Hotline 24/7
08983-08983

Cập nhật các tiến bộ trong điều trị vết thương khó lành

PGS.TS.BS.CK2 Nguyễn Anh Tuấn - Chủ tịch Liên chi hội Điều trị vết thương TPHCM cho biết, điều trị vết thương khó lành thường khó khăn, cần có sự phối hợp của nhiều chuyên khoa, điều trị người bệnh, thích ứng với từng bệnh nhân.

Tại Hội nghị Khoa học thường niên 2024 của Hội Y học TPHCM, PGS.TS.BS.CK2 Nguyễn Anh Tuấn - Chủ tịch Liên chi hội Điều trị vết thương TPHCM đã đem đến những thông tin hữu ích xoay quanh vấn đề “Một số tiến bộ trong điều trị vết thương khó lành”.

Theo PGS.TS.BS.CK2 Nguyễn Anh Tuấn, vết thương khó lành hay vết thương mạn tính là vết thương không lành trong thời gian mong đợi (với điều trị tiêu chuẩn) vì dừng lại ở một trong những giai đoạn lành vết thương.

Thời gian chính xác để phân chia vết thương cấp hay mạn tính không được định rõ, tuy nhiên hầu hết các nhà lâm sàng đồng ý là vết thương được coi là vết thương mạn tính nếu sau 3 tháng không lành.

Một số loại vết thương khó lành gồm: loét do tiểu đường, tổn thương do tì đè, loét trên bệnh lý tĩnh mạch/động mạch... đây luôn là thách thức và cần có sự chăm sóc, điều trị đặc biệt.

PGS.TS.BS.CK2 Nguyễn Anh Tuấn - Chủ tịch Liên chi hội Điều trị vết thương TPHCM trình bày bài báo cáo “Một số tiến bộ trong điều trị vết thương khó lành”

Những yêu cầu chính điều trị vết thương khó lành:

- Cần có phối hợp điều trị đa chuyên khoa (chuyên gia chăm sóc điều trị vết thương, phẫu thuật viên, BS nội tiết, BS dinh dưỡng...), cũng như các phương pháp, vật liệu chuyên biệt...

- Chẩn đoán chính xác các nguyên nhân gây bệnh, bệnh nền, loại vết thương, mức độ trầm trọng.

- Điều trị bệnh nhân, không phải điều trị vết thương.

- Điều trị hiệu quả vết thương khó lành cần các giải pháp tổng thể (trên bệnh nền, vết thương) kết hợp chăm sóc vết thương tại chỗ, các biện pháp hỗ trợ, phẫu thuật,... phải cá thể hoá từng bệnh nhân.

- Ngày nay khái niệm về điều trị vết thương rất thông dụng là TIME, TIMER, MOIST nhấn mạnh vai trò của oxy trong điều trị vết thương. Với tại chỗ cần làm sạch vết thương, dùng cách loại băng gạc phù hợp giai đoạn lành vết thương; Ngăn ngừa, loại bỏ Biofilm; Hút áp lực âm (HBO) hoặc oxy cao áp là một phương tiện trong điều trị vết thương…

Các phương pháp điều trị vết thương khó lành

PGS.TS.BS.CK2 Nguyễn Anh Tuấn cho biết: “Đây là vấn đề liên quan đến nhiều chuyên khoa nên cần phối hợp các chuyên gia về chăm sóc vết thương, bác sĩ ngoại thổng quát, bác sĩ tạo hình, mạch máu, nội tiết, chuyên gia về bệnh nhiễm trùng, chuyên gia vật lý trị liệu”.

Để phòng ngừa và điều trị phải giảm thiểu nguy cơ gây tổn thương (giảm áp lực, tại chỗ giảm co kéo, dinh dưỡng bệnh nhân tốt,…). Kiểm soát bệnh nội khoa đi kèm. Bảo vệ và thúc đẩy lành vết thương bằng cách loại băng gạc tại chỗ, công nghệ mới,…

Để tái phân bố áp lực (giảm ma sát và kéo trượt) có nhiều cách như thay đổi tư thế thường xuyên, mỗi 2 giờ đối với bệnh nhân nằm bất động và 1 giờ đối với bệnh nhân ngồi xe lăn, bệnh nhân ngồi xe lăn mỗi 15 phút cũng có thể tự điều chỉnh tư thế.

Tránh thao tác ở vùng xương bị nhô ra (massage). Tạo tư thế thích hợp nhằm tránh tạo ra lực ma sát, lực kéo trượt, nâng lên, không kéo. Dùng chất bôi trơn (bột bắp) hay các axit béo như axit linoleic hoặc che phủ nhằm giảm tổn thương da do lực ma sát.

Tái phân bố áp lực rất quan trọng, là điều trị nhắm vào nguyên nhân bằng cách dùng các thiết bị phụ trợ như nệm hơi, tấm đệm chân tay nơi có nguy cơ. Dùng gối hay đệm tại các vùng xương nhô ra như đầu gối, tránh tiếp xúc trực tiếp. Nâng cao đầu khỏi giường không quá 30 độ, trừ khi cần thiết.

Đối với giảm áp lực tái phân bố hiện nay được chia thành 2 nhóm: Thứ nhất là áp lực thấp không thay đổi, phân bố áp lực đều trên bề mặt rộng: nệm hơi, nước, gel,… Thứ hai là thay đổi áp lực: tránh tì đè một điểm thời gian kéo dài.

Một trong các phương tiện điều trị huyết tương thông dụng nhất là sử dụng các loại băng gạc. Tiêu chuẩn băng gạc lý tưởng là lấy bỏ dịch tiết, độc tố; giữ ẩm môi trường vết thương; cho phép thông khí tốt; cách nhiệt giúp giữ ấm, tránh quá nóng, quá lạnh; kháng khuẩn; bảo vệ vết thương tránh nhiễm trùng thứ phát; không chứa chất liệu, vật liệu gây độc cho vết thương; không gây chân thương, tổn thương mô khi thay băng; có tác dụng bất động vết thương; giảm phù nề.

Hút áp lực âm (băng chủ động) ra đời từ lâu và gần đây có nhiều công nghệ cải tiến, vai trò hơn hẳn các loại băng khác. Với cơ chế tạo ra áp lực âm trong vết thương để hút hết dịch tiết, vụn hoại tử giúp hút hết các chất tiết chứa vi trùng, các tế bào viêm. Có chức năng căng giãn cơ học làm thu hẹp vết thường thúc đẩy tạo mô hạt, tăng vi sinh mạch máu. Giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng.

So sánh băng truyền thống với băng hút áp lực âm

Cắt lọc vết thương cũng có vai trò quan trọng vì phải loại bỏ các mô hoại tử, chất vị vật trong vết thương,… bằng một hoặc nhiều phương pháp.

Cắt lọc bằng tia nước là phương pháp cắt lọc vết thương mới. ùng tia NaCl áp lực cao để loại bỏ các mô hoại tử, dị vật khỏi vết thương. Với lợi ích chính xác, không làm tổn thương các mô lành; giảm đau và ít chảy máu so với cắt lọc truyền thống. Thúc đẩy lành vết thương.

Cắt lọc bằng tia nước phù hợp với các vết thương mạn tính, vết thương nhiễm trùng, bỏng, chấn thương.

Gần đây, còn có cắt lọc bằng siêu âm là kỹ thuật cắt lọc dùng sóng siêu âm tần số cao làm sạch, loại bỏ mô hoại tử, biofilm khỏi vết thương.

Phương pháp này ít xâm lấn, cắt lọc chọn lọc, không tác động vào mô lành, giảm đau, thúc đẩy lành vết thương. Được chỉ định đối với các vết thương mạn tính, vết thương nhiễm trùng, bỏng...

Cắt lọc bằng băng gạc là dùng các loại băng gạc đặc biệt để lấy bỏ các mô chết, hoại tử... của vết thương. Đây là phương pháp ít xâm lấn, tiện lợi, dễ sử dụng, thúc đẩy lành vết thương.

Các loại băng gạc:

- Hydrocolloid: Thúc đẩy cắt lọc tự phân huỷ, tương tác với dịch tiết tạo gel thuận lợi cho đào tải mô chết.

- Hydrogel: Thành phần chứa nhiều nước giúp mềm mô hoại tử, thúc đẩy tự phân huỷ, tốt cho các vết thương khô.

- Alginate: Nguồn gốc rong biển, hấp thu lượng lớn dịch tiết.

- Các Enzyme: Chứa các enzyme phân huỷ mô hoại tử…

PGS.TS.BS.CK2 Nguyễn Anh Tuấn nhận định: "Một số tiến bộ trong điều trị vết thương, ngày nay nhấn mạnh đến cá thể hóa, sử dụng các loại băng gạc phù hợp giai đoạn, tiến triển lành vết thương. Hút áp lực âm là loại băng gạc chủ động có nhiều lợi ích so với các loại băng gạc kinh điển".

Tiến triển của vết thương có 5 giai đoạn: nhiễm bẩn, nhiễm khuẩn, nhiễm trùng tại chỗ, nhiễm trùng lan rộng, nhiễm trùng toàn thân.

Đặc biệt giai đoạn nhiễm trùng tại chỗ không cần sử dụng kháng sinh mà chỉ cần chăm sóc vết thương hoặc dùng chất kháng khuẩn. Chỉ từ giai đoạn nhiễm trùng lan rộng trở đi mới sử dụng kháng sinh, để tránh kháng thuốc.

Điều trị oxy cao áp có tác dụng giảm thiểu oxy mô, giảm tạo biofilm, tăng đề kháng, giảm các chất tiền viêm, tăng yếu tố tăng trưởng và cytokine chống viêm, giảm phát triển vi trùng.

Phẫu thuật trong điều trị vết thương gồm có khâu, xoay chuyển các vạt da, ghép da, vá da. Mục đích nhằm đóng kín vết thương càng sớm càng tốt khi điều kiện nền vết thương cho phép.

Đặc biệt, vạt là một đơn vị mô được chuyển từ vị trí này (nơi cho) đến vị trí khác (nơi nhận) trong khi vẫn duy trì nguồn máu nuôi cung cấp cho đơn vị mô đó.

Vạt có lợi ích che phủ, trám các khuyết hổn, tái tạo tổn thương, tự nuôi sống, mang máu nuôi cho vùng nhận, tự do trong chọn lựa các loại chất liệu (da, cơ, xương,…), không giới hạn bởi khoảng cách (vạt vi phẫu).

PGS.TS.BS.CK2 Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh: “Các vết thương khó lành là các vết thương mạn tính do tiểu đường, loét mạch máu, tổn thương tì đè... Điều trị thường khó khăn, cần có sự phối hợp của nhiều chuyên khoa, điều trị người bệnh, thích ứng với từng bệnh nhân”.

Hiện nay, có nhiều tiến bộ trong các sản phẩm băng gạc (phù hợp với từng giai đoạn của vết thương), chống nhiễm trùng, phá huỷ biofilm... Các tiến bộ có tính chất thay đổi điều trị, thúc đẩy liền vết thương như băng gạc, cắt lọc, chống nhiễm trùng, biofilm...

Hội nghị Khoa học thường niên của Hội Y học TPHCM là diễn đàn uy tín, nhận được sự quan tâm và mong chờ của tất cả các chuyên gia, bác sĩ, nhân viên y tế trên cả nước.

Năm 2024, hội nghị mang đến chủ đề "Cập nhật những thành tựu y học trong Thực hành Lâm sàng", mong muốn mang đến kiến thức hữu ích cho nhân viên y tế, đặc biệt là bác sĩ đa khoa, bác sĩ gia đình, thành tựu đỉnh cao của các chuyên khoa.

Hội nghị đón nhận gần 200 y bác sĩ tham dự trực tiếp và hơn 800 y bác sĩ theo dõi trực tuyến.

>>> Hội nghị Khoa học thường niên Hội Y học TPHCM 2024: Bao quát các vấn đề, giới thiệu thành tựu mới nhất của từng chuyên khoa

>>> Đối phó bệnh nhiễm trùng cần các loại thuốc điều hòa phản ứng miễn dịch trong cơ thể ký chủ

>>> Số người mắc và chết vì thừa cân béo phì nhiều hơn so với thiếu dinh dưỡng

>>> Trung bình cứ 3 giây lại có 1 ca gãy xương do loãng xương

>>> Muốn tránh đột tử, hãy tầm soát sức khỏe trước khi thi đấu thể thao

>>> Tiến bộ mới về chẩn đoán, quản lý giúp giảm biến chứng, cứu sống bệnh nhân viêm gan B

>>> Bước tiến mới trong chẩn đoán và điều trị bệnh phổi mô kẽ trong viêm khớp dạng thấp

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X