Phẫu thuật bóc lớp trong động mạch cảnh là phương pháp điều trị an toàn và hiệu quả trong phòng ngừa đột quỵ
Đây là một trong những nội dung được PGS.TS.BS Đỗ Kim Quế - Chủ tịch Liên chi hội Phẫu thuật Lồng ngực Tim mạch TPHCM đặc biệt nhấn mạnh trong phần báo cáo “Cập nhật tiến bộ trong điều trị hẹp động mạch cảnh ngoài sọ” tại Hội nghị Khoa học thường niên 2024 của Hội Y học TPHCM.
PGS.TS.BS Đỗ Kim Quế - Chủ tịch Liên chi hội Phẫu thuật Lồng ngực Tim mạch TPHCM cho biết: “Đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 3, nhưng là nguyên nhân hàng đầu gây tàn phế”.
Theo thống kê, tại Mỹ mỗi năm có khoảng 700.000 trường hợp bị đột quỵ. Tại Châu Âu, có khoảng 1,4 triệu trưởng hợp bị đột quỵ mỗi năm, trong đó khoảng 1,1 triệu trường hợp tử vong do đột quỵ.
Đột quỵ có liên quan đến yếu tố nguyên nhân và một trong những nguyên nhân có thể phòng ngừa được là hẹp động mạch cảnh. Thống kê trên thế giới cho thấy khoảng 20 - 30% các trường hợp đột quỵ liên quan đến hẹp động mạch cảnh.
“Lợi ích của phẫu thuật bóc lớp trong động mạch cảnh để phòng ngừa đột quỵ đã được chứng minh qua các nghiên cứu lớn trên thế giới. Với trường hợp bệnh nhân bị hẹp động mạch cảnh nếu điều trị hợp lý sẽ làm giảm nguy cơ đột quỵ từ 25 - 60%” - PGS.TS.BS Đỗ Kim Quế thông tin.
Theo các khuyến cáo, đầu tiên để phát hiện hẹp động mạch cảnh nên sử dụng siêu âm để tầm soát và đánh giá mức độ hẹp động mạch cảnh. Bên cạnh đó, có thể kết hợp với CT-scan hoặc chụp cộng hưởng từ để đánh giá các trường hợp hẹp động mạch cảnh ngoài sọ.
Thứ hai, với những trường hợp bệnh nhân dự kiến thực hiện phẫu thuật bóc lớp trong động mạch cảnh thì có thể chỉ cần sử dụng siêu âm duplex (một dạng kết hợp giữa siêu âm bình thường và doppler) để đánh giá mức độ hẹp động mạch cảnh, cũng như tình trạng nặng của động mạch cảnh để quyết định điều trị.
Nếu chỉ siêu âm thì yêu cầu có 2 người thực hiện một cách khách quan để đảm bảo tránh sự chủ quan của 1 người dẫn đến kết quả siêu âm sai. Trong trường hợp nghi ngờ 2 kết quả siêu âm thì có thể sử dụng CT-scan hoặc MRI để đánh giá.
Khuyến cáo thứ ba, với những trường hợp hẹp động mạch cảnh dự kiến can thiệp đặt stent động mạch cảnh thì ngoài siêu âm, bắt buộc phải có CT-scan. Trong CT-scan bắt buộc phải đánh giá cung động mạch chủ và vị trí xuất phát của các nhánh động mạch từ cung động mạch chủ để có thể can thiệp một cách an toàn.
Khuyến cáo thứ tư, nếu trung tâm chỉ dựa vào siêu âm duplex để quyết định điều trị cho bệnh nhân hẹp động mạch cảnh thì phải có chuẩn hóa của trung tâm để bảo đảm chất lượng siêu âm ở mức tốt nhất.
Thứ năm, trước đây vẫn xem chụp mạch (chụp DSA) là tiêu chuẩn vàng để đánh giá các bệnh lý về mạch máu, trong đó có bệnh lý động mạch cảnh. Tuy nhiên, qua các nghiên cứu lớn thấy rằng, với hẹp động mạch cảnh ngoài sọ khuyến cáo không nên sử dụng X-quang động mạch để đánh giá mức độ hẹp động mạch cảnh.
Nên điều trị nội khoa, phẫu thuật hay đặt stent cho bệnh nhân hẹp động mạch cảnh?
Theo nghiên cứu gộp, tổng hợp 10 nghiên cứu trên thế giới hơn 6.000 bệnh nhân thấy rằng, với những trường hợp hẹp động mạch cảnh:
- Từ 0 - 30%: Điều trị nội khoa sẽ tốt hơn so với phẫu thuật.
- Từ 30 - 49%: Điều trị nội khoa sẽ tốt hơn so với bóc lớp trong động mạch cảnh. Nguy cơ bệnh nhân bị đột quỵ ở nhóm điều trị nội khoa chỉ từ 16 - 25%, trong khi đó ở nhóm phẫu thuật nguy cơ là 18 - 22%.
- Từ 50 - 69%: Nguy cơ đột quỵ ở nhóm phẫu thuật là 20% so với 27,8% ở nhóm điều trị nội khoa.
- Từ 70 - 99%: Trong vòng 5 năm 32,7% bệnh nhân sẽ bị đột quỵ (cứ 3 bệnh nhân hẹp động mạch cảnh sẽ có 1 người bị đột quỵ). Trong khi đó nếu tiến hành phẫu thuật sẽ giảm được nguy cơ bị đột quỵ của bệnh nhân xuống còn khoảng 17%.
- Trường hợp tắc hoàn toàn động mạch cảnh dù phẫu thuật hay điều trị nội khoa thì nguy cơ đột quỵ tương đương khoảng 22%.
Qua đó cho thấy, với những trường hợp hẹp động mạch cảnh từ 50 - 99% thì bóc lớp trong động mạch cảnh sẽ có lợi hơn điều trị nội khoa. Tuy nhiên lợi ích chỉ thực sự nhiều đối với nhóm hẹp từ 70 - 99%.
Dựa vào nghiên cứu gộp (đánh giá qua 10 nghiên cứu ngẫu nhiên) đánh giá kết cục trong 30 ngày ở nhóm bệnh nhân hẹp động mạch cảnh có triệu chứng lâm sàng, khi so sánh giữa phẫu thuật bóc lớp trong động mạch cảnh và đặt stent động mạch cảnh cho thấy:
- Tỷ lệ tử vong: Phẫu thuật bóc lớp trong động mạch cảnh chiếm 1,4% và đặt stent động mạch cảnh là 1,9%.
- Về đột quỵ: 8,5% bệnh nhân sẽ bị đột quỵ trong 30 ngày nếu can thiệp đặt stent động mạch cảnh so với 4,6% khi tiến hành phẫu thuật.
- Gộp cả đột quỵ và tử vong: 9,3% các trường hợp can thiệp đặt stent động mạch cảnh sẽ tử vong hoặc đột quỵ (khoảng 10 can thiệp thì có 1 người bị đột quỵ hoặc tử vong). Trong khi đó, ở nhóm bệnh nhân phẫu thuật là khoảng 5,1%.
- Với những trường hợp đột quỵ để lại di chứng gây tàn phế ở nhóm can thiệp đặt stent động mạch cảnh là 3,3% so với 1,8% ở nhóm phẫu thuật bóc lớp trong động mạch cảnh.
Từ đó cho thấy, phẫu thuật bóc lớp trong động mạch cảnh sẽ đem lại lợi ích nhiều hơn đối với hẹp động mạch cảnh có triệu chứng lâm sàng.
Qua một nghiên cứu khác nhận thấy, với những trường hợp bệnh nhân trên 70 tuổi thì đặt stent động mạch cảnh sẽ có tỷ lệ tử vong cao hơn hẳn so với phẫu thuật.
Từ đó khuyến cáo, với hẹp động mạch cảnh có triệu chứng lâm sàng từ 70 - 99% và nguy cơ tử vong liên quan đến phẫu thuật hoặc can thiệp dưới 6% thì ưu tiên phẫu thuật bóc lớp trong động mạch cảnh.
Với những trường hợp hẹp từ 50 - 69% có thể tiến hành phẫu thuật bóc lớp trong động mạch cảnh hoặc can thiệp đặt stent nhưng lợi ích không lớn.
Trường hợp bệnh nhân trên 70 tuổi, hẹp từ 50 - 99% khuyến cáo nên phẫu thuật bóc lớp trong động mạch cảnh.
Có thể đặt stent động mạch cảnh cho những trường hợp bệnh nhân dưới 70 tuổi, nếu nguy cơ về phẫu thuật cao.
Trường hợp hẹp động mạch dưới 50% không can thiệp đặt stent hay phẫu thuật bóc lớp trong động mạch cảnh.
Với những trường hợp bệnh nhân hẹp động mạch cảnh và có triệu chứng lâm sàng thì khi bệnh nhân có triệu chứng lâm sàng trong vòng 6 tháng và hẹp động mạch cảnh từ 70 - 99%, khuyến cáo nên can thiệp phẫu thuật bóc lớp trong động mạch cảnh sớm cho bệnh nhân.
Trường hợp bệnh nhân hẹp động mạch cảnh, có triệu chứng lâm sàng và giải phẫu của bệnh nhân không thuận lợi cho phẫu thuật thì có thể cân nhắc đặt stent động mạch cảnh.
Về thời điểm phẫu thuật, khi bệnh nhân có triệu chứng lâm sàng khuyến cáo nên can thiệp phẫu thuật hoặc đặt stent động mạch cảnh trong vòng 2 tuần kể từ khi có triệu chứng, vì sau 2 tuần nguy cơ sẽ cao hơn.
PGS.TS.BS Đỗ Kim Quế nhận định: “Với phẫu thuật động mạch cảnh thì đường mổ rất nhỏ và kết quả tương tự các phẫu thuật kinh điển. Các nghiên cứu hiện nay cho thấy, với những đường mổ nhỏ khoảng 3cm vẫn đem lại kết quả tốt”.
Tại Bệnh viện Thống Nhất, phẫu thuật bóc lớp trong động mạch cảnh hơn 1.800 trường hợp. Với tỷ lệ tử vong là 0,3% và tỷ lệ đột quỵ trong vòng 30 ngày là 0,4% (nghĩa là dưới 1% bệnh nhân bị tử vong và đột quỵ).
PGS.TS.BS Đỗ Kim Quế lưu ý, sau khi phẫu thuật sẽ sử dụng thuốc chống kết tập tiểu cầu. Ưu tiên sử dụng chống kết tập tiểu cầu kép trong vòng 1 tháng đầu tiên và sau đó sẽ sử dụng chống kết tập tiểu cầu đơn hoặc Aspirin hoặc Clopidogrel lâu dài cho bệnh nhân để phòng ngừa nguy cơ đột quỵ.
>>> Số người mắc và chết vì thừa cân béo phì nhiều hơn so với thiếu dinh dưỡng
>>> Trung bình cứ 3 giây lại có 1 ca gãy xương do loãng xương
>>> Muốn tránh đột tử, hãy tầm soát sức khỏe trước khi thi đấu thể thao
>>> Tiến bộ mới về chẩn đoán, quản lý giúp giảm biến chứng, cứu sống bệnh nhân viêm gan B
>>> Bước tiến mới trong chẩn đoán và điều trị bệnh phổi mô kẽ trong viêm khớp dạng thấp
>>> Phòng ngừa HPV cho cả nam và nữ để tránh nguy cơ lây nhiễm
>>> Đối phó bệnh nhiễm trùng cần các loại thuốc điều hòa phản ứng miễn dịch trong cơ thể ký chủ
>>> Cập nhật các tiến bộ trong điều trị vết thương khó lành
>>> Vai trò quan trọng của ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý dụng cụ phẫu thuật
Bài viết có hữu ích với bạn?
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình