Hotline 24/7
08983-08983

Tại sao phải sinh thiết phổi, trường hợp nào cần làm?

Những người chụp Xquang, CT có hình ảnh nốt ở phổi thường rất lo lắng khi nghe BS thông báo sẽ làm sinh thiết phổi vì họ nghĩ mình bị ung thư. Vậy sinh thiết phổi tìm ra những bệnh gì, khi nào cần làm, tiến hành ra sao… các vấn đề này sẽ được ThS.BS Võ Thị Tố Uyên giải đáp.

1. Sinh thiết phổi tìm ra những bệnh gì?

Xin BS cho biết sinh thiết phổi ngoài việc tìm ra tế bào ung thư thì còn giúp cung cấp những thông tin gì ạ?

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên:

Kết quả giải phẫu bệnh hiện nay là chuẩn vàng trong chẩn đoán nhiều bệnh lý, đặc biệt là ung thư phổi. Để thực hiện được xét nghiệm giải phẫu bệnh cho kết quả chính xác, đòi hỏi thủ thuật sinh thiết lấy mẫu mô chẩn đoán phải phù hợp.

Trong đó, sinh thiết phổi dưới hướng dẫn CT-scan được xem là phương pháp hiệu quả và khá an toàn. Kết quả sinh thiết có thể trả lời được tổn thương là ung thư hay các bệnh phổi lành tính khác như u lao, u nấm hoặc các loại u lành tính khác. Đối với các tổn thương dạng xơ hoặc viêm phổi mô kẽ chưa rõ bản chất, sinh thiết phổi cũng được đặt ra để làm rõ nguyên nhân và định hướng điều trị.

2. Trường hợp nào bệnh nhân được chỉ định sinh thiết phổi?

Những trường hợp nào người bệnh sẽ được chỉ định sinh thiết phổi, thưa BS?

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên:

Giải phẫu bệnh có giá trị chẩn đoán trong nhiều bệnh lý và khả năng tiếp cận sang thương ở phổi ngày càng dễ dàng hơn nhờ có thủ thuật sinh thiết phổi dưới hướng dẫn CT-scan ra đời. Chỉ định sinh thiết phổi khá rộng, bao gồm:

  • Các bệnh nhân có sang thương phổi dạng nốt hoặc u trên phim Xquang hoặc CT ngực, có sự tiến triển về kích thước, cần xác định chẩn đoán nhưng không thể láy được mẫu sinh thiết qua nội soi phế quản
  • Tổn thương đa nốt ở phổi trên bệnh nhân có tiền căn ung thư
  • Tổn thương thâm nhiễm khu trú hiện diện kéo dài mà xét nghiệm đàm, cấy máu, huyết thanh học và nội soi phế quản không thể đưa ra chẩn đoán xác định.
  • Các khối u trung thất

Bên cạnh những chỉ định thường quy như trên, sinh thiết phổi dưới hướng dẫn CT-scan có thể được chỉ định trong bất cứ trường hợp nào cần có mẫu mô để xét nghiệm giải phẫu bệnh, bao gồm cả những bệnh nhân đã xác định ung thư cần tầm soát đột biến gen hoặc đánh giá di căn mới, các bệnh lý mô kẽ, xơ phổi chưa xác định chẩn đoán, các bệnh phổi do nguyên nhân tự miễn...

3. Trường hợp nào chống chỉ định với sinh thiết phổi?

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên:

Các chống chỉ định của thủ thuật sinh thiết phổi dưới hướng dẫn CT-scan chủ yếu là chống chỉ định tương đối, bao gồm:

  • Có rối loạn đông, cầm máu nặng không điều chỉnh được: số lượng tiểu cầu <50.000/mm3, tỷ lệ prothrombin < 50%.
  • Nghi tổn thương u mạch.
  • Có kén hơi ở vùng định chọc kim qua.
  • Đã cắt phổi bên đối diện.
  • Ho quá nhiều không cầm được.
  • Suy tim, rối loạn nhịp tim, suy hô hấp nặng, huyết động không ổn định.
  • Người bệnh không hợp tác
  • Có bệnh phổi tắc nghẽn vừa hoặc nặng (FEV1<1L).
  • Người bệnh thở máy.
  • Người bệnh không nằm được.
  • Người bệnh không đồng ý thực hiện kỹ thuật.

Chống chỉ định quan trọng nhất là rối loạn đông máu. Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là yếu tố nguy cơ của biến chứng tràn khí màng phổi và tắc mạch do khí sau sinh thiết. Một số yếu tố nguy cơ có thể điều chỉnh (ví dụ truyền tiểu cầu ở bệnh nhân có hạ tiều cầu, ngưng thuốc kháng kết tập tiểu cầu Clopidogrel ít nhất 5 ngày trước thủ thuật, ngưng kháng đông), khi ổn định vẫn có thể tiến hành thủ thuật sinh thiết.

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên - khoa Hô hấp, Bệnh viện Thống Nhất, TPHCM

4. Sinh thiết phổi được tiến hành như thế nào?

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên:

Thủ thuật sinh thiết được thực hiện trong điều kiện vô trùng, tại phòng chụp cắt lớp vi tính. Bệnh nhân được đặt ở tư thế nằm ngửa hoặc nằm sấp trên bàn chụp CT- scan tuỳ theo hướng tiếp cận nào dễ dàng hơn, bộc lộ phần ngực. Trong suốt quá trình tiến hành từ khi chụp xác định vị trí đến khi sinh thiết người bệnh phải ở một tư thế.

Bác sĩ sẽ xác định vị trí chọc kim trên da, xác định đường đi của kim sinh thiết, độ sâu khi đâm kim trên máy quét CT-scan. Kim sinh thiết bao gồm kim dẫn đường và kim cắt, bác sĩ sẽ đưa kim dẫn đường tới sát vị trí cách khối u hoặc tổn thương phổi, sau đó sử dụng kim cắt, luồn bên trong kim dẫn đường để cắt nhiều mẫu mô.

Giữa các lần cắt, một nòng kim được đưa vào để giữa cho môi trường bên ngoài và bên trong phổi không thông thương, tránh biến chứng tràn khí màng phổi.

Khi đã lấy đủ số mảnh bệnh phẩm cần thiết, người bệnh được dặn nín thở và bác sĩ sẽ rút nhanh kim dẫn đường vẫn gắn kim sinh thiết ra khỏi thành ngực.

5. Tế bào ung thư có chui ra theo đường đi của kim sinh thiết không?

Nhiều bạn đọc AloBacsi thắc mắc là liệu tế bào ung thư có chui ra theo đường đi của kim sinh thiết không, mong được BS giải đáp ạ?

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên:

Nhiều bác sĩ và nhà nghiên cứu cũng đã nghi ngại về nguy cơ di căn dọc theo đường đi của kim đến thành ngực. Tuy nhiên, trên thực tế lâm sàng, qua nghiên cứu hàng nghìn trường hợp sinh thiết u trong nhiều năm tại một số trung tâm khác nhau, chỉ ghi nhận duy nhất có một trường hợp ghi nhận rơi tế bào ung thư dọc đường đi của kim, do đó nguy cơ này rất thấp.

Ngoài ra, khi so sánh tỷ lệ sống còn sau 5 năm ở bệnh nhân sinh thiết phổi dưới hướng dẫn CT scan và sinh thiết phổi bằng các phương pháp khác thì tỷ lệ này là như nhau, nên khả năng di căn xa do tế bào u rơi theo đường đi của kim là rất thấp.

6. Sinh thiết phổi có thể gặp biến chứng gì?

Cũng có bạn đọc lo lắng rằng sinh thiết phổi có biến chứng xẹp phổi. Xin BS cho biết những điều ngoài ý muốn xảy ra khi sinh thiết phổi là gì, và làm sao để hạn chế biến chứng ạ?

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên:

Trong thực hành thì tai biến hay gặp nhất sau sinh thiết xuyên thành ngực là tràn khí màng phổi, nếu lượng khí nhiều sẽ gây xẹp phổi. Tỷ lệ tràn khí màng phổi dao động từ 20-50% trong các nghiên cứu nhưng đa số ở mức độ nhẹ, tự hồi phục. Bác sĩ thông thường sẽ suy xét, đánh giá thật kĩ đường đi của kim, chọn loại kim sinh thiết an toàn để hạn chế tối đa tai biến này.

Tuy nhiên, trên một số cơ địa đặc biệt, vẫn phải thực hiện sinh thiết dù xác định sẽ có thể có tai biến tràn khí, ví dụ như trên bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, tổn thương nằm sâu, tổn thương quá nhỏ, hoặc bệnh nhân hợp tác kém.

Thông thường bệnh nhân sẽ được chụp lại phim cắt lớp vi tính ngay sau sinh thiết để phát hiện sớm biến chứng này và theo dõi qua tình trạng lâm sàng, phim Xquang sau 4 giờ để phát hiện các trường hợp cần can thiệp điều trị.

7. Sinh thiết phổi có âm tính giả hay không?

Trường hợp nghi ngờ khối u ác tính nhưng sinh thiết âm tính, tuy nhiên bác sĩ vẫn nghi ngờ u ác tính thì các bước tiếp theo cần làm gì ạ?

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên:

Sinh thiết phổi dưới hướng dẫn cắt lớp vi tính vẫn có tỷ lệ nhỏ âm tính giả (tức là ung thư phổi nhưng sinh thiết không ra kết quả mong đợi), thường gặp khi khối u quá nhỏ hoặc quá khó tiếp cận, dẫn tới mẫu mô lấy được không đạt tiêu chuẩn hoặc không đúng vị trí. Những trường hợp này sẽ được tiến hành lấy lại mẫu sinh thiết lần nữa bằng loại kim cắt to hơn hoặc thay đổi vị trí lấy mẫu, ngoài ra còn có thể sinh thiết hạch hoặc tổn thương di căn, sinh thiết xuyên thành qua nội soi phế quản hoặc phẫu thuật nội soi phổi. Ngày nay, do sự tiến bộ về kĩ thuật lấy mẫu và nhiều liệu pháp hứa hẹn trong điều trị ung thư nên việc lấy được mẫu mô có giá trị chẩn đoán là hết sức quan trọng để quyết định điều trị và tiên lượng bệnh.

8. Người bệnh cần chuẩn bị gì trước khi sinh thiết phổi?

Nhờ BS hướng dẫn người bệnh cần làm gì trước khi sinh thiết phổi? Những loại thuốc nào bệnh nhân uống có thể ảnh hưởng tới quá trình sinh thiết phổi ạ?

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên:

Trước thủ thuật, bệnh nhân sẽ được giải thích rõ ràng về mục đích thực hiện và các tai biến thủ thuật, ký cam kết thực hiện. Bệnh nhân được khuyến cáo ăn nhẹ, nghỉ ngơi, giữ tin thần thoải mái trước và sau thực hiện thủ thuật. Các thuốc kháng đông, thuốc kháng kết tập tiểu cầu phải được ngưng theo thời gian quy định.

9. Sau khi sinh thiết phổi, người bệnh cần được chăm sóc như thế nào?

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên:

Sau thủ thuật, bệnh nhân được khuyên nên nghỉ ngơi tại giường ít nhất 4 giờ, nghỉ ngơi tại phòng bệnh để theo dõi trong 24h đầu tiên. Sau đó có thể sinh hoạt, làm việc bình thường.

10. Cần làm gì để giúp phát hiện sớm ung thư phổi?

Hiện tại, ung thư phổi thường được phát hiện muộn. Để giúp phát hiện ung thư phổi sớm hơn thì mọi người cần lưu ý những dấu hiệu bất thường nào của cơ thể ạ?

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên:

Điều trị ung thư phổi sẽ mang lại kết quả tốt hơn nếu tích cục từ giai đoạn sớm, nhưng đa số các trường hợp bệnh lại phát hiện ở giai đoạn trễ. Lý do là vì ung thư phổi giai đoạn sớm thường không có triệu chứng hoặc dễ nhầm lẫn với các bệnh lý thường thức khác.

Do đó, cách tốt nhất là phòng ngừa bằng lối sống lành mạnh, tránh khói bụi, tránh hút thuốc lá. Khi có các triệu chứng hô hấp như ho kéo dài, đau ngực, ho ra máu, sụt cân, có hạch cổ hoặc hạch thượng đòn thì cần khám bác sĩ chuyên khoa hô hấp để phát hiện và điều trị kịp thời.

Xin cảm ơn bác sĩ!

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X