Hotline 24/7
08983-08983

Hội nghị Khoa học thường niên Hội Y học TPHCM 2024: Bao quát các vấn đề, giới thiệu thành tựu mới nhất của từng chuyên khoa

Ngày 21/12/2024, Hội Y học TPHCM tổ chức Hội nghị khoa học thường niên năm 2024 với chủ đề "Cập nhật những thành tựu y học trong thực hành lâm sàng". Chương trình quy tụ 33 bài báo cáo từ chuyên gia đầu ngành của 32 LCH chuyên khoa. PGS.TS.BS Nguyễn Thị Ngọc Dung - Chủ tịch Hội Y học TPHCM nhận xét đây là một “diễn đàn quy tụ những tinh hoa của ngành y tế TPHCM”.

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Ngọc Dung - Chủ tịch Hội Y học TPHCM nhận xét Hội nghị khoa học thường niên năm 2024 là một “diễn đàn quy tụ những tinh hoa của ngành y tế TPHCM”.

Hội nghị Khoa học thường niên 2024 của Hội Y học TPHCM thu hút hơn 1.000 đại biểu tham dự trực tuyến và trực tiếp. Các đại biểu đã lắng nghe 33 bài báo cáo đến từ Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các chuyên gia của 32 LCH chuyên khoa tại TPHCM, sau đó bàn luận sôi nổi để rút ra những kinh nghiệm thực tiễn.

Chỉ diễn ra trong một ngày nhưng hội nghị đã mang đến những nội dung đa dạng, phong phú với 33 bài báo cáo trong 9 phiên. Mỗi phiên là một chủ đề nổi bật về thực hành lâm sàng đang được quan tâm trong thời gian gần đây.
Phát biểu khai mạc, PGS.TS.BS Nguyễn Thị Ngọc Dung - Chủ tịch Hội Y học TPHCM cho biết: “Chương trình có vẻ tản mát nhiều chuyên khoa, tuy không phù hợp với các bác sĩ từng dự các hội nghị chuyên ngành nhưng cực kỳ có ích lợi đối với bác sĩ đa khoa, bác sĩ  gia đình và mở mang tầm nhìn với bác sĩ chuyên khoa. Điều này cũng phù hợp với xu hướng hiện nay đang cổ vũ cho sự tiếp cận đa chuyên khoa, đa mô thức trong thực hành để chăm sóc người bệnh một cách tối ưu”.
PGS.TS.BS Đỗ Kim Quế - Uỷ viên Ban chấp hành Hội Y học TPHCM - Chủ tịch LCH Phẫu thuật Lồng ngực và Tim mạch TPHCM nhận xét, tất cả các bài báo cáo có hàm lượng khoa học rất cao, đặc biệt là các bài báo cáo mới cập nhật các kiến thức mới nhất trên thế giới cũng như tại Việt Nam.
Tại phiên toàn thể, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết, bệnh nhiễm trùng vẫn là gánh nặng, thách thức đe dọa sức khỏe loài người. Những tiến bộ của y học hiện đại cho phép tiếp cận, nghiên cứu một cách toàn diện về hệ thống các tác nhân gây bệnh nhiễm trùng. Chuyên gia khẳng định, iệc nghiên cứu và phát triển các loại thuốc - thuốc sinh học, các vắc xin thế hệ mới sẽ là giải pháp cơ bản để “sống chung” với thế giới vi sinh vật.
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Ngọc Dung - Chủ tịch Hội Y học TPHCM trao thư cảm ơn cho báo cáo viên
Trong báo cáo về “Ứng dụng vi sinh lâm sàng hiện đại trong thời đại Genomic”, TS.BS Phạm Hùng Vân - Chủ tịch LCH Vi sinh lâm sàng TPHCM nhận xét, MPL-rPCR (Multiplex Real-time PCR - Kỹ thuật nhân bản một hoặc nhiều trình tự DNA trong cùng một phản ứng PCR) cho kết quả nhanh chóng, giúp bác sĩ điều trị trúng đích sớm, giúp bệnh nhân nhanh cải thiện lâm sàng và khỏi bệnh.
Đề cập đến “Tiến bộ trong nghiên cứu khoa học lĩnh vực y học cổ truyền tại TPHCM”, PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay - Chủ tịch LCH Đông - Tây Y kết hợp TPHCM cho biết, số lượng công bố khoa học trong và ngoài nước đều tăng đã tạo tiềm năng phát triển lớn trong nghiên cứu khoa học y học cổ truyền tại nước ta. Song, thách thức lớn nhất hiện nay có lẽ là cơ sở vật chất và kinh phí, đồng thời cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa với y học hiện đại.
BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp - Chủ tịch LCH Dinh dưỡng - Thực phẩm TPHCM cảnh báo, Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia có mức độ tăng thừa cân béo phì cao nhất thế giới. 3 phương pháp chính điều trị béo phì là dinh dưỡng và lối sống, thuốc, phẫu thuật, song việc chọn lựa phương pháp điều trị tùy thuộc vào đặc điểm của từng bệnh nhân và mức độ nghiêm trọng của bệnh.
PGS.TS.BS Nguyễn Văn Trí khẳng định, trong giản lược hóa thang suy yếu lâm sàng, việc đánh giá mức độ suy yếu chỉ cần căn cứ vào đặc điểm: suy yếu nhẹ - cần trợ giúp một số hoạt động sinh hoạt; suy yếu trung bình - cần trợ giúp một số hoạt động cơ bản; suy yếu nặng - cần trợ giúp toàn bộ hoạt động cơ bản; suy yếu rất nặng khi người già bị suy yếu nặng và không thể hồi phục dù chỉ mắc một bệnh rất nhẹ.
Các báo cáo viên của phiên 1 nhận thư cảm ơn của Hội Y học
Mở đầu phiên chuyên đề về chăm sóc sức khỏe Sản Nhi, TS.BS Cam Ngọc Phượng - Phó Chủ tịch LCH Chu sinh Sơ sinh TPHCM trình bày về siêu âm chẩn đoán tại giường cho trẻ đột ngột trở nặng tại khoa Hồ sức Sơ sinh.
TS.BS Huỳnh Văn Khoa - Tổng thư ký LCH Loãng xương TPHCM cho biết, gãy xương do loãng xương là một bệnh rất thường gặp và Việt Nam sẽ có nguy cơ gãy xương do loãng xương cao trong những thập niên tới. Việc lựa chọn thuốc điều trị phù hợp sẽ đảm bảo mục tiêu và sự tuân thủ điều trị tốt nhất.
BS.CK2 Đỗ Thị Cẩm Giang - UVBCH LCH Tim mạch Nhi bẩm sinh TPHCM gây ấn tượng tại Hội nghị với báo cáo về 2 ca can thiệp tim bào thai đầu tiên tại Việt Nam, qua đó mở ra hy vọng điều trị bệnh tim bẩm sinh từ trong bào thai.
PGS.TS.BS Vũ Thị Nhung - Chủ tịch LCH Phụ sản TPHCM nhấn mạnh tầm quan trọng của tầm soát và điều trị HPV cho cả nam giới và nữ giới. Nếu người vợ điều trị khỏi HPV nhưng người chồng vẫn chưa được điều trị, vẫn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm.
Các đại biểu và báo cáo viên cùng thảo luận, trao đổi các vấn đề liên quan đến “Chăm sóc sức khỏe Sản Nhi”.
Báo cáo viên của phiên 2 nhận thư cảm ơn của Hội Y học.
 ECMO (ExtraCorporeal Membrane Oxygenation - Tim - phổi nhân tạo ngoài cơ thể) là một công cụ mạnh mẽ giúp hỗ trợ hô hấp và/hoặc tuần hoàn. PGS.TS.BS Phạm Thị Ngọc Thảo - Chủ tịch LCH Hồi sức Cấp cứu TPHCM khẳng định, đây là một thành tựu hết sức ấn tượng và đáng khích lệ.
PGS.TS.BS.CK2 Nguyễn Anh Tuấn - Chủ tịch LCH Điều trị vết thương TPHCM giới thiệu “Một số tiến bộ trong điều trị vết thương khó lành”, đồng thời nhấn mạnh, việc điều trị các vết thương khó lành thường khó khăn, cần có sự phối hợp của nhiều chuyên khoa, điều trị người bệnh, thích ứng với từng người bệnh.
TS.BS Trần Chí Cường - Chủ tịch LCH Can thiệp Thần kinh TPHCM cho biết, trong 5 năm, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ tiếp nhận hơn 50.000 lượt cấp cứu, trong đó đột quỵ chiếm hơn 50% (gần 26.000 lượt). Trong thời gian này, bệnh viện đã thực hiện hơn 20.000 lượt phẫu thuật và can thiệp DSA, công bố hàng chục công trình nghiên cứu, đề tài khoa học giá trị và liên tục đạt chứng nhận Kim cương từ Hội Đột quỵ Thế giới (WSO).
Can thiệp thần kinh là một hướng phát triển mới, giúp chẩn đoán chính xác các bệnh lý mạch máu não, đồng thời tiến hành can thiệp ngay sau khi được chẩn đoán, mở ra nhiều cơ hội điều trị cho người bệnh. BS.CK2 Nguyễn Đức Khang - UVBCH LCH Chẩn đoán hình ảnh TPHCM hy vọng mọi người dân Việt Nam đều có thể tiếp cận dễ dàng phương pháp điều trị tiên tiến này và kỹ thuật can thiệp thần kinh sẽ góp phần đưa nền y học nước nhà phát triển ở tầm cao mới.
Đại biểu chăm chú theo dõi phiên chuyên đề “Tiến bộ trong can thiệp thần kinh”.
PGS.TS.BS Đỗ Kim Quế - UVBCH Hội Y học TPHCM - Chủ tịch LCH Phẫu thuật Lồng ngực và Tim mạch TPHCM trao thư cảm ơn cho các báo cáo viên trong phiên chuyên đề 3.
PGS.TS.BS Lê Thị Anh Thư - Chủ tịch LCH Kiểm soát nhiễm khuẩn TPHCM chia sẻ kinh nghiệm “Áp dụng chuyển đổi số trong quản lý dụng cụ phẫu thuật”.
Theo PGS.TS.BS Đỗ Kim Quế - Chủ tịch LCH Phẫu thuật Lồng ngực và Tim mạch TPHCM, siêu âm duplex, chụp điện toán cắt lớp động mạch cảnh có giá trị cao trong phát hiện hẹp động mạch cảnh ngoài sọ. Bóc lớp trong động mạch cảnh là phương pháp điều trị an toàn và hiệu quả cho bệnh lý này. Trong khi đó, stent động mạch có thể là phương pháp thay thế đối với những bệnh nhân trên 70 tuổi có nguy cơ phẫu thuật cao.
GS.TS.BS Võ Thành Nhân - Chủ tịch LCH Tim mạch Can thiệp TPHCM cho biết, trên thế giới, TAVI (cấy van động mạch chủ qua ống thông) đã được chứng minh an toàn và hiệu quả trong ngắn và dài hạn điều trị hẹp van động mạch chủ nặng, với bất kể nguy cơ phẫu thuật. Tại Việt Nam, kết quả ban đầu cho thấy, TAVI cho các kết quả rất khả quan ở điều trị bệnh lý này.
ThS.BS Đào Anh Quốc - LCH Tim mạch nhi và Tim bẩm sinh TPHCM trình bày kết quả “Thay động mạch phổi qua da”.

Trao thư cảm ơn của Hội Y học TPHCM đến các báo cáo viên trong phiên chuyên đề 4: “Những tiến bộ trong phẫu thuật tim mạch”.
PGS.TS.BS Phạm Thị Thu Thủy - Phó Chủ tịch LCH Gan Mật TPHCM chia sẻ, viêm gan B (HBV) vẫn là vấn đề mà thầy thuốc cần quan tâm. Biến chứng bệnh khá âm thầm và có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, kể cả khi bệnh đã được kiểm soát tốt. Nhiều tiến bộ trong xét nghiệm đã góp phần quản lý HBV tốt hơn, hy vọng trong tương lai gần sẽ kiểm soát được và điều trị triệt để bệnh lý này.
Báo cáo của PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan - Chủ tịch LCH Hen - Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng TPHCM mang tính thời sự cao với chủ đề “Đừng để đột tử trong các giải chạy”. Bác sĩ khuyến nghị mọi người nên lắng nghe cơ thể và tập luyện đúng mức. Chuyên gia cũng nhấnh mạnh, CPET (đo gắng sức tim mạch hô hấp) là công cụ nâng cao đánh giá đồng thời tim mạch, hô hấp, cơ ngoại biên, đóng vai trò quan trọng và không thể thay thế trong kiểm tra sức khỏe.
PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc - Chủ tịch LCH Hô hấp TPHCM cảnh báo, COPD (bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính) là bệnh thường gặp tại Việt Nam, có tỷ lệ tàn phế và tử vong cao. Các hướng dẫn điều trị cập nhật mới nhất hiện nay khuyến cáo tối ưu hóa thuốc giãn phế quản trong đợt cấp COPD.
ThS.BS Huỳnh Khôi Nguyên - UVBTV LCH Bệnh tự miễn Cơ Xương khớp TPHCM cập nhật những “Bước tiến mới trong chẩn đoán và điều trị bệnh phổi mô kẽ trong viêm khớp dạng thấp”.
Các báo cáo viên trong phiên chuyên đề 5: “Cập nhật trong điều trị bệnh lý gan mật và hô hấp” nhận thư cảm ơn từ BTC Hội nghị.
ThS.BSNT Nguyễn Việt Anh - LCH Phẫu thuật tạo hình TPHCM cho biết, qua lâm sàng, phẫu thuật giúp cải thiện rõ rệt khả năng phát âm của bệnh nhân dị tật khe hở vòm bị thiểu năng vòm - hầu trên 2 tiêu chí: giảm giọng mũi và giảm thoát khí qua mũi khi nói. Báo cáo cũng lý giải nguyên nhân phẫu thuật tạo hình thành hầu là phương pháp an toàn, khả thi và có thể áp dụng rộng rãi cho bệnh nhân thiểu năng vòm - hầu.
Phần trình bày của TS.BS Hồ Thị Thùy Trang - Chủ tịch LCH Chỉnh hình Răng Hàm Mặt TPHCM tại Hội nghị Khoa học thường niên năm 2024 của HộiY học TPHCM đã đề cập đến vấn đề “Chỉnh nha bằng khay nhựa trong - Có phải xu hướng điều trị hiện tại và tương lai?”.
TS.BS Hoàng Trọng Hùng - Phó Chủ tịch LCH Răng Hàm Mặt TPHCM trình bày những hiệu quả của việc fluor hóa nước máy tại TPHCM từ năm 1990 đến năm 2019, đồng thời đề cập đến những thách thức hiện nay.
TS.BS Trần Hùng Lâm - Chủ tịch LCH Cấy ghép Nha khoa TPHCM chia sẻ những thành tựu trong hành trình 50 năm phát triển của implant nha khoa dựa trên tích hợp xương.
Các báo cáo viên của phiên 6: “Cập nhật trong thực hành Răng - Hàm - Mặt” nhận thư cảm ơn.
BS.CK2 Nguyễn Thị Hồng Hạnh - LCH Nhãn khoa TPHCM báo cáo loạt ca lâm sàng phẫu thuật Yokoyama cải tiến trong điều trị hội chứng Heavy Eye.
TS.BS Trần Nguyên Ánh Tú - UVBCH LCH Da liễu TPHCM khẳng định, thẩm mỹ khuôn mặt không xâm lấn ngày càng phổ biến, do vậy việc tiếp cận toàn bộ khuôn mặt trong điều trị thẩm mỹ là một xu hướng mới. Bác sĩ cần nắm vứng cấu trúc giải phẫu, hiểu rõ sản phẩm, cập nhật liên tục các kỹ thuật điều trị và cá nhân hóa từng trường hợp bệnh nhân.
PGS.TS BS Đặng Xuân Hùng - Chủ tịch LCH Thính học TPHCM cập nhật những “Quan điểm mới trong chẩn đoán và xử trí chứng ù tai”.
TS.BS Lê Trần Quang Minh - Phó Chủ tịch LCH Tai Mũi Họng TPHCM đã “Đánh giá kết quả phẫu thuật cấy ốc tai điện tử với điện cực đặt qua màng cửa sổ tròn và qua lỗ mở ốc tai tại Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM”: Số lượng 78,26% đặt qua màng cửa sổ tròn và 21,74% đặt điện cực qua lỗ khoan mở ốc tai đã chứng minh, việc tồn tại 2 kỹ thuật đặt điện cực là cần thiết để phẫu thuật viện có thể lựa chọn phương pháp tối ưu cho bẹnh nhân.
Kết thúc phiên chuyên đề 7: “Những vấn đề liên quan Mắt - Tai Mũi họng - Da liễu trong thực hành lâm sàng”, các báo cáo viên nhận thư cảm ơn từ BTC Hội nghị.
TS.BS Lê Ngọc Tuấn - LCH Phẫu thuật Bàn tay TPHCM báo cáo kết quả “Nghiên cứu giải phẫu cơ sinh học dây chằng thuyền nguyệt ứng dụng trong điều trị mất vững cổ tay sau trật khớp quanh nguyệt”.
BS.CK2 Trương Công Dũng - UVBCH LCH Nội soi Cơ Xương Khớp TPHCM giới thiệu “Phương pháp tái tạo đồng thời dây chằng mác sên trước và mác gót trong mất vững ngoài cổ chân”. Đối với các bệnh nhân với nhu cầu vận động cao như vận động viên, lao động nặng, bệnh nhân thừa cân, cơ địa lỏng bẩm sinh hoặc bệnh nhân mổ lại, phương pháp tái tạo dây chằng đúng giải phẫu bằng mảnh ghép gân là một lựa chọn. Kết quả ban đầu cho thấy không có trường hợp đứt lại hay cứng khớp sau mổ.
BS.CK2 Hồ Nhựt Tâm - Chủ tịch LCH Cột sống TPHCM trình bày đề tài “Theo dõi lâu dài hiệu quả phẫu thuật nắn chỉnh và cố định vẹo cột sống tại Đơn vị Cột sống, Bệnh viện Trưng Vương (TPHCM)”.
TS.BS.CK2 Phan Đức Minh Mẫn - Phó Chủ tịch LCH Chỉnh hình Nhi TPHCM chia sẻ kết quả “Đánh giá kết quả điều trị phẫu thuật trong liệt đám rối thần kinh cánh tay trẻ em do sanh tại Bệnh viện Nhi đồng 2”. Qua theo dõi lâu dài, ghi nhân 21 ca phục hồi tốt cho dạng vai và khuỷu, tuy nhiên cần cải thiện kỹ thuật để góp phần tăng chức năng bàn tay.
Các báo cáo viên tại phiên chuyên đề 8: “Hiệu quả can thiệp một số vấn đề thường gặp trong chấn thương chỉnh hình” nhận thư cảm ơn.

Hội nghị Khoa học thường niên của Hội Y học TPHCM là diễn đàn uy tín, nhận được sự quan tâm và mong chờ của tất cả các chuyên gia, bác sĩ, nhân viên y tế trên cả nước. Năm 2024, với chủ đề "Cập nhật những thành tựu y học trong thực hành lâm sàng", hội nghị mang đến nhiều kiến thức hữu ích cho nhân viên y tế, đặc biệt là bác sĩ đa khoa, bác sĩ gia đình, giới thiệu những thành tựu đỉnh cao của các chuyên khoa.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X