Hotline 24/7
08983-08983

Vai trò quan trọng của ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý dụng cụ phẫu thuật

Theo PGS.TS.BS Lê Thị Anh Thư - Chủ tịch Liên chi hội Kiểm soát nhiễm khuẩn TPHCM việc tối ưu chuyển đổi số để quản lý dụng cụ mang lại lợi ích rất lớn cho kỹ thuật viên, nhân viên phòng mổ, nhân viên đơn vị diệt khuẩn. Đặc biệt, đem lại lợi ích kinh tế, tăng số ca phẫu thuật, cải thiện hiệu quả công việc. Từ đó, bệnh nhân sẽ giảm nguy cơ, kết quả phẫu thuật tốt và hồi phục nhanh.

Tại Hội nghị Khoa học thường niên 2024 của Hội Y học TPHCM, PGS.TS.BS Lê Thị Anh Thư - Chủ tịch Liên chi hội Kiểm soát nhiễm khuẩn TPHCM đem đến những thông tin quan trọng về “Tối ưu hóa quản lý dụng cụ phẫu thuật - Vai trò của chuyển đổi số”  

PGS.TS.BS Lê Thị Anh Thư cho biết: “Trước đây, khi nói về chất lượng dụng cụ phẫu thuật thường quan tâm đến sự vô khuẩn, tuy nhiên hiện nay chất lượng dụng cụ phải an toàn và hiệu quả. Đơn vị tiệt khuẩn cần đảm bảo và giám sát quy trình tiệt khuẩn. Đồng thời đảm bảo dụng cụ phải sử dụng tốt, cần thực hiện kiểm tra, thay thế và bảo dưỡng”.

Theo 65 khảo sát/ 48 bệnh viện ở Anh/ 32.000 dụng cụ thấy rằng, chỉ có 18% sử dụng được, 18% bị ăn mòn, 33% cần sửa chữa và 31% cần thay thế.

Quy trình hiện nay, khi vào phòng mổ, nếu dụng cụ không sử dụng được sẽ gọi điện nhờ thay thế dụng cụ khác và chờ dụng cụ khác được đem đến.

Thống kê, 1 phút trong phòng mổ nếu dừng lại sẽ mất 50 Euro. Mà thời gian để có dụng mới thay thế là khoảng 7 phút. Như vậy, trong 1 cuộc mổ chỉ cần 1 dụng cụ thay thế đã mất 350 Euro. Giả sử 1 năm có 100 cuộc mổ gặp tình trạng này thì sẽ mất 35.000 Euro.

“Ngoài ra, còn nhiều chi phí khác. Tuy nhiên quan trọng nhất là mất an toàn cho người bệnh vì sẽ không đạt chất lượng bằng 1 cuộc mổ trơn tru. Dụng cụ ở tình trạng làm việc tốt sẽ làm tăng sự hài lòng của nhân viên y tế và làm tăng chất lượng phẫu thuật” - PGS.TS.BS Lê Thị Anh Thư nhấn mạnh.

PGS.TS.BS Lê Thị Anh Thư - Chủ tịch Liên chi hội Kiểm soát nhiễm khuẩn TPHCM trình bày về “Tối ưu hóa quản lý dụng cụ phẫu thuật - Vai trò của chuyển đổi số”  

Một thực trạng khác, là phẫu thuật viên chỉ sử dụng khoảng 1/3 số dụng cụ đã chuẩn bị. Tuy nhiên dù chưa sử dụng thì dụng cụ vẫn phải được làm sạch, xử lý, từ đó dẫn đến sự hao phí.

Khảo sát tại Bệnh viện của Chicago trên 237 mâm dụng cụ của 4 chuyên khoa (Tai Mũi Họng, Chỉnh hình, Gan mật, Thần kinh) thấy rằng tỷ lệ sử dụng dụng cụ thực tế chỉ 13 - 22%.

Đây là thực trạng cần được giải quyết, do nhà quản lý không quản lý hiệu quả làm lãng phí chi phí xử lý, cũng như chi phí quản lý, tốn kém nguồn lực.

Đơn vị diệt khuẩn đóng vai trò quan trọng trong hiệu quả phẫu thuật

Nếu trước đây, cho rằng đơn vị diệt khuẩn (cung ứng dụng cụ) không cần quan tâm đầu tư thì hiện nay nên đặt ở vai trò cao hơn. Vì đây mới là đơn vị chuyên về dụng cụ để phục vụ cho các phẫu thuật viên tốt hơn, chứ không phải phòng mổ.

Hiện nay, một số phòng mổ vẫn tự quản lý dụng cụ và xử lý (làm sạch, đóng gói), chỉ gửi về hấp tại đơn vị tiệt khuẩn hoặc phòng mổ quản lý dụng cụ và gửi về xử lý tập trung tại đơn vị tiệt khuẩn. Tuy nhiên cần thay đổi mô hình mới là dụng cụ phải được quản lý và xử lý tập trung về đơn vị tiệt khuẩn trung tâm, khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn (CSSD).

Theo PGS.TS.BS Lê Thị Anh Thư, để làm được điều này, cần thay đổi ở nhiều bộ phận như giám đốc phải ưu tiên cải tiến khả năng CSSD, đầu tư nguồn lực cho đơn vị tiệt khuẩn (tài chính, con người, nâng cấp hạ tầng). Đơn vị tiệt khuẩn phải chứng minh được khả năng bằng cách xây dựng chính sách và quy trình chuẩn (làm sạch, khử khuẩn, tiệt khuẩn, giám định, bảo dưỡng dụng cụ, tối ưu hóa dụng cụ).

Cần có sự hỗ trợ của phòng mổ cùng thực hiện để xây dựng chính sách và quy trình, giám sát chất lượng. Bên cạnh đó, các bác sĩ Ngoại khoa, phẫu thuật viên sẽ cùng đơn vị tiệt khuẩn chọn đúng dụng cụ phù hợp, tối ưu hóa bộ dụng cụ và sử dụng đúng công năng.

Quy trình thực hiện tối ưu hóa bộ dụng cụ:

  1. Xem xét và xác định lại cấu trúc và nội dung bộ dụng cụ.
  2. Xác định lại các món cần có trong bộ dụng cụ cùng với phẫu thuật viên và điều dưỡng dụng cụ.
  3. Xây dựng mới lại bộ dụng cụ theo nhu cầu.

Theo thống kê khảo sát bộ dụng cụ chỉnh hình, số lượng ban đầu là 88 món, sau khi nhờ phẫu thuật viên xem xét để rút bớt một số dụng cụ không cần thiết thì số lượng còn lại là 67 món, tỷ lệ giảm 23% và tiết kiệm 17.640 USD.

Tuy nhiên, khi áp dụng công nghệ thông tin, thì số lượng còn lại là 41 món, tỷ lệ giảm 47% và tiết kiệm 34.440 USD. Trường hợp phẫu thuật viên xem xét cùng mô hình công nghệ thông tin thì số lượng còn lại là 51 món, tỷ lệ giảm 42% và tiết kiệm 31.870 USD. Có thể thấy, nếu ứng dụng chuyển đổi số thì khả năng tối ưu hóa bộ dụng cụ sẽ tốt hơn.

Theo PGS.TS.BS Lê Thị Anh Thư tỷ lệ sử dụng dụng cụ thực tế chỉ 13 - 22%, vì vậy cần giải quyết thực trạng này để tránh lãng phí chi phí xử lý và quản lý, hạn chế tốn kém nguồn lực.

Tất cả các dụng cụ cần được quản lý bằng mã vạch và các bước làm sạch, đưa vào máy, lưu trữ đều phải quét mã vạch. Từ đó, biết được dụng cụ đang ở đâu và giảm thiểu sự mất mát, cũng như biết dụng cụ nào đang hư, đang gặp vấn đề hoặc cần thay thế.

Sau này, có thêm phương pháp quản mới thay cho mã vạch là RFID - mỗi dụng cụ sẽ có một mã riêng. Từ đó, sẽ có một hệ thống báo cáo rất tốt đối với các dụng cụ, cập nhật dữ liệu liên tục đến người quản lý đơn vị tiệt khuẩn để đáp ứng kịp thời theo yêu cầu của phòng mổ, kỹ thuật viên.

Một phương pháp mới khác là tất cả dữ liệu sẽ cập nhật trên Cloud. Khi phẫu thuật viên cần dụng cụ thì đơn vị quản lý chỉ cần xem trên điện thoại là có thể biết bộ dụng cụ đó đang ở khu vực nào để trả lời được ngay về thời gian cụ thể cung cấp bộ dụng cụ cho phẫu thuật viên.

Chuyên gia nhận định, việc tối ưu chuyển đổi số để quản lý dụng cụ mang lại lợi ích rất lớn. Đặc biệt là phẫu thuật viên sẽ không bị gián đoạn, giảm sai sót. Nhân viên phòng mổ không mất thời gian để xử lý, quản lý dụng cụ, giảm thời gian tìm kiếm, đánh giá chức năng mà sẽ dành thời gian phục vụ cho người bệnh. Riêng nhân viên CSSD sẽ giảm thời gian xử lý dụng cụ nhờ chuyển đổi số, tăng khả năng bảo dưỡng dụng cụ.

Về mặt quản trị sẽ tối ưu hóa về chất lượng, an toàn, quy trình làm việc, tăng độ tin cậy, hài lòng. Đem lại lợi ích kinh tế, tăng dụng cụ với chi phí thấp, tăng số ca phẫu thuật, cải thiện hiệu quả công việc. Từ đó, bệnh nhân sẽ giảm nguy cơ, kết quả phẫu thuật tốt và hồi phục nhanh.

Hội nghị Khoa học thường niên của Hội Y học TPHCM là diễn đàn uy tín, nhận được sự quan tâm và mong chờ của tất cả các chuyên gia, bác sĩ, nhân viên y tế trên cả nước.

Năm 2024, hội nghị mang đến chủ đề "Cập nhật những thành tựu y học trong Thực hành Lâm sàng", mong muốn mang đến kiến thức hữu ích cho nhân viên y tế, đặc biệt là bác sĩ đa khoa, bác sĩ gia đình, thành tựu đỉnh cao của các chuyên khoa.

Hội nghị đón nhận gần 200 y bác sĩ tham dự trực tiếp và hơn 800 y bác sĩ theo dõi trực tuyến.

>>> Hội nghị Khoa học thường niên Hội Y học TPHCM 2024: Bao quát các vấn đề, giới thiệu thành tựu mới nhất của từng chuyên khoa

>>> Đối phó bệnh nhiễm trùng cần các loại thuốc điều hòa phản ứng miễn dịch trong cơ thể ký chủ

>>> Cập nhật các tiến bộ trong điều trị vết thương khó lành

>>> Số người mắc và chết vì thừa cân béo phì nhiều hơn so với thiếu dinh dưỡng

>>> Trung bình cứ 3 giây lại có 1 ca gãy xương do loãng xương

>>> Muốn tránh đột tử, hãy tầm soát sức khỏe trước khi thi đấu thể thao

>>> Tiến bộ mới về chẩn đoán, quản lý giúp giảm biến chứng, cứu sống bệnh nhân viêm gan B

>>> Bước tiến mới trong chẩn đoán và điều trị bệnh phổi mô kẽ trong viêm khớp dạng thấp

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X