Hotline 24/7
08983-08983

Bước tiến mới trong chẩn đoán và điều trị bệnh phổi mô kẽ trong viêm khớp dạng thấp

Tại Hội nghị Khoa học thường niên do Hội Y học TPHCM tổ chức, ThS.BS Huỳnh Khôi Nguyên đã mang đến bài báo cáo “Bước tiến mới trong chẩn đoán và điều trị bệnh phổi mô kẽ trong viêm khớp dạng thấp”. Những tiến bộ mới này giúp cải thiện chất lượng chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân RA-ILD, nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm tử vong.

ThS.BS Huỳnh Khôi Nguyên - UVBTV LCH Bệnh tự miễn Cơ Xương Khớp TPHCM cho biết, viêm khớp dạng thấp (RA) là bệnh lý tự miễn thường gặp nhất, với tỉ lệ mắc khoảng 0,5 - 1% dân số. Bệnh thường khởi phát ở độ tuổi từ 30 - 60, với tỷ lệ nữ/nam là 3/1.

Bác sĩ thông tin, RA không chỉ gây viêm nhiều khớp đối xứng mà còn gây tổn thương nhiều cơ quan ngoài khớp, trong đó có bệnh phổi mô kẽ (ILD). ILD trong RA, còn được gọi là RA-ILD, là một trong những nguyên nhân tử vong chính ở bệnh nhân RA.

Tỉ lệ mắc RA-ILD khác nhau tùy thuộc vào các nghiên cứu và công cụ chẩn đoán được sử dụng. ILD có thể xuất hiện ở bất kỳ giai đoạn nào của RA, có thể xuất hiện trước biểu hiện viêm khớp hoặc sau khi có viêm khớp, đặc biệt trong vài năm đầu của bệnh. Khoảng 40% bệnh nhân ILD có kiểu hình xơ hóa tiến triển, khó dự đoán và thường có tiên lượng xấu.

ThS.BS Huỳnh Khôi Nguyên - UVBTV LCH Bệnh tự miễn Cơ Xương Khớp TPHCM

Các yếu tố nguy cơ gây ra RA-ILD bao gồm: hút thuốc lá (> 25 gói/năm); nguy cơ mắc RA-ILD của nam giới cao hơn nữ; bệnh nhân cao tuổi (50 - 60 tuổi); nồng độ RF, anti-CCP và hoạt tính bệnh cao; đột biến gen MUCSB; sử dụng một số loại thuốc làm tăng nguy cơ…

Bác sĩ cho biết thêm, bệnh xơ phổi tiến triển có dự hậu xấu ở bệnh nhân RA. Thời gian sống trung bình của bệnh nhân sau khi được chấn đoán RA-ILD khoảng 2,6 năm, 25% bệnh nhân tử vong trong năm đầu tiên sau khi chẩn đoán.

Bước tiến trong chẩn đoán và điều trị RA-ILD giúp cải thiện chất lượng cuộc sống, giảm tử vong

Biểu hiện lâm sàng của RA chủ yếu là triệu chứng viêm khớp như sưng đau các khớp đối xứng, cứng khớp buổi sáng mạn tính kéo dài trên 6 tuần. Tổng thương phổi trong RA thường ít có triệu chứng rõ ràng, các triệu chứng âm thầm hoặc dễ bỏ sót trừ khi bênh tiến triên nặng. Bên cạnh đó, bệnh nhân RA-ILD có thể có triệu chứng ho khan, khó thở khi gắng sức, ran nổ vùng đáy phổi. Tình trạng khó thở, ho, mệt nặng hơn trong đợt cấp bệnh phối mô kẽ.

Một số phương pháp được áp dụng chẩn đoán RA-ILD phổ biến hiện nay được bác sĩ thông tin, bao gồm: X-quang ngực thẳng; chụp cắt lớp vi tính; HRCT; nội soi phế quản; sinh thiết phổi. Các phương tiện đánh giá chức năng hô hấp giúp đánh giá mức độ nặng của RA-ILD như hô hấp ký, phế thân kýnghiệm pháp đi bộ 6 phút. Ngoài ra, dấu ấn sinh học KL-6 mới gần đây cho thấy tiềm năng trong việc đánh giá mức độ và tiên lượng bệnh.

ThS.BS Huỳnh Khôi Nguyên cho biết, trong lâm sàng phối hợp giữa chuyên khoa Nội Cơ xương khớp và chuyên khoa Hô hấp rất cần thiết để phát hiện sớm bệnh RA-ILD. Sự phối hợp chặt chẽ giữa hai chuyên khoa giúp đảm bảo chẩn đoán kịp thời và chính xác, nhằm đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả cho bệnh nhân RA-ILD, đồng thời cải thiện tiên lượng và chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

Một đồng thuận giữa chuyên khoa Hô hấp và Nội Cơ Xương Khớp, bệnh nhân có từ 5 điểm trở lên theo thang điểm trên cần tầm soát bệnh phổi mô kẽ

Bác sĩ nhận định, việc kiểm soát hoạt tính bệnh viêm khớp dạng thấp rất quan trọng trong điều trị RA-ILD. Sử dụng các thuốc kháng viêm ở giai đoạn đầu như corticoid và NSAID. Việc điều trị nền tảng là các thuốc DMARD cổ điển, có thể kết hợp các thuốc sinh học, thuốc ức chế JAK trong trường hợp kém đáp ứng.

Điều trị RA-ILD cần dựa vào mức độ tổn thương, tình trạng xơ hóa tiến triển, ảnh hưởng lên chức năng hô hấp và hoạt động chức năng của bệnh nhân. Việc quyết định điều trị dựa trên mức độ tổn thương và xơ hóa tiến triển.

Trong đó, trường hợp nhẹ, không có triệu chứng, bệnh nhân cần được theo dõi và đánh giá định kỳ. Trường hợp bệnh nhân có triệu chứng và nguy cơ tiến triển nhanh, cần điều trị kịp thời dựa trên mức độ, giai đoạn và hình thái tổn thương để đạt hiệu quả cao nhất.

Theo bác sĩ Khôi Nguyên, điều trị bằng thuốc trong RA-ILD bao gồm các biện pháp nhằm kiểm soát quá trình viêm và tình trạng xơ hóa khi RA-ILD được đặc trưng bởi sự hiện diện đồng thời của viêm và xơ hóa phổi. Việc điều trị đúng thời điểm và hiệu quả sẽ giúp cải thiện đáng kể chức năng hô hấp và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.

Điều trị không dùng thuốc đóng vai trò quan trọng và cần được chú trọng. Bác sĩ cho biết, việc điều trị này cần kết hợp nhiều biện pháp nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống và chức năng hô hấp của bệnh nhân.

Trong đó, người bệnh phải ngừng thuốc lá để giảm các tác nhân cho phổi; cung cấp oxy bổ sung để duy trì ổn định oxy trong máu. Vật lý trị liệu hô hấp đóng vai trò quan trọng trong cải thiện khoảng cách đi bộ, giảm triệu chứng và tăng chất lượng cuộc sống.

Chủng ngừa cúm và phế cầu rất cần thiết, đặc biệt đối với bệnh nhân RA-ILD điều trị bằng thuốc ức chế miễn dịch, nhằm phòng ngừa biến chứng nhiễm trùng cơ hội.

Bác sĩ thông tin thêm, trong các trường hợp suy hô hấp nặng, ghép phổi được xem xét như một phương pháp cuối cùng để cải thiện tình trạng hô hấp của người bệnh. Chăm sóc giảm nhẹ là một phần quan trọng trong quá trình điều trị, giúp bệnh nhân quản lý triệu chứng và cải thiện tổng thể sức khỏe tinh thần, thể chất.

 Qua đó, ThS.BS Huỳnh Khôi Nguyên nhấn mạnh, các tiến bộ mới trong chẩn đoán và điều trị RA-ILD, kết hợp với các dấu ấn sinh học mới và công nghệ hình ảnh hiện đại đã mở ra nhiều triển vọng trong việc chẩn đoán kịp thời cho bệnh nhân ở giai đoạn “cửa sổ vàng” trong điều trị.

Liệu pháp phối hợp giữa điều hòa miễn dịch và thuốc chống xơ hứa hẹn mang lại hiệu quả điều trị và cải thiện tiên lượng cho bệnh nhân. Bác sĩ nhận định, những bước tiến này giúp phát hiện sớm và điều trị hiệu quả ILD, từ đó cải thiện chất lượng cuộc sống và dự hậu cho bệnh nhân RA-ILD.

Bài báo cáo của ThS.BS Huỳnh Khôi Nguyên nằm trong khuôn khổ Hội nghị Khoa học thường niên 2024 do Hội Y học TPHCM tổ chức ngày 21/12/2024 với chủ đề “Cập nhật về những thành tựu y học trong thực hành lâm sàng”. Hội nghị quy tụ hơn 1000 chuyên gia tham dự trực tiếp và trực tuyến.

Nội dung hội nghị năm nay với 33 bài báo cáo trong 9 phiên đến từ Chủ tịch, Phó chủ tịch, UVBCH và các chuyên gia đầu ngành từ 32 LCH chuyên khoa TPHCM. Đồng thời, PGS.TS.BS Nguyễn Thị Ngọc Dung - Chủ tịch Hội Y học TPHCM cũng đánh giá đây là “Diễn đàn quy tụ những tinh hoa của ngành y tế TPHCM”.

Hội nghị thường niên năm 2024 là sự kiện đánh dấu khép lại các hoạt động của Ban chấp hành nhiệm kỳ IX và mở đầu khóa X nhiệm kỳ 2024-2029 Hội Y học TPHCM, đồng thời kỷ niệm 45 năm thành lập Hội Y học TPHCM (1979-2024).

>>> Đối phó bệnh nhiễm trùng cần các loại thuốc điều hòa phản ứng miễn dịch trong cơ thể ký chủ

>>> Số người mắc và chết vì thừa cân béo phì nhiều hơn so với thiếu dinh dưỡng

>>> Trung bình cứ 3 giây lại có 1 ca gãy xương do loãng xương

>>> Muốn tránh đột tử, hãy tầm soát sức khỏe trước khi thi đấu thể thao

>>> Tiến bộ mới về chẩn đoán, quản lý giúp giảm biến chứng, cứu sống bệnh nhân viêm gan B

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X