Đột quỵ ở người trẻ: Xuất huyết não gặp nhiều hơn, tiên lượng tốt hơn cao tuổi
Tại Hội nghị Khoa học thường niên 2024 do Bệnh viện Nhân dân Gia Định tổ chức, TS.BS Võ Văn Tân - Trưởng khoa Nội Thần kinh - Bệnh viện Nhân dân Gia Định nhận định, đột quỵ ở người trẻ có các triệu chứng tương tự như người cao tuổi, tỷ lệ ngày càng gia tăng, với tiên lượng tốt hơn, song cần được quan tâm và chú ý hơn.
Tăng huyết áp, béo phì, thuốc gây nghiện góp phần làm đột quỵ gia tăng ở người trẻ
Dẫn chứng thống kê năm 2010, TS.BS Võ Văn Tân cho biết, đột quỵ người trẻ chiếm tỷ lệ khoảng 15%. Khác với người lớn tuổi, ở người trẻ đột quỵ xuất huyết não gặp nhiều hơn. Cụ thể, ở bệnh nhân lớn tuổi, xuất huyết màng não chỉ khoảng 5%, đột quỵ nhồi máu não 80%. Trong khi đó, trên người trẻ tuổi, xuất huyết màng não là 30%, trong khi đột quỵ nhồi máu não khoảng 50%. Đột quỵ xuất huyết nội sọ ở nhóm bệnh nhân trẻ tuổi và cao tuổi tương tự như nhau.
Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, đột quỵ người trẻ có liên quan chủng tộc. Người Mỹ gốc Phi có tỷ lệ đột quỵ gấp đôi người da trắng. Phân bố vùng miền trên thế giới cũng cho thấy, tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ khác nhau trên toàn thế giới và nhìn chung cao hơn ở các nước đang phát triển so với các nước đã phát triển, điển hình như châu Âu 5-15/100.000/người/năm; Bắc, Mỹ, Úc, châu Á 20/100.000/người/năm; châu Phi và Iran 40/100.000/người/năm.
Đặc điểm lâm sàng và cận lâm sàng đột quỵ ở người trẻ tương đối khác biệt so với người lớn tuổi. Hiện nay đã thống nhất lấy mốc đột quỵ ở người trẻ là < 50 tuổi, trong đó sẽ chia thành 2 đối tượng gồm trẻ sơ sinh, trẻ vị thành niên (từ sơ sinh đến dưới 18 tuổi) và người trẻ (từ 18 tuổi đến dưới 50 tuổi).
Tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ có sự gia tăng đáng kể. Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ, ghi nhận trong 11 năm tỷ lệ đột quỵ tăng 7,8%, trong đó tập trung ở nhóm bệnh nhân từ 18-44 tuổi. Chuyên gia đánh giá, tăng huyết áp, béo phì cũng như sử dụng thuốc gây nghiện, yếu tố nhiễm trùng chính là những yếu tố góp phần làm gia tăng đột quỵ ở người trẻ.
Một thống kê 18 năm (2000 - 2018) cho thấy, tỷ lệ béo phì ở nam tăng từ 28 - 43%, đặc biệt là ở nhóm 40 đến gần 60 tuổi tỷ lệ này tăng 45%. Tương tự, tăng huyết áp cũng tăng từ 40 - 47% trong thống kê. Bên cạnh đó, tỷ lệ đột quỵ người trẻ cao hơn các nước thu nhập thấp so với các nước thu nhập cao cũng có thể liên quan đến tình trạng nhiễm trùng như HIV, bệnh thấp khớp, việc phát hiện và điều trị các yếu tố nguy cơ mạch máu ít hơn do nguồn lực hạn chế.
4 câu hỏi cần được giải đáp khi đứng trước một người trẻ bị đột quỵ
TS.BS Võ Văn Tân nhấn mạnh, đứng trước một trường hợp đột quỵ ở người trẻ cần phải trả lời được 4 câu hỏi: Đây có thực sự là một cơn đột quỵ?, Chúng ta điều trị đột quỵ như thế nào?, Nguyên nhân gây đột quỵ là gì? và Làm thế nào để dự phòng đột quỵ?.
Trưởng khoa Nội Thần kinh - Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho biết, ngày nay các dấu hiệu của đột quỵ được chẩn đoán tốt hơn. Việc chẩn đoán chậm tương đối hiếm. Tuy vậy, nếu có sự chậm trễ trong chẩn đoán ở bệnh nhân trẻ tuổi thì nguyên nhân chính là do có nhiều biểu hiện giống đột quỵ.
Đầu tiên để chẩn đoán đột quỵ, cần dựa vào dấu hiệu lâm sàng (FAST hoặc BEFAST). Đối với một số đối tượng đặc biệt, ví dụ như trẻ em - cơn co giật cũng có thể là một biểu hiện của đột quỵ. Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, khiếm khuyết khu trú ít gặp hơn vì não chưa đủ trưởng thành để thể hiện những khiếm khuyết này. Nhưng có những bất thường về tư thế và vận động hoặc loạn trương lực cơ, múa giật, múa vờn cũng là dấu hiệu gợi ý của đột quỵ.
Chuyên gia lưu ý, cần chẩn đoán phân biệt đột quỵ ở người trẻ với những bệnh cảnh có triệu chứng tương tự như đột quỵ như migraine, động kinh, liệt thần kinh VII ngoại biên, rối loạn nhận lức, ngất, viêm não, hủy myelin hệ thần kinh trung ương, rối loạn thần kinh ngoại biên, nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương, ngộ độc, u hệ thần kinh trung ương, hủy myelin tủy.
Bên cạnh dấu hiệu lâm sàng còn có thể dựa vào chẩn đoán hình ảnh. Trong đó, CT là khuyến cáo đầu tiên để chẩn đoán và ngoài ra còn có MRI.
“Việc điều trị đột quỵ ở người trẻ về cơ bản trong giai đoạn cấp hầu như tương tự như bệnh nhân lớn tuổi. Trong giai đoạn sớm có thể sử dụng thuốc tiêu sợi huyết, sau đó có thể tái thông lấy huyết khối và cuối cùng bệnh nhân được điều trị ở đơn vị đột quỵ.
Hiện nay, mốc thời gian “vàng” điều trị tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch là 4,5 giờ đầu. Mốc can thiệp lấy huyết khối là 6 giờ đầu. Tuy nhiên, thời gian gần đây, một số nghiên cứu cho thấy có thể mở rộng thời gian điều trị lấy huyết khối lên đến 16 giờ. Đặc biệt là với bệnh nhân tắc động mạch thân nền, cửa sổ điều trị này có thể lên đến 24h” - TS.BS Võ Văn Tân cho biết.
Khi đã điều trị giai đoạn cấp, bác sĩ cần tìm nguyên nhân gây đột quỵ ở bệnh nhân trẻ tuổi, theo chuyên gia. Đối với bệnh nhân nữ cần tìm các yếu tố nguy cơ như thuốc tránh thai có chứa estrogen, mang thai. Bên cạnh đó chúng ta cần tìm thêm các yếu tố tăng đông do di truyền hoặc mắc phải, bao gồm các bệnh lupus ban đỏ hệ thống, tăng homocysteine máu, đột biến gen methylenetrahydrofolate reductase (nam), bệnh hồng cầu hình liềm, bệnh lý ác tính, mang thai, sử dụng biện pháp tránh thai có chứa estrogen.
Ngoài ra, chuyên gia cho rằng, đừng bỏ qua các nguyên nhân như bệnh lý mạch máu, viêm mạch máu (bệnh fabry, bệnh moyamoya, viêm động mạch tế bảo khổng lồ, loạn sản sợi cơ…); bóc tách động mạch cảnh hoặc động mạch đốt sống. Hoặc các yếu tố nguy cơ truyền thống như tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, đái tháo đường, rung nhĩ, bệnh cơ tim, bệnh van tim, béo phì, viêm nội tâm mạc nhiễm trùng, bệnh tim bẩm sinh, còn lỗ bầu dục. Đồng thời càng cần phải chú ý đến vấn đề lối sống của bệnh nhân (hút thuốc lá, ít vận động thể lực, ăn uống kém, uống nhiều rượu, sử dụng ma túy, chất gây nghiện).
Để dự phòng đột quỵ tái phát ở người trẻ, yếu tố tiên quyết là tìm nguyên nhân để điều trị
Tỷ lệ tái phát hằng năm của đột quỵ thiếu máu não là 9,5%. Do vậy, chuyên gia khuyến nghị, dự phòng tái phát rất quan trọng. Để làm tốt điều này cần phải tìm nguyên nhân, bên cạnh các xét nghiệm như bệnh nhân cao tuổi thì ở nhóm trẻ tuổi cần phải làm thêm xét nghiệm homocysteine, TSH và xét nghiệm tăng đông khác như ESR và CRP, Hypercoagulable panel. Về hình ảnh ngoài khảo sát nhu mô, cần phải khảo sát mạch máu, cần xem xét bất thường cấu trúc của tim CTA/MRA, 24h-holter…
Tương tự như vậy, việc chẩn đoán đúng nguyên nhân cũng rất quan trọng đối với việc điều trị. Chuyên gia cũng đề cập đến các tình huống mà người thầy thuốc cần lưu ý. Đối với hội chứng kháng phospholipid (APS), có thể làm xét nghiệm lặp lại những marker chẩn đoán sau 3 tháng, thường điều trị bằng kháng vitamin K có/hoặc không có kết hợp với kháng kết tập tiểu cầu.
Đối với bệnh behcet, đặc điểm bệnh nhân có tổn thương ở thân não hoặc có kèm theo loét ở miệng/vùng niêm mạc môi, điều trị thường bằng interferon alfa. Bên cạnh đó, một bệnh lý thường gặp ở bệnh nhân trẻ tuổi đó là bóc tách động mạch cảnh, thường bệnh nhân đến sau chấn thương, có thể có hội chứng horner, chẩn đoán dựa vào hình ảnh mạch máu CTA hoặc MRI, có thể điều trị kháng đông hoặc kháng kết tập tiểu cầu từ 6-12 tháng.
Đối với trường hợp bệnh nhân sử dụng thuốc gây nghiện, bác sĩ có thể khai thác đường sử dụng (hít, tiêm tĩnh mạch), có thể xét nghiệm độc tố trong nước tiểu. Tình huống này không điều trị đặc hiệu, chỉ khuyên bệnh nhân ngừng dùng thuốc gây nghiện. Bệnh nhân bóc tách động mạch nội sọ đến trong bệnh cảnh đau đầu, để chẩn đoán có thể dựa vào hình ảnh MRI hoặc CTA, điều trị thường là thuốc kháng kết tập tiểu cầu, không chỉ định sử dụng kháng đông.
Bên cạnh đó, nếu bệnh nhân đến trong tình huống sụt cân, cần nghĩ đến bệnh lý ác tính, có thể cho kiểm tra bằng CT ngực bụng, điều trị kháng đông. Đối với bệnh nhân migraine tiền triệu, thường đến khám trong tình trạng đau đầu và cơn này khả năng kéo dài hơn 60 phút, có thể kèm theo yếu nửa người, điều trị chủ yếu là giải quyết triệu chứng cho bệnh nhân.
Với những bệnh nhân điều trị xạ trị vùng cổ cũng gợi ý bệnh lý mạch máu sau xạ trị, ở nhóm này thường điều trị bằng thuốc kháng kết tập tiểu cầu. Một bệnh cảnh nữa là co thắt mạch máu thường gặp ở bệnh nhân xuất huyết dưới nhện hoặc bệnh nhân uống thuốc corticoid kéo dài, trong tình huống này có thể sử dụng cận lâm sàng là CTA hoặc MRA để chẩn đoán, điều trị bằng Nimodipin, không chỉ định điều trị corticoid bằng hay thuốc kháng kết tập tiểu cầu.
Chuyên gia còn đề cập một bệnh lý liên quan đến mạch máu thường gặp, đặc biệt đối với bệnh nhân châu Á, đó là moyamoya. “Nếu bệnh nhân trước 15 tuổi, thường đến với bệnh cảnh nhồi máu não ở người trẻ và sau 20 tuổi thì đến trong bệnh cảnh xuất huyết não. Chẩn đoán dựa vào CTA hoặc MRI mạch máu. Điều trị thuốc kháng kết tập tiểu cầu, chẹn kênh canxi hoặc có thể phẫu thuật Bypass” - TS.BS Võ Văn Tân nói.
Về điều trị, chuyên gia cho rằng, tùy theo nguyên nhân sẽ có điều trị đặc hiệu. Chẳng hạn đột quỵ thiếu máu não do nguyên nhân thuyên tắc từ tim hoặc do tình trạng tăng đông, điều trị chống đông, hoặc chỉ định aspirin (3 đến 5mg/kg mỗi ngày) nếu chống chỉ định với thuốc chống đông. Nếu do bóc tách động mạch ngoài sọ, điều trị bằng aspirin hoặc thuốc chống đông. Đột quỵ lỗ khuyết hoặc nguyên nhân ẩn dấu, điều trị bằng aspirin (3-5mg/kg mỗi ngày). Đột quỵ thiếu máu não do viêm mạch máu, điều trị thuốc ức chế miễn dịch.
Hay đối với bệnh hồng cầu hình liềm, truyền dịch tĩnh mạch bằng nước muối sinh lý và truyền máu, giảm tỷ lệ hemoglobin S xuống 30% tổng lượng hemoglobin. Đột quỵ thiếu máu não phù não cấp tính có hiệu ứng khối, đẩy lệch đường giữa và suy giảm ý thức, phẫu thuật sọ não giảm áp. Đột quỵ thiếu máu não hội chứng moyamoya phẫu thuật bắc cầu.
Cuối cùng, TS.BS Võ Văn Tân nhấn mạnh, ở người trẻ bị đột quỵ tiên lượng khả năng phục hồi tốt hơn ở người lớn do tuần hoàn bàng hệ tốt hơn, giảm vùng tổn thương não, vùng nhồi máu nhỏ hơn so với ở người lớn. Hơn nữa, não ở người trẻ đang phát triển có tính dẻo dai hơn, những vùng không tổn thương có thể đảm nhận chức năng của những vùng bị tổn thương.
Việc chẩn đoán và điều trị kịp thời góp phần cải thiện kết quả và giảm tỷ lệ tử vong. Do vậy, để có tiên lượng tốt, cần phải nhận diện, chẩn đoán đột quỵ kịp thời, chuyên gia đúc kết.
>>> Người trẻ suy thận mạn giai đoạn cuối, tuổi thọ rút ngắn đến 30 năm
>>> Lợi ích của liệu pháp hormone thay thế trong điều trị suy buồng trứng sớm
>>> 99% bệnh nhân phục hồi tự nhiên sau ngưng tim ngoại viện vẫn phải sống thực vật
>>> Cuộc chiến giảm cân ở người trẻ: Cần nhiều sự kiên trì hơn là động lực nhất thời
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình