Hotline 24/7
08983-08983

Muốn tránh đột tử, hãy tầm soát sức khỏe trước khi thi đấu thể thao

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan - Chủ tịch LCH Hen - Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng TPHCM cho biết, trong các giải chạy cũng như các môn thể thoa khác đều có nguy cơ chấn thương, cơ xương hoặc biến cố tim mạch, hậu quả có thể dẫn đến tử vong. Vì vậy, chuyên gia đề nghị các vận động viên nên tầm soát sức khỏe trước khi tham gia thi đấu để đảm bảo an toàn.

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết lan mang đến Hội nghị Khoa học thường niên 2024 của Hội Y học TPHCM chủ đề “Ai cần kiểm tra sức khỏe trước khi tham gia chạy marathon và các môn thể thao khác”

Biến cố tim mạch là yếu tố nguy cơ gây đột tử phổ biến nhất khi tham gia thể thao

Tại Hội nghị Khoa học thường niên 2024 của Hội Y học TPHCM, PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan đã đưa ra vấn đề “Ai cần kiểm tra sức khỏe truớc khi tham gia chạy marathon và các môn thể thao khác” để bàn luận tại diễn đàn khoa học này.

Phong trào chạy đang nổi lên từ Bắc Chí Nam, từ người lớn đến con nít, một tín hiệu đáng mừng vì đây là cơ hội để người Việt nâng cao sức khỏe, đồng thời có thêm các chương trình về xã hội rất ý nghĩa. Tuy nhiên, thông tin đột tử trong các giải chạy hiện nay ngày càng nhiều.

Thực tế, đã có trường hợp mới 23 tuổi đã đột tử ở giải chạy, điều này khiến các bác sĩ lo lắng vì trẻ tuổi, lớn tuổi đều đã xảy ra đột quỵ trong giải chạy. Gần đây nhất là Pickleball, một người đàn ông 55 tuổi đột tử trong lúc chơi bộ môn thể thao này.

Phó giáo sư cho biết, trong các giải chạy cũng như các môn thể thao khác đều có nguy cơ chấn thương cơ xương hoặc biến cố tim mạch. Trong đó, biến cố tim mạch chiếm nhiều nhất về tử vong, có thể đột tử do tim, nhồi máu cơ tim cấp, rối loạn nhịp, tăng huyết áp bất thường, huyết áp không tăng trong lúc vận động, hen suyễn, co thắt phế quản do gắng sức, rối loạn chức năng dây thanh, tắc nghẽn thanh quản do gắng sức, hoặc các kiểu thở bất thường trong vận động…

“Hiện nay có nhiều dụng cụ đo lường nguy cơ phổ biến như: máy SpO2, điện thoại thông minh, đo huyết áp tại nhà… Tuy nhiên, giá trị của các dụng cụ này vẫn chưa được khẳng định, nhưng nếu có nhu cầu sử nên lựa chọn thương hiệu uy tín”, PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan khuyến cáo.

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan - Chủ tịch LCH Hen - Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng TPHCM

 Vị chuyên gia dẫn chứng công trình nghiên cứu của một giáo sư người Ý về hiệu quả của chương trình tầm soát sức khỏe ở vận động viên với 4 nội dung thăm khám bao gồm: Hỏi bệnh sử bản thân vận động viên; hỏi tiền căn gia đình; khám lâm sàng (đặc điểm xương khớp và mắt gợi ý hội chứng marfan, bắt mạch động mạch đùi thấy giảm hoặc trễ, click giữa hoặc cuối thì tâm thu…); và đo điện tim cho ra 13 tiêu chí kết luận bất thường.

Các nội dung trên đã nhận được hưởng ứng tuân thủ thực hiện. Tuy nhiên đến năm 2023, bên cạnh 4 nội dung trên, vị giáo sư người Ý đã bổ sung thêm nghiệm pháp gắng sức vào nhóm các nội dung tầm soát sức khỏe trước khi tham gia thi đấu.

Qua đó, PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan cho biết, nếu cả 4 nội dung: hỏi bệnh sử bản thân vận động viên; hỏi tiền căn gia đình; khám lâm sàng; và đo điện tim đều âm tính, vận động viện có thể tham gia thi đấu nhưng cần kiểm tra lại sức khỏe mỗi năm. Nếu dương tính (chỉ cần 1 trong 4 xét nghiệm có dương tính), vận động viên phải làm thêm các xét nghiệm, MRI, CTscan… nếu không có phát hiện bất thường, vận động viên được thi đấu và lặp lại kiểm tra hàng năm.

Trường hợp thăm khám sâu, phát hiện bệnh nhân có bệnh tim mạch nhưng không sợ đột tử thì điều trị bằng thuốc, nếu hiệu quả ổn định, tốt, lúc đó vận động viên được phép thi đấu. Ngược lại nếu có nguy cơ đột tử, vận động viên không được phép thi đấu mà phải điều trị bằng thuốc và kê toa tập luyện.

CPET là nghiệm pháp không thể thay thế trong tầm soát sức khỏe trước khi thi đấu

Qua các nội của giáo sư người Ý, PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan đề nghị các vận động viên nên gặp bác sĩ để kiểm tra tất cả các nội dung trên, kể cả nghiệm pháp gắng sức. Chuyên gia thông tin thêm, nghiệm pháp tim mạch gắng sức và nâng cao hơn là nghiệm pháp tim mạch hô hấp gắng sức đều có nguy cơ tương đương nhau. Tuy nhiên, nếu làm nghiệm pháp tim mạch hô hấp gắng sức (CPET) sẽ đo được rất nhiều chỉ số, ngoài tim mạch, điện tim, CPET còn cho ra các chỉ số về hô hấp, chuyển hóa…

“Các cơ sở y tế thực hiện CPET sức đòi hỏi bác sĩ, kỹ thuật viên phải được học sơ cấp cứu cấp 2, có dụng cụ cấp cứu, được huấn luyện bài bản. Đây cũng là test duy nhất của hô hấp mà đòi hỏi bác sĩ phải đứng làm”, chuyên gia nhấn mạnh.

Một quy trình thực hiện CPET kéo dài 10 phút có thể cho ra kết quả dài 60 trang. Theo phó giáo  sư, hiện nay tại nước ngoài, chi phí mỗi lần thực hiện CPET thấp nhất là 2.560 USD (khoảng 60 triệu tiền Việt Nam). Tuy nhiên, tại Việt Nam chỉ với 2,5 triệu đồng, bệnh nhân đã có thể thực hiện CPET.

Hiệu quả của CPET cũng được vị chuyên gia đề cập, cụ thể như: Phân loại thể chất vận động viên; kiểm tra mức độ suy giảm chức năng; chẩn đoán sớm các bệnh lý tiềm ẩn đáp ứng bất thường trong lúc gắng sức…

Trong đó chẩn đoán sớm các bệnh lý bất thường được các bác sĩ mong chờ nhất, điều này giúp phát hiện tình trạng rối loạn nhịp, rung nhĩ, rung thất, huyết áp cao/thấp bất thường phải ngừng ngay tức khắc, lúc này cần cấp cứu cho bệnh nhân. Nhưng thực tế có nhiều trường hợp bệnh nhân cho rằng họ ổn, ở nhà còn cố gắng hơn, nhưng đây là yếu tố nguy cơ tử vong.

Bên cạnh đó, CPET còn giúp đánh giá đáp ứng tim mạch, hô hấp, cơ ngoại biên với từng bài tập; xác định đỉnh VO2peak và ngưỡng bền để chọn lựa bài tập; tính toán mức năng lượng tiêu thụ, khích lệ tập luyện, đánh giá hiệu quả sau chương trình tập, các khoảng trống có thể cải thiện… Phó giáo sư nhấn mạnh, tất cả những vấn đề trên đều hướng đến việc vận động viên được tập hiệu quả nhưng phải an toàn.

Chuyên gia hy vọng có sự phối hợp của Hội Y học thể thao để cho ra kết quả của chương trình kiểm tra sức khỏe trước tập luyện với 5 phân loại: Đủ điều kiện về mặt y khoa để tham gia không hạn chế tất cả các hoạt động; Đủ điều kiện về mặt y khoa kèm khuyến cáo theo dõi/điều trị thêm (nêu rõ); đủ điều kiện về mặt y khoa cho một số môn thể thao nhất định (nêu rõ); không đủ điều kiện về mặt y khoa cho bất cứ hoạt động nào cho đến khi hoàn tất lượng giá, điều trị hoặc PHCN bổ sung (nêu rõ); không đủ điều kiện về mặt y khoa để tham gia vào bất cứ hình thức thể thao hay thể chất nào.

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan nhấn mạnh: “CPET là công cụ nâng cao đánh giá đồng thời tim mạch, hô hấp, cơ ngoại biên, có vai trò quan trọng không thể thay thế. Điều quan trọng là dễ thực hiện, dễ tiếp cận, chi phí thấp”.

Cuối bài báo cáo, vị chuyên gia thông tin về 3 đơn vị thực hiện CPET tại TPHCM bao gồm: Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM, Phòng khám bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM; Trung tâm Chăm sóc sức khỏe cộng đồng CHAC.

Các báo cáo viên nhận thư cảm ơn từ Hội Y học TPHCM

 

Bài báo cáo của PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan nằm trong khuôn khổ Hội nghị Khoa học thường niên 2024 do Hội Y học TPHCM tổ chức ngày 21/12/2024 với chủ đề “Cập nhật về những thành tựu y học trong thực hành lâm sàng”. Hội nghị quy tụ hơn 1000 chuyên gia tham dự trực tiếp và trực tuyến.

Nội dung hội nghị năm nay với 33 bài báo cáo trong 9 phiên đến từ Chủ tịch, Phó chủ tịch, UVBCH và các chuyên gia đầu ngành từ 32 LCH chuyên khoa TPHCM. Đồng thời, PGS.TS.BS Nguyễn Thị Ngọc Dung - Chủ tịch Hội Y học TPHCM cũng đánh giá đây là “Diễn đàn quy tụ những tinh hoa của ngành y tế TPHCM”.

Hội nghị thường niên năm 2024 là sự kiện đánh dấu khép lại các hoạt động của Ban chấp hành nhiệm kỳ IX và mở đầu khóa X nhiệm kỳ 2024-2029 Hội Y học TPHCM, đồng thời kỷ niệm 45 năm thành lập Hội Y học TPHCM (1979-2024).

>>> Đối phó bệnh nhiễm trùng cần các loại thuốc điều hòa các phản ứng miễn dịch trong cơ thể ký chủ

>>> Số người mắc và chết vì thừa cân béo phì nhiều hơn so với thiếu dinh dưỡng

>>> Trung bình cứ 3 giây lại có 1 ca gãy xương do loãng xương

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X