử vong do ung thư trong tự nhiên chiếm 25% nhưng mức độ tử vong do tia X gây ra là rất thấp vì thế không thể thống kê được. Nhưng gần đây, theo nghiên cứu của Hoa Kỳ, chụp CT chiếm tỷ lệ ung thư khoảng 0,02 đến 0.04% trong tổng số ung thư mới.

Vì thế nếu muốn chụp bạn cần đến gặp bác sĩ để có được chỉ định rõ ràng, nên hay không nên chụp CT hoặc có thể thay thế được bằng phương pháp khác, ví dụ ở bụng có thể siêu âm, phổi thì chụp Xquang hoặc CT liều thấp (ảnh hưởng tia của CT liều thấp giảm hơn 80% so với chụp CT thông thường).

Mức độ phóng xạ khi chụp X-quang tại các vị trí: đầu, ngực, bụng, tay, chân?

BS.CK1 Đỗ Võ Công Nguyên trả lời:

Trong cuộc sống chúng ta có bức xạ nền từ môi trường, mặt trời, trái đất và từ hóa chất trong cơ thể; bức xạ nền trung bình khoảng 0,01 - 0,02% mSv. Như vậy:

  • Chụp X-quang ngực, tay, chân tương đương với 2,4 ngày bức xạ nền.
  • Chụp X quang sọ tương đương với 12 ngày bức xạ nền.
  • Chụp X quang bụng tương đương với 180 ngày bức xạ nền.
  • CT sọ não tương đương với 243 ngày bức xạ nền.
  • CT ngực tương đương 960 ngày bức xạ nền.
  • CT bụng tương đương với 1.200 ngày bức xạ nền.

2. Ưu và nhược điểm chụp CT, MRI và DSA?

Ưu nhược điểm của 3 phương pháp chụp CT, MRI, DSA là gì ạ?

BS.CK1 Đỗ Võ Công Nguyên trả lời:

Mỗi phương pháp đều có một thế mạnh riêng:

Với CT, thời giạn chụp nhanh, thường ứng dụng trong phương pháp cấp cứu như chấn thương sọ não, chấn thương bụng kín, chấn thương ngực. Ưu điểm của phương pháp chẩn đoán này là đánh giá được những vôi hóa, đánh giá xương, phổi.

Với MRI (thời gian chụp lâu hơn) nhưng hình ảnh nét và mô tả rõ hơn. Vì thế thường được sử dụng để phát hiện những tổn thương như: u, viêm não, thoái hóa chất trắng, bệnh lý động kinh, mạch máu não,… Ở những vùng tiếp xúc với xương khi chụp CT khó phát hiện hoặc phát hiện mà không rõ thì MRI sẽ thực hiện tốt việc chẩn đoán này, chẳng hạn như đối với chụp não hố sâu, MRI phát hiện rất chính xác.

Chụp CT có liên quan đến tia X, còn chụp MRI dựa vào các nguyên tử hydrogen trong cơ thể và tác động từ trường để nhận tín hiệu phát ra từ chúng nên không liên quan đến tia X. Tuy nhiên, khi chụp MRI lại hạn chế kim loại. Vì thế, những người cấy ghép máy tạo nhịp tim, đặt stent, máy trợ thính nên hạn chế chụp. Trong trường hợp bắt buộc phải chụp thì người bệnh cần phải báo ngay cho nhân viên, bác sĩ và các kĩ thuật viên phòng MRI biết, để có phương pháp hỗ trợ.

Mặt khác, thuốc cản quang trong CT nếu thừa cũng sẽ dễ gây tai biến hơn, có thể gây dị ứng, buồn nôn hoặc suy thận, trong khi đó MRI ít các tai biến này hơn.

Với DSA, đây là kĩ thuật chụp mạch máu số hóa xóa nền. So với CT và MRI, DSA có ưu điểm là giúp các bác sĩ phát hiện sớm các tình trạng bất thường của dòng máu, giúp cho việc chẩn đoán và điều trị chính xác các bệnh lý nghiêm trọng có liên quan đến sự tuần hoàn của máu trong cơ thể, lên kế hoạch giải phẫu và giúp xác định chính xác các vị trí tổn thương bên trong cơ thể. Đồng thời có thể can thiệp:

  • Trong đột quỵ não, DSA có thể can thiệp hút huyết khối.
  • Trong mạch vành có thể can thiệp hẹp mạch thận, động mạch chi,…

MRI thì không dùng đến tia X, vậy phương pháp này có bất lợi gì cho sức khỏe người được chụp không thưa BS?

BS.CK1 Đỗ Võ Công Nguyên trả lời:

Mặc dù MRI không ảnh hưởng đến sức khỏe con người vì không dùng tia X, nhưng kỹ thuật này sử dụng từ trường và tiếng động, vì thế nên hạn chế chụp trong các trường hợp:

  • Phụ nữ có thai. Nếu có chỉ định thì nên chụp sau 3 tháng đầu thai kỳ.
  • Bệnh nhân đặt máy tạo nhịp, đặt stent, máy trợ thính.
  • Có mảnh kim loại do dị vật như mảnh đạn, trồng răng cố định,…

Những trường hợp này nếu chụp MRI bệnh nhân cần báo cho các bác sĩ và nhân viên phòng kĩ thuật.

3. Chụp CT, MRI toàn thân tầm soát ung thư, nên hay không?

Chúng ta có nên chụp CT toàn thân hay MRI toàn thân để tầm soát ung thư không ạ?

BS.CK1 Đỗ Võ Công Nguyên trả lời:

Bệnh nhân nên đến bác sĩ để khám để có chỉ định thực hiện các cận lâm sàng phù hợp như siêu âm, chụp X-quang, xét nghiệm máu, chụp CT, MRI… đặc biệt là marker ung thư để có một chỉ điểm khu trú là tổn thương bộ phận nào. Từ đó mới có hướng dẫn cụ thể.

Các bạn đừng nghĩ chụp toàn thân là có thể phát hiện tất cả các bệnh ung thư mà cần được khám và phối hợp nhiều phương pháp mới có thể phát hiện ra bệnh. Vì thế tôi khuyên các bạn muốn tầm soát ung thư nên nghe theo sự chỉ định của bác sĩ.

4. Người lắp răng giả, nẹp vít, đã đặt stent có được chụp MRI?

Bệnh nhân có nẹp vít ở xương đùi, xương cột sống có chụp MRI sọ não được không thưa BS?

BS.CK1 Đỗ Võ Công Nguyên trả lời:

Hiện nay dụng cụ phẫu thuật rất hiện đại không ảnh hưởng đến từ trường nhiều, do đó bệnh nhân nẹp vít ở xương đùi, xương cột sống đều có thể chụp MRI sọ não bình thường.

Người cao tuổi có răng giả cố định, từng đặt stent thì có chụp MRI được không?

BS.CK1 Đỗ Võ Công Nguyên trả lời:

Bệnh nhân có răng giả cố định vẫn có thể chụp MRI bình thường tất cả các bộ phận khác, nhưng riêng sọ não một số có thể sẽ bị ảnh hưởng nhiễu ảnh. Trong trường hợp này nếu bác sĩ có thể xem được thì vẫn tiếp tục tiến hành, nếu không sẽ chuyển qua phương pháp khác là chụp CT.

Khoảng 80% người đặt stent có thể chụp MRI 1,5 Tesla. Riêng MRI 3 Tesla sẽ hạn chế bệnh nhân chụp hơn. Chụp MRI tốt nhất là 3 - 6 tháng sau đặt stent.

Hy vọng trong tương lai khi các thiết bị y tế đã tiên tiến hơn thì khả năng chụp sẽ cao hơn. Tương tự như máy tạo nhịp trước đây bị hạn chế nhưng hiện nay đã có thể chụp được với điều kiện người bệnh phải báo với kỹ thuật viên phòng MRI để kỹ sư điều chỉnh máy.

5. Mỗi năm được chụp X-quang, CT, MRI bao nhiêu lần?

Mỗi năm được chụp X-quang, CT, MRI, bao nhiêu lần, mỗi lần thực hiện nên cách nhau bao lâu?

BS.CK1 Đỗ Võ Công Nguyên trả lời:

Mỗi năm chúng ta có giới hạn 20 mSv.

Tốt nhất bạn nên chụp X - quang từ 5 - 7 lần/ năm. Nếu muốn chụp nhiều hơn cần nhận được sự chẩn đoán và chỉ định của bác sĩ.

Với CT, liều tia của nó cao hơn từ 2 - 5 mSv, vì thế bạn phải cẩn thận, không nên tự chụp mà cần có sự chỉ định của bác sĩ.

Riêng MRI không ảnh hưởng đến tia, liều bức xạ nhưng người bệnh cần gặp bác sĩ để được tư vấn, chỉ định đúng vị trí cần chụp để vừa chẩn đoán đúng bệnh vừa chi trả đúng khoản tiền cần thiết, không tốn kém vô ích.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X