Hotline 24/7
08983-08983

Đánh giá lão khoa toàn diện cho phép phân tầng rủi ro chính xác nhất

Theo BS.CK2 Nguyễn Trung Cường - Trưởng khoa Gây mê Hồi sức, Bệnh viện Nhân dân Gia Định trong việc tối ưu hóa bệnh nhân cao tuổi trước phẫu thuật cần chú ý đến vấn đề đánh giá lão khoa toàn diện bao gồm đánh giá hệ thống, chức năng suy giảm thần kinh, suy nhược, dinh dưỡng và tiền căn sử dụng thuốc…

>>> Hội nghị Khoa học thường niên 2024 BV Nhân dân Gia Định: Nghiên cứu khoa học bao phủ, báo cáo tinh gọn và chật kín người tham dự

Sự già hóa dân số tạo ra gánh nặng và thách thức trong chăm sóc y tế lão khoa

Theo báo cáo hướng tới chính sách quốc gia dân số về sự già hóa dân số ở Việt Nam, nước ta đã đạt mốc 103 triệu người vào năm 2023. Việt Nam hiện tồn tại hai thực trạng về dân số, vừa trong giai đoạn dân số vàng, vừa đang trong quá trình già hóa dân số 3. Do đó, đây là thời điểm tốt để Việt Nam có những chính sách hợp lý nhằm kéo dài thực trạng dân số vàng và ứng phó với xu hướng già hóa dân số.

BS.CK2 Nguyễn Trung Cường cho biết :“Tuổi thọ trung bình ở Việt Nam đã tăng từ 68,6 tuổi (năm 1999) lên 73,2 tuổi (năm 2014), tăng dần lên 74,5 tuổi (năm 2019), dự báo tăng lên 78 tuổi (năm 2030) và đạt 80,4 tuổi (năm 2050). Điều này cho thấy tuổi thọ trung bình của người Việt Nam rất cao so với các nước có cùng sự phát triển về nền kinh tế - xã hội”.

BS.CK2 Nguyễn Trung Cường - Trưởng khoa Gây mê Hồi sức, Bệnh viện Nhân dân Gia Định trong phiên chuyên đề “Gây mê hồi sức ở người cao tuổi” tại Hội nghị Khoa học thường niên 2024 Bệnh viện Nhân dân Gia Định

Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) dự báo, số lượng người cao tuổi của Việt Nam tăng từ 16,8 triệu người (năm 2039) và lên 25,2 triệu (năm 2069). Như vậy, dân số Việt Nam có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới và nước ta sẽ phải bước vào thời kỳ dân số già từ năm 2036.

Thời gian qua, các phương tiện truyền thông cũng thông tin về việc TPHCM đang có những chính sách đẩy mạnh giám sát khám sức khỏe cho người cao tuổi trên toàn thành phố nhằm phát hiện và quản lý các bệnh không lây nhiễm.

Theo một thống kê, ở nhóm người cao tuổi tại Việt Nam hiện nay mắc nhiều bệnh phối hợp với chi phí điều trị gấp 8 - 10 lần so với người trẻ. Tính đến đến 2050, Việt Nam sẽ là một quốc gia có nhóm dân số siêu già.

Trong báo cáo của tác giả Shamsuddin, tại Mỹ việc điều trị phẫu thuật nhóm bệnh nhân trên 80 tuổi là thường quy, chiếm đến 40% tổng số phẫu thuật. Chi phí điều trị cho nhóm bệnh nhân trên 65 tuổi chiếm 35% tổng chi phí y tế của Mỹ. Thời gian chăm sóc bệnh nhân trên 85 tuổi tăng gấp 3 lần so với nhóm bệnh 65 tuổi.

BS Cường nhận định: “Nếu xu hướng dân số già ngày một gia tăng, điều này sẽ đặt ra một thách thức rất lớn. Nhu cầu an sinh xã hội với người cao tuổi ngày một tăng thêm do lực lượng là nguồn cung lao động đang dần thiếu hụt. Nhu cầu chăm sóc y tế đối với bệnh nhân cao tuổi ngày một lớn hơn, từ đó dẫn đến một gánh nặng cho ngành y tế.

Mặc dù Việt Nam chưa bước vào nền kinh tế thuộc các nước phát triển nhưng vẫn phải đối mặt với tình trạng dân số già và đây cũng là một thực trạng đem đến gánh nặng cho nền y tế của nước ta”.

Tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định có một thống kê sơ bộ cho thấy trong 5 năm vừa qua, ngoại trừ năm đại dịch 2021, tỷ lệ bệnh nhân được phẫu thuật chương trình trên 60 tuổi chiếm từ 30 - 34%. Những bệnh lý thường xuyên xuất hiện trên nhóm bệnh nhân lớn tuổi là trầm cảm, lo âu hay những bệnh mạn tính về tim mạch, hô hấp.

Những bệnh lý này sẽ dẫn đến sự thay đổi mạnh về tâm lý, nhân cách của người bệnh nhân làm cho tình trạng bệnh mạn tính của bệnh nhân ngày một nặng hơn, do đó cần có sự chăm sóc và điều trị liên tục cho nhóm bệnh nhân cao tuổi.

Thứ hai là đối với nhóm bệnh nhân lớn tuổi, nếu có trải qua phẫu thuật, nguy cơ biến chứng sẽ tăng lên rất nhiều.

Tối ưu hóa trước phẫu thuật và áp dụng các nguyên tắc lão khoa cho bệnh nhân cao tuổi

Sự thay đổi sinh lý ở người cao tuổi biểu hiện qua việc thay đổi của lưu lượng tim, dung lượng tim, đáp ứng với giao cảm, với sự thay đổi do những rối loại về huyết áp, nhịp tim,… Hậu quả của sự thay đổi về tim mạch đã dẫn đến kết quả là sự bù trừ và khả năng dự trữ bị kém đi. Do đó, đáp ứng của tim mạch đối với stress sẽ rất cực đoan.

Chủ tọa trong phiên chuyên đề “Gây mê hồi sức ở người cao tuổi”: TS.BS Phan Tôn Ngọc Vũ - Trưởng khoa Gây mê hồi sức, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM; PGS.TS.BS. Nguyễn Thị Thanh - Phó chủ tịch LCH Gây mê hồi sức TPHCM; BS.CK2 Đinh Hữu Hào – Phó giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định (từ trái sang)

Trong hô hấp, sinh lý của người cao tuổi, dung tích phổi sẽ suy giảm dần theo tuổi, ở tuổi 50 sẽ chỉ còn 50% dung tích phổi. Đây là sự chuyển biến do sự thay đổi của lồng ngực bị xơ hóa; tăng đường kính trước sau của lồng ngực; vòm hoành bị giảm sự di chuyển theo chiều cao; thể tích đóng (closing volume) tăng lên… các vấn đề này sẽ làm khả năng đáp ứng của hô hấp đối với stress hay việc kiểm soát về tâm lý sẽ ngày một lúc khó khăn.

Thận và gan cũng sẽ có sự thay đổi ở người cao tuổi. Về mặt sinh lý có thể thấy thận và gan đều có sự suy giảm chức năng. Chính suy giảm chức năng ở gan và thận đã dẫn đến việc giảm thanh thải thuốc làm cho sự tồn dư thuốc dễ dàng. Gây ảnh hưởng đến việc gắn kết protein đối với  quá trình chuyển hóa và gắn kết thuốc trong quá trình thực hiện điều trị thuốc gây mê hay các loại thuốc điều trị nội khoa.

Đối với hệ thần kinh trung ương, ở bệnh nhân lớn tuổi rất sẽ rất dễ bị giảm trí nhớ; lo lắng hay lú lẫn; dễ bị ức chế hô hấp và tri giác, ngưỡng đau tăng; tăng nguy cơ rối loạn nhận thức… đây là những biểu hiện về suy giảm về chức năng thần kinh. Những yếu tố và nguy cơ này sẽ thúc đẩy hiện tượng mê sảng sau mổ, thường gặp ở bệnh nhân cao tuổi.

Về mặt huyết học, sinh lý tạo máu đã bị suy giảm do lão suy theo tuổi kèm theo vấn đề dinh dưỡng của bệnh nhân ngày một kém đi gây ra tình trạng thiếu máu mãn tính. Vấn đề thiếu máu cần được ưu tiên loại trừ so với việc loại trừ các yếu tố khác như do các bệnh lý về polyp, ung thư đường tiêu hóa hay dùng các loại thuốc kháng viêm gây chảy máu.

Bên cạnh đó, suy nhược cơ thể là một tình trạng lão khoa được đặc trưng bởi sự suy giảm sinh lý đa hệ thống. Do đó dễ làm tăng tỷ lệ tử vong sau mổ, tăng biến chứng chu phẫu dẫn đến thời gian nằm viện kéo dài, tình trạng tàn tật nặng hơn và có nguy cơ tử vong cao. Một số thống kê cho thấy, tình trạng suy nhược ở người trên 65 tuổi là 10% và tăng 25 - 50% ở người 80 tuổi.

Việc tối ưu hóa cho bệnh nhân trước phẫu thuật cần có những giải pháp như đánh giá qua quản lý chu phẫu thật tốt sẽ làm giảm tỷ lệ tử vong, tăng cường đầu tư nghiên cứu liên quan đến các vấn đề chăm sóc cho người cao tuổi, có nguyên tắc phối hợp liên ngành, liên chuyên khoa; cần có sự tương tác giữa các chuyên khoa phẫu thuật và không phẫu thuật; kèm theo ứng dụng công cụ đánh giá bệnh nhân cao tuổi.

“Trong những chiến lược trong việc tối ưu hóa bệnh nhân cao tuổi trước phẫu thuật cần chú ý đến vấn đề đánh giá lão khoa toàn diện bao gồm: đánh giá hệ thống; đánh giá chức năng suy giảm thần kinh; đánh giá suy nhược; đánh giá về dinh dưỡng và tiền căn sử dụng thuốc… Phần đánh giá tiền phẫu cần có sự phối hợp đối với việc hỗ trợ, chăm sóc của gia đình và sự can thiệp của đội ngũ y bác sĩ để bệnh nhân có thể đạt được kết quả tối ưu và phục hồi sau mổ một cách hiệu quả”, BS Cường nhấn mạnh.

Các tác giả của Viện Y tế Quốc gia Hoa kỳ nhận định vấn đề đánh giá trước mổ cần chú ý đến dinh dưỡng, tình trạng suy dinh dưỡng rất phổ biến ở người cao tuổi, có liên quan chặt chẽ đến tỷ lệ mắc bệnh và tử vong chu phẫu, do đó cần có sự đánh giá và sàng lọc trước giai đoạn phẫu thuật.

Tùy thuộc vào nhiều yếu tố thể chất, xã hội và cảm xúc, suy dinh dưỡng có thể biểu hiện cấp tính dưới dạng giảm mạnh lượng calo nạp vào hàng ngày và giảm cân không chủ ý hoặc mãn tính khi chỉ số khối cơ thể dưới 18.

Đối với các ca phẫu thuật tự chọn, bác sĩ lâm sàng nên thực hiện sàng lọc dinh dưỡng trong quá trình đánh giá phẫu thuật. Tuy nhiên, đối với những thủ thuật khẩn cấp, điều này cần được bác sĩ gây mê xem xét và đánh giá ngay lập tức.

Áp dụng trong phương pháp gây mê cho những bệnh nhân cao tuổi cần phối hợp giảm đau đa phương thức sẽ mang lại được nhiều ưu điểm. Các bác sĩ có thể giảm được lưu lượng thuốc, giảm thiểu các tác dụng phụ, sử dụng giãn cơ và hóa giải giãn cơ, hạ thân nhiệt, tăng cường các vật lý trị liệu sau mổ như vận động sớm… Tất cả các lợi điểm này sẽ giúp cho quá trình gây mê phẫu thuật đối với bệnh nhân cao tuổi đạt được hiệu quả tốt hơn.

Chuyên gia đi đến kết luận, đối với người cao tuổi có nguy cơ mắc bệnh và tử vong chu phẫu rất cao. Việc đánh giá lão khoa toàn diện (CGA) sẽ cho phép phân tầng rủi ro và nguy cơ một cách chính xác hơn. Khám đánh giá, tối ưu hóa bệnh nhân trước phẫu thuật cần áp dụng theo các nguyên tắc lão khoa. Hướng dẫn thực hành tốt nhất, hiệu quả nhất bằng các công cụ sàng lọc nhanh, các nguồn tài nguyên trực tuyến.

Nên phối hợp liên ngành, liên chuyên khoa và kết hợp chăm sóc gia đình là một phần của quá trình điều trị, chăm sóc lão khoa để đạt được kết quả điều trị ngoại khoa trên những đối tượng bệnh nhân lớn tuổi một cách hiệu quả nhất.

>>> Người trẻ suy thận mạn giai đoạn cuối, tuổi thọ rút ngắn đến 30 năm

>>> Lợi ích của liệu pháp hormone thay thế trong điều trị suy buồng trứng sớm

>>> 99% bệnh nhân phục hồi tự nhiên sau ngưng tim ngoại viện vẫn phải sống thực vật

>>> Cuộc chiến giảm cân ở người trẻ: Cần nhiều sự kiên trì hơn là động lực nhất thời

>>> Đột quỵ ở người trẻ: Xuất huyết não gặp nhiều hơn, tiên lượng tốt hơn cao tuổi

>>> Đái tháo đường người trẻ - Gánh nặng hiện tại và tương lai

>>> Điều trị rạn da là một thách thức, cần phối hợp nhiều phương pháp

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X