Hotline 24/7
08983-08983

Lợi ích của liệu pháp hormone thay thế trong điều trị suy buồng trứng sớm

Trong báo cáo “Mãn kinh sớm: Hậu quả nặng nề - Giải pháp giản đơn”, TS.BS Bùi Chí Thương - Trưởng khối Sản, Bệnh viện Nhân dân Gia Định đã nhấn mạnh, mặc dù không có cách chữa trị khỏi hoàn toàn nhưng người bệnh suy buồng trứng sớm có thể sử dụng liệu pháp hormone để làm giảm các triệu chứng và biến chứng tiềm ẩn do suy giảm nội tiết tố gây ra.

>>> Hội nghị Khoa học thường niên 2024 BV Nhân dân Gia Định: Nghiên cứu khoa học bao phủ, báo cáo tinh gọn và chật kín người tham dự

Thế nào là suy buồng trứng sớm?

TS.BS Bùi Chí Thương - Trưởng khối Sản, Bệnh viện Nhân dân Gia Định giải thích, suy buồng trứng sớm (premature ovarian insuficiency - POI) là một hội chứng lâm sàng được định nghĩa bởi buồng trứng mất chức năng trước năm 40 tuổi, đặc trưng bởi rối loạn kinh nguyệt (kinh thưa hoặc vô kinh), kết hợp với tình trạng tăng gonadotropin và tình trạng estradiol thấp.

Mãn kinh trước 45 tuổi được coi là mãn kinh sớm (early menopause - EM), mãn kinh dưới 40 tuổi là mãn kinh sớm do suy buồng trứng sớm.

Nguyên nhân dẫn đến suy buồng trứng sớm gồm:

- Vô căn: 90% các trường hợp suy buồng trứng sớm không tìm được nguyên nhân

- Di truyền: Liên quan nhiễm sắc thể X, hội chứng Turner,...

- Tự miễn: 5% liên quan đến bệnh tự miễn ở tuyến giáp, tuyến thượng thận...

- Can thiệp y khoa: Hóa trị, xạ trị vùng chậu, cắt tử cung, bóc u buồng trứng...

Phụ nữ dưới 40 tuổi có kinh thưa hoặc vô kinh trên 4 tháng; nồng độ FSH từ 25-40u/L qua hai lần khảo sát cách nhau ít nhất 4-6 tuần được chẩn đoán suy buồng trứng sớm.

TS.BS Bùi Chí Thương - Trưởng khối Sản, Bệnh viện Nhân dân Gia Định giải thích,  mãn kinh dưới 40 tuổi được xem là mãn kinh sớm do suy buồng trứng sớm 

Xét nghiệm dự đoán dự trữ buồng trứng (Disminish Ovarian Reserve - DOR) được dùng tiên lượng khả năng có thai tự nhiên. Giá trị AMH (Anti-mullerian Hormone) bị giới hạn trong chẩn đoán suy buồng trứng sớm, đặc biệt ở những phụ nữ vẫn còn chu kỳ kinh đều đặn. “Tuy nhiên, không nên lạm dụng xét nghiệm AMH trong chẩn đoán suy buồng trứng sớm” - TS.BS Bùi Chí Thương nhấn mạnh.

Về ngắn hạn, POI dẫn đến các triệu chứng vận mạch như bốc hỏa, vã mồ hôi đêm, mất ngủ, đau khớp, tính khí thất thường, uể oải, mất năng lượng, giảm trí nhớ, kém tập trung, giảm ham muốn... Bên cạnh đó còn có các triệu chứng niệu dục: khô hạn, giao hợp đau, tiểu lắt nhắt, són tiểu.

Về dài hạn, POI để lại nhiều hậu quả trên hệ tim mạch (bệnh mạch vành), xương khớp (giảm mật độ xương, giảm độ khoáng xương và loãng xương), ảnh hưởng đến chức năng sinh sản và nhận thức (suy giảm nhận thức và sa sút trí tuệ).

Suy buồng trứng sớm để lại nhiều hậu quả ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người phụ nữ

Liệu pháp nội tiết trong điều trị suy buồng trứng sớm

TS.BS Bùi Chí Thương cho biết: “Suy buồng trứng sớm, mãn kinh sớm đa phần do thiếu nội tiết. Tuy nhiên, khó có thể điều trị theo nguyên nhân mà chủ yếu chỉ điều trị triệu chứng. Liệu pháp hormone thay thế (HRT) được sử dụng như một cách bổ sung nội tiết ngoại lai cho bệnh nhân.

Cụ thể, HRT có thể cải thiện các nhóm triệu chứng do thiếu hụt estrogen nhờ cơ chế bổ sung estrogen. Nên sử dụng nội tiết thay thế khi đến độ tuổi mãn kinh của dân số chung nếu không thuộc trường hợp chống chỉ định.

Sau độ tuổi mãn kinh, người phụ nữ cần đánh giá lại các chống chỉ định và cân nhắc liệu pháp bổ sung nội tiết. Mục tiêu của HRT là đạt được nồng độ sinh lý của estradiol (trung bình 100pg/mL) và bảo vệ nội mạc tử cung bằng progestin.

Không chỉ vậy, HRT còn có thể cải thiện được các triệu chứng vận mạch của suy buồng trứng sớm và estrogen tại chỗ được chứng minh có hiệu quả cải thiện nhóm các triệu chứng niệu dục.

TS.BS Bùi Chí Thương cho biết, có nhiều bệnh nhân do không đủ điều kiện kinh tế nên sử dụng biện pháp uống thuốc ngừa thai hằng ngày. “Vỉ thuốc ngừa thai hằng ngày có giá chỉ từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng cũng có thể điều trị các triệu chứng rối loạn vận mạch cho bệnh nhân, tuy nhiên lại gây ảnh hưởng đến tim mạch do có nguy cơ tăng huyết khối”.

Liệu pháp nội tiết được đánh giá cao nhờ khả năng cải thiện các triệu chứng vận mạch, đồng thời bảo vệ trái tim và xương khớp về lâu dài. Sự phối hợp tốt giữa bác sĩ tim mạch và bác sĩ phụ khoa sẽ mang lại lợi ích lớn nhất cho bệnh nhân.

Đối với các bệnh nhân béo phì, bác sĩ có thể xem xét liệu pháp nội tiết đường dùng qua da với lợi thế tránh được hiệu ứng qua gan lần đầu, tỷ lệ thấp các vấn đề liên quan đến thay đổi khối lượng cơ thể, chuyển hoá lipid, tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch và đột quỵ khi so với dạng uống.

Đường dùng qua da là lựa chọn ưa thích hơn do các lợi thế, tuy nhiên cần xem xét bối cảnh cụ thể và mong muốn của người bệnh - Trưởng khối Sản Bệnh viện Nhân dân Gia Định khuyến cáo.

TS.BS Bùi Chí Thương thông tin, phụ nữ bị POI có nguy cơ mắc ung thư vú thấp hơn dân số chung. Không có bằng chứng cho thấy HRT làm tăng nguy cơ ung thư vú ở phụ nữ dưới 50 tuổi.

Hiện vẫn chưa đủ bằng chứng để khẳng định sự gia tăng nguy cơ thuyết tắc tĩnh mạch do huyết khối (VTE) ở những phụ nữ bị suy buồng trứng sớm điều trị HRT. Ở những phụ nữ mãn kinh ở độ tuổi bình thường, việc sử dụng estrogen qua miếng dán không làm tăng nguy cơ VTE. Nên cân nhắc việc sử dụng miếng dán qua da cho phụ nữ có POI, đặc biệt ở nhóm có gia tăng nguy cơ của VTE.

TS.BS Bùi Chí Thương nhấn mạnh, phát hiện và điều trị kịp thời suy buồng trứng sớm có lợi ích rất lớn trong việc cải thiện chất lượng sống của người bệnh

TS.BS Bùi Chí Thương cảnh báo, chỉ 5-10% phụ nữ có thể mang thai tự nhiên sau chẩn đoán POI. Do vậy, xin trứng được xem là giải pháp cho những phụ nữ bị POI có dự trữ buồng trứng thấp, kích thích phóng noãn và thụ tinh ống nghiệm cho hiệu quả không cao. Đặc biệt, POI do xạ trị vùng chậu có thể liên quan đến kết cục xấu trong thai kỳ.

Cần lưu ý rằng liệu pháp nội tiết thay thế không có hiệu quả tránh thai. Nếu không có nhu cầu có con, nên cân nhắc thêm một biện pháp tránh thai, dù khả năng có thai tự nhiên chỉ 5-10%.

Bên cạnh đó, người bệnh cần thay đổi lối sống, tăng cường tập luyện thể dục có kháng lực 2-3 lần/tuần, duy trì cân nặng phù hợp, không hút thuốc, không uống rượu bia, bổ sung canxi và vitamin D.

Bệnh nhân có thể dùng các phương pháp hỗ trợ sinh sản như thụ tinh trong ống nghiệm, xin noãn, trữ noãn,... nếu mong muốn có con.

Đề cập đến phương pháp “bảo tồn buồng trứng” đối với nhóm nguy cơ, TS.BS Bùi Chí Thương khuyên những phụ nữ sắp hóa trị, xạ trị vùng chậu nên trữa đông mô buồng trứng, “dù chưa có khuyến cáo nhưng đây là thực hành khả thi nhất” - chuyên gia nói thêm.

Tỷ lệ thụ tinh thành công và mang thai tương đồng ở nhóm trứng trữ đông và trứng tươi. Năm 2016, nghiên cứu của tác giả Cobo và cộng sự cho thấy, tỷ lệ mang thai lâm sàng là 45%/chu kỳ chuyển phôi và tỷ lệ sinh sống đạt 29%.

Mãn kinh sớm do POI đang có xu hướng tăng dần trong thời gian gần đây, để lại nhiều hệ lụy về mặt thể chất và tinh thần đối với phụ nữ. “Chỉ cần một bước nhận diện và điều trị sớm, chúng ta có thể giúp họ có một cuộc sống tốt đẹp hơn” - TS.BS Bùi Chí Thương đưa ra kết luận.

>>> Người trẻ suy thận mạn giai đoạn cuối, tuổi thọ rút ngắn đến 30 năm

>>> Cuộc chiến giảm cân ở người trẻ: Cần nhiều sự kiên trì hơn là động lực nhất thời

>>> 99% bệnh nhân phục hồi tự nhiên sau ngưng tim ngoại viện vẫn phải sống thực vật

>>> Đột quỵ ở người trẻ: Xuất huyết não gặp nhiều hơn, tiên lượng tốt hơn cao tuổi

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X