Hotline 24/7
08983-08983

Cuộc chiến giảm cân ở người trẻ: Cần nhiều sự kiên trì hơn là động lực nhất thời

Tại Hội nghị Khoa học thường niên 2024 do Bệnh viện Nhân dân Gia Định tổ chức, BS.CK2 Trần Thị Kim Chi - Trưởng khoa Dinh dưỡng - Bệnh viện Nhân dân Gia Định đưa ra cảnh báo rằng béo phì đang là một “đại dịch” có tính chất toàn cầu, liên quan đến hơn 200 bệnh lý. Do đó, điều trị béo phì là vấn đề cần được đặc biệt quan tâm.

Béo phì liên quan đến hơn 200 bệnh lý, trẻ em bị béo phì nặng kỳ vọng sống bị giảm đến 50%

BS.CK2 Trần Thị Kim Chi mở đầu báo cáo “Báo động về đại dịch béo phì người trẻ và cuộc chiến giảm cân” bằng nhận định: “Béo phì không chỉ là một vấn đề thẩm mỹ mà được định nghĩa như một bệnh mãn tính phức tạp”.

BS.CK2 Trần Thị Kim Chi đưa ra cảnh báo rằng béo phì đang là một “đại dịch” có tính chất toàn cầu, liên quan đến hơn 200 bệnh lý

Thống kê trên toàn thế giới cho thấy có khoảng 650 triệu người mắc chứng béo phì, dự đoán lên đến 1 tỷ người vào năm 2023. Béo phì liên quan đến hơn 200 bệnh lý và biến chứng đồng mắc khác như bệnh lý tim mạch, đái tháo đường, đột quỵ và ung thư.

Béo phì được xem là một "đại dịch" của thế kỷ 21 vì tốc độ phát triển quá nhanh, đe dọa sức khỏe người bệnh và ảnh hưởng đến hệ thống y tế, kinh tế. Thuật ngữ GLOBESITY là sự kết hợp giữ Global (toàn cầu) và Obesity (Béo phì).

Về dân số, người trẻ được định nghĩa là nhóm người từ 18-25 tuổi, nhưng các nghiên cứu về béo phì thường lấy mốc từ 15-50 tuổi. Trước đây, vấn đề béo phì đa số gặp ở tuổi trung niên. Tuy nhiên, thời gian gần đây béo phì có dấu hiệu tăng cao ở nhóm người trẻ, đặc biệt là học sinh, sinh viên, nhân viên văn phòng.

Chỉ trong 20 năm (1996-2016), bản đồ thể hiện tỷ lệ béo phì ở người trẻ đã chuyển sang màu đậm hơn, cho thấy một sự gia tăng với tốc độ chóng mặt

Việt Nam, mặc dù tỷ lệ thừa cân, béo phì không cao như một số nước khác trong khu vực nhưng tốc độ gia tăng lại dẫn đầu châu Á. Theo nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng Quốc gia năm 2020, tỷ lệ trẻ em bị thừa cân, béo phì đã tăng gấp đôi chỉ trong 10 năm. Trẻ em ở thành thị bị thừa cân, béo phì nhiều hơn rất nhiều so với nông thôn.

Báo cáo năm 2020 của UBND TPHCM, có 37,1% người trưởng thành (18-69 tuổi) bị thừa cân béo phì, trong khi tỷ lệ này ở trẻ em học đường tăng từ 41,4% (năm 2014) lên 43,4% (năm 2020).

Các thống kê từ hoạt động khám sức khỏe doanh nghiệp cho thấy tỷ lệ thừa cân, béo phì của nhân viên văn phòng là trên 40%. Tỷ lệ này ở sinh viên là trên 20%.

BS.CK2 Trần Thị Kim Chi giải thích: “Vấn đề tăng cân, tích tụ mỡ, đặc biệt là mỡ tạng, là một tiến trình tự nhiên theo tuồi. Tuy nhiên, ở những người có vận động thể lực kém và ăn uống không lành mạnh, thừa năng lượng, tiến trình này xảy ra sớm hơn”.

Người châu Á thường gặp tình trạng béo phì nhưng có cân nặng bình thường. Những bệnh nhân này có đặc điểm béo bụng, đề kháng insulin, tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch, chuyển hóa như những người có BMI cao.

"Đại dịch" béo phì ở người trẻ là sự tổng hợp đa nguyên nhân, đa yếu tố nguy cơ. Đầu tiên, BS.CK2 Trần Thị Kim Chi nhắc đến thói quen ăn uống thừa năng lượng trong thời gian dài với các thức ăn không lành mạnh. Người trẻ ngày nay ít có thói quen tập thể dục và quen với lối sống tĩnh tại (thích nằm xem tivi, ngồi xem máy tính bảng, chơi game...).

Ngoài ra, vấn đề đột biến gen và di truyền cũng ảnh hưởng đến cơ chế chuyển hóa, hấp thu, dự trữ chất béo. Một người có cha mẹ không béo phì chỉ có khoảng 10% nguy cơ, nhưng nếu 1 trong 2 người bị béo phì, con chung có khả năng bị béo phì lên đến 40%. Nếu cả cha và mẹ đều béo phì, con có đến 80% bị béo phì.

Không chỉ vậy, người trẻ còn phải đối đầu với stress, áp lực từ công việc và xã hội, gia đình. Người trẻ là nhóm dễ du nạp những thói quen, trào lưu ăn uống không lành mạnh. “Xu hướng trẻ hóa các bệnh mạn tính và béo phì là nguyên nhân, cũng là hậu quả của nhau” - BS.CK2 Trần Thị Kim Chi nhấn mạnh.

Tiêu chuẩn chẩn đoan thừa cân, béo phì ở người trẻ và trẻ em châu Á

Hậu quả mà "đại dịch" thừa cân béo phì để lại trên những người trẻ là tăng tỷ lệ mắc các bệnh lý của người già. Thừa cân béo phì làm trẻ em bị chậm phát triển cả về thể chất và tâm sinh lý. Tổng hòa các yếu tố trên sẽ dẫn đến năng suất học tập, lao động, sáng tạo,... đều bị giảm, đồng thời tăng chí phí điều trị, tăng gánh nặng y tế - kinh tế.

Một trẻ em bị béo phì nặng, kỳ vọng sống bị giảm đến 50%. Người trưởng thành mắc béo phì sẽ bị giảm kỳ vọng sống hơn 10 năm. “Con đường cuối cùng của trẻ em và người trẻ bị béo phì chính là con đường chết yểu” - BS.CK2 Trần Thị Kim Chi trình bày.

Cuộc chiến giảm cân không hề dễ dàng

Để giải quyết "đại dịch" béo phì, quan trọng nhất vẫn là quy tắc cân bằng năng lượng trong duy trì, thay đổi cân nặng. Nguyên tắc vàng trong điều trị giảm cân là thâm hụt calo, nghĩa là năng lượng nạp vào phải ít hơn năng lượng tiêu hao. Có rất nhiều biện pháp can thiệp điều trị béo phì nhưng phải cá thể hóa khi lựa chọn, tùy theo mức độ béo phì, bệnh đồng mắc và động lực giảm cân của bệnh nhân.

Phương pháp đạt hiệu quả cao nhất là phẫu thuật giảm cân (Bariatric Surgery) được chỉ định chung cho những bênh nhân từ 18-60 tuổi. Những trường hợp trẻ em béo phì nặng hoặc trẻ em trên 13 tuổi đã đạt độ trưởng thành xương vẫn có thể xem xét chỉ định.

Để đạt được hiệu quả giảm cân, phải xác định được lý do mà bệnh nhân muốn giảm cân, nhận diện các rào cản để tư vấn tạo động lực cho họ. Cá thể hóa mục tiêu, phương pháp điều trị cho từng người bệnh ở từng giai đoạn cụ thể. Quá trình giảm cân cần có sự hợp tác của người bệnh, sự hỗ trợ từ nhân viên y tế, cộng đồng và gia đình.

Đối với người cao tuổi, động lực giảm cân chủ yếu là vấn đề sức khỏe. Nhưng với người trẻ, nguyên nhân chính đến từ mong muốn thay đổi diện mạo, áp lực xã hội, công việc...

Cuộc chiến giảm cân ở người trẻ được chia thành 2 giai đoạn:

- Giai đoạn thứ nhất: Mục tiêu giảm cân đặt lên hàng đầu, giảm càng nhanh và càng nhiều càng tốt. Tuy nhiên, nếu chỉ kết thúc ở đây, bệnh nhân có thể sẽ gặp thất bại trong điều trị.

- Ở giai đoạn thứ hai, mục tiêu hàng đầu là duy trì hiệu quả từ giai đoạn đầu tiên và dự phòng thất bại (tái tăng cân). Đây cũng là giai đoạn cần tầm soát và điều trị các biến chứng, đồng mắc của đái tháo đường.

Bác sĩ cùng tham khảo với bệnh nhân để thống nhất mục tiêu giảm cân cụ thể, khả thi nhất ở từng giai đoạn: ngắn hạn, trung hạn, dài hạn.

Ở giai đoạn giảm cân nhanh, chế độ ăn có năng lượng cực thấp sẽ đạt hiệu quả. Nhưng đến giai đoạn duy trì, phẫu thuật giảm cân đem lại hiệu quả cao nhất và kết quả duy trì lâu nhất.

Có nhiều chế độ ăn khác nhau để người trẻ có thể dễ dàng tiếp cận và lựa chọn. Trong đó, chế độ ăn năng lượng thấp hoặc rất thấp đạt được đồng thuận cao nhất. Tuy nhiên, chế độ ăn đảm bảo lượng đạm cần thiết, ít tinh bột, ít béo và phân bổ thời gian ăn uống một cách nghiêm khắc sẽ rất khó để tuân thủ.

Để tăng tuân trị và duy trì chất lượng sống trong khi áp dụng một chế độ ăn kiêng khắc nghiệt, chúng ta cần lựa chọn những loại thức ăn đa màu sắc nhưng vẫn lành mạnh (eat clean). Những người quá bận rộn có thể dùng các bữa ăn thay thế để vừa cung cấp đủ chất dinh dưỡng vừa giảm mức năng lượng nạp vào.

Với chế độ ăn 80/20, người bệnh sẽ cần 80% thực phẩm có nguồn gốc lành mạnh, nhưng vẫn được phép có 20% các thực phẩm yêu thích để duy trì chất lượng cuộc sống.

Người châu Á được khuyên tập luyện thể lực mức độ trung bình nhiều hơn người da trắng 10-15 phút/ngày do nguy cơ mắc bệnh tim mạch - chuyển hóa cao hơn. Thời gian tập, loại hình tập tùy thuộc vào độ tuổi, cân nặng, mức độ vận động thể lực trước can thiệp, các rào cản về hành vi/sinh hoạt/biến chứng...

Nguyên tắc chung trong tập luyện tập từ ít đến nhiều, nhẹ đến nặng, đơn giản đến phức tạp, cần đạt tổng thời gian tập ≥ 60 phút/ngày...

Mặc dù có nhiều thuốc được FDA chấp nhận hoặc thuốc có hiệu quả giảm cân gọi là Off-Label, chúng ta vẫn phải tuân theo hướng dẫn của Bộ Y tế Việt Nam. Năm 2023, Bộ Y tế nước ta đã hướng dẫn, bệnh nhân có thể giảm 5-15% cân nặng trong 6 tháng để đạt được lợi ích chung cho sức khỏe. Nhưng để giảm hoặc thoái lui được các bệnh đồng mắc sẽ cần áp dụng những mục tiêu khác nhau.

BS.CK2 Trần Thị Kim Chi chia sẻ: “Giảm cân là một con đường gập ghềnh, khúc khuỷu và phức tạp”. Theo tác giả Wing và Hill, giảm cân được xem là thành công khi người bệnh vẫn duy trì được khả năng giảm cân ít nhất 10% trong tối thiểu 1 năm.

Bài báo cáo kết thúc với thông điệp:Thừa cân, béo phì là một trong những "đại dịch" thầm lặng nhưng nguy hiểm ở người trẻ. Giảm cân và duy trì hiệu quả giảm cân một cách lâu dài là một cuộc chiến đầy thách thức”.

Các nghiên cứu lâm sàng và kinh nghiệm thực tế cho thấy sự kiên trì tuân thủ can thiệp đa mô thức theo cá thể hóa với nền tảng thay đổi lối sống là biện pháp hiệu quả, khả thi.

Bài báo cáo nhấn mạnh, thừa cân, béo phì là một trong những đại dịch thầm lặng nhưng nguy hiểm ở người trẻ.

>>> Hội nghị Khoa học thường niên 2024 BV Nhân dân Gia Định: Nghiên cứu khoa học bao phủ, báo cáo tinh gọn và chật kín người tham dự

 

 

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X