Tiến bộ mới về chẩn đoán, quản lý giúp giảm biến chứng, cứu sống bệnh nhân viêm gan B
PGS.TS.BS Phạm Thị Thu Thủy cho biết, cho đến nay vẫn chưa có thuốc nào điều trị triệt để bệnh viêm gan B, tuy nhiên những thành tựu trong chẩn đoán cùng các xét nghiệm chuyên sâu đã góp phần quản lý tốt, giảm biến chứng và cứu sống người bệnh viêm gan virus B.
Trong phần trình bày báo cáo “Các tiến bộ mới trong chẩn đoán và quản lý bệnh nhân viêm gan virus B”, PGS.TS.BS Phạm Thị Thu Thủy - Phó Chủ tịch LCH Gan Mật TPHCM cho biết, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố vào tháng 3/2024, trên toàn thế giới có 296 triệu người nhiễm virus viêm gan B (HBV).
Từ năm 2022, tỷ lệ nhiễm virus viên gan B có chiều hướng giảm, nhưng tại vùng Đông Nam Á tỷ lệ này vẫn tăng lên. Điều đáng buồn, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B, C nhiều nhất, chính vì vậy, tỷ lệ ung thư rất cao. Theo dự đoán số người tử vong do HBV sẽ tiếp tục tăng lên 1,14 triệu người vào năm 2034 nếu không có các biện pháp hành động can thiệp hiệu quả.
Năm 2024, WHO cho ra một guideline mới, đưa ra nhiều khái niệm mới và lớn. Trong đó, WHO cũng đã đề cập đến các dấu ấn mới, bao gồm: HbsAg định lượng, HbcrAg, HBV RNA. Đây là những dấu ấn liên quan rất nhiều đến cccDNA trong biểu mô tế bào gan, và cccDNA là nguồn cơn của xơ gan và ung thư gan.
PGS.TS.BS Phạm Thị Thu Thủy thông tin cụ thể về từng dấu ấn mới được đề cập trong guideline của WHO:
HbsAg
HbsAg (kháng nguyên bề mặt viêm gan B) rất quan trọng trong chẩn đoán nhiễm HBV, cho biết một người có HBV hay không. Các xét nghiệm HbsAg định tính từ lâu đã được sử dụng trong lâm sàng để xác định sự hiện diện của HBV. Gần đây, HbsAg định lượng giúp quản lý bệnh nhân HBV tốt hơn.
Trong quá trình điều trị bằng thuốc kháng virus, nồng độ HbsAg giảm nhanh hơn với Peg-Interferon so với thuốc kháng virus đường uống, hỗ trợ theo dõi điều trị. Ở những người mang virus không hoạt động, nồng độ HbsAg có thể dự đoán các biến chứng như ung thư biểu mô tế bào gan (HCC).
HbcrAg
HBcrAg (kháng nguyên liên quan đến lõi của virus viêm gan B) do 3 loại kháng nguyên gồm kháng nguyên e - HBeAg, kháng nguyên lõi virus - HBcAg và protein tiền nhân p22cr của virus viêm gan B tổng hợp thành. HBcrAg là một dấu ấn sinh học mới của HBV, có tương quan tốt với cccDNA, HBV DNA và HbsAg. HBcrAg được phát hiện ngay cả khi HBV DNA, HBsAg trong huyết thanh không phát hiện được, và việc giảm nồng độ HBcrAg có liên quan đến kết quả khỏi bệnh của bệnh nhân nhiễm HBV mạn tính.
Bên cạnh đó, nồng độ HBcrAg còn chỉ ra phản ứng điều trị và dự đoán kết quả ở HBV mạn tính. HBcrAg phân biệt các giai đoạn HBV, tiên lượng khả năng chuyển đổi huyết thanh của HBeAg trong diễn tiến tự nhiên; tiên lượng thải trừ hết HBsAg trong diễn tiến tự nhiên.
Trong quá trình điều trị, HBcrAg dự đoán khả năng mất HBsAg, tiên lượng chuyển đổi huyết thanh HBeAg và đánh giá khả năng tái phát hoặc bùng phát sau khi ngưng thuốc NA điều trị virus. Bên cạnh đó, HbcrAg cũng đánh giá nguy cơ tái hoạt động trong liệu pháp ức chế miễn dịch và nguy cơ HCC.
M2BPGi
Vị chuyên gia nhấn mạnh, đánh giá mức độ xơ hóa gan (XHG) giữ một vai trò quan trọng trong quản lý bệnh nhân nhiễm HBV vì giúp chẩn đoán chính xác mức độ bệnh, quyết định phương pháp điều trị, theo dõi đáp ứng điều trị, cũng như tiên lượng biến chứng HCC.
XHG là một trong những tiêu chí quan trọng giúp xác định có chỉ định điều trị thuốc kháng virus không. Có hai phương pháp chính để xác định mức độ XHG là phương pháp có xâm lấn sinh thiết gan và phương pháp không xâm lấn bao gồm các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh và xét nghiệm máu.
Trong đó, phương pháp xét nghiệm máu đánh giá XHG ngày càng được sử dụng rộng rãi vì khắc phục được một số nhược điểm của phương pháp chẩn đoán hình ảnh. M2BPGi là một xét nghiệm mới đánh giá độ XHG và được sử dụng rộng rãi tại Nhật Bản 2013.
Theo Phó giáo sư, mức độ xơ hóa ở các bệnh nhân viêm gan virus mạn tính được chẩn đoán xơ hóa gan có thế được phát hiện và đánh giá qua nồng độ M2BPGi. Bên cạnh đó, M2BPGi còn giúp tiên lượng nguy cơ HCC và đánh giá tái phát sau điều trị HCC. Sự tiến bộ này hỗ trợ trong việc quản lý bệnh nhân và các chiến lược phát hiện HCC sớm cho những cá nhân có nguy cơ cao.
PIVKA-1
Một trong những biến chứng chết người khi nhiễm HBV là HCC. Trong khi tỉ lệ tử vong đối với hầu hết các bệnh ung thư đang giảm, HCC vẫn là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu liên quan đến ung thư do phát hiện muộn, thiếu phương pháp điều trị khỏi bệnh đối với những người được phát hiện giai đoạn trễ, áp dụng các liệu pháp điều trị không nhất quán trong thực hành lâm sàng, và nguy cơ tử vong cạnh tranh do bệnh gan kèm theo.
Giai đoạn khối u khi chẩn đoán có liên quan đến tiên lượng sống còn của người bệnh, việc phát hiện sớm giúp điều trị hiệu quả, ít tốn kém, khả năng hết HCC cao. Chuyên gia nhấn mạnh, bệnh nhân nhiễm HBV dù được kiểm soát tốt đến đâu thì nguy cơ xuất hiện HCC vẫn luôn luôn có, do đó cần phải tầm soát HCC ở bệnh nhân nhiễm HBV.
PIVKA- II (DCP) là một dấu ấn sinh học mới nổi gần đây được xem là góp phần chẩn đoán HCC trong quá trình theo dõi bệnh nhân nhiễm HBV.
HBV RNA
PGS.TS.BS Phạm Thị Thu Thủy nêu bật, HBV RNA là dấu ấn đang phát triển mới nhất hiện nay và hiện tại đang thực hiện trong một số nghiên cứu, chưa được sử dụng trong thực tế lâm sàng.
Chuyên gia đặt kỳ vọng trong tương lai gần khi có những tiến bộ đột phá trong kỹ thuật xét nghiệm cũng như các thuốc điều trị mới có thể điều trị hết HBV thì HBV RNA sẽ được xem như một xét nghiệm thường quy của HBV, góp phần vào quản lý bệnh viêm gan B tốt hơn.
PGS.TS.BS Phạm Thị Thu Thủy thông tin, cho đến hiện tại chưa có thuốc nào điều trị triệt để bệnh viêm gan B, tuy nhiên những thành tựu trong chẩn đoán cùng các xét nghiệm chuyên sâu về HBV; chẩn đoán độ xơ hóa gan; chẩn đoán, tiên lượng HCC đã góp phần quan trọng trong quản lý hiệu quả người bệnh viêm gan B, giúp giảm đáng kể các biến chứng của bệnh viêm gan B, chẩn đoán sớm các biến chứng để tăng hiệu quả điều trị góp phần cứu sống người bệnh.
Phó giáo sư hy vọng trong tương lai sẽ có những bước đột phá trong điều trị khỏi bệnh viêm gan B, từ đó góp phần đạt được mục tiêu do WHO đề ra là loại bỏ bệnh viêm gan B vào năm 2030.
>>> Đối phó bệnh nhiễm trùng cần các loại thuốc điều hòa các phản ứng miễn dịch trong cơ thể ký chủ
>>> Số người mắc và chết vì thừa cân béo phì nhiều hơn so với thiếu dinh dưỡng
>>> Trung bình cứ 3 giây lại có 1 ca gãy xương do loãng xương
>>> Muốn tránh đột tử, hãy tầm soát sức khỏe trước khi thi đấu thể thao
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình